Sổ Tay Võ Thuật, Thế Giới Trẻ
hoi_is biên soạn
MIẾNG CỌP VẤU
truyện ngắn của trung phương
Topic này bao gồm các truyện ngắn, câu chuyện kể với chủ đề Võ thuật được hoi_ls tập hợp từ các tạp chí Sổ tay Võ thuật, Thế Giới Trẻ…
Chúc các bạn vui vẻ.
hoi_ls
MIẾNG CỌP VẤU
Đoàn người khẩn hoang vừa đi vừa vung rựa, phảng phát cỏ lau để mở đường. Những bụi lau dầy cao ngập đầu người, gió chỉ lướt qua trên ngọn không sao len lỏi được vào trong bụi nên từ bên trong sức nóng toát ra hầm hập. Lại thêm sức nóng gay gắt từ trên cao dội xuống khiến mọi người tưởng chừng như nghẹt thở. Mồ hôi nhễ nhại trên tấm lưng trần, phản chiếu ánh nắng trông như những pho tượng đồng đen. Mọi người cứ lầm lũi phát, không ai nói với ai một lời nào. Nhiều chỗ gai góc um tùm, phát quằn cả rựa mà vẫn không chuyển. Muỗi ở đâu túa đến hàng bầy dày đặc như cát bụi, bám vào người không mở mắt há miệng được. Có người bị muỗi bu vào mặt, đập không kịp, phải lấy tay vuốt, khi nhìn lại thì tay đã đầy máu. Những vết muỗi chích buốt nhói như kim châm.
Ánh chiều tà buông xuống nhuộm vàng cảnh vật. Mọi người đi đến một dải rừng bát ngát, liên tiếp nhau chạy mút tầm con mắt. Ai nấy kinh hoảng vì thấy từng đàn rắn lênh nghênh bò khắp mặt đất. Có chỗ rắn quấn thành nùi trên thân cây. Có con rắn có mào đỏ như mào gà, người ta gọi là giống “rắn đồng biết gáy”, sống lâu năm gần thành tinh. Mọi người phải chọn lối khác mà phát cây mở đường, nhưng càng đi càng thấy cây cối rậm rạp, mùi đất ẩm và lá mục xông lên làm cho ngạt mũi. Những con vắt sống trong thảm lá mục, bám vào cổ chân hút máu đến no căng mới chịu nhả ra. Nhưng họ vẫn không chịu ngừng tay, sự sống trên mảnh đất hoang vu này lệ thuộc vào những đôi cánh tay của họ.
Bỗng người đi đầu trông thấy qua kẽ lá một con cọp lớn đang thu mình rình mồi. Bộ lông màu vàng với những sọc đen quanh thân lẫn dưới lùm cây có những vệt nắng xuyên qua tán lá cây in xuống mặt đất lổ đổ. Người đó chỉ kịp kèu lên một tiếng: “Cọp!” thì con cọp đã vươn mình nhảy chồm tới vồ chụp lấy đầu, cắn vào họng rồi tha xác trong bụi cây rậm rạp.
Mọi người hốt hoảng vội kéo nhau chạy về báo với ông Ngộ. Ông Ngộ là một nhà sư trước đây tu ở chùa nào không một ai hay biết. Đoàn di dân đang trên con đường thiên lý đi về phương Nam thì có một nhà sư đầu trọc, áo đà xin nhập bọn. Nhìn nhà sư thân hình vạm vỡ lực lưỡng, mọi người vui lòng cho đi theo, vì nếu trên đường gặp cường đạo hay ác thú thì cũng thêm người có sức khỏe để đối phó.
Khi đoàn người đến Cần Giuộc, ông Ngộ khuyên mọi người nên hạ trại vì ông thấy đất ở đây có vẻ màu mỡ, lại kề cận con sông có nước để trồng trọt, ông cùng bà con đi đốn cây cắt cỏ về dựng lán, riêng ông cũng cất một cái am nhỏ thờ Phật.
Từ khi ông Ngộ trụ trì trong am, người ta thấy ông có cách sống lạ đời là chỉ ăn một bữa trưa, nhịn uống nước. Tờ mờ sáng ông ra tập võ ở sau am rồi về ngồi theo kiểu kiết già, tham thiền. Thay vì tụng kinh thuyết pháp, ông lại khuyên bảo mọi người phải gắng sức phá rừng chặt gai, vỡ ruộng mở đường. Nghe lời ông, mọi người đã làm xong con đường đi về phía Nam và bây giờ tiếp tục mở đường đi về phía Tây.
Nghe tin có người bị cọp vồ, ông Ngộ buôn rầu:
- Vậy là lại thêm một người bỏ mình ở vùng đất hoang vu này.
Bỗng ông đổi giọng căm giận:
- Ta quyết phải trừ bằng được nạn cọp để trả thù cho đồng bọn và mở một lối đi an toàn qua rừng rậm.
