Sau hơn mười lăm năm, nhà văn lão thành Đỗ-đức-Thu trong Tự Lực Văn Đoàn mới lại có truyện đăng trên báo. Truyện này ông viết cách đây bốn tháng và chúng tôi đăng vào Văn-Hoá Ngày-Nay để đánh dấu sự bắt đầu tiếp-tục sáng-tác của ông. Ông vẫn giữ được cái giọng hài-hước kín đáo và điềm tĩnh của ông trong những tập truyện “Nhà bên kia” và “Vỡ lòng” hồi năm 1940 với một vẻ già dặn hơn.
17-6-1958
VĂN-HOÁ NGÀY NAY
CÚNG CƠM
Đỗ-Đức-Thu
(trong Tự lực Văn Đoàn).
Đứa con đã ngồi sẵn cạnh mâm, tay lăm lăm đôi đũa. Nhưng Giang chưa cho con ăn, nàng còn bận đặt các thức ăn đã cơi riêng lên chiếc xích-đông đóng liền vào vách ván.
Đứa bé hỏi:
– Mẹ lại để phần cơm bố à? Bố có về đâu mà để phần?
Giang gắt:
– Mày thì biết cái gì? Có đói thì cứ ăn đi.
Đứa bé lại hỏi:
– Bố đi đâu lâu thế? Bao giờ bố về, hở mẹ?
Người mẹ như sốt ruột thêm:
– Thôi đừng có lục vấn. Đi đâu thì hỏi làm gì?
Mỗi lần thằng bé hỏi đến bố, là y như mẹ gắt. Thực ra, Giang cũng không biết trả lời con ra sao, người vợ cũng không biết là Thành, chồng nàng, đi đâu, bao giờ về. Mỗi lần nghĩ tới chồng, người đàn bà lại như thấy bực mình, rồi sinh gắt gỏng cả với con, một đứa con trai chưa đầy bẩy tuổi mà đã sớm thông-minh, đã nhiều lần làm Giang lúng túng vì những câu hỏi đột ngột, không biết trả lời thế nào cho ổn. Có lúc, nhìn khuôn mặt đĩnh-ngộ của đứa bé, Giang vuốt tóc con, nói một mình:
– Chóng rồi nhớn lên, lại giống bố mày!
Nghe giọng nói, thì «giống bố mầy!», có lẽ là một điều « đại bất-bạnh ». Theo ý người đàn bà, thì từ khi vào đây, Thành đã xao lãng gia-đình, không chu-tất bổn phận làm cha, làm chồng.Tuy Thành chưa để cho vợ con túng thiếu, nhưng tiền Thành đưa về cho vợ con rất thất thường, không đúng kỳ hẹn như các công-chức đưa tiền về đúng vào cuối tháng, cả về lượng cũng bất-định có khi là những món tiền kha khá, làm người vợ đã tưởng trở lại được thời-kỳ dồi-đào trước lúc di-cư, đã sắm sửa được chút đỉnh, cho mình, cho con. Nhưng rồi lại tiếp theo những thời-kỳ đằng đẵng mà chồng không mang về được một đồng. Có hỏi, anh chàng thản- nhiên trả lời:
– Có gi hãy cầm bán đi mà tiêu đỡ. Rồi sẽ hay.
Giang có sa nét mặt, hoặc than vãn về lối sống thất thường, thì Thành lại thêm:
– Có được miếng cơm ăn, gian nhà ở trong lúc này là may mắn lắm rồi; khối người chỉ mong có thế này mà không được. Sắm sửa, để dành tiền làm gì? Định làm giầu nữa sao?
Rồi càng như nói một mình:
– Mà không tích-cực tranh-đấu để củng cố lấy đất này, bọn chúng mà vào được, thì rồi đem bát máu đổi bát cơm cũng vị tất đã xong.
Giang cũng không hiểu chồng làm gì, trông vào những nguồn lợi nào. Nàng chỉ mang máng là chồng làm báo, mà làm báo thì không rõ lương nhiều hay ít, lĩnh vào ngày nào. Người vợ chỉ mong chồng làm công-chức, như ông Năm bên láng giềng, có lương chắc chắn, lĩnh đúng vào cuối tháng, có khi lại đưọc lĩnh sớm một vài ngày, Lúc về già thôi việc, lại có lương hưu-trí. Đời sống được hoàn-toàn đảm-bảo. Mà coi bộ làm công-chức không vất vả gì. Ỏng Năm vẫn béo phây-phây, mặt phì nộn hồng hào, không hề lộ vẻ lo lắng. Không như Thành, người gầy như mắm, chân như cẳng nhái, mắt sâu, má hóp, nét mặt lúc nào cũng đăm-đăm chiêu-chiêu.
