Hồ Sơ Một Điệp Viên

georges simenon

dịch giả: trần bình

LỜI GIỚI THIỆU - I -

Georges Simenon (1903-1989) trong cuộc đời sáng tác của mình đã từng xuất bản đến hơn 400 tác phẩm và được coi là “nhà chế tạo tiểu thuyết” tài danh. Thậm chí có người còn ví ông với Balzac và cho rằng trong tác phẩm của cả hai nhà văn đều miêu tả rất chi tiết diện mạo nước Pháp. Đọc tác phẩm của Balzac sẽ thấu hiểu diện mạo chân thực của xã hội nước Pháp nửa đầu thế kỷ XIX, còn khi đọc tiểu thuyết của Georges Simenon sẽ hiểu khá tường tận tình hình xã hội nước Pháp nửa đầu thế kỷ XX.

Thật vậy, trong mỗi tác phẩm của Georges Simenon dù là tiểu thuyết trinh thám hay tâm lý xã hội đều phản ánh rất chân thực cuộc sống với đủ mọi hạng người trong xã hội.

Trong Hồ Sơ Một Điệp Viên đã thể hiện rất rõ những thế mạnh của Georges Simenon. Tác giả đưa người đọc vào thế giới của những người già cô đơn, nghèo khổ trong một khu phố cũ kỹ của nước Pháp hoa lệ. Bắt đầu từ cái chết bí ẩn của ông già Bouvet đơn độc, dần dần sự kiện được hé mở khi cảnh sát tiến hành điều tra về thân thế của ông. Thực ra ông là ai? Là ông chủ hãng khai thác mỏ, con trai ông chủ hãng dệt len, tên tội phạm giết người hay là một tên phát xít? Mỗi số phận mỗi con người lại có những mối quan hệ riêng với những cách sống hoàn toàn khác nhau tạo nên một xã hội thu nhỏ khá phức tạp. Có thể nói mặc dù cũng có vụ án, có điều tra song Hồ Sơ Một Điệp Viên không có tính hồi hộp, căng thẳng đến nghẹt thở như trong các truyện trinh thám mà nghiêng về tính chất tâm lý xã hội nhiều hơn.

Nhà xuất bản Công an nhân dân trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.

(-

- 1 -

Chiếc xe tưới đường đi qua với cái chổi của nó rít lên như khuấy nước trên mặt đường trải nhựa; một nửa đường như đã bị sơn màu đen...

Một ông già mặc chiếc áo veston màu sáng gần như trắng, đội trên đầu một chiếc mũ rơm, trông giống dân thuộc địa.

Mọi vật, vật nào ở vào chỗ ấy, trông giống như một sân khấu. Những tháp chuông của nhà thờ Notre Dame cao vút xung quanh có một quầng hơi nóng, nơi có những con chim sẻ mà người ta không nhìn thấy nhưng nghe được những tiếng gọi nhau râm ran của chúng. Một con tàu kéo một đoàn xà lan với lá cờ trắng và vàng hạ thấp cột cờ xuống để chào hoặc chui qua cầu Saint Louis.

Ánh nắng mặt trời như một chất dầu lóng lánh đổ xuống những ngọn sóng trên sông Seine, xuống mặt nước phun xuống đường của chiếc xe tưới đường và xuống những tấm đá bảng lợp những mái nhà trên đảo Saint Louis. Một bức tranh mà những cảnh vật của nó được vẽ bằng màu tím với những chiếc xe taxi màu đỏ và những chiếc xe buýt màu xanh.

Một làn gió nhẹ làm vòm lá những cây dẻ xáo động với những tiếng xào xạc, một hơi thở mát dịu làm cho những bức tranh treo bán của các quán sách cũ bay lên phần phật.

Những người ở rất xa từ bốn phương trời tới đây để sống trong giây phút này. Những chiếc xe ca du lịch đậu ở sân trước nhà thờ Notre Dame, và một người nhỏ bé đang nói trước một chiếc loa tăng âm.

Đứng gần một ông già là một bà bán sách cũ to béo vận đồ đen, một sinh viên người Mỹ đang nhìn vũ trụ qua ống kính của chiếc mấy ảnh Leika của mình.

