Mọi người đóng vai kịch của mình rất khéo. Buổi hội gồm đủ vẻ nghiêm trọng của một nhóm người họp lại bàn chuyện lớn và không khí thân mật của một lũ bạn, tuy tuổi tác có chênh lệch, ngồi lại với nhau vì một tình nghĩa khác hơn tình bạn thường. Nhưng tất cả đều chung một cảm nghĩ: tình cảm, ngôn ngữ, cử chỉ, thảy đều mòn bớt như món vật dụng ngày nào cũng cầm tới. Chẳng ai bảo ai, mỗi người đều gắng sức thêm một chút, cho bằng với cái giọng mà mỗi người cho rằng đúng. Từ bao năm nay, không kể những lúc mưu sinh tạp nhạp người này người nọ thường làm việc với nhau, họ vẫn đều đều họp mặt, hằng tuần, hằng tháng, có khi hai ba tháng một, tùy hoàn cảnh. Hồi này có khác đôi chút là họ thường họp hơn, vì một lãnh tụ đang có quyền, kéo theo một số anh em nắm giữ một số ghế. Họp nhiều để bàn thảo, có lẽ cũng để kiểm soát nhau nữa, để cùng mưu đồ không chừng.
Có một đặc điểm là khói um cả buổi họp. Xì-gà, tẩu, thuốc điếu, chẳng người nào có mặt lại không hút thuốc. Buổi họp đã tàn tới độ mọi người ngả lưng ra trên ghế, thở khói lên trần, chờ một người nào đó lên tiếng đề nghị bế mạc. Chợt một người đập mạnh tay xuống bàn. Mọi người chưng hửng, ngồi thẳng lại trên ghế, những cái đầu quay về một góc chiếc bàn dài. Người vừa đập tay xuống bàn, đồng chí Hải, bạnh chiếc hàm vuông, hau háu ngó thẳng trước mặt, đợi cho sự chú ý thật rõ rệt trong thoáng giây im lặng hoàn toàn, rồi mới cất tiếng:
– Tôi phải báo cáo một tin quan trọng. Tôi mới được tin đồng chí Thái.
Tin quan trọng thật, vì mọi người đều như tỉnh hẳn lại, cùng cất tiếng một lượt:
– Đồng chí Thái?
Trong vẻ kinh ngạc có đượm nhiều mừng vui, và mọi người nhao nhao cả lên với những câu hỏi tíu tít:
– Anh gặp anh Thái ở đâu?
– Tại sao không đưa ngay tới đây?
– Ai cho tin về Thái?
– Bây giờ Thái thế nào?
– Tại sao Thái không đi kiếm anh em?
– Chúng ta bặt tin Thái, nhưng Thái ít nhất cứ đọc báo cũng biết anh em đang hoạt động như thế nào, tại sao Thái không tới?
Đồng chí Hải cứ ngồi lặng thinh, đợi cho cơn sốt sắng nguôi bớt. Mãi sau Hải mới nói:
– Tôi mới được tin hồi chiều này, trường hợp khá đặc biệt, chính tôi cũng chưa tin không biết có đúng là Thái hay không. Từ ngày Thái mất liên lạc với đoàn thể có anh em nào nhận được tin tức gì về Thái đâu. Tin đến đột ngột khiến tôi phân vân, lại do một anh bạn từ lâu vẫn không có cảm tình với anh em ta, cho nên tôi hoài nghi, định một mình tìm Thái. Nếu tìm được và đúng là Thái mới báo cáo với anh em.
Nhưng tôi không thể giữ cho riêng tôi cái tin nóng sốt đó, tôi phải báo cáo ngay với anh em. Hồi chiều, tôi đậu xe trước cửa nhà, vừa bước xuống đang khóa cửa xe thì gặp Đại, chắc nhiều anh em trong chúng ta biết Đại. Hắn khật khưỡng đi ngang trên hè, thấy tôi bèn vỗ vai bảo: "Hôm qua vừa uống một bữa rượu đế say mèm với tên Thái, Thái đồng chí của cậu đó." Nghe Đại nhắc tới Thái tôi chột dạ, ngày xưa hai người cùng học một năm, chơi với nhau thân lắm.
Đại lè nhè nói tiếp: tỏ ý trách anh em mình bỏ rơi Thái. Tôi cứ tảng lờ không hé lộ chuyện anh em mình mất liên lạc với Thái, tạ sự rằng bận công việc nên ít gặp anh em cũ. Trước khi khật khưỡng bước đi, Đại vỗ vai tôi, bảo: "Thằng Thái bây gíờ nó nghèo lắm, chúng mày giàu có nên tìm giúp đỡ nó." Tôi liền níu áo Đại để hỏi cho rõ. Đại cho biết bây giờ Thái ở Tân Thuận Đông, có chiếc xe ba bánh chuyên chở cát bán cho những nơi xây cất nhỏ.