Vậy mà dân lối xóm, cả đến ông Năm công-chức, đều cỏ vẻ kính nể anh chàng. Mỗi lần gặp Thành, họ đều niềm nở chào hỏi. Cả những buổi sáng, anh chàng thất thểu mò về, đầu tóc bù xù, áo quần nhầu nát, trông như thằng ma-cà-bông giở, làm người vợ thấy mà phát ngượng. Lại còn mấy cô gái xế cửa. Mỗi lần Thành đi qua là các cô ló ra nhìn theo, như nhìn một cái kỳ quan, rúc-ra rúc-rích, đến khi thấy ngưòi vợ, thì vội thu hồi ngay nét mặt vui vẻ, tiu-nghỉu như kẻ gian bị bắt chợt, thụt vào nhà như mấy con chuột bạch chui vào trong lỗ. Có lần, cô em ông Năm công-chức đã sang tận nhà, đưa Giang coi một tờ báo có in bức ảnh:
– Bác giai làm gì mà có hình trên mặt báo thế này, hở bác?
Đúng là ảnh Thành, tuy trông trẻ hơn, vì những nét vêu-vao không lộ ra. Người trong ảnh có vẻ chững-chạc, khác hẳn cái anh chàng chân đi chữ bát như vua hề hát bóng Charlot.
Giang trả lời, rất thành thực:
– Tôi cũng không biết.
– Gớm, bác cứ giấu, như bác giai làm gì mà bác lại không biết sao? Đây họ đề là văn-sĩ. Chắc phải làm to lắm mới có hình trên báo. Làm văn-sĩ là làm gì?
– Nào tôi có biết gì đâu!
Thiệt tình. Giang không biết. Không biết văn-sĩ là làm gì, to hay nhỏ, chỉ biết là kiếm được ít tiền, và đời sống rất bấp-bênh. Còn chuyện thấy hình chồng in trên báo, thì Giang cũng thờ-ơ như đối với những hình in đầy rẫy trên các tờ báo dán kín cả bức vách căn nhà bếp để che những chỗ hở: hình các cô gái đẹp, các quái thai, các nhà lãnh-tụ cách-mạng, những quân giết người có hạng, các chính-khách trứ danh, các hạm lớn, hạm nhỏ, con heo được giải thưởng trong một cuộc thi mục-súc, lưu-manh đủ cỡ, cây chuối mấy trăm buồng…
★
Tuy thờ-ơ với sự nghiệp của chồng, Giang cũng giữ tròn bổn-phận làm vợ, làm mẹ. Bổn phận đó nằm gọn trong vấn-đề: ăn. Không định tâm, người đàn bà ấy đã đạt được tới cái triết-lý sâu xa của cả nhân-loại: miếng ăn trên hết. Lo sao cho chồng con được ăn cho đủ, rồi ăn cho ngon. Bao nhiêu hoạt-động, khả-năng của người đàn bà đều hướng về bếp núc, chợ búa, vào con cá tươi, mớ rau non, làm sao cho có được miếng ăn ngon miệng và mâm cơm đẹp mắt. Nhưng ngưòi chồng nào có biết thưởng thức! Anh chàng bạ đâu ăn đấy, bạ gì ăn nấy. Chàng biết gần khắp các hàng phở bò, phở gà, bánh cuốn, mỳ, cháo trong vùng ; cả đến các tiệm cơm dĩa, các hàng cơm gánh. Anh chàng ít khi ăn cơm nhà. Thản hoặc một đôi khi rước về dăm ba ông bạn nghệ-sỹ, nghĩa là cũng có vẻ lêu-têu như chàng, rồi đòi cơm, đòi rượu, thì người vợ mới lại có dịp trổ tài đầu bếp.
Mỗi khi người chồng vắng nhà mà không dặn trước – mà việc nầy đã thành lệ – thì Giang lại để phần cơm. Dù vắng bao lâu, cũng để phần đủ mỗi ngày hai bữa. Phần cơm sáng hạ xuống, phần cơm chiều được đặt lên chiếc xích-đông. Y như là ở đây mới có người nằm xuống, ngày ngày được người nhà thương nhớ cúng cơm, để hình ảnh, vong-hồn người chết được lẩn quất với người sống thêm ít ngày, trước khi bị chìm vào quên lãng. Bây giờ người ta đã thôi cúng cơm người chết. Ở đây, người đàn bà cúng cơm một anh chồng còn sống, không biết đang phiêu-bạt ở phương nào. Âu cũng là một cử-chỉ chí thành!
