Ba tôi mất năm tôi mới lên tám tuổi, còn quá nhỏ để biết khóc bên quan tài, nơi có mẹ và các anh chị ngồi vây quanh, giữa đêm trăng rất sáng...Hôm sau, hàng xóm đến thăm, có cha xứ đến vẩy nước phép, giọng thành khẩn ‘‘xin phó linh hồn người tôi tớ này trong tay Chúa’’, rồi đi đưa. Lúc về mưa bay lất phất, đường đất trơn trợt, có người bảo đó là điềm may cho các con sau này!
Bây giờ nhớ về ba, hình ảnh rõ nhất là ba ngồi đút cơm cho tôi, mỗi lần đưa muỗng cơm trước miệng, miệng ba há lớn để tôi bắt chước ăn cho giỏi. Nhưng ăn cơm với canh rau dền đỏ mãi cũng chán, tôi mỗi khi ăn một muỗng xong lại chạy vòng quanh, ba tôi lại chạy vội theo, núu lại, cố đút vào miệng tôi thêm muỗng nữa.
Năm đó chưa đầy sáu mươi mà tóc cha tôi đã bạc trắng, sau này nghe mẹ tôi kể, mới biết rằng ba tôi còn để lại ngoài Bắc bốn người con gái nữa.
Ba chị trước là của ba người vợ lớn, và người thứ tư là chị cùng cha cùng mẹ với anh em tôi.
Lúc mới di cư vào Nam, ba mẹ tôi được chính phủ cấp cho một khu đất làm nhà trong Dinh Điền Thị Tính, đất rẫy khô cứng. Mẹ tôi rất tần tảo, tháo vát, đứng cao hơn ba một cái đầu. Bà xin được một khu đất khác, sát đường cái, gần trường học, nhà thương, bán tạp hóa rồi lại nấu cơm tháng cho các thầy giáo dậy ở trường tiểu học ở đó.
Tối tối các thầy đến ăn cơm xong, chuyện trò vui vẻ hoặc bày chơi cá ngựa dưới ngọn đèn ‘‘manchon’’ sáng choang treo trên sàn nhà. Anh em tôi đứng bao quanh say mê theo dõi. Mỗi lần đến phiên, các thầy nắm con xí ngầu gieo xuống cái chén kiểu kêu loong coong, rồi nhấc những con ngựa thêm vài bước trên tấm giấy bản vẽ sọc đỏ đậm nét. Có khi gieo được hai ba con ‘‘lục’’ liên tiếp, những con ngựa phi nước đại, tiến sát chuồng, ai cũng mong cho nó ‘‘mã đáo thành công’’, đừng bị đá nửa chừng.
Phía bên kia con đường cái là khu rừng dày đặc cây, mỗi buổi trưa hai anh tôi hay xúi tôi dấu kẹo của mẹ tôi hẹn nhau qua khu rừng đó ăn. Anh kế tôi tên Đức ăn nhanh lắm, khi tôi chưa muốn đưa thêm thì anh dọa bắt tôi ăn một thứ lá mà anh tưởng tượng tên là ‘‘tràm xanh’’, ăn xong lá này người ta mọc đuôi!!! Tôi rất sợ, đưa hoài, có lần thắc mắc lá đó ra sao, anh chỉ mỉm cười bí mật, nói rằng chỉ có hai anh tôi biết chỗ thôi, nó ở chỗ sâu tận trong rừng.
Khu rừng này có một xe máy ủi chú Hưởng lái, mọi người gọi là ‘‘chú Hưởng nông cơ’’. Ngày ngày chú nổ máy, ủi bật gốc cây rừng để dọn đất làm rẫy cho dân. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ mùi ngan ngát thơm thơm của những rễ cây bật lên từ đất, trong tiếng rền rền của máy xe khuya động cả khu rừng tĩnh mịch.