Mẩu chuyện của Hải tất nhiên gợi lên những câu hỏi để chẳng hỏi gì cả, phản ứng tự nhiên của số đông trong những trường hợp tương tự:
– Sao có thể thế được?
– Tại sao Thái sa sút đến thế?
Người nhiều tuổi nhất trong bọn, nhiều tuổi vì mái tóc trắng, ngôi ở giữa bàn, nhấc chiếc tẩu thuốc lá từ trên miệng xuống cầm tay, đợi cho mọi người im tiếng rồi nói:
– Mới biết tin làm sao anh Hải đã biết được vì đâu Thái sa sút như vậy. Theo tôi nghĩ, chúng ta cần thận trọng tìm hiểu trường hợp của anh Thái, tôi thấy có những điểm bất thường. Cho tới hôm nay trong chúng ta ai nấy hầu như tin rằng Thái đã bị hy sinh, nếu Thái còn sống thế tất phải tìm cách liên lạc với anh em. Đột nhiên có tin Thái còn sống, lại đang sống ngay tại thành phố này, tại sao Thái không liên lạc với anh em, đó là một điều cần tìm hiểu. Tin Thái còn sống bất ngờ và khác thường như vậy được đưa tới, cứ bề ngoài thì có vẻ một sự tình cờ, do một người như anh Hải vừa nói là không có cảm tình với chúng ta, biết đâu tin đó không mang một dụng ý gì, đó là hai điều cần tìm hiểu. Được tin một anh em cũ việc thứ nhất của chúng ta là phải đổ xô đến kiếm, nhưng tôi lưu ý anh em, chúng ta hiện đang ở trong chính quyền, nắm một phần quyền hành, chúng ta nhất định phải có kẻ thù, ít nhất cũng có những người ghen ghét, hoàn cảnh hiện tại nhiều cạm bẫy, chúng ta nên thận trọng.
Không ai có ý kiến gì. Lát sau Hải tiếp:
– Cứ như lời lẽ của Đại tôi thấy có vẻ thành thật, cho biết một cái tin vậy thôi. Đại tình cờ gặp Thái, rồi tình cờ gặp tôi, cho tôi biết tin. Tôi không thấy đáng nghi Đại ở điểm ngày xưa thật tình Đại chơi thân với Thái. Dù sao tôi cũng đồng ý với anh Việt là chúng ta phải đi kiếm Thái, nhưng rất thận trọng trong sự bắt liên lạc trở lại với Thái.
Việt đáp:
– Ý kiến của tôi như thế này: Anh Hải đã tình cờ được tin anh Thái, vậy anh Hải cứ theo lời chỉ dẫn của anh bạn lấy tư cách cá nhân đi kiếm Thái. Chúng ta, nhân danh đoàn thể, chỉ có thể có một thái độ nhất định sau khi anh Hải đã gặp lại Thái và nhận định về trường hợp Thái. Các anh có đồng ý như vậy không? Riêng một mình anh Hải căn cứ nơi lời mách bảo của anh bạn đi tìm gặp, anh em sẽ dễ xoay trở về sau hơn.
Mọi người đồng ý.
Đúng như lời chỉ dẫn của Đại, Hải rất dễ dàng tìm thấy chòm nhà ở mé sông, rồi căn nhà của Thái. Hải thận trọng đậu xe ở rất xa và bữa đó cũng ăn bận thật xoàng xĩnh, chiếc quần cũ, áo cụt tay bỏ ngoài lưng quần, chân đi dép. Căn nhà ở tận cùng xóm, vách dựng bẳng những lá tôn phế thải có in những mảng vuông đều đặn mang một nhãn hiệu bia Mỹ, hãng làm hộp lỡ in quá lố đem bán rẻ đi và nhà nhập cảng Việt Nam ý hẳn đã khôn ngoan mua về với giá khai chính thức là tôn mới để làm hộp. Mái nhà cũng lợp bằng thứ tôn đó nhưng đã có bàn tay công nghệ bản xứ nào tô điểm thêm thành tôn dợn sóng. Dưới ánh nắng chiều xuyên qua tàn lá của cây bã đậu trồng trước cửa, căn nhà nhỏ, gọn ghẽ một gian độc nhất, ở cuối con đường đất lượn vòng qua xóm, giống như hình vẽ một căn nhà trong cuốn sách của trẻ con hơn là một căn nhà thật. Một người đàn bà trẻ tuổi, nhan sắc không đặc biệt nhưng cũng không bình thường, có thể áp dụng công thức thường thấy trong những mẩu rao tìm bạn tâm giao trên báo hằng ngày « xấu đẹp tùy nơi người đối diện », ngồi trên một chiếc ghế đẩu bằng sắt hình vuông vốn là cái thùng đựng đạn của pháo binh, đang đan một chiếc giỏ hai màu vàng và đỏ. Hai cuốn sợi bằng chất nhựa dẻo để dưới chân. Thiếu phụ ngẩng mặt lên khi thấy bóng người đứng trước hàng ba.