Một người rụt rè thưa:
- Cọp ở vùng này dữ lắm, hay là ta kiếm nơi khác để khai phá...
Ông Ngộ lắc đầu:
- Không được. Ta đi đã nhiều, chưa thấy vùng nào đất màu mỡ như ở đây. Nếu tránh cọp mà bỏ đi, dễ gì đã kiếm được nơi đất tốt hơn. Vả chăng ở phương Nam này, đất còn bỏ hoang nhiều nên mới có cọp có sấu, nếu ta đi tìm nơi không có cọp có sấu thì chắc đâu đã có đất hoang.
Ngừng một lát, ông lại nói tiếp:
- Chúng ta vì tránh chính lệnh hà khắc của chúa Nguyễn nên mới lên đường đi đến chốn cuối đất cùng trời này. Ngày xưa có người đàn bà, cả cha, chồng, con đều lần lượt bị cọp vồ mà vẫn không chịu bỏ đất đang ở mà đi, chỉ vì ở đó không có chính lệnh hà khắc. Cọp chỉ khi đói mồi lại nhân lúc người hở cơ mới bắt được người. Còn bọn quan lại lòng tham không đáy, muốn bắt người sách nhiễu của cải lúc nào thì bắt, dân không có quyền trốn tránh hoặc chống cự. Bởi vậy chúng ta chỉ còn một cách tiến về phía trước không thể dừng lại được. Phải đạp bằng mọi trở ngại trên đường đi, đâu đó là rừng rậm bãi lầy hay cọp hung sấu dữ...
Một tráng đinh lo lắng:
- Nhưng thày đã có cách nào trị được cọp chưa? Hay là ta dùng một số bẫy như bẫy giật, bẫy hố, bẫy dây, bẫy bàn, bẫy kẹp đặt ở gần chỗ cọp thường xuất hiện để bẫy cọp?
Ông Ngộ gạt đi:
- Đặt bẫy chờ cho đến lúc cọp sa bẫy thì biết đến đời nào? Gặp con cọp khôn ngoan nó không chịu mắc bẫy thì sao? Thời vụ tới nơi phải phá hoang vỡ đất để kịp trồng trọt không thể chần chờ. Ta phải tự mình quần thảo với cọp để giết nó mới được. Trước đây đã có nhiều người tay không đánh cọp như hồi năm Canh Dần, đời chúa Định Vương, khi mọi người đã ngủ yên có cọp dữ vào nhà người dân ở phía Nam chợ Tân Kiểng đất Gia Định quấy phá. Dân chúng sợ hãi báo với Đồn dinh phái binh vây bắt. Sau phải dỡ bỏ nhà cửa, làm nhiều lớp rào bao vây, nhưng cọp rất dữ, không ai dám đụng đến. Qua ngày thứ ba có thầy chùa đi vân du là Hồng Ân cùng đồ đệ là Trí Năng xin vào bắt giùm. Hồng Ân đấu cùng cọp một chập lâu, cọp bị đánh đau, chạy núp trong lùm tre. Hồng Ân rượt theo, cọp bị khốn, trở lại chọi với Ân. Ân lùi bước té xuống con mương, bị cọp giằng xé, nhờ có Trí Năng tiếp viện, đánh trúng đầu cọp chết tốt, nhưng Hồng Ân bị thương cũng chết liền khi đó...
Mọi người đều xúc động trước tấm gương nghĩa khí của nhà sư đánh cọp. Ông Ngộ lại nói:
- Nếu nay ta liều mạng xông ra đánh nhau với cọp, dẫu giết được nó mà mình cũng chết thì đó mới chỉ là có dũng mà chưa có trí. Phải làm sao giết được nó mà vẫn bảo toàn được mình mới là thượng sách!
Chiều hôm sau ông Ngộ bảo người dẫn ông đến chỗ có cọp xuất hiện. Tới nơi ông trèo lèn một cây cao có ba chạc ngồi khuất trong đám lá rậm. Chờ đến nửa đêm mà vẫn chưa thấy bóng dáng cọp, ông đã hơi nóng ruột nhưng tự nhủ mình phải ráng kiên nhẫn đừng bỏ cuộc.
