Sau Giờ Học

higashino keigo

giải ranpo - thúy hương (dịch)

Chương 1

Thứ Ba, mùng 10 tháng Chín. Sau giờ học.

Trên cao bỗng “Soạt!” một tiếng. Tôi bất giác ngước lên và thấy một vật màu đen bay ra từ tầng ba. Ngay trên đỉnh đầu. Tôi vội lắc mình sang bên. Vật màu đen rơi xuống đúng chỗ tôi vừa đứng, vỡ tan tành.

Đó là một chậu phong lữ thảo.

Sự việc xảy ra vào giờ tan trường, khi tôi đang đi dưới khu phòng học. Loáng thoáng tiếng piano từ đâu vọng tới. Trong vài giây, tôi điếng người nhìn chậu cây bằng gốm thô nằm đó, chưa kịp hiểu đầu đuôi ra sao. Đến khi mồ hôi dưới cánh tay chảy dài xuống cùi chỏ, tôi mới bừng tỉnh, nhảy bổ vào khu phòng học, hộc tốc phóng lên cầu thang.

Tới tầng ba, tôi đứng thở hổn hển ở hành lang. Tim đập thình thịch không chỉ vì cuộc chạy, mà còn vì cơn hãi hùng đã lên tới đỉnh điểm. “Nếu mình hứng trọn cú rơi của chậu cây thì…” Màu phong lữ thảo đỏ lòm bỗng chốc thoáng qua tâm trí.

Chậu bay ra từ khoảng cửa đó, tức là tầm phòng nào nhỉ? Tôi dừng chân trước phòng thí nghiệm, cửa đang mở hé chừng năm phân, phảng phất mùi hóa chất. Tôi đẩy mạnh cửa, gió lùa hây hẩy. Cửa sổ để ngỏ, rèm trắng đung đưa.

Tôi tiếp tục đi dọc hành lang. Không biết đã mấy phút trôi qua từ lúc chậu hoa rơi xuống đến lúc tôi chạy lên, nhưng tôi linh cảm kẻ ném chậu vẫn lẩn lút ở một trong các phòng trên hành lang này thôi.

Khu phòng học đi hình thước thợ. Vừa ngoặt qua chỗ rẽ, tôi bỗng khựng lại. Có tiếng rì rầm vọng ra từ căn phòng gắn biển Lớp 11C. Không chần chừ, tôi xô cửa nhìn vào, và trông thấy năm nữ sinh đang ngồi túm tụm gần cửa sổ, hí hoáy viết lách. Nghe động, cả bọn giật mình, đồng loạt quay ra nhìn. Tình thế buộc tôi phải lên tiếng, “Các em đang làm gì đấy?”

Cô bé ngồi thứ hai từ ngoài vào trả lời, “Chúng em ở câu lạc bộ văn học, đang làm tập san thơ ạ.” Giọng điệu rất dứt khoát, ngụ ý “Xin thầy đừng làm phiền!”

“Các em có thấy ai vào đây không?”

Năm cô bé nhìn nhau, cùng lắc đầu.

“Cũng không có ai đi ngoài hành lang à?”

Năm cô bé lại nhìn nhau. Tôi nghe thì thầm “Có ai đâu nhỉ?” cuối cùng, cô bé vừa rồi lại đại diện trả lời, “Chúng em không để ý.”

“Vậy à… Cảm ơn các em.”

Tôi quét mắt khắp phòng rồi đóng cửa đi ra. Tiếng piano lại loáng thoáng vọng tới, nãy giờ liên tục có tiếng piano. Tuy không biết gì về nhạc cổ điển, nhưng tôi đã từng nghe bản nhạc này. Diễn tấu cũng không tệ.