Hải gật đầu chào và hỏi:
– Đây có phải nhà ông Thái?
Người đàn bả trẻ tuổi, có lẽ hơi bỡ ngỡ vì nhà không quen có khách, im lặng ngó người đàn ông to lớn đứng trước mặt đến mấy phút rồi mới hỏi lại:
– Ông muốn hỏi anh Ba có chiếc xe ba bánh chở cát, phải không?
– Đúng vậy. Anh Ba đâu, tôi là bạn cũ, mới hay tin anh ấy nên vội tới kiếm.
Thấy nói là bạn cũ của chồng, thiếu phụ liền đứng dậy, tự giới thiệu:
– Anh Ba là chồng tôi. Mời anh vô nhà chơi.
Hải ngó quanh thấy còn một chiếc thùng đạn sơn xanh ở góc hàng ba bèn bước tới đó và quay lại với thiếu phụ:
– Mời chị cứ ngồi, tôi ngồi đây cho mát.
Hai người ngồi xuống. Thiếu phụ tươi tắn ngó Hải và nói:
– Anh ngồi nghỉ một chút rồi cho tôi biết tên anh, tôi sẽ nói lại với anh Ba tôi. Anh tới rủi gặp ngày anh Ba có hẹn với bạn ở Tân Quy Đông. Tiện xe cát vô trong đó cho người ta, anh Ba ghé nhậu với bạn, chắc khuya mới về tới. Mai mốt bữa nào rảnh anh hẹn trước tôi sẽ bảo anh Ba ở nhà đợi anh tới.
Hải đáp:
– Tên tôi là Hải. Chiều hôm qua tôi mới gặp anh Đại chỉ cho tôi nhà anh Ba.
Thiếu phụ nghe nói tới tên Đại liền tươi vui hẳn lên, đáp:
– Anh Đại vui tánh lắm, bữa đầu tiên cách đây có bốn năm tháng một bữa anh Ba chở ảnh trên xe ba bánh về đây, hai người nhậu với nhau nói chuyện cười vang. Sau đó thỉnh thoảng ảnh lại ghé chơi vào buổi chiều. Anh Đại làm luật sư mà uống rượu như vậy tôi không hiểu làm sao ảnh cãi, lúc nào tỉnh mà cãi. Anh Ba tôi thương anh Đại lắm, lâu không thấy ghé chơi thường nhắc, coi bộ trông lắm.
Hải ngồi lặng yên ngó thiếu phụ móc cây kim đan chiếc giỏ, ngón tay thoăn thoắt trong khi nói. Hải lại hỏi:
– Ngoài anh Đại, anh Ba còn có bạn nào khác không hả chị?
– Không đâu anh, thứ bạn như anh Đại thì không có ai hết, còn bà con lối xóm thì nhiều bạn nhậu lắm, chiều nào anh Ba cũng nhậu ở ngoài quán, có anh Đại tới chơi mới mua rượu về nhà.
Hải lại ngồi trầm ngâm trong giây lát, sau hỏi tiếp:
– Anh chị về ở đây đã lâu chưa?
