Tan học, Phương và Duyên hí hởn ra về. Hôm nay, hai cô bé rất vui vẻ, gương mặt tươi như hai đóa hoa hồng. Chúng đi bên nhau, bàn tán về buổi học vừa qua.
Duyên liến thoắng nói:
- Hôm nay, bà làm luận Quốc văn cừ quá. Chắc là “đạo văn” ở sách nào chớ gì?
Phương nhoẻn cười duyên dáng:
- Còn lâu! Làm luận mà đạo văn thì ẹ lắm.
- Văn bà ăn đứt “Ông Tướng” Xuân rồi đó. Để Tướng Xuân dẫn đầu hoài làm ê mặt bọn chúng mình.
- Thì mình phải cố gắng chớ. May lắm mới vượt anh ấy một kỳ.
- Phải vượt luôn chớ. Một kỳ sao được bà.
Phương như được khích lệ, cảm thấy phấn khởi vô cùng. Duyên cũng vui lây cái vui chiến thắng của bạn.
Nguyên Phương và Duyên học lớp Đệ Thất [1] trường Trung học Dân Trí. Cả hai đều là phần tử ưu tú trong lớp, vừa thông minh vừa chăm học. Phương giỏi đều các môn; Duyên giỏi về văn chương nhưng còn kém về Toán, Lý, Hóa. Nhiều lần giáo sư Quốc văn đã khen Phương là “Nữ sĩ tương lai” và khuyến khích Duyên bằng câu: “Có nhiều triển vọng”. Hai cô bé lấy làm sung sướng được thầy khen, bạn mến.
Thật ra, Phương và Duyên có khiếu văn chương từ khi còn bé bỏng. Chúng ham mê đọc sách hơn bất cứ thú tiêu khiển nào khác. Nhà Phương có các bộ sách giáo dục nhi đồng của các nhà văn tiền chiến như Sách Hồng của Tự Lực Văn đoàn, Truyền Bá của Nhà xuất bản Tân Dân. Nhà Duyên có nhiều sách nhi đồng của các nhà văn hiện đại như Tuổi Thơ của Nhà Khai Trí, Sách Hồng của Nhà Sống Mới v.v... Đôi bạn thường trao đổi nhau xem và mỗi khi đọc được một truyện hấp dẫn, lý thú, cả hai đem ra mổ xẻ, phê bình say sưa, mặc dù chúng chưa biết nghệ thuật phê bình ra sao cả.
Từ khi còn bậc Tiểu học, Phương, Duyên đều giỏi về Việt văn, so kè nhau chiếm nhất, nhì trong các kỳ thi Lục cá nguyệt [2]. Nhưng năm nay lên Đệ Thất chúng đụng phải hai tay cừ. Đó là Xuân và Quang. Luôn ba tháng đầu niên học, Xuân và Quang thay phiên nhau dẫn đầu môn Việt văn. Phương và Duyên rớt xuống hạng ba và tư. Bọn trẻ trong lớp Xuân cừ quá, đùa gọi cậu ta là “Ông Tướng”, ngụ ý phong Xuân ta làm Tướng soái. Hai ngôi sao Phương, Duyên cơ hồ bị mờ nhạt đi trước hai ngôi sao mới cực kỳ sáng chói. Phương tức lắm và Duyên cũng ấm ức trong lòng, mặc dù chúng cũng được thầy khen ngợi, khích lệ nhiều lần. Hai cô bé giàu tự ái ấy quyết cố gắng chiếm lại địa vị huy hoàng của mình ngày nào.
Và buổi học hôm nay, lần đầu tiên Phương đã vượt lên trên cả lớp - vượt cả hai tướng cừ Xuân, Quang - gieo ngạc nhiên không ít cho giáo sư và bạn học. Phương vừa sung sướng vừa cảm động. Duyên cũng hãnh diện, môi luôn nở nụ cười thật tươi.
Nhớ lại buổi học vừa qua, Phương như còn nghe văng vẳng hai bên tai tiếng vỗ tay hoan hô của các bạn khi thầy long trọng tuyên bố: “Hôm nay, thầy rất vui lòng được thấy một ngôi sao mới xuất hiện. Ngôi sao đó là em Nguyễn Thị Mỹ Phương. Em Mỹ Phương đâu, hãy lên đây”.
Phương bẽn lẽn tiến lên, lòng hồi hộp khôn tả.
Giáo sư đợi Phương lên đến nơi, mới thong thả nói tiếp:
- Bài luận văn kỳ này, em Mỹ Phương chiếm giải khôi nguyên.