Tiếng đàn bắt nguồn từ phòng nhạc nằm cuối hành lang. Dọc đường đi, tôi mở lần lượt tất cả các cửa xem có ai bên trong không, cuối cùng chỉ còn phòng nhạc. Đến nơi, tôi xô mạnh cửa. Âm thanh thô bạo y như khuấy tung dòng chảy êm đềm hay phá hủy một kiến trúc tuyệt đẹp. Tiếng piano tắt lịm như bị bóp nghẹt. Nữ sinh chơi đàn giật mình nhìn ra. Tôi gặp cô bé này ở đâu rồi ấy nhỉ! À phải, học sinh lớp 11A. Cô bé có làn da trắng bắt mắt, nhưng hiện giờ trông hơi nhợt nhạt.

“Xin lỗi. Em có thấy ai vào đây không?” Tôi buột miệng hỏi, đảo mắt quanh phòng. Mấy chiếc ghế dài xếp thành ba hàng. Gần cửa sổ kê hai cây đàn organ cũ. Trên tường treo chân dung vài nhà soạn nhạc nổi tiếng cống hiến lớn lao cho âm nhạc. Chẳng có chỗ nào để trốn cả, tôi nghĩ bụng.

Cô bé lắc đầu. Cây đàn em đang chơi là loại dương cầm lớn ba chân trông khá cổ xưa.

“Vậy à?” Tôi vòng ra phía sau cô bé, lại gần cửa sổ. Dưới sân trường, thành viên của câu lạc bộ nào đó đang tập chạy. Bên trái phòng nhạc cũng có cầu thang, hẳn là thủ phạm đã bỏ trốn qua lối này. Thời gian thừa đủ để làm thế. Vấn đề ở chỗ, thủ phạm là ai…

Chợt nhận ra nữ sinh chơi piano đang nhìn mình với vẻ âu lo, tôi mỉm cười trấn an, “Em chơi tiếp đi. Tôi muốn nán lại nghe một chút.”

Cô bé liền dịu nét mặt, dõi mắt vào tập nhạc, các ngón tay mềm mại nhẹ lướt. Giai điệu từ từ ngân lên… Đúng rồi! Nhạc Chopin. Một bản nhạc nổi tiếng mà ngay cả tôi cũng biết.

Vừa ngắm cảnh ngoài cửa sổ, vừa nghe nhạc Chopin. Thật là phút giây thư thái bất ngờ! Nhưng lòng tôi vẫn bồn chồn, nỗi muộn phiền quanh quẩn.

Năm năm trước, tôi trở thành giáo viên trường này. Không phải vì tâm huyết với giáo dục, cũng không phải vì ham mê gõ đầu trẻ. Đơn giản là hoàn cảnh xô đẩy.

Sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Thông tin thuộc khoa Kĩ thuật một trường đại học công lập tại địa phương, tôi vào làm cho một công ty điện máy. Một trong các lý do chọn chỗ này là trụ sở chính của họ nằm ở ngay tỉnh nhà, nhưng họ lại phân tôi sang phòng nghiên cứu ở Shinshu. May thay nội dung công việc là thiết kế phát triển hệ thống thông tin bằng cáp quang, coi như cũng đúng nguyện vọng.

Tôi theo nghề được ba năm.

Năm thứ tư thì có biến. Công ty xây nhà máy mới vùng Tohoku, gần như mọi nhân viên phát triển hệ thống thông tin cáp quang đều phải chuyển về đó. Tất nhiên, tôi cũng vậy. Tôi rất phân vân, vì luôn có ấn tượng Tohoku là một nơi xa xôi hẻo lánh. “Có khi phải sống mãn đời ở cái nơi khỉ ho cò gáy ấy cũng nên.” Câu nói nửa đùa nửa thật của đồng nghiệp đàn anh khiến tôi rùng mình.