– Có tới sáu bảy năm lận. Hồi trước tụi tôi ở Châu Đốc; ở dưới đó tôi có gia đình, ba tôi có ruộng, anh Ba phụ làm ruộng với ba tôi. Một bữa anh Ba bảo mai đi Sàigòn, cho nó thay đổi một chút. Trong những năm anh Ba phụ với ba tôi có được chia huê lợi, tôi vẫn cất đó vì không xài tới bao nhiêu. Chắc anh cũng biết, ở dưới quê vùng tôi tiêu xài không hết bao nhiêu, tốn tiền may mặc chút ít, gạo nhà có sẵn, tôm cá thì không bao giờ thiếu. Khi hai vợ chồng tôi đi, ba tôi lại cho tôi một món tiền nữa. Lên đây tụi tôi cất căn nhà này, anh Ba mua lại được cái xe ba bánh. Mỗi khi có ghe cát tới anh Ba mua nguyên ghe, một mình gánh từ chỗ ghe đậu về đổ ở mảnh đất trống kế bên kia, chừng nào có ai bên Sàigòn tới kêu anh Ba lại xúc lên xe ba bánh chở đi đổ. Phần tôi lo may đồ, đan lát cũng kiếm được, hai vợ chồng không bao giờ thiếu. Anh Ba kiếm được lời bao nhiêu đều nhậu hết. Ảnh vẫn nói ở đây tự do hơn ở dưới quê. Tôi thì chẳng có ý kiến chi hết, anh Ba ở đâu tôi ở đó, ở đây cũng được, về dưới cũng được, miễn là cứ có anh Ba.
Thiếu phụ vừa dứt câu nói bỗng ánh mắt sáng rỡ, vừa mừng vừa ngạc nhiên, đứng dậy, la lên:
– Ồ, anh Ba về!
Thiếu phụ vội buông chiếc giỏ đan đã gần xong trên tay xuống đất chạy ra đón chồng. Người đàn ông bận chiếc quần cụt bằng kaki đã cũ với chiếc áo đồ của lính phế thải, chân mang đôi giày vải cũng loại giày của lính. Riêng chiếc mũ trên đầu là đồ dân sự, thứ bằng nhựa đúc màu trắng ngà nhưng đã lem bẩn. Thiếu phụ đỡ cái chai trên tay chồng và hỏi:
– Sao mình nói ở lại Tân Quy Đông nhậu với ông Hộ?
– Thằng cha bị bịnh chi đó chết đêm hôm qua rồi, dặn vợ bữa nay tôi tới thì cho tôi chai rượu này!
Thiếu phụ giơ chai rượu lên cao và nói:
– Trong ghê, của ông Hộ chắc là thứ đế ngon lắm.
Thấy gương mặt chồng có vẻ đăm chiêu, thiếu phụ ngưng nói. Nhưng một phút sau lại nói:
– À, nhà mình có khách đó.
Người chồng bỗng cất tiếng cười lớn, vang vang, hỏi:
– Đại hả? Rượu của lão Hộ đưa ra uống với thằng Đại mới đã!
Nói rồi người đàn ông lại cất tiếng cười vang. Thiếu phụ đợi chồng dứt tiếng cười mới nói:
– Không phải anh Đại đâu, có một anh nói là bạn của mình từ lâu, mới hay tin mình nên tới kiếm.
Nghe nói vậy Hải vội đứng lên đi ra. Từ nãy vì Hải ngồi khuất sau gốc cây bã đậu nên người đàn ông mới về không ngó thấy. Người đàn ông khựng lại trong thoáng giây, rồi cất tiếng cười to và hỏi:
– Hải phải không? (quay lại với vợ) Mình lo kiếm đồ nhậu, bữa nay ráng hết chai này đi. (với Hải) Tụi mình đưa ghế ra đây ngồi uống với nhau một mách.
Hải không đáp, cứ đứng yên đó ngó bạn. Thái lặng lẽ vô nhà bưng chiếc bàn thấp, đúng hơn đó chỉ là một chiếc thùng cây được sửa soạn cho tạm có hình thù một cái bàn nhỏ, đem kê dưới gốc cây bã đậu. Hải không lẽ đứng sững đó mãi, cũng góp công bằng cách quay lại chỗ hàng ba xách hai chiếc ghế thùng đạn ra đặt bên cạnh bàn. Hải ngồi xuống một chiếc ghế, tựa lưng lên thân cây, trong khi Thái từ trong nhà đem ra hai chiếc ly mỗi chiếc một kiểu cùng với chai rượu cắp nách. Ngồi xuống ghế đối diện với Hải, Thái lặng lẽ rót rượu ra hai ly, đẩy một ly tới trước mặt Hải, và nói:
– Uống.
Hải cùng với Thái mỗi người tợp một ngụm lớn, thứ đế gốc cay sè, bốc trong giây phút. Hải thấy cần nói lên một câu:
– Hôm qua tôi mới gặp tên Đại, nó chỉ cho tôi tới đây.
Nét mặt Thái vụt tươi lên:
– Thằng Đại? Uống rượu với nó thú lắm, hai đứa rượu vào rồi tha hồ mà lè nhè, chẳng đứa nào hiểu đứa nào muốn nói gì, vậy mà thú ghê! Uống rượu mà cứ tỉnh bơ, không thú.