Chú Hưởng cao lớn hay mang kính đen, có nụ cười rất tươi, thỉnh thoảng chú ghé tiệm mẹ tôi ăn cơm đĩa, uống cạn một chai la de hiệu con cọp, mua một gói ruby rồi vội vã băng qua đường, leo lên xe ủi, đeo đôi bao tay dày rồi bắt đầu làm việc, tiếng máy ủi mạnh mẽ với ống khói rung rung phun từng chập lên trời.
Sát bên nhà tôi phía bên phải có một ụ đất cao ngang tầm mái nhà, mọc toàn trà rừng - trà này uống được nhưng đói bụng thì dễ say - cách một đỗi nữa là nhà cậu Ích. Cậu làm y tá trên nhà thương, mợ làm y công, lại biết may. Mợ may quần áo cho các chị tôi và các cô gái khác trong vùng. Đã có bốn con rồi mà mợ vẫn còn đẹp. Người mợ phốp pháp, mặt hoa da phấn tự nhiên. Những buổi trưa đi làm về, mợ lại ghé vào quán mẹ tôi, mua những chiếc bánh có rải đường cát hột hình con cá, con gà trống. Chúng tôi ít khi được mẹ phát loại bánh mì này, mỗi lần anh kế tôi nhoen nhoẻn xòe tay, mẹ trừng mắt ‘‘con nhà phải có khuôn phép, không được ăn vặt, hư thân!’’, vì vậy tôi hay lẻn sang nhà mợ Ích, giả cách đùa với bọn trẻ, rồi chờ mợ về. Lần nào tôi cũng được nửa cái, hoặc là cái đuôi con cá, hoặc là cái đầu con gà. Mỗi lần đưa, mợ lại véo vào cái má phính của tôi một cái, tôi sung sướng xoa xoa, tay kia cầm bánh đút tọt vào mồm, rồi lại tiếp tục nô đùa với đám thằng Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Cậu Ích mặt xương, gầy gầy, hay mặc áo ka-ki vàng có cầu vai, dắt hai cây viết xanh đỏ trên túi áo. Cậu ít nói, đi làm về hay ngồi trước sân coi lũ con nghịch, hay cặm cụi làm xe đồ chơi bằng những khúc cây tròn cắt ngắn, thỉnh thoảng tôi cũng ngồi lên, lấy hai chân đẩy xuống đất, miệng kêu ‘tin tin’’.
Một buổi trưa, tôi định sang tìm chơi với bọn trẻ thì nhà cửa im lìm, tấm cửa liếp khép chặt, tôi tiến tới để lay thử thì nghe tiếng máy may kêu giòn, nhìn qua khe cửa thấy những bàn chân đạp của mợ Ích, rồi thì chú Hưởng ngồi đối diện, nói chuyện bâng quơ, nho nhỏ. Tôi hồi hộp tháo lui, nhưng không sao nhấc chân lên được. Khuôn mặt nhìn nghiêng của chú Hưởng đắm đuối mơ hồ, thỉnh thoảng mợ Ích ngước lên nhìn chú thật nhanh rồi cúi xuống, lúng túng làm chiếc áo đang may bị rối chỉ, mợ lại phải ngưng tay để sửa lại...Tôi ra về, lòng rối bời, nhìn quanh tìm bạn chẳng thấy đứa nào?
Buổi trưa nóng quá, có con gà mái đang bới tung đất rồi nằm thiếp dưới bụi chuối bên hè, hình như tôi đang mất đi một điều gì quý lắm, quý hơn là những miếng bánh rải đường dòn rụm hình con cá, con gà...mợ Ích hay cho mỗi bận đi làm về. Tôi vừa đến sân nhà thì có tiếng xe ủi nổ dòn dã bên khu rừng đối diện nhà mợ Ích, hôm nay chú Hưởng đã phát quang tới đó rồi.