★
Người đàn ông ngập ngừng giây lát, rồi bước vào nhà.
– Chào bác.
– Tôi không dám. Chào bác.
Giang nhớ mang mang đó là bạn của chồng, đã có lần đến nhà này. Nhưng nàng không biết tên. Khách của Thành rất nhiều ; mỗi lần họ tới thường tụ họp nhau trên căn gác xép, chuyện trò hay nhậu nhẹt, trong khi Giang chúi ở nhà dưới.
– Mời bác ngồi chơi. Nhà tôi đi vắng
– Vâng, tôi đã biết. Tôi tới nói để bác rõ là…là…
Người đàn ông ngập ngừng, tiếng nói ấp úng như bị tắc trong cổ họng. Giang nhìn, soi mói. Người đàn ông lúng lúng thêm ; rồi như thu hết can đảm, nói luôn một hơi dài:
– Tôi đến nói để bác biết là bác giai đã bị bắt tối hôm kia.
Giang như không hiểu cái tin đột ngột, trố mắt nhìn. Người đàn ông đã vượt được giai-đoạn khó-khăn nhất trong việc báo tin không hay cho vợ bạn, tiếp theo với một giọng đã vững-vàng hơn:
– Nhưng bác cũng không cần lo. Chỉ vài ba hôm, chắc bác giai lại được tha về.
Bây giờ Giang đã hiểu. Mặt tái đi, nàng hỏi dồn-dập:
– Nhà tôi bị bắt à? Tại sao, ai bắt?
– Đêm hôm kia bác giai có tới thăm một người bạn. Người này nghiện thuốc phiện. Đang ngồi nói chuyện bên cạnh bàn đèn, thì có lính kiểm-tục vào bắt, vì chính-phủ có lệnh cấm hút thuốc phiện.
– Nhưng nhà tôi có nghiện thuốc phiện dâu? Người nghiện, có bàn đèn thì mới trái luật chính-phủ chứ?
– Vâng. Vì thế tôi mới nói là bác khỏi lo. Nhân thấy ngồi đấy thì họ bắt đi thôi. Điều-tra xong, thấy rõ bác giai là người đứng đắn, không nghiện hút, thi chắc bác giai được thả về ngay.
Sự thật là đêm hôm đó, bọn họ đã đưa nhau đến, không phải là nhà một bạn nghiền, mà là một tiệm hút chính cống. Tiệm nàv tuy là bí mật, nhưng cũng đã được dân nghiện cả vùng biết đến, và thường lui tới. Lính kiểm-tục coi bộ cũng ngơ cho người chủ tiệm đã biết đem ngay cái nghiệp chướng nó đã hại mình đổi ra làm sinh lộ. Thỉnh thoảng, bọn kiểm-tục cũng nhắc nhở cho chủ tiệm biết là nghề kiếm ăn của hắn ở ngoài pháp luật, và bổn-phận hắn đối với những người đã làm ngơ cho hắn. Không may cho bọn Thành, đi chơi nhằm đúng một đêm đó. Nhưng nếu Thành nhanh nhẹn như mấy anh hạn thì cũng không bị vướng. Thấy động, họ đã bấm Thành, và nhanh chân lùi ra cửa sau tìm lối thoát. Nhưng mắt Thành vẫn không rời cuốn sách. Nằm vắt chân xem cuốn sách hay, sau mấy điếu thuốc ngon, thì đến bom nổ bên người, anh chàng cũng không nhúc nhích. Khi lính kiểm-tục ập vào, thì bên khay đèn còn chủ tiệm và Thành. Chủ tiệm có vẻ lỳ, cam với số phận. Hắn bị tóm không phải là lần thứ nhất. Một sự im lặng bất thường thay cho tiếng trò truyện rì-rào, rồi một tiếng như quát của người kiểm-tục:
– Ông cho coi căn cước.
Thành hạ cuốn sách, uề oải ngồi dậy, nhìn lên với một nét mặt rất bình thản. Bọn kiểm-tục cũng ngạc-nhiên về thái-độ đó. Thói thường, trong những trường hợp này, người bị thộp thường luống cuống, rồi năn nỉ, cố chối cãi một sự-kiện đã quá rõ ràng, ở đây nét mặt Thành vẫn lạnh như tiền. Họ nhắc lại:
– Ông cho coi căn cước.