Trong đám anh em cùng một đoàn thể, Hải và Thái có thể coi như gần nhau nhất, vì quen biết nhau, cùng học, cùng chơi từ nhỏ. Nhưng lần này gặp lại Hải cảm thấy xa cách hẳn. Lời nói như không lọt qua một bức vách ngăn. Hải phải tợp một ngụm rượu nữa rồi mới gài được câu thứ hai:
– Lâu lắm tụi mình mới gặp nhau nhỉ?
Thái đáp liền:
– Thì hôm nay đã gặp rồi đó. Cậu biết nhà, thỉnh thoảng ghé chơi sẽ gặp nhau hoài, lo gì.
Thiếu phụ từ ngoài quán về xách theo một chùm nem chua, với hai gói giấy. Mở gói ra, một gói ớt hiểm và một gói rất nhiều tỏi còn nguyên củ. Thái cầm lấy một củ tỏi, tách ra một tép đưa cho Hải:
– Tỏi Nam Vang đó, tôi khoái tỏi Nam Vang vì những tép nó lớn, không lắt nhắt như tỏi ta. Đế gốc nhậu với tỏi, ớt, bốc kinh khủng. Cậu thử mà coi. Thằng Đại mỗi lần tới đây chỉ đòi có món đó.
Đã lâu Hải quen với những chất say tốn tiền hơn nhiều, nhưng cũng phải miễn cưỡng cầm tay tép tỏi, cũng bóc vỏ như Thái và nhấm một miếng nhỏ. Cũng may, cái lưỡi của Hải chưa đến nỗi quên hết cái thú tiềm tàng thưởng thức những hương vị sở thích của đám đông. Và Hải chợt tìm ra một kẽ hở để lách một câu:
– Đế này mà đi với mộc tồn, bên ngoài trời lại mưa ủ ê nhỉ? Cậu còn nhớ ngày xưa, những dịp tụi mình về chơi nhà thằng Thành ở Bát Tràng?
Câu nói gợi đúng sợi dây đàn bên trong của Thái. Mắt Thái sáng lên, Thái vụt ngồi thẳng dậy, hai bàn tay đập lên hai đùi:
– Nhớ lắm! Thịt chó chính tay ông cụ thằng Thành nấu mê ly thật. Hay tại hồi đó chúng mình còn trẻ, ăn món gì cũng thấy ngon. Nhưng cậu có nhận thấy giữa rượu lậu ở miền Bắc với rượu đế ở miền Nam có một cái gì khác, tôi cảm thấy mà không nhận rõ ra được. Cậu nhắc tới thịt chó tôi thấy thèm ghê!
– Ở Sàigòn người Bắc bán thiếu gì.
– Tôi biết, nhưng ngán đi la cà lắm, chỉ nhậu với bà con quanh xóm này thôi, cũng thú, cho nên thèm mà chẳng thiết đi kiếm mất công. Hồi còn ở dưới quê thường được ăn, nhưng nấu theo lối rừng miền Nam, hay theo lối Tàu, không khoái lắm… Nhưng mà thôi, uống đi, rượu đế gốc, nem chua, tỏi, ớt, đủ say lắm. Cái thú tìm ngay thấy trước mắt, hơi đâu mà kiếm chuyện ao ước.
Suy nghĩ trong khi Thái lè nhè nói, Hải đủ sáng suốt để không tìm cách len lỏi thêm, thản nhiên chia bữa rượu một cách tận tình với Thái. Nói chuyện với Hải, Thái không thấy hứng như với Đại. Chai rượu chỉ vơi hết nửa thì Hải tạ sự trời tối đòi về. Trước khi chia tay, Hải hỏi Thái:
– Mấy bữa nữa tôi sẽ trở lại uống lâu. Cậu nhớ lo cụ bị vài chai đế gốc để đó. Tôi sẽ đi mua thịt chó đúng kiểu nhà quê miền Bẳc, những miếng thịt luộc thái dầy nhai thật đã!
Thái sốt sắng đồng ý. Hải đắn đo, cân nhắc mãi mới nhận lời cho Giang cùng đi đến nhà Thái. Hải nói:
– Gặp nó tôi thấy rất khó nói chuyện, rõ ràng nó như con lươn, chuồi ra khỏi tay mình rất dễ dàng, cố ý không để cho mình bắt chuyện. Cậu có tới nên thận trọng lắm. Phải tìm hiểu nó lần lần mới được. Chúng mình không muốn mất nó, nhưng nó coi bộ không muốn nối lại với anh em. Không khéo thì vừa tìm được lại sắp mất thật thì nguy.