Mấy hôm sau, chuyện vẫn còn làm cho tôi áy náy thì một buổi tối đang quây quần với các thầy giáo, chợt có tiếng xôn xao, tiếng khóc gào từ bên nhà mợ Ích, chúng tôi ùa sát đến, thấy người cậu Ích ướt nhẹp. Đặt cậu trên phản xong, tức thì người ta kẻ hơ lửa, người xoa dầu khắp người cho cậu. Tôi nhìn mợ Ích, ngạc nhiên thấy trên đầu cuốn băng.
Một người hàng xóm kể, khi nghe tiếng hô hoán, ông chạy lại thì mợ chỉ ra bờ giếng, ông lần xuống vớt cậu lên, ôm chạy dốc nước xong thì người quanh xóm đến đông thêm phụ tay...
Tôi quên kể rằng chú Hưởng ngoài chiếc xe ủi còn được cấp thêm chiếc xe jeep để di chuyển. Dinh điền ngoài Cha Xứ có chiếc ‘’Đơ sơ vô’’, xe cộ chưa nhiều, phần đông di chuyển bằng xe đạp. Thỉnh thoảng mới có xe lính hay xe đò của chú Út quẹo từ Bình Dương xuống theo ngã Suối Đá thôi, vì vậy mỗi khi chú Hưởng thắng chiếc xe jeep trước quán mẹ tôi, vừa bước xuống, vừa gỡ kính mắt nhét vào túi, tôi thấy vinh dự quá, và quán mẹ tôi như quan trọng hẳn lên.
Anh em tôi chỉ chờ chú bước qua cửa vào quán là túa lên, đứa ngồi ôm tay lái, đứa giành bóp kèn, tôi thì loanh quanh ngắm cái mặt béo phị của mình trong cái kính chiếu hậu, thỉnh thoảng bóp liều cái kèn một cái rồi tuôn chạy trước khi mẹ tôi kịp bước ra quở mắng. Nhưng chú Hưởng rất dễ dãi, hay đỡ lời mẹ tôi: ‘‘Bác cứ để các em nghịch, không hề chi đâu’’. Vì vậy có lần mẹ hỏi lớn lên tôi làm gì, tôi nghĩ đến chú Hưởng ngay, con làm tái xế xe ủi mẹ ạ!
À, tôi đã hơi dài dòng, giờ phải trở lại cái băng trên đầu mợ Ích. Mới đầu ai cũng tưởng cậu mợ xô sát nhau, nhưng không, đó là kết quả mợ học lái xe với chú Hưởng chắc cũng vào hôm ấy, hôm sau cậu Ích về gạn hỏi, hay được, cậu định liều thân...
Câu chuyện nhà cậu mợ Ích tuy vậy chỉ xôn xao một thời gian ngắn rồi chìm, sau khi cậu đổi đi nơi khác mang theo vợ con, tuy vẫn còn thắc mắc âm ỉ rằng sao cha con cậu lại vắng nhà ngày hôm ấy, để mợ ở nhà một mình? Có dư luận rằng cậu có vợ lẽ tận trong xóm Nam, hôm ấy là ngày đầy tháng của em bé, cậu giả cách đi thăm bệnh, rồi đem theo các con để chúng nhìn thêm đứa em nhỏ, nếu đúng vậy thì cậu Ích đã khéo léo và kín đáo lắm, đến độ mợ dễ dàng chịu ở nhà một mình để mấy cha con cậu đi vắng đến tận hôm sau...
Từ đó, chú Hưởng hiếm khi ghé lại quán, cho đến một sáng sớm, anh em tôi còn đang nằm cuộn chăn trên gác thì nghe tiếng xe jeep dừng lại trước cửa, chú Hưởng vào chào ngượng ngập chào giã từ, ba gọi chúng tôi ra chào chú một lượt, chú xoa đầu từng đứa, mắt đỏ hoe, ba tôi tiễn chân chú ra tận đường, rồi mới quay vào.
