Đến hẹn lại lên

Đạo diễn: Trần Vũ
Diễn Viên Chính: Như Quỳnh

Phôi thai hình thành ý tưởng từ một bộ phim tài liệu , nhưng sau khi ra mắt người xem, "Đến hẹn lại lên"  được coi như là một tác phẩm kinh điển của phim truyện Việt Nam . Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ III ( năm 1975 ) , phim đã giành được giải Bông sen vàng, nghệ sĩ Như Quỳnh đăng quang với giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất . Hai giải đạo diễn và quay phim được trao cho Trần Vũ và Nguyễn Đăng Bảy . Một năm sau , "Đến hẹn lại lên" vinh dự được nhận giải thưởng chính tại Liên hoan phim Quốc tế Các-lô-vy Vary năm 1976 . Cùng từ đó tên phim đã trở thành cụm danh từ chung , câu nói cửa miệng của rất nhiều người để chỉ nhiều sự việc.

 Khai thác đề tài lịch sử cách mạng , "Đến hẹn lại lên" mang màu sắc của nghệ thuật hiện thực tâm lý. Thông qua một mối tình éo le , dang dở tại vùng quê Kinh Bắc - nơi có những làn điệu dân ca nổi tiếng, các tác giả đã khéo léo gài vào đó tư tưởng , chỉ có đi theo cách mạng , tình yêu và nghệ thuật mới được giải phóng và phát triển . Mối tình trắc trở của các nhân vật chính được đặt trên nền bối cảnh xã hội Việt Nam trước Cách Mạng Tháng 8/1945, khiến cho ý nghĩa của câu chuyện được mở rộng và có sức nặng .

Từ những số phận đơn lẻ và những cá nhân cụ thể, tiêu biểu, những vấn đề chung của đất nước được phản ánh cùng triết lý lạc quan về sự tồn tại và phẩm giá con người trong cuộc sống. Truyện phim mở đầu bằng cảnh hai nhân vật chính của phim là Nết (Như Quỳnh đóng) và An (Đình Thân đóng) gặp nhau tại một vùng ở Trường Sơn trong chống Mỹ cứu nước , nhưng hành động chính của phim đưa người xem trở lại những năm trước Cách Mạng Tháng Tám .

Nết và Chi quen biết nhau qua những lần đi hát hội Lim và đã đem lòng yêu thương cảm mến nhau. Nhưng cả hai đều quá nghèo, nên chưa thể thành vợ thành chồng được. Rồi đến dịp hội xuân , Bình - gã con nhà giàu , anh trai của An đã tìm cách chiếm đoạt cô gái quan họ xinh đẹp. Hắn bày mưu tính kế với bà chị Tư Nhung, vu khống cho Chi làm cộng sản. Mặt khác, Tư Nhung còn lợi dụng sự cả tin của ông cậu ruột Nết đẩy cô vào thế đường cùng

 

Chi bị bắt, sau đó nhờ sự giúp đỡ của mọi người , đã đào thoát và trốn đi nơi khác. Anh rủ Nết cùng đi, nhưng lúc đó bà cụ thân sinh của cô đang ốm nặng, nên cô không thể nào thuận theo anh được. Vì thương cháu, ông cậu của Nết cố dàn xếp để cô nhận lời lấy Bình vừa để có chốn an nhàn, vừa có tiền chạy chữa thuốc thang cho bà cụ. Đám cưới chạy tang diễn ra đúng lúc bà mẹ của cô dâu vừa qua đời. Nết như người mất hồn vì nỗi đau thương quá lớn, bị kéo theo đám đưa dâu , nhưng sau đó cô vội vàng bỏ trốn, ngay khi vừa tới nhà chồng. Gia đình An phân hóa: An là người tiến bộ, đã phản đối việc Bình cưỡng hôn Nết, và sau đó anh đã tham gia cách mạng. Còn Bình hết theo Pháp lại trở thành tay sai cho giặc Nhật.

Cách Mạng Tháng Tám bùng nổ, Chi trở thành cán bộ, lãnh đạo dân làng vùng lên cướp chính quyền. Rồi kháng chiến, Chi lại cùng với An có mặt trong đoàn quân Nam tiến ...

Cách thể hiện của phim cho ta thấy Trần Vũ muốn đi tới một phong cách cổ điển đi sâu hơn nữa vào nghệ thuật hiện thực tâm lý. Trong phim có sự kết hợp chặt chẽ giữa nghệ thuật đạo diễn và nghệ thuật diễn xuất của diễn viên. Những cảnh quay dài, dàn cảnh có chiều sâu đã tạo điều kiện cho diễn viên diễn xuất. Một trong những đoạn có sự kết hợp tốt đẹp, đạt hiệu quả mạnh là đoạn từ khi mẹ Nết ốm đến khi Nết trốn đi. Trong đoạn này nữ diễn viên Như Quỳnh bằng diễn xuất có chiều sâu về tâm lý đã đẩy hành động kịch tính lên cao, tạo được hiệu quả nghệ thuật sâu sắc. Đạo diễn Trần Vũ chú ý sử dụng chi tiết mang tính ẩn dụ. Đó là cảnh Nết phơi lụa và bị gió lốc thổi cuốn lụa vào người - cảnh phim không chỉ khắc họa tâm trạng rối bời của nhân vật mà còn báo hiệu cho người xem về cơn gió lốc oan trái của cuộc đời đột nhiên ập đến, trói buộc số phận Nết.