Giang nhiều tự tin, đáp:
– Đồng ý. Nhưng anh em dễ gì bỏ nhau. Bản chất của nó, cũng như tụi mình, là phải đi với anh em, sống với anh em chứ.
– Tôi chẳng biết, chỉ cần dặn một điều: thận trọng, đừng vội vàng lôi kéo, coi chừng nó vuột mất.
Hải đã đặt trước từ sáng, bữa thịt chó đưa tới nhà Thái rất đầy đủ, không thiếu một món phụ tùng cần thiết nào, từ chiếc bánh tráng loại dầy đặc biệt miền Bắc. Thái rõ ràng có lòng chờ bạn. Chiếc bàn thấp đã kê sẵn dưới gốc cây với hai chai rượu đầy để giữa bàn. Đũa chén cũng đã sẵn. Nhưng Thái có hơi ngạc nhiên thấy Giang cùng đi với Hải.
Thấy Hải và Giang lễ mễ mang xách nhiều thứ, vợ Thái cũng ngạc nhiên. Thiếu phụ còn ngạc nhiên hơn khi Hải yêu cầu nhóm bếp than lên để nướng dồi, nướng chả và hâm nóng hai món nhựa mận và xáo. Hải nhất định đòi vô bếp để tự tay làm lấy. Hải nói:
– Ăn mộc tồn phải mất công như vậy mới ngon, chẳng hạn món dồi mà ăn nguội thì không ăn còn hơn.
Trong khi Hải vô bếp, Giang và Thái ngồi nhâm nhi trước dưới gốc cây bã đậu. Sau hai ngụm rượu Giang đã vội quên lời hứa với Hải. Giang ngó Thái và nói:
– Anh em rất thắc mắc về cậu. Tại sao cậu lại ẩn kín một nơi, không nhớ gì đến anh em nữa?
Giang lơ đễnh đến không nhận thấy tiếng cười gằn của Thái trước khi Thái ngạc nhiên hỏi lại:
– Tại sao lại thắc mắc? Tôi cắt đứt liên lạc vì không thấy còn việc gì phải làm với anh em nữa. Hết công việc cũng phải cho tôi sống cuộc đời riêng của tôi chứ?
Giang thốt lên:
– Cậu nói sao? Không còn việc gì phải làm nữa? Cậu bằng lòng với hiện tại ư?
Thái lại cười gằn một lần nữa trước khi đáp:
– Bằng lòng thì không hẳn. Nhưng làm như ngày xưa anh em làm bây giờ đâu còn như thế nữa, dẹp phứt đi là phải lắm. Nhưng mà thôi, tôi không tính với Hải có một buổi nói chuyện xưa tích cũ. Tôi hẹn với nó uống rượu đế ăn thịt chó, giản dị có vậy. Tôi yêu cầu cậu nên chấm dứt câu chuyện vừa nói bắt đầu từ phút này. Uống rượu, ăn thịt chó khoái hơn.
Giang có vẻ chưng hửng trước câu nói quyết liệt mà khinh bạc của Thái, yên lặng đến ba phút, rồi tính ương sẵn có vội nổi lên. Giang hếch mũi lên nói:
– Mục đích của tôi hôm nay đến đây là để nói chuyện đó. Tôi nhất định nói. Cậu không thể bỏ ngang được. Bây giờ mới là lúc anh em phải làm, cần làm. Bây giờ mới có cơ hội chứ.
Thái lại cười gằn một lần nữa, trước khi nói. Lần này thì Giang nhận thấy và ánh mắt đã lộ bực tức. Thái nói:
– Khổ lắm! Không còn gì để làm là ý riêng tôi. Bây giờ phải làm, cần làm, là ý của anh em. Tôi đâu có ngăn cản. Với lại anh em đã làm, đang làm, đâu cần phải có ý kiến của tôi, càng không cần phải có bàn tay của tôi. Sự thể rõ rệt quá, cậu còn muốn đòi hỏi chi nữa?
Giang mở to mắt, hỏi:
– Thế ra cậu vẫn có theo dõi công việc của anh em? Tôi cứ tưởng cậu rút về ẩn dật, uống rượu, không biết gì đến bên ngoài thật.
– Đúng và không đúng. Những năm trước kia tôi có theo dõi, nhưng tôi đã thôi theo dõi từ ngày tôi hiểu rõ. Bây giờ thì ẩn dật thật, uống rượu lu bù, không biết gì tới bên ngoài thật.