Dầu sao, câu chuyện ấy đã tạo cho Dinh Điền Thị Tính chút không khí lãng mạn và vào tâm hồn thơ ấu của tôi một vết nứt, giống như vết nứt của cái đáy vò rượu thuốc chưng trên góc kệ trong quán mẹ tôi vậy.
2.
Rồi Dinh Điền được phát triển, con đường cái được tráng nhựa chạy suốt lên đồn lính nối liền cây cầu đúc, xuyên qua những làng cao su, ra đến tận Quận Trị Tâm. Cây cầu này khi chúng tôi được lên tắm lần đầu thì nó đã bị giật mìn sập thành hình chữ V, phần bụng ngập dưới suối. Nước suối trong lắm, ngồi trên bờ thấy những con cá đủ màu bơi tung thăng. Cách quán mẹ tôi một đỗi là nhà thương, trường học, văn phòng địa điểm trưởng, nhà họp...có lẽ là chỗ quan trọng nhất của cả Dinh Điền. Tất cả được xây trên nền xi măng cao, mái tôn và có trần, nom khang trang lắm.
Dạo đó, hai chị tôi đã ra dáng lắm rồi, chị Ba tôi xinh hơn, nhưng còn nhỏ nên ai có tình ý gì chắc cũng chỉ hướng về chị Hai thôi. Trong đám người trẻ lúc ấy có hai người hiện rõ nét trong ký ức, người thứ nhứt là anh Hiệp trong toán lính Cộng Hòa thì phải...
Tôi nhớ trong một buổi chiều mát, toán lính của Thượng Sĩ Thắng độ vài mươi người súng đeo vai, nhàn rỗi từ trên đồn xuống, hay ngược từ Suối Đá lên, họ hát ngêu ngao những câu bình dân đượm mùi vọng cổ:
Gió đưa cây cải dzìa trời
rau răm ở lại chịu đời đắng cay ơ ơ ơ...
Ngoài khẩu Carbin, anh Hiệp còn đeo thêm cây đàn, lúc dừng trước quán, lính ngồi nghỉ rải rác, Thượng Sĩ Thắng vào uống trà với ba tôi là anh lấy đàn, hát say mê:
Xuyên lá cành trăng lên lều vải
lòng đất ấm thương tình đôi mươi
hai đứa mình hạp lắm em ôi...
Cũng có anh ngố ngáo, bậm trợn, hát tỉnh queo:
Anh hết tiền em theo thằng khác
đời con gái bây giờ lưu manh...
Các chị tôi phụ mẹ bưng nước uống hay thuốc hút ra cho các vị anh hùng là chạy bén vào trong, không dám nhìn ai cả, vậy mà nào có hôm...Một anh đứng dậy lấy hơi, nhái giọng Lệ Thủy, xuống câu vọng cổ:
‘‘Em đã biết yêu từ năm mười bốn tuổi, nhưng nói ra chỉ sợ mấy anh cười...’’ cả bọn vỗ tay rầm rập thống khoái, đã hết biết!
Mấy anh em tôi thì đứng nép nơi góc nhà nhìn Thượng Sĩ Thắng, lưng đeo khẩu súng lục, cổ quấn một con rắn, nom thấy ghê. Ông ngồi dựa lưng vào vách, thỉnh thoảng cười lên khanh khách như đắc ý với ba điều gì những khi ấy, tay ông vuốt nhẹ bộ râu đậm dưới cằm, cặp mắt sáng, ẩn dưới chân mày tằm, quét nhanh qua khu rừng đối diện rồi thu dần về, rải một lượt trên đám lính thân thương.
Nét mặt ông phong sương dày dạn, cương nghị, rất được lòng dân chúng, không phải vì ông là Trưởng Đồn, mà vì đạo đức, trị lính rất nghiêm. Thời của ông, du kích rất sợ không dám bén mảng, nghe kể rằng bắt được họ, ông đổ nước xà phòng vào miệng, hay mổ ruột, lấy mật rồi đóng cọc lên người, chôn sống nạn nhân bên những con sông văng vắng...