Thành lấy căn cước đưa họ. Người trẻ tuổi nhìn căn cước, nhin Thành, như để so sánh nét mặt anh chàng với tấm hình trên tờ giấy, rồi đưa tấm căn cước cho một người lớn tuổi. Người này lại ngắm Thành, ngắm tờ căn cước. Hắn lẩm bẩm: « văn-sĩ »…. « nhà báo », rồi hỏi Thành, giọng đã dịu hẳn xuống:
– Ông làm gì ở đây?
Có thể câu hỏi đó là con sào cho Thành bám, để gỡ cái thế bí. Nhưng anh chàng đã không biết lợi dụng, lại còn ra vẻ ngạc-nhiên, khoát tay về bàn đèn:
– Các ông không thấy sao?
Đến lượt mấy người lính ngạc nhiên. Người đứng tuổi càu nhàu:
– Ông hút. Ông hút! bộ tôi đui sao mà không biết là ông hút! Nhưng tôi hỏi: ông đã là nhà báo mà lại không biết thuốc phiện là thứ quốc cấm sao?
Thành gật dầu:
– Biết.
– Biết sao ông còn hút?
Thành hỏi lại:
– Thế cứ cái gì đã cấm là không có ai làm à?
– Ông lại còn cãi. Cái gì đã cấm mà có ai làm?
Thành suy nghĩ giây lát, chậm rãi nói:
– Giáo-điều và luật-pháp đều ngăn ngừa tội lỗi xác thịt và kết án ngoại tình. Nếu ai cũng theo đúng, thì các chủ rạp hát bóng, chủ nhà ngủ đã phá sản hết từ lâu!
Người lính trẻ bịt miệng cưòi. Người đứng tuổi cố giữ vẻ nghiêm-nghị.
– Tôi không cãi lý với ông. |Đã thế thì mời ông về quận.
Thành vẫn thản nhiên, lấy cái đóm đánh đấu trang sách đọc giở, lặng lẽ xỏ giày.
★
Trái với mọi lần, chồng vắng nhà lâu ngày mà Giang không biết lang bạt nơi nào, thì lần này, nàng đã đuợc biết là chồng nằm trong khám. Theo lời anh bạn, thì chỉ dăm ba bữa sẽ được tha ra. Người luơng-thiện đâu có sợ tù tội. Vả lại, hai liếng «vào khám» cũng không còn cái nghĩa quan-trọng, khủng-khiếp trước kia. Bây giờ, ở quanh cái xóm nghèo này, Giang đã thấy mấv người bị xộ khám. Vào rồi lại ra. Anh Ba thợ may bị một bọn ăn cắp xe đạp vu cho là đồng lõa ; anh Tư thợ cạo bị tình-nghi là cộng-sản. Họ bị bắt. Vợ con nháo nhác, bỏ cả làm ăn, chạy hết cửa này cửa khác, nhưng đến khi họ được xét là vô tội, thì tự nhiên lại được tha về. Chỉ có anh hai Chuối, bị giam đã ngót năm nay, chưa thấy về, mà gia-đình cũng không được rõ là anh đã phạm tội gì. Nhưng có lẽ đấy là trường-hợp đặc-biệt, nhà chức-trách còn phải điều-tra. Chứ như Thành, chồng nàng, thì chỉ vì ngồi chơi cạnh bàn đèn! Thành không nghiện hút. Sư thực sẽ rõ ràng, Thành sẽ chắc chắn được tha. Nàng chỉ cố ráng chờ.
Bữa chiều, không thấy mẹ đặt cơm lên chiếc xích-đông, thằng bé hỏi:
– Mẹ không để phần cơm cho bố nữa à, mẹ?
Giang vuốt tóc con, rầu rầu nét mặt:
– Không phải để phần nữa. Bố đã có người nuôi rồi!
ĐỖ ĐỨC THU
Tháng giêng, Mậu-Tuất
Lê Thy đánh máy từ bản PDF
Nguồn: https://baovecovang2012.wordpress.com
VĂN HOÁ NGÀY NAY – Tập I 17-6-1958 - Kho Sách Xưa – Huỳnh Chiếu Đẳng
Được bạn: Thanh Vân đưa lên
vào ngày: 1 tháng 12 năm 2022