Giang ngồi thẳng dậy, chiếc ly rượu trên tay dằn mạnh xuống bàn:
– Tôi không hiểu ý cậu muốn nói « đã hiểu rõ » là thế nào?
Hải le te từ trong nhà đi ra, hai tay bưng hai đĩa khói bốc thơm phức. Vợ của Thái theo sau cũng bưng bai chiếc đĩa bàn đựng đầy rau và các món phụ tùng. Hải nói:
– Phải bắt đầu ngay tức khắc kẻo nguội uổng mất công của chị Thái, có chị nướng giúp chứ không thì cháy mất hết. (quay lại với vợ Thái đang thu xếp bày biện trên mặt chiếc bàn nhỏ). Chị vô rửa tay đi, rồi ra cùng ngồi với chúng tôi. Chưa nếm thử chị đã phải khen là thơm, nếm vào mới thấy ngoài cái thơm còn nhiều hương vị khác nữa. Loay hoay bày biện cả Hải lẫn vợ Thái đều không để ý thấy hai người, Giang và Thái, không ai lưu ý tới món ăn. Thái hỏi lại Giang:
– Có thật cậu muốn tôi nói hết, tôi đã hiểu rõ như thế nào ư? Nói ra hơi khó nghe đó.
Câu nói không khác một mũi dùi nhọn, bao nhiêu men rượu bừng bừng bốc hết lên mắt Giang. Thái cũng nhận thấy thế cho nên bắt đầu bằng một tiếng cười gằn nữa. Thái nói:
– Tôi nhận thấy rõ rằng anh em đã thành công. Tôi nhấn mạnh: anh em đã thành công, một số anh em đã thành công. Ở đời này thành công tức là có quyền, có tiền. Anh em đã có quyền, anh em đã có nhiều tiền. Thành công rồi thì còn tranh đấu, còn làm việc, nó phí sức đi, vô ích.
Giang hỏi lại:
– Nhưng còn cậu, còn bao anh em khác?
– Những anh em khác mà còn sống tôi không có ý kiến, vì tôi không thể nghĩ thay cho người khác. Những anh em đã chết, cũng như tôi, bấy lâu chắc chắn anh em đã nghĩ rằng tôi chết, những người đã chết ít nhất anh em cũng phải để cho họ có quyền nằm yên chứ?
– Thà rằng cậu chết nó lại đi một nhẽ! Thái lại cười gằn:
– Nói thế là không được. Cũng đi một nhẽ, cái nhẽ hy sinh đi, nằm yên đó, cho một số người hưởng thụ, phải không?
– Cậu đã dùng tới chữ hưởng thụ, mục đích của tôi hôm nay tới đây chính là để thay mặt anh em mời cậu về hưởng thụ.
Từ nãy thấy hai người gay cấn quá Hải đành đứng ngó, hối hận vì đã mềm yếu để cho Giang theo, thấy Giang đi quá trớn Hải vội can thiệp:
– Giang chưa uống mà đã say. Cậu bắt đầu nói nhảm rồi đó.
Quay lại với Hải, Thái nói:
– Tôi đã cố tình đóng vai một xác chết, không nói. Nhưng Giang tới đây buộc tôi phải nói, không nói sợ rằng anh em nghĩ tôi muốn chết vì căm phẫn. Tôi không căm phẫn, tôi đã nhìn thấy, tôi hiểu và tôi im lặng được trong bao năm nay. Tôi không đi kiếm anh em, tôi trốn anh em là khác. Cách đây bốn năm tháng tình cờ tôi gặp tên Đại, bạn cũ rất thân gặp lại nhau không lẽ lờ nhau đi, không dè lộ tung tích với Đại thành đến tai anh em. Tôi sẽ dời đi nơi khác, đóng cho trọn vẹn hơn vai trò một xác chết.
Đến lượt Giang cười gằn:
– Sống hay chết là quyền của cậu. Nhưng người sống mà cứ nghĩ rằng mình đã chết là muốn trốn tránh, là hèn nhát.
Thái thản nhiên đáp:
– Tôi không mắc mưu khiêu khích của cậu. Cứ bình tĩnh mà nói chuyện thú hơn. Người đã muốn chết còn có gì để lựa chọn nữa đâu!