Danh ông chấn động, trong một thời gian rất lâu, người ta không dám đấp ụ hay giựt mìn xe đò nữa. Trước khi ông đổi về, trước nhà cậu Ích có mấy ông ‘’đạo’’ làm nghề thợ mộc, cất nhà ở đó ít lâu, chừng ông đổi về thì họ trốn đi đâu mất.
Đôi khi ông cũng xử quá khe khắt với những người tình nghi, họ bị tra tấn rất lâu. Tôi nhớ có một bà cụ, cả chồng lẫn con bị giữ, mỗi khi đi thăm về, cụ ghé quán, ngồi nghỉ trên bộ ngựa, than khóc với mẹ tôi: ‘’người ta uýnh ổng với thằng Hai quá trời bà cụ ơi!’’. Cơ nghiệp nhà cụ chỉ có chiếc xe bò, hằng ngày cụ ông và anh con trai chở mướn lúa thóc hay cây rừng cho dân, chắc đôi khi mấy ông ‘‘ở trỏng’’ nhờ vả chút đỉnh mà bị họa.
Một người nữa là chú Khế, cũng bị giam, sau được thả về, chú trốn vào rừng theo phe bên kia. Tôi nhớ hoài con chó trung thành của chú, cứ nằm trước sân, không ăn uống gì, đêm xuống nhớ chủ, nó tru những tiếng thê lương rợn người.
Một buổi xế trưa, ba dắt chúng tôi vào rừng chặt mây. Nghe động, bầy chim rừng đủ màu sặc sỡ đồng loạt vỗ cánh bay lên. Mấy cha con đang ngắm tìm loại cây vừa ý, thì chú Khế xuất hiện, chúng tôi giật mình, giờ chú chỉ còn một mắt, chú mặc chiếc quần cụt, áo đen, khuôn mặt u ám, khắc khổ, ba tôi hỏi thăm, chú kể bị lính rượt chạy rồi bị cây rừng đâm vào mắt.
Anh tôi mau miệng kể chuyện con chó của chú, chú nói nhờ mấy cháu cho nó ăn dùm, anh tôi nói có mang cơm lại mà nó cứ nhìn không ăn! Chú vụt ngồi bệt xuống đất, khóc tức tưởi, đưa tay áo lấm luốc quệt nước mắt. Ba tôi thở dài nhè nhẹ, dẫn chúng tôi về, không nhớ tìm mây nữa. Thượng Sĩ Thắng sau đổi đi đâu không ai rõ, có người bảo ông đã thôi lính đi tu trên núi Bà Đen. Nghe vậy nên mỗi khi đứng trước sân trông về hướng núi, tôi cố hình dung một vị sư dáng dấp uy nghi có cặp mắt sáng, đang dạo bước đâu đó trên núi Bà xanh thẫm.
3.
Một người nữa để ý tới chị Hai tôi là anh Sáu, làm y tá trên nhà thương cùng cậu Ích. Anh quê ngoài Trung, ít nói không có nét nghệ sĩ như anh Hiệp. Mỗi lần tới quán, anh thường ngồi lại rất khuya, hút thuốc Bastos xanh không ngớt, nặng chĩu ưu tư. Thỉnh thoảng anh đạp xe chở tôi vào khu trung tâm, nơi có nhà thờ Cha Trọng. Khu này có ngôi nhà lầu làm toàn bằng mây rất đẹp, lối vào có trồng hoa Trang của hai mẹ con cô Hiền.
Cô hơi thấp người, nói chuyện liếm thoắch, có vẻ thích anh. Vì vậy anh chở tôi vào như ngầm ý rằng anh đã có nơi khác rồi chăng? Ít lâu sau, ba anh từ ngoài Trung vào xin làm lễ hỏi, rồi độ tháng sau thì cưới.