Bỗng ông nghe thấy có tiếng “póc” “póc” như tiếng nai kêu. Lát sau một đàn nai đi theo đường mòn ven suối rồi ghé xuống suối uống nước. Lúc nai đang mải uống thì từ trong bụi rậm cọp bước ra với tấm thân uyển chuyển, lẹ làng hông gây một tiếng động. Lúc ấy ông Ngộ mới vỡ lẽ tiếng kêu “póc” hồi nãy là của cọp phát ra để dụ nai tới gần. Bất đồ, cọp nhảy chồm tới, vồ chụp lấy đầu một con nai, cắn vào cổ cho chết liền. Đàn nai hoảng sợ bỏ chạy nháo nhác. Cọp xé xác con mồi nhai thịt xương lạo xạo, máu tươi rỏ xuống mặt đất lênh láng. Vừa ăn cọp vừa kêu “gu gu” như dọa nạt những con vật khác đến tranh mồi, mặc dù không có con vật nào ở bên cạnh. Bữa tiệc máu đã thỏa thê, cọp ngồi dựng hai chân sau lên, há miệng, nhe răng khạc gió. Nhìn thấy vẻ tự mãn của cọp sau khi làm xong một hành động tàn ác, ông Ngộ liên tưởng đến chuyện người đồng bọn của mình cũng vừa bị cọp ăn thịt, nên không nén nổi căm giận. Bất giác tay ông ấn mạnh lên cành cây khiến cành khô gãy rắc rớt xuống đất. Nghe tiếng động cọp giật mình kêu “hụp” một tiếng rồi cong đuôi chạy thẳng vào trong bụi rậm.
Nhìn theo bóng cọp khuất sau đám lá đây, ông Ngộ lẩm bầm:
- Đúng rồi! Phải “dĩ độc trị độc"!
Từ lúc cọp xuất hiện, ông đã để ý quan sát các thế đi đứng nằm ngồi của cọp, nhất là cách tấn công con mồi. Ông nảy ra ý định dựa theo những động tác đó sáng tạo ra những miếng “hổ quyền” rồi dùng những miếng đó để trị cọp. Vì ông nghĩ rằng quyền Việt Nam có cái đặc biệt hơn quyền của các nước khác là đánh đỡ cũng trong một thế đó.
Từ động tác cọp vồ mồi, ông nghĩ một thế công: đứng tấn trung bình, chân phải quét vòng từ phải sang trái, dừng lại trước bàn chân trái, bàn chân trái xoay chếch về bên trái, mũi bàn chân phải cách gót bàn chân trái hơn một bàn chân, tấn chảo mã, đồng thời tay trái xòe ra từ bên hông khoát lên đỡ đầu, nắm tay phải tấn công thẳng xuống mặt đất, giữa hai chân, dừng lại ngang gối, trong lúc tay đỡ vừa rút về bên hông. Cú đấm với sức nặng của cả thân người giáng xuống. Từ thế này ông lại biến hóa sang các thế khác. Ông đặt cho thế này cái tên “Hổ lập bình vương”, nghĩa là cọp đứng trên bãi đất phẳng. Rồi ông lại nghĩ ra một thế thủ: Hai chân đứng khít nhau, chân phải gập xuống, chân trái thẳng, sức nặng thân người trên chân phải, mắt nhìn về phía đối thủ. Sau đó trở về tấn trung bình, hạ thấp khoảng cách từ đùi đến mặt đất, lưng thẳng. Thế “Hổ tấn” này dùng để tránh né đòn của đối thủ.
Sau đó ông lại tìm ra những thế biến, tức là nương theo đòn của đối thủ để nắm lấy cơ hội ngáng chân đối thủ hoặc thoát hiểm: Chân trái bước lên phía trước, tấn đinh, tay trái dùng chưởng đè xuống trước hạ bộ, tay phải đánh xéo qua vai trái. Ông đặt tên thế này là “Tùy cơ bạch hổ” nghĩa là con cọp trắng tùy cơ ứng biến.
Cuối cùng ông nghĩ ra những thế phá, nhằm làm hư thế công của đối thủ, tiến tới đánh bại hẳn đối thủ: Hai chân đứng khít nhau, chân phải bước qua phải khoảng cách bằng một thế tấn đinh, thân người ngã về bên trái, mắt nhìn vê phía đối thủ. Tay phải đỡ song song thân và đùi phải, cùi chỏ thúc về bên trái. Chân phải bước về bên trái, hai bàn tay xòe, các ngón tay khít nhau, chụp song song hai bên đầu gối, cánh tay thẳng, thân người úp xuống nhưng mắt vẫn liếc nhìn về phía trước và phản công bằng cùi chỏ phải, quả đấm nắm tay trái đồng thời cánh tay phải còn dùng để đỡ đỉnh đầu. Ông đặt tên cho thế này là “Phản hồi địa hổ”, nghĩa là con cọp trên mặt đất xoay mình trở lại.