Thầy vừa dứt lời, một tràng pháo tay vang lên hoan hô ngôi sao mới. Xuân, Quang ngạc nhiên, trố mắt nhìn người bạn gái mà chúng xem thường bấy lâu nay. Phương đỏ mặt, tay nàng vân vê tà áo.
Giáo sư hân hoan tiếp:
- Nào “Nữ sĩ tương lai” của thầy hãy đọc bài em cho các bạn cùng nghe. Em đã chứng tỏ một sự cố gắng đáng khen.
Thầy trao bài luận cho Phương. Cô bé tiếp lấy bài, mắt nàng không dám nhìn xuống các bạn. Nàng cất tiếng đọc, giọng nàng hơi run run. Đọc được vài dòng, Phương lấy lại được bình tĩnh, và giọng nàng trở nên trong trẻo, lưu loát. Khi nàng đọc dứt bài văn, các bạn lại vỗ tay hoan nghênh lần nữa.
Giáo sư mỉm cười nói:
- Em Mỹ Phương có khiếu về văn chương. Nếu chịu khó rèn luyện, em là một mầm non đầy hứa hẹn. Đây, thầy tặng em quyển sách này để khuyến khích em. Thầy mong em cố gắng hơn nữa để thực hiện lời thầy vừa nhận xét.
Phương tiếp lấy tặng phẩm trên tay thầy, dịu dàng nói:
- Em cảm ơn thầy. Em hứa sẽ cố gắng để thầy được vui lòng.
Phương trở về chỗ ngồi, có cảm giác như nhiều bạn đang đưa mắt nhìn theo mình. Trong số ấy, Phương đoán thế nào cũng có “Ông Tướng Xuân”. Duyên day qua, nói khẽ:
- Khớp không, bồ? Thầy tặng bồ sách gì đó?
Phương để quyển sách xuống bàn. Bốn mắt nhìn xem. Đó là quyển “Viết và đọc Tiểu thuyết” của Nhất Linh. Phương biết thầy cố ý giúp thêm tài liệu cho nàng, để nàng có thể hiểu thêm nghệ thuật sáng tác, theo kinh nghiệm của một nhà văn danh tiếng bậc thầy. Phương thấy phần thưởng này thật vô cùng ý nhị và nàng thầm cảm ơn thầy đã chu đáo khuyến khích và nâng đỡ mình một cách nhiệt tình.
Chuông reo báo hiệu tan học. Học sinh lần lượt ra khỏi lớp. Phương và Duyên vẫn còn ngồi nán lại, mân mê phần thưởng quý giá trên tay. Bỗng Phương giật mình ngẩng lên khi có tiếng hỏi:
- Hai chị chưa về à?
Người vừa cất tiếng hỏi là “Ông Tướng Xuân”. Chẳng hiểu Xuân và Quang đến hồi nào, hai đứa đang nhìn quyển sách trên tay Phương với vẻ tò mò. Phương vui vẻ đáp:
- Chúng tôi cũng sắp về.
Xuân thành thật tiếp:
- Kỳ này, chị Phương làm bài luận văn hay quá. Chị rất xứng đáng với lời khen ngợi của thầy.
Phương dịu dàng nói:
- Anh nói quá đáng làm tôi thêm mắc cỡ. May lắm mới được thầy khen một kỳ.
Quang góp lời:
- Chúng tôi nói thật đấy.
Duyên cũng xen vào:
- Mấy tháng nay, hai anh cứ tranh nhau lãnh hết lời khen của thầy. Phải nhường cho bọn con gái chúng tôi một kỳ chớ.
Xuân xoa dịu lòng tự ái của hai người bạn gái:
- Có thi đua như thế, sự học mới hào hứng, phải không hai chị?
Phương nhoẻn cười:
- Chúng tôi sẽ luôn cố gắng để theo kịp hai anh.
Quang cũng cười:
- Thôi mà, cứ khiêm nhường hoài. Thầy đã bảo là “Nữ sĩ tương lai” kia mà. À, thầy vừa tặng chị phần thưởng gì thế?
Phương trao quyển sách cho Quang. Xuân và Quang châu đầu vào xem, mặt lộ vẻ ham thích. Xuân nở nụ cười cởi mở:
- Quyển sách này chắc hay lắm. Hai chị xem xong, cho chúng tôi mượn xem với nhé.
Phương thành thật nói:
- Chắc phải hay và hữu ích, thầy mới tặng cho chúng ta học thêm. Tuần sau, Phương sẽ đưa cho hai anh xem. Nhưng xem xong, hai anh phải cho biết ý kiến mới được.
Xuân và Quang tán thành ngay:
- Đồng ý.