Tôi nhớ ngày hôm đó chị Hai tôi khóc rất nhiều, mẹ tôi năn nỉ mãi rồi phải gắt lên chị mới ra để đàng trai đón dâu...Vì sao chị khóc vậy? Hay là giọng hát và tiếng đàn mơ hồ của anh Hiệp giữa các bạn trẻ vào những chiều êm đềm trước quán đã man mác lòng chị rồi? Còn đâu những lời hát, được sửa lời rất khéo, cất lên sao đơn sơ mà cảm động lòng người:
Áo anh rách vai, chờ em tới khi nào vá?
Tôi với em hai người xa lạ, từ phương trời chẳng hề quen nhau...?
Ngày cưới chị, anh biền biệt nơi đâu? Có chạnh lòng chút nào không? Tôi cũng thấy buồn, sau khi mọi người lên nhà tiệc hết rồi, tôi đứng một mình trên con đường nhựa hun hút, mong thấy bóng dáng quen thuộc của các anh, nhưng chỉ có cơn gió nhẹ rung khẽ những tàng cây trong buổi trưa loang nắng mà thôi...
4.
Một đêm sau vụ gặt thì phải, trăng rất sáng, cả xóm như bừng lên sống động, nhà đập lúa, nhà giã gạo, ngoài đường cái, trẻ con đùa giỡn rượt đuổi nhau in ỏi. Mấy chị bạn của các chị tôi ở mãi tận khu trên đồn mà cũng đạp xe xuống chơi, rủ nhau nấu bánh đúc. Tôi mượn xe của một chị, mê mải tập đạp những vòng đầu tiên của cuộc đời.
Lúc trở vào nhà, thấy ba đứng dựa cổng ngắm trăng, ba nói:
- Vào kêu mẹ ra.
Hai mẹ con trở ra, đứng sát bên, ba trỏ tay lên mặt trăng, nói nhỏ với mẹ:
- Điềm này thì loạn to bà ạ! Thấy mẹ có vẻ không hiểu, ba nói tiếp. Trăng to như cái nong mà lại đỏ rực thế kia là điều đại kỵ...
Đêm ấy, khi cả xóm đã chìm trong giấc ngủ, bỗng có tiếng chó sủa, rồi ba đến bên giường lay tôi dậy kéo ra cửa, thì thầm ‘‘Con ơi! Mình không ở đây được đâu’’, vừa nói ba vừa chỉ tay qua khe cửa. Ngoài đường, đoàn quân chính quy đồng phục, nón cối, vừa đi vừa chạy như trôi trong đêm, toán nọ nối toán kia không dứt.
Ít lâu sau, vào một buổi sáng, ở nhà chỉ còn hai cha con, ba đưa tôi ít tiền, bảo chạy ra nhà ông Tích ở đầu xóm, mua bó lá cây gồm có Hương Nhu, với lá tre đem về. Ba nấu một nồi nước ấm rồi tắm. Thay xong bộ quần áo khách, nằm trên võng, ba nói đi kêu mẹ con về đây. Tôi chạy ra ruộng kêu mẹ về nhà, thì ba không còn nói được nữa, nhưng vẫn còn tỉnh táo. Ba ra dấu cần giấy, viết...Mẹ đưa vội cuốn vở học, ba vẫn nằm, viết thật rõ sau khi ba mất sẽ nhờ ai đi đưa, rồi mẹ con phải làm gì...Đêm ấy ba mất...Mãi tới bây giờ, tôi mới hiểu rằng ba đã dự biết ngày tạ thế của mình.
Rồi tình hình càng lúc càng đe dọa, đường xá giao thông tắc nghẽn, du kích đã dám xuất hiện giữa ban ngày, công chức, thày giáo lần lượt đi mất cả, nhà thương trường học bỏ hoang, chiều xuống, những bầy dơi túa lên hứng vội chút nắng thoi thóp cho bóng đêm chụp xuống nhanh hơn. Nhà ai cũng đóng cửa sớm để trẻ con đừng nghe tiếng chó rừng tru thê lương đâu đó trên rẫy, cơ hồ có thể tràn xuống bất kỳ lúc nào...