Paris mênh mông và yên tĩnh gần như là lặng ngắt với những chùm ánh sáng, bóng của những cảnh vật ở nơi này, nơi khác và những tiếng ồn khó chịu nổi lên trong chốc lát.

Ông già mặc áo veston màu sáng đang mở một hộp bìa cứng đựng tranh ảnh đặt trên lan can bằng đá bên bờ sông để xem.

Anh sinh viên người Mỹ mặc áo kẻ ô vuông màu đỏ không có áo veston bên ngoài.

Bà bán sách cũ ngồi trên một chiếc ghế gấp đang nói chuyện liến thoắng với ông khách mà không nhìn ông. Bà đang đan áo, sợi len đỏ luồn qua kẽ tay bà.

Và khi mọi vật, vật nào vẫn ở nguyên chỗ ấy, thì ông già chết không kịp nói lấy một lời, không kêu rên, không run rẩy trong khi mắt đang xem tranh ảnh, tai đang nghe bà bán hàng nói chuyện, những con chim sẻ ríu ríu, những chiếc xe taxi bóp còi khi đi ngang đường.

Hẳn là ông già đã chết đứng, tì tay vào lan can, không có điều gì ngạc nhiên trong cặp mắt xanh. Ông lảo đảo rồi ngã vật xuống vỉa hè làm rơi hộp bìa cứng, tranh ảnh rải rác quanh người.

Người phụ nữ vội đặt cuộn len màu đỏ xuống rồi đứng lên la lớn:

- Ông Bouvet!

Còn có những người bán sách cũ khác, người thì đang ngồi trên ghế gấp, người thì đang lúi húi xếp lại những cuốn sách vì lúc ấy mới mười giờ rưỡi sáng. Người ta biết giờ giấc khi nhìn hai chiếc kim đen trên mặt chiếc đồng hồ lớn treo ở giữa cầu.

- Ông Hamelin! Lại đây nhanh lên!

Đó là người chủ một quán sách cũ ở cạnh đó, người có bộ ria rậm và mặc một chiếc áo blouse màu xám. Người sinh viên có chiếc mấy ảnh Leika đã chụp được ông già nằm giữa những tấm ảnh của tỉnh Epinal[1].

- Ông Hamelin, tôi không dám động vào ông cụ. Ông tới xem sao...

Thật là lạ lùng khi bỗng nhiên họ sợ ông già, người mà họ biết rất rõ từ lâu đã như là người thân của họ. Chuyện đó có lẽ vì ông già không có gì là vẻ của người chết, kể cả người đang đau ốm nữa. Mắt ông vẫn bình thản và khi xem ảnh thì đôi môi mỏng của ông vẫn mỉm cười. Ông không cười to mà chỉ nhếch mép. Người ta nhận ra ông ở màu da trắng, một màu da trắng ngà như loại giấy hảo hạng.

Một chiếc taxi đỗ lại, người lái xe nhìn mà không rời khỏi ghế ngồi. Không biết từ lúc nào ba bốn người nữa đến vây quanh người vừa nằm xuống.

- Có một cửa hàng thuốc ở gần đây.

- Hãy khiêng ông cụ lên.

- Như vậy có nguy hiểm cho ông già không?

Những người ấy ở đâu ra?

Đó là chàng trai người Mỹ vác ông Bouvet lên vai và cả nhóm người đi sang bên kia đường nơi có ông dược sĩ đang đứng trước cửa hiệu nhìn họ.

- Có chuyện gì vậy?

Một nhân viên cảnh sát trẻ tuổi hỏi tốp người. Những bắp thịt của anh nổi lên trong bộ đồng phục, anh có vẻ là một lực sĩ.

- Một ông già vừa bị ngất xỉu...

Trong lúc người ta đưa ông Bouvet vào cửa hiệu thuốc mát mẻ thì một bé trai nắm lấy tay mẹ hỏi bằng một giọng the thé:

- Mẹ ơi, ông cụ chết rồi ư?

Bà bán sách cũ, bà Poncet, sáu mươi nhăm tuổi, ra đứng trước mọi người.

- Tôi đã gọi điện thoại cho xe cấp cứu của thành phố - Một trung sĩ cảnh sát nói.