Khi luyện tập thành thục, ông một mình tới khu rừng rậm để trị cọp. Vào khoảng nửa đêm, khi cọp quen lệ ra bắt mồi, ông nhẹ nhàng từ trên chạc cây nhảy xuống xông vào giao đấu với cọp. Cọp bất ngờ lùi lại lấy đà rồi đứng dựng trên hai chân sau quơ vuốt nhào tới. Ông Ngộ bước qua bên trái, hai tay chụp đỡ đòn tấn công của cọp. Cọp vồ hụt, lùi lại lấy đà, toan nhảy chồm tới vồ lần nữa. Ông Ngô lật mình trở lại bên phải, tung mình lên cao, đá cả hai chân hạ đối thủ đang nhào tới. Khi rơi xuống tấn trung bình, chân phải lùi về phía sau, tay phải đấm thẳng về phía trước. Cọp trúng một cú đấm như trời giáng gầm lên lùi lại phía sau nhưng say đòn vẫn lách tới tấn công. Ông Ngộ lật mình trở lại dùng cú đá song phi làm cọp phải lùi ra sau tránh đòn. Chân ông Ngộ vừa chạm đất với thế tấn trung bình vững như núi Thái, tay trái lẹ như chớp và năm ngón cứng như sắt xỉa vào mặt cọp, tiếp đó móng tay móc rách cả mắt và mặt cọp. Cọp bị đau đớn, lồng lộn. Thừa lúc đó, ông Ngộ dùng cú đấm tay phải giáng xuống đầu cọp khiến cọp ngã lăn xuống đất giẫy giụa một hồi rồi tắt thở.
Mọi người biết tin đến chúc mừng và ca ngợi tài năng của ông Ngộ. Ông mỉm cười khiêm tốn:
- Tôi nào có tài cán gì đâu. Chỉ vì học được miếng “cọp vấu” nên mới dùng chính đòn của cọp để trị cọp. Tôi nghe nói ngày trước có một bà mụ nổi tiếng, đỡ đẻ xong đã quá khuya, đường về phải qua một khu rừng rậm. Khi bà đến cây trôm thịt thì một con cọp to nấp sau gốc cây phóng ra vồ bà. Vốn là người giỏi võ nghệ, bà bẻ bộ tránh qua một bên rồi sẵn cái ống ngoáy trầu bằng đồng trong tay, bà đập ngay sống mũi cọp; bị đánh trúng chỗ hiểm, cọp chết lăn quay. Từ đó tôi suy ra cách dùng năm ngón tay xỉa thẳng vào những trọng huyệt trên mặt cọp để điểm huyệt ắt là cọp sẽ bị trọng thương.
Nghe xong lời ông Ngộ, mọi người đều ồ lên thích thú. Trước đây nghe kể chuyện những người tay không đánh cọp, cứ tưởng rằng đó là những người có thần lực, giờ mới hay chẳng qua là do họ chăm luyện tập võ nghệ, lại biết dựa vào khoa cách vật trí tri tìm ra những nhược điểm của cọp để hạ nó. Mọi người nói với ông Ngộ:
- Đã có thầy thì từ giờ không còn lo gì nạn cọp nữa!
Ông Ngộ lắc đầu:
- Chỉ có một mình tôi thì ăn nhằm gì. Muốn đối phó với nạn cọp thì làng ta phải lập một bộ hổ, gồm một số trai tráng khỏe mạnh võ trang bị mặt khại(1) và mác thông để chống cọp. Khi có cọp, nghe mõ đánh ba hồi khắc ba thì tất cả mọi người dù đang làm việc gì ở bất cứ nơi đâu đều phải chạy về tham gia việc vây cọp. Nổi tiếng mõ đốt pháo hò hét để uy hiếp cọp, dùng vải đỏ để nhử cọp, dùng cây cau làm sào vây nhốt cọp lại, xua vào rọ rồi đâm chết. Có như vậy mới mong trừ tuyệt được nạn cọp.
Ông Ngộ vừa dứt lời, mọi người đã cất tiếng hò reo vang dậy. Nhìn lớp trai tráng đứng trước mặt, những tấm thân cường tráng cuồn cuộn nhựa sống như những thân cây tràm vươn thẳng dưới nắng xuân, giọng ông hào hùng:
- Chỉ cần mọi người vững lòng không biết sợ cọp thôi, thế tất học được cách trị cọp. Nghề võ bao gồm bộ pháp, thân pháp, nhãn pháp, khí pháp, nhưng khi đắc tâm pháp rồi, tâm pháp yên thì có thể điều khiển được các pháp kia, khiến mọi pháp đều phát huy đầy đủ. Khi tâm hồn thanh tĩnh thì ta hình dung thấy bên trong bài quyền cuồn cuộn chảy không dứt...
Qua lời ông Ngộ, mọi người rạo rực cảm thấy sức mùa xuân vận hành trong vũ trụ. Rừng hoang cỏ dại sẽ phải lùi bước nhường chỗ cho những mầm xanh nẩy từ lòng đất, để từ đó những cánh đồng lúa như sóng cuồn cuộn tới chân trời...
Chú thích:
(1)Mặt khại: một loại khiên đan bằng cột cây cau già
MIẾNG CỌP VẤU
Tiến >>
Nguồn: hoi_Is
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 1 tháng 9 năm 2020