Cá nâu có thịt thơm, ngọt, béo, ít xương kho với trái giác vị chua thanh dùng kèm cơm trắng, là đặc sản Cà Mau rất đưa cơm.
Cây giác còn có tên gọi cây nho rừng, là loại dây leo hoang dại sống lâu năm và rất phổ biến ở Nam Bộ. Trái giác (quả nho rừng) thuộc loại quả mọng, hình cầu dẹt, khi chín có màu tím đen, thường được dùng để nấu canh chua (cả quả xanh và quả chín).hoặc làm rượu
Nguyên liệu
0,5 kg cá nâu
100 gr trái giác
Tỏi, ớt, hành lá
Dầu ăn
Gia vị: nước mắm, muối, hạt nêm, nước màu, đường, rượu trắng
Cách làm
-Cá nâu cạo sạch vảy, bỏ ruột và rửa với nước.
- Hành lá rửa sạch, cắt nhỏ. Ớt đập dập. Tỏi lột vỏ và băm nhuyễn.
- Trái giác rửa sạch, lượt bỏ những trái hư, sâu.
Thực hiện
- Cho một muỗng canh dầu ăn lên chảo, cho tỏi băm nhuyễn vào phi đến vàng thơm thì dùng muỗng vớt nửa lượng tỏi ra chén nhỏ.
Tiếp tục cho 300 ml nước lọc, một muỗng canh đường, nửa muỗng canh muối, một muỗng cà phê hạt nêm, 3 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng nước màu khuấy đều.
Đợi hỗn hợp sôi, cho cá nâu vào kho khoảng 10 phút. Tiếp tục cho trái giác đã rửa sạch vào kho cùng. Khi cá chín, trái giác mềm, cho hành lá, ớt và phần tỏi phi còn lại lên trên. Món ăn hoàn thành khi cá có màu vàng sóng sánh, nước kho có độ sền sệt.
Yêu cầu thành phẩm
Cá nâu kho trái giác đúng cách là khi rẽ miếng thịt cá sẽ thấy phần da mềm, vị thịt thơm béo hòa chút chua thanh của trái giác, đậm đà của các loại gia vị. Món này sẽ ăn kèm cơm trắng.
Lưu ý
- Để giảm mùi tanh của cá, bạn phải rửa cùng rượu trắng.
- Phải cạo thật sạch vảy thì vảy của loại cá này rất khó làm.
- Nếu thích ăn chua, bạn có thể dầm nát trái giác để tiết hết vị trong quả ra nước kho.
- Nên sử dụng bao tay khi dầm trái giác để tránh bị ngứa.
- Kho với lửa nhỏ và đừng để cạn nước. Phải giữ nước sâm sấp mặt cá thì vị của trái giác mới thấm vào cá.
Được bạn: Thanh Vân đưa lên
vào ngày: 30 tháng 3 năm 2023