Ở một đoạn phim khác, các tác giả đã đưa nhân vật vào một tình huống kịch căng thẳng để lột tả đến cùng sự nghiệt ngã của số phận, nỗi khổ đau và sức chịu đựng của con người. Ngày mẹ mất cũng là ngày Nết phải ôm hoa về nhà chồng, phải chia tay với người ruột thịt duy nhất và mối tình đầu trong sáng thơ mộng với Chi.

Nết sực tỉnh... ngơ ngác, bàng hoàng trong gian phòng ấm cúng mà giá lạnh. Cô thẫn thờ tiến về phía cửa thông sang buồng cưới ... Tiếng pháo nổ, lời chúc tụng, tiếng hát vang lẫn tiếng cười, nhịp phách, từ bên ngoài dội tới ... Chợt thấy tiếng cãi lộn giữa hai cha con tên Bình về mình, cô lắng nghe ... Qua những lời chê trách của ông bố chồng về sự "nghèo hèn" của mình Nết càng thấy buồn bã, chán ngán... Bỗng có tiếng người say, tiếng chân bước lảo đảo của một ông chú chồng nào đó, gạt người can ngăn, đòi vào buồng bắt cô dâu ra chào hai họ! ... Ống kính kéo lại gần bộ mặt hốt hoảng của nhân vật đang vội lùi làm đổ đôi nến đang tỏa sáng chập chờn trên giá cao ...

Yên tĩnh đã trở lại, sau những cơn gió giật làm chao đảo tâm hồn nhân vật từ buổi sớm mai, Nết khóa trái cửa ra vào, bước ra cửa sổ để tìm chút thư thái. Dưới lòng sông long lanh ánh sao, thuyền ai kia đang ngược dòng trong đêm tối! Trong tiếng nhạc đầy ân ái nhớ thương , bỗng vẳng lên tiếng nói hôm nào của Chi, chất phác mà chân tình, khi người bạn chân đất nai lưng kéo thuyền ngược sông : "Chúng mình nghèo quá! ... Anh cũng định kiếm cơi trầu ..." Nết thẫn thờ quay lại và bắt gặp bóng mình, lộng lẫy như một "bà hoàng", trong tấm gương pha lê trong vắt. Cô cảm thấy xa lạ ngượng ngùng trước sự đổi lốt của cô gái đồng quê quan họ... Nhân vật bỗng chau mày trút bỏ xuống sàn: chiếc khăn vành rế kiểu "Nam Phương hoàng hậu", chiếc áo nhung lam mịn tuyết, kiềng vàng,hoa tai nạm ngọc... Nết vội mở chiếc hòm, lục tận đáy sâu và lôi lên chiếc ống vôi bạch mà Chi tặng ngày nào!

Nết quyết định trốn khỏi nhà chồng, bóng người con gái đơn độc, liêu xiêu băng qua cánh đồng, phủ phục khóc ròng bên mộ mẹ. Rồi Nết bị dồn đến bước đường cùng trong ngôi chùa vắng. Trong sự tương phản gay gắt của ánh sáng , cô nép mình tìm sự che chở bên pho tượng Phật trăm tay nghìn mắt. Bất ngờ, Nết phóng lên hồi chuông dồn dập, thực sự tự giải phóng cho mình...

Cũng như những bộ phim trước của Trần Vũ, phần hình ảnh trong Đến hẹn lại lên vẫn do nhà quay phim Nguyễn Đăng Bảy thực hiện. Người xem thật khó có thể quên hình ảnh hội làng, giếng nước; cảnh Chi và Nết gặp gỡ trong đêm mà những ngọn đuốc cháy dài, đầy vẻ ma quái; hình ảnh Nết lả đi trong đám cưới chạy tang, bị người nhà của Bình lôi xềnh xệch, chi tiết Bình nhẹ nhàng bẻ cành hoa ở trong lọ và gương mặt thảng thốt, ánh mắt hoảng loạn của Nết khi cô như bừng tỉnh, nhận ra mình đang ở nơi nào... Có thể thấy Trần Vũ đã cẩn thận, lao tâm khổ trí tính toán chăm chút cho từng khuôn hình một. Ông tìm đến vùng đồi thông Tiên Lục ( Bắc Ninh ) và nhờ dân của 49 làng quê quan họ để có được những món đồ cổ: từ chiếc áo tứ thân, áo the khăn xếp tới chiếc ô lục soạn, bộ dây xà thích, cờ quạt ... Ông cũng nhờ đến sự tham gia của những tốp trai gái vùng quan họ gốc, với những điệu hát đối và phong cách chơi xuân thuần khiết... Và cũng nhờ cảm xúc và sự lao tâm ấy mà mọi yếu tố của ngôn ngữ điện ảnh: diễn xuất, dàn cảnh, tạo hình, âm thanh, tiết tấu, montagne... đều được sử dụng nhuần nhuyễn, tập trung tạo hiệu quả nghệ thuật đầy sức thuyết phục cùng ấn tượng đậm nét, lâu bền nơi người xem.
 

(Theo Thế giới Điện ảnh)


Nguồn: youtube
Được bạn: mọt sách đưa lên
vào ngày: 6 tháng 1 năm 2013

Bình luận về Phim "Đến hẹn lại lên"