Tôi bắt đầu nghĩ tới việc chuyển chỗ làm. Xin sang công ty khác? Thi công chức nhà nước? Hai ngả đều gian nan. Đang định tặc lưỡi chọn Tohoku cho xong thì mẹ khuyên tôi đi dạy, bảo đằng nào hồi đại học cũng từng thi lấy chứng chỉ giáo viên Toán rồi, không nên bỏ uổng. Tất nhiên thật tâm mẹ chỉ muốn con mình khỏi phải lặn lội tới nơi đèo heo hút gió như Tohoku mà thôi, và thực tế thì lương giáo viên không đến nỗi tệ so với mặt bằng thu nhập thời bấy giờ.

Ngặt nỗi, thi tuyển giáo viên cũng chẳng dễ dàng gì. Thấy tôi băn khoăn, mẹ lại bảo trường cấp ba dân lập thì mẹ xoay xở được, vì cha tôi thuở sinh thời quen biết khá nhiều bên hiệp hội các trường tư.

Với nghề giáo, tôi không đặc biệt thích song cũng không quá ghét. Lại thêm không đam mê công việc gì đến mức phải khước từ lời khuyên nhiệt tình của mẹ, rốt cuộc tôi quyết định vâng lời, bụng bảo dạ cứ làm thử vài ba năm xem sao.

Tháng Ba năm sau, tôi chính thức nhận quyết định tuyển dụng. Nơi làm việc mới của tôi có tên là: Trường Phổ thông Trung học Dân lập Nữ sinh Seika.

Xuống tàu ở ga S, đi bộ chừng năm phút là tới nơi. Trường tọa lạc ở vị trí khá khó tả, xung quanh có công sở, khu dân cư và cả đồng ruộng. Mỗi khối có 360 học sinh, chia làm tám lớp, mỗi lớp 45 em. Trường thành lập đã hơn hai mươi năm, tỉ lệ đỗ đại học khá cao, được coi là một trong các trường cấp ba hàng đầu của tỉnh. Nghe tôi kể sẽ làm giáo viên ở đây, người quen đều chúc mừng là xin được vào chỗ tốt.

Tôi nộp đơn nghỉ việc ở công ty, và chính thức đứng lớp từ tháng Tư. Tôi vẫn nhớ như in buổi dạy đầu tiên, ở khối Mười. Tôi tự giới thiệu mình vừa nhận việc ở đây, cũng chân ướt chân ráo giống các em thôi… Sau hôm ấy, tôi không còn tự tin về công việc giảng dạy. Không phải vì làm gì sai, hay gặp khó khăn khi tương tác, mà vì mất tự nhiên trước ánh mắt học trò.

Tôi không thuộc dạng thích được chú ý, thậm chí chỉ ưa trốn sau lưng người khác. Nghề giáo lại không chấp nhận tác phong như vậy, từng lời nói cử chỉ của giáo viên đều là cái đích để học trò nhìn vào. Tôi phát nhột nhạt vì cảm giác cả trăm con mắt săm soi khi lên lớp.

Mãi đến hai năm gần đây tôi mới quen được. Không phải do thần kinh vững vàng hơn, mà do nhận ra học sinh không để ý nhiều tới giáo viên như mình tưởng.

Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thấu hiểu tâm lý của chúng. Tôi liên tục bị bất ngờ. Lúc tưởng học sinh đã lớn thì hóa ra chúng vẫn trẻ con, lúc nghĩ còn trẻ con thì chúng lại gây ra đủ chuyện mà người lớn cũng không dám… Chưa khi nào tôi đoán đúng hành vi của học trò mình. Tình trạng này tồn tại ngay từ năm đầu tiên và vẫn dai dẳng tới tận năm nay, năm thứ năm.

Không chỉ học trò, mà ngay giáo viên cũng khiến tôi khó nắm bắt. Trong mắt một kẻ chuyển ngành như tôi thì họ là những sinh vật rất lạ lùng. Suốt ngày quát tháo vô nghĩa chỉ để trấn áp học trò, kiểm tra trang phục đầu tóc mà cũng quắc mắt lên… Tại sao phải tiêu cực như thế chứ!