- Không cần thiết, ông già ở cách đây vài bước chân thôi.

- Bà biết ông cụ, phải không?

- Đã nhiều năm rồi. Đó là ông Bouvet, một khách hàng tốt. Ông ấy sống trong một ngôi nhà to, sơn trắng, có một cửa hiệu bán nhạc cụ ở tầng dưới, ở gần bến Toumelle.

Gần nhưng cũng phải đi ba trăm mét.

- Để tôi đi gọi dây nói.

Ông dược sĩ cố nhớ lại những qui tắc trong khi trả lời người cảnh sát.

- Ông ấy chết rồi ư?

- Vâng.

- Ông ấy là người độc thân ư?

- Đúng thế.

- Ông đã làm những gì?

- Tôi không làm gì cả. Đây là cửa hàng thuốc.

Anh thanh niên người Mỹ đã bỏ đi. Chỉ còn năm sáu người đứng trên vỉa hè tò mò nhìn vào trong nhà nơi xác người được đặt trên sàn nhà.

Xe cấp cứu tới rất nhanh. Người ta đặt ông Bouvet lên một chiếc cáng trong khi chiếc xe tưới đường đã đi đến đầu phố, góc phố Poissy.

Đó là ngôi nhà được xây dựng cách đây gần hai thế kỷ, nhưng cứ mười năm được sơn lại một lần. Một phần ba cửa giả được gài chặt vì một số người thuê nhà đi nghỉ và những cửa sổ khác chỉ được mở vào mùa hè. Cảnh cửa bên phải đi vào phòng chờ có những ô kính màu xanh và đỏ xen vào các ô màu trắng và từ đây toả ra mùi bếp núc. Bà gác cổng đang ở trên thang gác không có thảm trải nhưng các bậc thang gỗ kiểu cũ thì nhẵn bóng do dùng nhiều.

- Bà gác cổng!

- Có việc gì vậy?

- Cảnh sát đây!

Bà ta càu nhàu trong khi đi xuống, lau tay vào chiếc tạp dề kẻ ô vuông, hất mớ tóc ở sau gáy lên.

- Có việc gì, ông cảnh sát?

Cùng lúc ấy bà nhìn thấy xe cấp cứu đậu trước cửa.

- Ai vậy?

- Một ông già.

- Ông Bouvet ư? Ông ấy ốm ư? Bị tai nạn ư?

- Ông cụ chết rồi.

Bà đi vào trong nhà nói với ai đó đang đứng ở bên ngoài người ta không nhìn thấy.

- Ông Herdinand, dậy nhanh lên, ông Bouvet chết rồi.

- Có ai ở cùng nhà với ông ấy không?

Người cảnh sát hỏi, tay nhăm nhăm cầm cuốn sổ và chiếc bút chì nhưng chưa viết chữ nào.

- Không có ai cả, ông ấy sống một mình.

- Bà có biết địa chỉ gia đình của ông ta không?

- Gia đình nào?

Bà gác cổng không khóc. Mắt bà chỉ long lanh ướt và người ta thấy bà đang bị xáo động mạnh.

- Câu chuyện xảy ra thế nào?

- Ở ngoài hiên. Trong khi ông ta đang xem những tấm ảnh.

- Phải mang ông ấy lên phòng thôi.

- Ai sẽ chăm sóc ông ấy?

- Ông nói gì?

Bất chợt bà hiểu ra có rất nhiều việc phải làm với người đã chết hơn là đổi với người đang sống.

- Chúng tôi...Tôi... - Bà gác cổng lắp bắp.

- Bà tin chắc rằng ông ta không có ai là người thân à?

- Đặt ông ấy lên giường. Khoan đã, để tôi thay khăn trải nệm.

- Tôi cho rằng chúng ta phải đợi bác sĩ tới.

Một người nào đó nói:

- Lại quấy rầy người chết lần nữa.

Những nhân viên của xe cấp cứu ra về. Người cảnh sát ở lại mà không biết mình phải làm gì.

- Ông còn đợi ai?

- Đồn cảnh sát.

- Ông cảnh sát trưởng ư?

- Có thể.

Căn hộ của bà Sardot ở phía bên kia hành lang và bà Sardot phải chạy qua chạy lại vì còn phải trông hai con nhỏ.