Ít lâu sau, mẹ đóng cửa quán, đưa các con lên khu đông dân hơn. Cả Khu Dinh Điền đông đúc trù phú xưa kia, nay tập trung cả nơi đây độ hơn mười nóc nhà. Đồn lính bị cô lập. Pháo trong rừng bắn ra bất cứ lúc nào làm cho không khí thêm đe dọa và tang tóc. Mẹ nhờ người đào hầm trú ẩn được ít hôm thì Tết đến...
5.
Chiều mùng một vừa cúng xong thì một, hai, ba...rồi pháo không biết cơ man nào mà đếm được nữa, mấy anh em tôi chạy lúp xúp xuống hầm, mẹ chạy sau cùng, mang theo nồi xôi, lẳng lặng thắp đèn, ngồi nhìn các con ăn, miệng khấn vái vong hồn ba sống khôn thác thiêng trở về phù hộ cho mẹ con được tai qua nạn khỏi.
Mẹ ơi! Làm sao con quên được bữa ăn chiều mùng một Tết ở Thị Tính năm ấy. Chúng con còn nhỏ quá phải dựa vào mẹ, mà mẹ thì dựa vào đâu? Mà mẹ thì cứ vậy thôi, không bao giờ để cho các con phải lo sợ, nhưng nửa đêm, tưởng các con ngủ hết rồi, mẹ lên khỏi hầm, thắp nhang, mở tung cửa van vái Phật Trời, rồi lại se sẽ xuống nằm với các con, nhưng nước mắt con đã dàn dụa rồi, con quay qua ôm vai mẹ nức nở: Mẹ ơi! Con thương mẹ lắm mẹ ơi...
Người anh sau chị Ba tôi tên Phúc, năm đó khoảng mười hai tuổi, rất có hiếu, chịu cực nhất nhà, anh có tính nhường em, những dịp Tết, được mặc áo mới, anh chỉ xỏ tay vào một lần, rồi xếp cất để dành cho các em. Anh theo mẹ làm đủ chuyện, trồng lúa, đốt than, gieo hạt trên rẫy.
Một đêm nọ đã khuya, mẹ vẫn chưa về, anh một mình đeo con rựa có cán dài, dặn các em ở nhà xong rồi đi kiếm mẹ. Tôi và đứa em gái Út đứng vịn cửa sổ, nhìn bóng nhỏ gầy gò của anh và con rựa đong đưa trong đêm, miệng gào lớn mẹ ơi! Mẹ ơi! Âm thanh cuốn hút vào rừng sâu rồi vọng trở ra như có người nhái tiếng vậy.
Hai đứa nhỏ không dám ngủ, lo âu ngồi tới gần nửa đêm thì mẹ và anh tôi về. Trời ơi là mừng, tức thì chúng tôi quấn quýt lăng xăng bên mẹ như mấy con chó con, nét mặt mẹ rất an tĩnh, chỉ như đi đâu bên hàng xóm về thôi, anh tôi dựng con rựa ở góc nhà, quay sang mẹ cằn nhằn:
- Con đã nói mẹ đừng ở lại rừng khuya quá mà!
- Thằng này chỉ sợ hão, ma tao còn không sợ nữa là...
Nhưng mẹ nói thêm một câu làm chúng tôi thấy an lòng:
- Ừ thôi mai mốt mẹ về sớm với chúng mày!
Sau Tết ít lâu thì anh chị Sáu về thăm, anh đã đổi đi Pleiku làm việc nên không hay biết tình hình đã thay đổi như vậy. Tôi chạy ra rẫy cho mẹ hay, mẹ nắm tay tôi chạy vội về. Đó là lần duy nhất tôi thấy mẹ hoảng hốt. Tới nhà mẹ đóng sập cửa lại, cấm không cho đứa nào đi đâu. Cơm nước xong, mẹ bảo anh rể tôi vào trốn trong vựa thóc, còn chị Hai thì nằm trong phòng, buông màn xuống, dặn tất cả rằng hễ có ai đến thì chỉ để mẹ tiếp thôi.
