Em Bé Hà Nội
Năm 1974, đạo diễn Hải Ninh ra mắt bộ phim kinh điển Em bé Hà Nội, tái hiện nỗi đau người dân Thủ đô hứng chịu trong “12 ngày đêm khói lửa” cuối năm 1972. Dù chỉ qua góc nhìn và câu chuyện đơn lẻ của cô bé Ngọc Hà, nhưng bộ phim đã cho thấy nhiều hình ảnh rộng hơn, lớn hơn về con người Hà Nội, về tình thương yêu và đoàn kết trong khốn khó, bằng một thứ ngôn ngữ điện ảnh giản dị và nhiều cảm xúc.
Từ 18 đến 30/12/1972, Mỹ tập kích Hà Nội bằng đường không, mang theo “pháo đài bất khả xâm phạm” B-52. Trong 12 ngày đêm, nhân dân Hà Nội đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi cả B-52 và buộc Mỹ phải kí hiệp định Paris đem lại hòa bình cho miền Bắc Việt Nam.
Dù chiến thắng, nhưng nhân dân Hà Nội đã phải hứng chịu rất nhiều đau thương. Thảm khốc nhất là trận rải bom vào phố Khâm Thiên đêm 26, làm chết 278 người chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em. Đó là nỗi đau khôn nguôi, để lại hậu quả lâu dài khi hàng trăm đứa trẻ phải chịu cảnh mồ côi. Những đứa trẻ Khâm Thiên ngày ấy là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thảm khốc và bất công của chiến tranh.
“Em cháu có làm gì chúng đâu?”
Chuyện phim bắt đầu bằng những cảnh phim dài kéo qua đường phố Hà Nội. Người dân di tản khỏi thành phố thủ đô. Trên chiếc xe, những gương mặt trẻ thơ trong sáng và ngơ ngác lướt qua. Trên một chiếc cầu là dòng chữ “Không có gì quí hơn độc lập tự do” của Bác Hồ. Giữa dòng người, cô bé 12 tuổi Ngọc Hà (NSND Lan Hương) với chiếc đàn Violon sau lưng, hét vang gọi bố. Một chiến sĩ cho em đi nhờ xe, và câu chuyện đau thương của em bắt đầu được kể.
Trận bom ở Khâm Thiên đã cướp đi người mẹ và em gái Thùy Dương, khi ấy Ngọc Hà may mắn đang đi học ở nơi sơ tán. Bố em đi công tác nơi xa. Em trở về nhà và tìm bố, người thân duy nhất còn lại. Bộ phim là những lát cắt xen kẽ giữa hiện tại, em và anh lính trên đường vào trận địa, những kỉ niệm hạnh phúc bên gia đình, và hành trình trở về của Ngọc Hà. Những con người Hà Nội cũng được khắc họa rõ nét mà không thông qua kí ức, qua đó nói lên lòng nhân ái và tinh thần anh dũng của những người con thủ đô.
Không có cách nào hiệu quả hơn khi thể hiện sự khốc liệt của chiến tranh qua góc nhìn một đứa bé. Nét ngây thơ và trong ngần của Ngọc Hà là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất sự vô lý của chiến tranh. Em hỏi anh chiến sĩ: “Tại sao chúng lại đem bom đến đây ném hả chú? Tại sao chúng lại thích giết trẻ em?... Em cháu có làm gì chúng đâu?”. Những câu hỏi không có câu trả lời. Chiến tranh không nhân đạo với bất kì ai.
Hà Nội hiện lên qua những khung hình thảm khốc. Nơi trước kia là phố xá, là nhà cửa, chỉ còn lại bãi đổ nát và những hố bom sâu hoắm. Những người đàn ông tìm kiếm thi thể dưới đống đổ nát, những cụ già với cặp mắt vô hồn thẫn thờ nhìn theo. Không cần nhiều lời nói, mà dựa vào rất nhiều chi tiết mang tính biểu tượng, đạo diễn Hải Ninh đã làm bật lên nỗi đau mất đi người thân mà Ngọc Hà phải hứng chịu.