Có nên mở cửa sổ để nhìn thấy cảnh sống náo nhiệt của Paris không? Người ta nhìn thấy đảo Saint Louis phía trước mặt và một con tàu đang kéo chiếc xà lan đi Charenton. Người cảnh sát không dám hút thuốc lá và người chồng của bà gác cổng đứng đờ đẫn trong phòng. Ông ta là người gác đêm của xưởng sửa chữa ôtô trên phố Saint Antoine và là người thường mắc chứng động kinh.

- Tốt hơn cả là ông đi ngủ lại đi. Không hiểu tại sao tôi lại đánh thức ông dậy.

Khi người chồng xuống thang, bà nói theo:

- Tôi cấm ông đi uống rượu ở cửa hàng bên cạnh đấy! Ông nghe rõ chứ?

Ông thường lợi dụng cơ hội. Khi ông thức thì người vợ phải trông nom ông như một đứa trẻ. Việc này không dễ dàng gì trong khi bà có năm tầng lầu phải dọn dẹp, quét tước.

- Ông cảnh sát trưởng đang tới.

Người cảnh sát báo tin sau khi nhìn ra cửa sổ.

Ít có ngôi nhà nào trật tự, vệ sinh như ở đây. Trông nó giống như nơi ở của các nhà tu hành hoặc như trong một bức tranh cổ. Tường quét sơn màu sữa rất dịu mắt với một vài bức họa màu sặc sỡ. Phòng ngủ chỉ có một chiếc giường bằng gỗ sồi và một chiếc tủ lớn kiểu Louis XVI. Một ngăn bếp nhỏ và một phòng vệ sinh trông ra sân.

Còn phòng chính được lát gạch men màu đỏ sẫm, có ba cửa sổ bố trí theo chiều dọc tường trông ra sông Seine. Nền nhà ngày xưa chia làm hai phần cao thấp khác nhau nên có một vài bậc lên xuống. Một chiếc ghế bành bọc nhung màu vàng và một chiếc khác bằng vải dày. Trên hai chiếc bàn dài chất đống những hộp bằng bìa cứng đựng tranh ảnh và một chiếc bàn một chân dùng để ăn uống khi ông Bouvet dùng bữa ở nhà.

- Tôi đánh cuộc rằng ông nhà tôi đang đi kể chuyện này theo cách của ông ấy với ông cảnh sát trưởng đấy.

Bà gác cổng sốt ruột nói vì không thấy ai lên cầu thang cả.

- Cũng có thể là ông cảnh sát trưởng đang hỏi chuyện chồng bà.

Cuối cùng thì ông này cũng lên tới nơi. Ông lấy khăn lau mặt vì trời bắt đầu oi bức.

- Nếu tôi hiểu đúng thì ở đấy đã có một người chết đột tử trên hè phố, đúng không?

- Vâng, thưa ông cảnh sát trưởng.

- Không có gia đình ư?

- Tôi không biết. - Bà gác cổng trả lời.

- Ông bác sĩ sẽ tới để xác nhận việc này. Ông ta chết thật rồi ư?

Ông nhìn bộ mặt thản nhiên của ông Bouvet.

- Bà có biết ông ta có tiền không?

- Chắc chắn là có để đủ sống.

- Tôi cho rằng phải niêm phong căn hộ này lại. Phải chờ những người thừa kế.

- Tôi không nghe thấy ông ấy nói gì về những người này.

- Bà biết ông ta từ hồi nào?

- Ông ấy thuê căn hộ này từ trước chiến tranh, từ hồi 1936.

- Ông ta vẫn sống ở đây từ bấy đến nay ư?

Viên cảnh sát trưởng máy móc mở một hộp bìa cũ và ông ngạc nhiên khi nhìn thấy đây toàn là ảnh của tỉnh lỵ Epinal. Ảnh thuộc loại của những người bán hàng rong ngày xưa ở nông thôn.

- Trong chiến tranh thì ông ấy rời khỏi đây.

- A! Bà có biết ông ta đi đâu không?

- Ra vùng tự do. Hình như ở nông thôn thì phải. Bọn Đức đã đến đây nhiều lần hỏi tôi về ông ấy và lục tung căn hộ lên.