Phương lại hỏi:
- Tháng trước, thầy tặng anh Xuân quyển gì?
- Quyển “Trên đường nghệ thuật” của Vũ Ngọc Phan.
- Còn tháng đầu, anh Quang được phần thưởng gì?
Quang nhanh nhẩu đáp:
- Quyển “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh và Hoài Chân.
Duyên cười, đùa:
- Chắc thầy cho anh Xuân là “Nhà văn đầy triển vọng” và anh Quang là “Thi sĩ đầy hứa hẹn”, nên mới tặng hai phần thưởng ấy cho hai anh.
Quang bật cười to:
- Thầy chưa hề tuyên bố như thế bao giờ. Có chị Phương và anh Xuân đây làm chứng.
Xuân vui vẻ tiếp:
- Nếu được làm văn nhân, thi sĩ thì còn gì vinh dự bằng. Sợ sau này sẽ thành “Nhà văn ba xu” và “Thi sĩ con cóc” thì thật uổng cho công thầy.
Phương vui lây cái vui hồn nhiên của các bạn:
- Hai anh cho chúng tôi mượn các tác phẩm ấy, để chúng tôi học thêm được phần nào hay phần nấy.
Xuân nói ngay:
- Ngày mai, chúng tôi sẽ cho hai chị mượn. Và từ đây, tôi đề nghị chúng ta sẽ trao đổi nhau những tác phẩm hay.
Phương mạnh dạn hơn:
- Chẳng những trao đổi sách hay, chúng ta nên họp nhau trao đổi ý kiến về những tác phẩm đã xem. Đó cũng là cách để chúng ta trau dồi thêm nghệ thuật. Các anh đồng ý chớ?
Xuân và Quang đồng nói:
- Hoan nghênh sáng kiến của chị Phương.
Duyên thực tế hơn cả:
- Thôi, chúng ta về, kẻo trường đóng cửa.
Xuân trao trả quyển sách cho Phương, rồi từ giã hai người bạn gái. Duyên nhanh nhẹn kéo bạn ra về.
Nhớ đến đây, Phương sung sướng mỉm cười. Nàng có cảm tưởng như mình đang bước trên con đường đầy hoa và cuối đường là một vườn đầy hương sắc quyến rũ. Đó là vườn Nghệ thuật. Đó là khu vườn có những kỳ hoa ngạt ngào muôn thuở: hoa Nguyễn Du, hoa Đoàn thị Điểm, hoa Hồ Xuân Hương... Và biết đâu sau này sẽ có thêm hoa Mỹ Phương?
Thấy bạn cười một mình, Duyên ngạc nhiên hỏi:
- Bồ nghĩ gì mà cười vậy?
Phương lại cười, núm hai đồng tiền trên hai má ửng hồng:
- Phương đang nghĩ đến vườn hoa nghệ thuật.
- Và bồ định bước vào vườn hoa ấy à?
- Phải, với bất cứ giá nào.
- Người ta nói làm văn sĩ khổ lắm, bồ ơi!
Phương nói với giọng vô cùng cương quyết:
- Phương vui lòng chấp nhận sự khổ đó. Phương chỉ sợ mình không có tài.
Phương và Duyên vừa dừng bước trước cổng đã thấy dạng Xuân từ trong nhà chạy ra, mừng rỡ:
- Chúng tôi đang đợi hai chị đây.
Duyên hỏi:
- Có sửa soạn bánh trái đãi bọn này không đó?
Xuân nhanh nhẩu đáp:
- Văn nghệ không thể xen bánh trái gì vào được. Mất cả ý nghĩa đi.
- Vậy thì làm văn nghệ phải uống nước lã à?
- Văn nghệ cũng không tưới bằng nước lã. Mất cả ý nghĩa đi.
- Cái gì anh cũng bảo: “Mất cả ý nghĩa đi”. Vậy chớ văn nghệ phải tưới bằng gì?
- Bằng rượu. Lý Bạch, Tản Đà đều tưới thơ bằng rượu.
Phương lém lĩnh không kém:
- Còn Đoàn thị Điểm, Hồ Xuân Hương?
Xuân khựng lại, không biết đáp thế nào cho ổn. Một lúc, nó gãi đầu nói:
- Chịu thua chị Phương. Thôi, mời hai chị vào.
Phương mỉm cười nắm tay Duyên bước vào nhà. Đây là nhà của ba má Xuân. Bọn trẻ đến họp mặt để học tập thể hoặc thảo luận văn chương. Khi Phương và Duyên bước vào thì Quang từ phía sau chạy lên. Nó vui vẻ đùa:
- Hân hạnh chào hai “Nữ sĩ tương lai”.