Chúng tôi cũng linh cảm thấy có việc gì nguy cấp, nhưng cũng không dám hỏi mẹ. Từ lúc ấy, mẹ thường ngồi trên chiếc ghế đẩu cạnh bàn thờ, như sẵn sàng ứng phó với một điều gì đang từ từ đi tới. Và cái gì vô hình khủng khiếp làm mẹ tôi lo sợ đã đến!
Sáng hôm sau, lúc tôi đang ngồi nhai kẹo trong chiếc bồ đập lúa trước hiên thì một đoàn quân áo vàng nón cối chỉnh tề, không che đậy ngụy trang gì cả, sắp hàng một đang tiến về nhà tôi. Thoáng cái họ đã tới. Vô tình hay cố ý mà hô lại dừng trước nhà? Rồi một người cao lớn đi vào, cố làm vẻ lịch sự:
- Xin bà chị tí nước sôi uống trà...
Mẹ đon đả, cố tự nhiên kêu anh Phúc xuống bếp nấu nước...lát sau anh bưng lên, người nọ chậm rãi mở ba-lô, lấy ra bộ tách nhỏ xíu ra, thong thả pha trà, rồi bất ngờ hỏi mẹ:
- Nghe bà chị có con ở xa về thăm?
- Vâng ạ, hai vợ chồng nó về, chồng nó phải đi gấp sáng nay rồi, vợ nó lại tự nhiên ốm đang nằm trong giường kia...Xưởng ơi!!!
- Thôi được, bà chị để cô ấy nằm nghỉ?
Người nọ lại nhấm nháp tách trà, nhìn mẹ đăm đăm dò xét. Mẹ cũng nhìn thẳng lại, không bối rối...
- Chú với lại anh em có đói không? Để tôi bảo cháu nó thổi cơm!
- Cảm ơn, bộ đội chúng tôi không dám làm phiền nhân dân...lại nhâm nhi tách trà... thời gian như ngừng lại.
Chừng tàn cây nhang, người nọ dọn bộ trà vào ba-lô, chào mẹ rồi quay lưng ra cửa, vẫy tay một cái, tất cả đứng dậy một loạt, vẩy tay cái nữa, tức thì đoàn quân rẽ ngang, thoắt cái đã mất hút sau rẫy bắp.
Chiều ấy, anh rể tôi phải trốn lên đồn ngủ nhờ, rồi trở lại đơn vị, không bao giờ về lại nữa. Cho đến bây giờ, tôi chưa biết có ai, trong cơn nguy biến mà lại điềm tĩnh, quyết đoán được như vậy. Mẹ tôi không biết chữ, chắc rằng chỉ có tấm lòng thương con thôi nên đã vượt qua tất cả. Ôi tấm lòng của một người mẹ Việt Nam, biết lấy gì so sánh được. Biển Thái Bình ư? Chỉ bằng biển thôi sao? Có còn thứ gì lớn hơn nữa không?
Mẹ ơi! Mẹ là Quán Thế Âm, sẽ ngự trị mãi mãi trên đầu con.
Phạm Đông Ngạc
Tác Giả viết bài này để tôn vinh Mother's Day, và thân tặng những bà mẹ, nay đã trở thành bà nội, ngoại, đã cùng tác giả đi qua một thời áo trắng Trường Trung Học Lương Văn Can và Tân Bình-Nguyễn Thượng Hiền, trước năm 1975.
Trân Trọng
TQP
Đánh máy: Thiên Quân Phụng
Nguồn: Thiên Quân Phụng
Được bạn: Ct.ly đưa lên
vào ngày: 31 tháng 5 năm 2017