- Ông ta là người Do Thái ư?

- Tôi không biết. Có vẻ không phải như vậy.

- Bà có biết ông ta xếp giấy tờ ở đâu không?

Có một chiếc tủ chè nhỏ đặt giữa hai cửa sổ, các ngăn kéo không khoá. Trong này cũng có nhiều tranh ảnh về vùng Epinal với khuôn khổ khác nhau. Không có một giấy tờ hành chính cũng như một lá thư nào.

- Ông ấy sống rất đơn giản và có nền nếp. Chính tôi giúp việc nội trợ cho ông ấy.

- Trung sĩ, anh xem trong túi ông ta có chiếc ví nào không?

Người này nhăn mặt nhưng phải làm theo lệnh. Anh ta lấy từ trong túi người chết ra một chiếc ví trong đó có vài trăm francs và một thẻ chứng minh: René Bouvet sinh ở Wimille, Pas de Calais ngày mười lăm, tháng 12, năm 1873.

Một chiếc ô tô đậu sát vỉa hè và ông Ferdinand ra đón ông bác sĩ vừa xuống xe.

Ở bên kia hành lang, bà Sardot để hé cửa và người ta ngửi thấy mùi thơm của tỏi đang phi.

Ông bác sĩ và ông cảnh sát trưởng cùng độ tuổi với nhau, từ bốn mươi nhăm đến năm mươi.

- Ông thế nào?

- Còn ông?

- Ở đây đã xảy ra chuyện gì?

- Ông ấy vừa chết cách đây nửa tiếng đồng hồ ở ngoài bến tàu trong khi đang xem những tấm ảnh.

Ông bác sĩ mở chiếc túi da và đứng lại một lúc trong khi đó thì ông cảnh sát trưởng hỏi chuyện tiếp bà gác cổng.

- Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu những người thừa kế không xuất hiện. Ông ta sống bằng trợ cấp xã hội, đúng không?

- Ông ấy không bao giờ nói đến chuyện này.

- Ông ta thường nhận được thư báo chứ?

- Không có cả một tờ quảng cáo nữa.

- Báo và tạp chí thì sao?

- Ông ấy tự mua ở ngoài quán.

- Nguồn sống của ông ta là gì?

- Chắc chắn là có. Ông ấy không quá tằn tiện nhưng ông không thiếu một thứ gì cả.

- Ông ta dùng bữa ở đâu?

- Ở ngay đây thôi. Ông ấy thích nấu ăn. Có một ngăn bếp nhỏ sau cánh cửa này, trong đó có một chiếc bếp ga. Trước kia ông ấy dùng bữa trong một khách sạn trên đảo Saint Louis.

Ông bác sĩ quay lại với vẻ hoàn toàn tin chắc.

- Tôi sẽ ký giấy cho mổ tử thi.

- Tim ư?

- Tôi muốn hỏi ai là người đã chăm sóc ông ta?

Bà gác cổng lần lượt nhìn từng người.

- Chúng tôi.

- Bà ư?

- Tôi và những người sống trong ngôi nhà này. Mọi người đều yêu quí ông ấy. Khi ông ấy muốn đi nghỉ thì mọi người thu xếp giúp.

- Thế còn tiền nong thì sao?

- Ông ấy dùng những thứ có trong ví của mình.

- Tôi cho rằng bà không nên băn khoăn nhiều. Khi tin này được đăng trên báo thì những người trong gia đình ông ta sẽ tới thôi.

Bà gác cổng nhún vai tỏ vẻ không tin vào ý kiến ấy.

- Bà có thể lấy những thứ cần thiết trong tủ ra vì tôi sẽ niêm phong tất cả.

Ông bác sĩ ra về. Ông cảnh sát trưởng ngập ngừng khi cho những tấm ảnh vùng Epinal vào hộp giấy để đóng dấu niêm phong, nhưng sau đó ông cho rằng không cần thiết.

- Chiều nay hoặc sáng mai tôi sẽ cử một người tới đây để nói với bà những việc cần làm.

