Vài ngày trước biến cố 30/4/1975, gia đình ông cậu di tản qua Mỹ. Cậu vội vã xuống nhà tôi nhờ nuôi giùm 1 em cẩu đen thùi lùi,người nhỏ xíu với hàm răng dưới chìa ra cùng cặp mắt ốc nhồi đen lay láy rất đáng sợ nhưng nó lại hiền khô và thân thiện, gặp người lạ cũng mừng. Nó tên Phốc.
Thời đó cả nước sống trong khó khăn nghèo khổ, thịt thà cá mú là 1 điều gì đó rất mơ hồ xa xăm, cơm còn phải ăn độn 50% với khoai sắn.Mọi người đều phải thắt lưng buộc bụng,tuy nhiên có mỗi con Phốc không hề biết đến sự đổi thay của SG xưa và nay.Nó không chịu lắng nghe và nhất quyết không thấu hiểu( đã cố giải thích cho nó nhiều lần)con Phốc vẫn cứ lăn ra biểu tình nhịn đói nếu cơm không có thịt. Bố tôi bảo cứ để nó nhịn đói vài bữa là cái gì cũng ăn. Nó nhịn đói luôn vài ngày, chui vô góc nhà nằm với đôi mắt ướt như khóc.Dỗ dành kiểu gì cũng cương quyết không ăn.Chúng tôi bèn năn nỉ mẹ, thế là cả nhà ăn rau luộc chấm nước mắm nhưng với nó mẹ tôi phải kho riêng một nồi thịt ăn dần. Lúc đó anh em chúng tôi còn rất nhỏ,tuổi thơ hồn nhiên vui sống bên nhau.Con Phốc có thói quen rất dễ thương trước khi ngủ( chúng tôi trải chiếu nằm dưới đất nhưng nó thích ngủ trên ghế Sofa) nó chạy một vòng,chui vô màn liếm mặt từng người, nhận lại 1 cái ôm ấm áp rồi chui ra leo lên sofa ngủ.
Ông Đức Thắng là bạn của bố ( nhà chuyên làm giò chả,gần khu Hoàng hoa Thám) hay sang nhà chúng tôi chơi và ông rất thích con Phốc. Mỗi lần sang chơi,ông luôn mang theo một vài cây chả biếu bố tôi và không bao giờ quên 1 ít thịt cho con Phốc.Một hôm,bố nói với chúng tôi sẽ cho con Phốc qua ở nhà ông Đức Thắng,nhà bên đó nhiều thịt nên nó tha hồ ăn. Anh em chúng tôi khóc ròng đòi giữ lại bởi vì thật ra mỗi ngày nó ăn rất ít và anh em chúng tôi luôn sẵn sàng 'nhường cơm sẻ áo " cho nó. Nhưng sau này, khi đã là cha là mẹ,chúng tôi mới hiểu cái cảm giác của cha mẹ khi nhìn con mình phải ăn rau mà con chó thì ăn thịt. Và con Phốc đã ra đi...để con Phốc không thể nhớ đường quay về nhà cũ,bố tôi cẩn thận cho nó vào cái giỏ đệm buộc chặt lại,lấy xe đạp chở nó qua nhà ông Đức Thắng. Khỏi phải nói cái cảm giác trống vắng khi đi học về không thấy nó quẩy mông với cái đuôi cụt ngủn ngoe nguẩy mừng và nhớ đến nao lòng cái liếm mặt mỗi đêm.Nhớ có vài lần nghịch ngợm,anh em chúng tôi chèn mùng thật chặt, nó không dễ dàng chui vô, nó lùi lại lấy trớn tông thật mạnh cho đến khi nào cái mùng bung ra để chui vô liếm mặt và dĩ nhiên để được nhận một cái ôm đáp trả. Bẵng đi một thời gian dài, chúng tôi bắt đầu quên nó thì một đêm đang say ngủ tôi có cảm giác con Phốc chui vào mùng liếm mặt như ngày xưa.Cứ ngỡ đó chỉ là giấc mơ nhưng kỳ lạ thay,sáng mở mắt ra trong vòng tay tôi là con Phốc,nó nằm chui sát vào người tôi như trốn, như cần 1 vòng tay bảo vệ. Đứa bé là tôi đã khóc ướt gối và nó lặng lẽ liếm từng giọt nước mắt...Con Phốc đã về thật,anh em chúng tôi đều vỡ òa trong cảm xúc không thể diện đạt bằng lời.Không ai hiểu bằng cách nào đó nó đã tự tìm ra được đường về nhà( bố tôi đoán rằng nó đánh hơi theo vết chân của bố khi ông đi bộ từ nhà ông Đức Thắng về ). Lại một lần nữa,con Phốc bị bế đi trong nước mắt của anh em chúng tôi.Nhưng vài đêm sau đó nó lại về,cứ khoảng gần sáng nó phi về để thăm chúng tôi, lặng lẽ chui vào mùng liếm mặt từng người rồi lại lặng lẽ ra đi ( khoảng cách giữa 2 nhà gần 1km và phải băng qua đường quốc lộ là đường Trường Chinh bây giờ).Sau này mới biết, gần sáng mối lái đến lấy hàng,thừa cơ hội nhà mở cửa là nó chạy đi.
Và trong 1 lần băng qua đường để trở về" mái nhà xưa" con Phốc đã chết. Một chiếc xe nào đó lao đi trong đêm tối đã không kịp tránh một sinh linh bé nhỏ...
QUỐC VIỆT
( Hồi ức về một con chó của tuổi thơ)
NQV-Chuyện Làng Quê)
Nguồn: FB Truyện Ngắn Hải Ngoại
Được bạn: ct.ly đưa lên
vào ngày: 7 tháng 9 năm 2024