Tóm tắt cảm tưởng sau năm năm công tác: trường học là nơi tập hợp quá nhiều điều khó hiểu.

Tuy nhiên gần đây lại nổi lên một điều sáng rõ: có kẻ đang muốn sát hại tôi.

Tôi nhận ra vào buổi sáng cách đây ba hôm. Sau khi bật khỏi toa tàu chật ních, tôi đang theo dòng người cuồn cuộn nhích đi ở mép sân ga S thì bị đẩy mạnh. Quá bất ngờ, tôi mất đà bước chệch ra ngoài đến một hai gang tay. Lúc lấy lại được thăng bằng thì chân đã sát rìa sân, chỉ chút xíu nữa, tầm chục phân thôi là ngã xuống đường ray. Nguy hiểm quá! Ai đẩy mình thế nhỉ? Ý nghĩ chớp nhoáng làm tôi run bắn, cùng lúc đoàn tàu tốc hành lao vụt qua chỗ đường ray mà tôi suýt ngã xuống! Chắc chắn là có kẻ cố tình đẩy tôi. Hắn tính toán thời điểm, đợi tôi sơ ý… Nhưng mà là ai? Làm sao tìm được thủ phạm trong biển người đông đúc này?

Lần thứ hai tôi nhận ra ý định sát hại là hôm qua. Câu lạc bộ bơi lội nghỉ tập nên tôi ra bể làm vài vòng một mình. Tôi rất thích bơi. Được khoảng ba vòng 50 mét thì lên bờ, vì còn phải tập với câu lạc bộ bắn cung nên tôi không muốn bơi nhiều, sợ mệt. Kết thúc bằng vài động tác thể dục bên bể bơi nắng chói chang, tôi vào phòng tắm. Tuy đã tháng Chín nhưng mấy hôm nay trời vẫn oi bức, không còn gì sảng khoái hơn làn nước vòi sen mát rượi. Tắm xong và tắt nước, tôi mới nhận ra nó, rơi cách chỗ tôi đứng tầm một mét. À không! Phòng tắm ngập tới mắt cá chân nên phải nói là nó chìm cách chỗ tôi đứng tầm một mét, trông giống chiếc hộp nhỏ màu trắng, to bằng nắm tay. Tôi ghé sát lại xem là cái gì, và lập tức bổ nhào ra khỏi phòng tắm. Đó là ổ cắm điện gia dụng 100 volt, phần giống chiếc hộp chính là ổ chấu, phích thì đang cắm vào ổ điện trên tường phòng thay đồ. Tất nhiên tôi không thấy vật này trước khi ra bể bơi. Nghĩa là trong lúc tôi bơi, ai đó đã giăng bẫy. Để làm gì? Câu trả lời quá rõ ràng: để tôi chết vì giật điện. Nhưng tại sao tôi bình yên vô sự? Nghi nghi hoặc hoặc chạy ra xem cầu dao, đúng như dự đoán, aptomat đã sập. Dòng điện sinh ra trong môi trường nước quá lớn gây quá tải cầu dao. Chứ nếu cầu dao có công suất cao hơn thì… Nghĩ tới đây, tôi nghe sống lưng lạnh buốt.

Và lần thứ ba, chính là chậu phong lữ thảo ban nãy.

Cho tới lúc này, tôi đã may mắn thoát chết ba lần. Nhưng vận may kéo dài bao lâu? Một lúc nào đó, kẻ thủ ác hẳn sẽ thẳng tay hơn. Tôi phải mau chóng tìm ra hắn.

Nghi phạm là cả một tập thể, mang tên “trường học”. Một tập thể toàn những thành phần bí hiểm.

← Thuộc tỉnh Nagano, phía Tây Bắc Nhật Bản.

← Vùng Đông Bắc Nhật Bản.

Chương 1

Tiến >>


Nguồn: TVE 4U
Được bạn: Mot Sach đưa lên
vào ngày: 31 tháng 10 năm 2024