Lúc này là giờ ăn trưa. Các quán ăn của Paris sặc mùi rượu hồi. Người ta vẫn nhìn thấy những bóng người rất nhỏ trên các gác chuông của nhà thờ Notre Dame và những chiếc xe ca trên sân nhà thờ.

Chàng trai người Mỹ ra khỏi khoang thang máy đi vào các hành lang của một toà báo buổi chiều. Người ta chỉ anh hết cửa này đến cửa khác mà không hiểu anh muốn nói gì. Nhưng có một người đã xem tấm ảnh anh ta đưa ra.

- A! Anh đấy ư? Người ta sẽ ký cho anh một giấy nhận tiền. Anh đi theo tôi.

Tại một lầu khác, trong số rất nhiều hành lang. Phiếu nhận một trăm francs tại một phòng ở tầng trệt đầy rác rưởi.

Đây không phải là lần đầu tiên mà bà Léliard, bà gác cổng, mà mọi người đều gọi là bà Jeanne, tắm táp cho một xác chết.

Bà người nhỏ nhắn nhưng ông Bouvet không to lớn lắm. Bà Sardot cho đứa con trai đi chơi và thỉnh thoảng nhìn nó qua cửa sổ.

- Vào nhà xác, nhưng còn tiền nữa chứ!

Những dấu đỏ trên tờ giấy niêm phong trên đồ đạc đối với bà như một sự nhục mạ. Bà lên tận lầu năm để nói với ông Francis không chơi đàn phong cầm trong hôm nay. Đó là một người đàn ông trẻ tuổi tóc nâu, có giáo dục, rất dễ mến là thành viên trong một nhóm nhạc công trong một vũ trường.

- Ông có muốn xuống nhìn ông ấy không? Ông ấy rất sạch sẽ. Trông như người đang ngủ ấy.

Người nhạc sĩ đi xuống một lúc để làm vui lòng bà gác cổng. Sau đó người ta đưa cho con trai bà Sardot một cái chai để nó đi xin nước thánh trong một nhà thờ gần nhất. Nó đã mười một tuổi, thích làm những việc mà người lớn sai bảo. Còn hoàng dương thì bà Jeanne đã có một nhánh để trên đầu giường và bà mang lên.

- Như thế này có tốt hơn nhà xác không? Chiều nay tôi sẽ lập một danh sách.

Đây là một tập quán: khi một người thuê nhà qua đời thì mỗi chủ hộ đóng góp một số tiền để mua một vòng hoa. Những người bán sách cũ ở ngoài bến cũng xin được góp tiền vì ông Bouvet là khách hàng và bỏ ra nhiều giờ trong ngày để nói chuyện với họ.

- Tôi hy vọng là không có con mẹ làm bộ làm tịch nào, hoặc một người nào đó thuộc loại ấy muốn tổ chức tang lễ theo ý thích của họ.

Bà Jeanne đã đề nghị để bà Ohrel miễn đi đưa tang vì chân bà này đang bị phù thủng.

- Người ta sẽ để bà ngồi trên ghế bành đặt trước cửa sổ, như vậy bà có thể theo dõi đám tang được.

Những người thuê nhà tạm hoãn chuyến đi nghỉ của mình, những người đã đi được gọi trở về và ngay lập tức. Tất cả đã sẵn sàng, căn phòng được quét dọn sạch sẽ, một tấm khăn trắng được phủ lên mặt chiếc bàn một chân, trên đó sẽ có một bát nước thánh, một nhánh hoàng dương giữa hai cây nến sẽ thắp theo nghi lễ.

Ảnh của người qua đời được in trên báo không phải trên số phát hành vào lúc một giờ rưỡi hoặc ba giờ chiều mà ngay lập tức, và vì nó rất đẹp nên người ta đăng nó trên trang nhất: Ông Bouvet nằm trên vỉa hè, một tay gập lại, và xung quanh ông là những tấm ảnh của thành phố Epinal rất nét, nhìn vào là người ta có thể biết ngay.

- Bà đã xem báo chưa, bà Jeanne?

Một người hỏi bà gác cổng.

- Người chụp ảnh là người tốt bụng, đã chụp ông ấy khi vừa tắt thở, có thể là chưa chết hẳn, đúng không?