Hai lần trong bộ phim, người ta đã hỏi Ngọc Hà về sổ địa chỉ, số hộp thư, em chỉ ngậm ngùi: “Mẹ cháu để ở trên ngăn tủ”. Em không muốn nói về ngôi nhà đã bị chôn vùi, vì nó gợi đến hình ảnh và nỗi đau. Khi xếp hàng xin gạo, em đã nài nỉ cô thủ kho đừng xóa tên mẹ và em gái trong sổ lương thực. Dù là sự thật, nhưng sâu trong tâm hồn em vẫn khó mà chấp nhận người thân đã vĩnh viễn ra đi. Nó quá nhanh và quá tàn nhẫn, thậm chí em còn không được nhìn thấy họ lần cuối. Khi em trở về ngôi nhà, giờ chỉ là một bãi hoang tàn và cháy xem, em thẫn thờ hỏi: “Nhà cháu đâu?”. Đó là khoảnh khắc xúc động và chân thực. Những cảnh kí ức hạnh phúc chen vào hiện thực càng làm cho hiện thực thêm nhức nhối hơn.
Những người con Thủ đô anh dũng
Bên cạnh câu chuyện của Ngọc Hà, bộ phim còn nói về lòng nhân ái và tinh thần tương trợ của những người con thủ đô trong khốn khó. Anh chiến sĩ tên lửa đã cãi lệnh cấp trên để đưa Ngọc Hà theo cùng. Cảm động về câu chuyện của em, anh đã giúp đỡ Hà hết mình và nói “hãy xem chú như người thân trong nhà”. Cấp trên của anh cũng đã tỏ ra lo lắng và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho em.
Suốt hành trình của Hà cho đến khoảnh khắc hiện tại, em đã nhận được sự giúp đỡ của những người tốt bụng. Cô thủ kho đã đưa em về trường nơi sơ tán và chăm sóc cho đến khi em có thể tìm đến cơ quan của bố. Trên đường đi, hai cô cháu gặp phải một trận bom, nhưng ngay dưới hầm trú ẩn, giữa đạn bom ầm ĩ, họ vẫn nói về cái áo, về bít tết được công đoàn cho. Một hình ảnh đẹp và ấn tượng về tinh thần lạc quan trong khói lửa. Đó là phẩm chất đáng quí đã giúp người dân Hà Nội vượt qua nỗi đau để chiến thắng.
Mẹ của em cũng là một người phụ nữ anh dũng. Cô hi sinh vì đã nỗ lực để cứu những đứa bé vô tội. Em gái Thùy Dương được một phụ nữ khác, không hề quen biết, nâng niu và bảo vệ cho đến giây phút cuối. Lòng hi sinh cao cả và nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt được thể hiện bằng hai hình ảnh này. Trong lá thư gửi cho người yêu, cô còn nói lên khát vọng hòa bình và tin tưởng vào nó. Tin tưởng vào ngày Tổ quốc được tự do và thống nhất, nơi những ngôi nhà cao đẹp dựng lên, nơi những đứa bé sống trong hòa bình và ấm no. Bộ phim làm năm 1974, ngay trước năm chiến thắng, và những khát vọng đó đã làm nên giá trị rất lớn cho phim.
Ngoài ra, một thành công khác của đạo diễn Hải Ninh là đã tái hiện rất tốt bối cảnh. Đó là việc không hề dễ dàng, nhất là đối với các cảnh bom nổ, nhà cửa tan hoang đổ nát, những con người ngày đêm trông ngóng tin tức nơi chiến tuyến. Đem lai cảm giác chân thực chân thực về chiến tranh là điều tối quan trọng, mà nhiều bộ phim sau này dù hiện đại và nhiều kĩ xảo hơn, vẫn không thể làm được.
Xem Em bé Hà Nội giống như được sống lại trong không khí một thời đau thương đã qua. Giá trị của những bộ phim kinh điển như Em bé Hà Nội nằm ở việc lưu giữ lịch sử, và hơn thế nữa, lịch sử với đầy đủ không gian và cảm xúc, cả những mất mát lẫn lòng tự hào. Nó nhắc nhở người Việt hôm nay không được quên đi lòng nhân ái, những phẩm chất truyền thống tốt đẹp, tình đoàn kết và giá trị của hòa bình.
Và những người trẻ, xin đừng lãng quên giá trị của hòa bình hôm nay: nó đắt hơn mọi của cải, vì nó đong đếm bằng rất nhiều, rất nhiều nước mắt và nỗi đau.
Nguồn: youtube
Được bạn: Mọt sách đưa lên
vào ngày: 26 tháng 11 năm 2011