Giang nói:
– Từ nãy tôi bực mình ghê lắm về cái chuyện chết cậu nhắc đi nhắc lại. Sống sờ sờ ra đó thì nói chuyện như người sống nó dễ nghe hơn. Muốn chết mà còn thú uống rượu thì đâu phải là muốn chết thật. Chết là thoát, chưa chết thì còn phải giữ lấy trách nhiệm, có thế thôi.
Thái đáp:
– Cậu hiểu lầm tôi, tôi không khoe khoang cái muốn chết của tôi, lẩn tránh tất cả đâu có phải là muốn khoe, sở dĩ tôi trốn, đóng vai xác chết, cũng bởi tôi còn ý thức trách nhiệm. Nhận rõ trách nhiệm của mình và biết sẽ không làm trọn cho nên phải trốn. Tôi không muốn dự một vai trong màn kịch phân hóa, tôi không muốn đang tay cầm dao cắt cái quả mà trước kia chúng ta ao ước được nâng niu, tôn thờ, cho nên phải trốn. Không trốn tất nhiên phải có ý kiến, có ý kiến thì tránh sao khỏi tham dự cuộc phân hóa. Biết rằng thân mình vô phương, tôi trốn với một hi vọng anh em sẽ đặt cái quả quý báu đã có lên ngai thờ, rồi quay ra làm việc khác, kiến tạo cái mới bằng yếu tố mới. Nhưng tôi thấy anh em cứ khư khư ôm lấy cái quả sẵn có. Tôi càng muốn trốn, muốn chết.
Một lần nữa Giang biểu tỏ bực mình bằng một câu nói gắt:
– Một lần nữa tôi mong cậu gác cái vụ muốn chết sang một bên. Nếu ai cũng muốn chết như cậu thì lấy ai dìu dắt bọn tuổi trẻ.
Thái chồm lên như vồ được món gì đang chờ đợi:
– Tôi sắp muốn đi tới đó thì cậu đã mở đường cho tôi. Điều mà tôi suy nghĩ nhiều nhất đúng như cậu nói. Nhưng tôi đã tìm ra chân lý. Những người lớn bây giờ đừng thắc mắc vì tuổi trẻ. Càng cố giữ vai trò người lớn chúng ta chỉ làm khổ thêm tuổi trẻ. Tại sao không để cho tuổi trẻ tự nó vươn lên? Bài học kéo dài đã bao chục năm chưa đủ mở mắt cho tuổi trẻ hay sao? Hay tuổi trẻ của chúng ta bây giờ cũng chỉ là thứ cây leo, cần có cái cọc mới leo lên nổi? Nguyễn Thái Học ngày xưa bao nhiêu tuổi mà tạo nổi cái nhân trong một hoàn cảnh eo hẹp gấp một trăm lần bây giờ. Những người lớn bây giờ cứ chết hết đi không chừng tuổi trẻ đỡ trông cậy, đỡ thành rặt một thứ cây leo! Đóng vai thủ chỉ để tranh nhau cái phao câu trong mâm cỗ việc làng thì người lớn chỉ dạy được cho tuổi trẻ những kinh nghiệm để trở thành thủ chỉ tranh ăn phao câu mà thôi.
Nói xong Thái cầm lấy ly rượu tợp một ngụm lớn rồi quay mặt ngó mông ra xa. Giang đáp lại một câu, Thái cứ lặng yên không bắt lời. Hải nói một lời dàn hòa, Thái cũng không đáp.
Dưới gốc cây bã đậu lặng lẽ đến nhiều phút dài. Hải chợt vỗ hai tay lên đùi, la lớn:
– Nguy hiểm, nguy hiểm, anh em mình tranh luận mãi bỏ nguội mất hết bao nhiêu công lao của chị Thái.
Nghe nhắc tới vợ, Thái quay lại ngó vợ từ nãy vẫn đứng đó, chẳng hiểu gì cả. Thái bèn đứng lên, đi thẳng ra phía đống cát trên bãi đất trống ở trước nhà. Thái cúi xuống vục đầy một thúng cát, lẳng lặng bưng tới dưới cây bã đậu, giơ cao thúng cát trên mặt chiếc bàn có bày những món nhậu khi nãy khói bốc thơm phức, và lật úp chiếc thúng. Cả một bữa tiệc chờ đợi bị chôn kín dưới đống cát. Thiếu phụ la lên một tiếng. Thái lặng lẽ liệng cái thúng không bên gốc cây, rồi đi vô nhà.
Giang và Hải chỉ còn một nước là ngả đầu chào thiếu phụ vợ người bạn ngày xưa và kéo nhau ra đi trên con đường đất./.
Nguồn: Da Màu
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 15 tháng 11 năm 2019