Ông René Bouvet, một ông già ham sách như mọi người trên bến cảng đều biết đã đột ngột từ trần khi ông đang xem những tấm ảnh. Ở một góc tấm ảnh người ta còn nhận ra chiếc váy của bà bán sách và cả cuộn len của bà ta nữa.

Năm giờ chiều, bầu không khí trở nên nặng nề, và lá cờ ở trước đồn cảnh sát xây bằng đá màu xám ở Poissy như đang ủ rũ. Một chiếc xe taxi màu xanh đỗ lại. Người cảnh sát đứng gác thấy một bà đứng tuổi, mặt có vẻ bối rối, xuống xe.

- Tôi muốn gặp ông cảnh sát trưởng.

Người gác để bà ta đi qua. Anh ta biết viên cảnh sát trưởng vừa đi ra, nhưng cái đó chẳng liên quan gì đến anh cả. Nhiều người ngồi trên những chiếc ghế dài đặt sát vào tường trên đó có những bản thông báo.

- Yêu cầu anh báo tin cho ông cảnh sát trưởng.

Bà ta ăn mặc sang trọng, mang những đồ trang sức trên cổ, trên tai, trên những ngón tay, nhưng người cảnh sát lại nhìn vào cuốn sổ.

- Ông cảnh sát trưởng hiện không ở đây.

- Ai thay thế ông ta?

- Người thư ký. Anh ấy đang bận. Mời bà ngồi.

Bà ta không ngồi vì những người ở đây sạch sẽ một cách đáng ngờ vực. Bà ta đứng, đập ngón tay vào chiếc quầy ngăn cách những người ngồi chờ với người trung sĩ cảnh sát. Bà ta sốt ruột đợi nửa tiếng đồng hồ khiến những người ngồi chờ cảm thấy thích thú vì đây là một phụ nữ đã đứng tuổi nhưng lại đỏm dáng.

- Có việc gì, thưa bà?

- Ông là thư ký ư? Tôi có thể nói riêng với ông được không?

Anh ta ngập ngừng rồi đưa khách sang một văn phòng bên có đồ bày biện trên lò sưởi bằng đá cẩm thạch màu đen.

- Tôi nghe bà đây.

- Tôi là Mary Marsh.

Bà ta nói lơ lớ giọng người nước ngoài và người thư ký chỉ biết cúi đầu chào.

- Tôi nghe bà đây.

Anh ta nhắc lại và chỉ tay vào một chiếc ghế.

Bà ta đưa cho anh tờ báo có in ảnh ông Bouvet trên trang nhất.

- Chưa, tôi chưa xem báo.

- Tên người này không phải là Bouvet.

Người thư ký yên lặng như anh ta đang nghĩ một việc khác.

- Thế ư?

- Đó là chồng tôi, Samuel Marsh, làm nghề khai thác mỏ ở Ouagi.

Anh ta vẫn như đang nghĩ đến chuyện khác.

- Tôi vẫn nghe bà. Bà nói đây là chồng bà. Và bà muốn gì?

- Ông ấy chưa bao giờ có cái tên Bouvet.

- Bà tin chắc rằng mình không nhầm đấy chứ? Ảnh đăng trên báo thường ít chính xác.

- Tôi tin chắc, nhưng tôi chỉ có thể khẳng định được khi nhìn thấy mặt ông ấy.

- Tóm lại bà muốn nhận diện người qua đời ư?

- Tôi muốn nói trước để tránh sự nhầm lẫn sau này. Nếu người ấy có một cái sẹo hình ngôi sao ở bắp chân bên phải thì chính là chồng tôi.

- Bà không gặp ông nhà đã lâu chưa?

- Lần cuối cùng là vào năm 1932...

- Ở Paris ư?

- Ở Congo thuộc Bỉ.

- Ông bà đã chia tay nhau ư?

- Giữa chúng tôi không có sự chia tay nào cả. Ông ấy đã mất tích, không để lại một dấu vết nào dù nhỏ và từ đấy tôi sạt nghiệp cho các luật sư trong việc đòi được thừa nhận những quyền lợi của tôi.

Người thư ký thở dài rồi mở một cánh cửa sang phòng bên, gọi một viên thanh tra vận thường phục.

- Anh dẫn bà này đi. Tôi sẽ cho anh địa chỉ. Đó là ở bến Toumelle. Anh sẽ tìm số nhà trong báo cáo. Tìm một ông già vừa qua đời sáng nay.

Anh ta nhấn mạnh chữ “ông già” nhưng người phụ nữ không mấy chú ý.

- Tôi sẽ trở về ngay - Viên thanh tra nói - Xin bà đi với tôi. Cách đây không xa lắm.

- Tôi có xe taxi đang đợi trước cửa.

- Tốt rồi.

Anh ta mặc áo và đội mũ.

- Tới bến cảng Toumelle!

Họ đến ngôi nhà sơn trắng, màu trắng đã xỉn đi nên ánh nắng mặt trời không làm cho nó chói chang lên chút nào.

- Tôi tin chắc đây là ông ấy! - Bà Marsh nói - Hai người cùng ở một thành phố trong một thời gian dài mà không gặp nhau, thế có kỳ lạ không? Tôi tìm ông ấy khắp nơi mà không thấy. Nếu ông biết chỉ một nửa số tiền của tôi đã bỏ ra để...

Viên thanh tra chỉ đợi ra khỏi xe để hút điếu thuốc lá.

Người đàn bà ngắm ngôi nhà từ dưới lên trên sau đó vội vàng xuống xe để đi vào trong nhà nhưng phải dừng lại chờ cho một bà to béo đi theo chiều ngược lại vượt qua đã.

Người phụ nữ vận đồ đen, một loại bà già có vẻ nghèo khổ mà bà thường gặp trên đường phố. Bà ta có mớ tóc trắng, mặt đầy đặn.

Thoạt tiên bà Marsh không chú ý, nhưng một dự cảm khiến bà ta quay lại nhìn người đàn bà nghèo khổ đang đi trên vỉa hè như một bóng ma.

- Ai vậy?

- Tôi không biết, thưa bà. Tôi không ở vùng này - Người thanh tra cảnh sát trả lời.

Bà gác cổng từ trong nhà đi ra với cặp mắt nghi ngờ.

- Bà đi đâu và hỏi ai?

- Về câu chuyện người vừa qua đời - Người cảnh sát nói - Bà đây nói người có ảnh đăng trên báo là chồng bà.

Có thể nói có những tia lửa hắt ra trong những con mắt của hai người phụ nữ.

- Chắc chắn là bà đã nhầm.

- Còn tôi, tôi tin chắc là mình không nhầm.

- Xin mời các vị đi theo tôi.

Bà Jeanne gầy gò đi lên cầu thang trước, chiếc cầu thang mà bà đi lên, đi xuống không biết bao nhiêu lần trong ngày hôm nay. Thỉnh thoảng bà quay lại nhìn bà khách tới thăm với vẻ thách đố.

- Tôi có đi nhanh quá không?

Cả ba người đều thở hổn hển khi lên tới lầu ba.

- Khoan đã, để tôi đi thắp nến.

Từ sáng nay bà luôn luôn có một bao diêm trong túi chiếc tạp dề, và người ta đã gắn hai cây nến phía cuối giường làm cho căn phòng trở thành phòng tang lễ.

- Xin mời vào.

Mũi của ông Bouvet đã xẹp lại và bộ mặt đã hốc hác hơn, da đã trắng muốt và một nụ cười mơ hồ còn phảng phất trên đôi môi, như khi người ta mang ông đến cửa hiệu thuốc.

Bà Marsh không nói gì, bà có vẻ choáng váng vì cái cảnh tranh tối tranh sáng, vì hai cây nến và nhánh hoàng dương. Bà ta cầm lấy tay người cảnh sát và vỗ vào khoảng không một dấu gạch chéo.

- Thế nào? - Viên thanh tra hỏi.

Bà ta ngập ngừng.

- Tôi tin chắc đây là ông ấy - Bà ta nói một cách không mấy chắc chắn.

Bà ta vội vàng nói thêm:

- Hãy nhìn bắp chân phải của ông ấy. Xem có ngôi sao không...

LỜI GIỚI THIỆU - I -

Tiến >>


Nguồn: HoaQuânTử
Nhà xuất bản: Công An Nhân Dân
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 21 tháng 5 năm 2020