Duyên cất giọng dí dỏm:
- Xưa rồi, anh ơi!
- Vậy phải gọi thế nào mới “hợp thời trang” đây?
- Phải gọi là “Mầm xanh văn nghệ”.
Xuân cười hóm hỉnh:
- Đúng rồi, chị Duyên dùng chữ thì “ba chê”.
Duyên liến láu chỉnh ngay:
- Cái gì mà “ba chê”? Đâu, anh kể ba điều đáng chê ra thử xem.
Xuân vội vàng cải chính:
- Ba chê nghĩa là chị dùng chữ đúng không chê vào đâu được, chớ không phải có ba điều đáng chê. Chị hiểu lầm rồi đó.
Phương cười nụ:
- Hai anh bắt bọn tôi đứng đây cãi lý mãi à? Còn rượu Lý, Tản của các anh đâu?
Duyên tiếp:
- Còn nước lã của bọn này đâu?
Xuân chợt nhớ mình là chủ, cần phải tiếp khách cho ra vẻ:
- Chị Phương và Duyên ngồi chơi, hôm nay chúng ta có nhiều vấn đề cần bàn.
Phương chưa chịu buông tha:
- Tôi muốn hỏi rượu và nước lã hè. Chuyện gì khác sẽ nói sau.
- Xuân đùa vậy chớ làm gì có rượu. Mình làm sao dám so sánh với Lý Bạch, Tản Đà? Còn tiếp thi nhân bằng nước lã thì sợ “Nàng Thơ” trốn mất.
Duyên hỏi ngay:
- Không bằng nước lã thì bằng gì? Anh cứ “ấm ớ hội tề” hoài, ai chịu được?
- Bằng cây nhà lá vườn. Sau khi thảo luận xong vài vấn đề, chúng ta ra sau vườn chơi cho mát. Lúc này nhằm mùa quýt đường và vú sữa, chúng ta trèo lên cây hái ăn tùy thích.
- Chớ không được mang về à?
- Được chớ! Miễn đừng mang cả gánh về nhà.
Duyên đắc ý cười to:
- Bộ anh tưởng bọn này là “hạm” sao chớ? Thôi được, bây giờ chúng ta bàn vấn đề gì nào?
Phương, Duyên ngồi xuống ghế, trước một chiếc bàn bày những tờ tạp chí văn chương và nhi đồng lòe loẹt màu sắc. Xuân, Quang cũng ngồi đối diện với hai người bạn gái.
Phương cầm lên một tờ tạp chí, lật vài trang xem qua các tiết mục. Duyên ngắm nghía trang bìa mấy tờ báo nhi đồng. Xuân lặng im, Quang có vẻ nghĩ ngợi. Đợi Phương xem phớt qua tờ tạp chí, Duyên ngắm nghía xong mấy bức tranh bìa, Xuân mới cất lời với vẻ vô cùng trịnh trọng:
- Chúng tôi định bàn với hai chị về vấn đề làm báo.
Phương ngẩng mặt lên, môi hơi nhếch nụ cười:
- Bích báo à?
- Không, mình làm báo văn nghệ đàng hoàng.
- Mình có cần xin phép thầy không? Thầy hay được, rầy chết.
- Thầy không rầy đâu. Chúng mình tập viết văn, thầy còn khuyến khích nữa là khác.
Duyên lộ vẻ hân hoan:
- Ý kiến các anh rất hay. Nhưng liệu mình có đủ phương tiện không?
Quang đáp nhanh:
- Phương tiện thì không có gì tốn kém. Chúng mình chỉ làm báo viết tay, không in thạch bản, cũng không in ronéo. Báo chỉ xuất bản một số duy nhất, chuyền tay nhau xem. Chúng ta chỉ góp tiền mua giấy, mực.
Phương mân mê một tờ báo trên tay, giọng nàng vô cùng tha thiết:
- Phương rất thích viết văn, nhất là làm báo văn nghệ. Nhưng phải làm cho ra hồn, kẻo các bạn cười cho ê mặt.
Biết bạn đã tán thành, Xuân hớn hở nói:
- Chị khỏi lo mà. Mình làm báo nhất định phải hay.
- Ngoài bọn mình, còn ai cộng tác nữa không?
- Còn chớ! Các anh Minh, Phong, các chị Vân, Nguyệt sẽ cộng tác với chúng ta.
- Sao hôm nay không có mặt các anh, chị ấy?
- Hôm nay chỉ là buổi họp sơ bộ, lần sau các anh, chị ấy sẽ có mặt đầy đủ.
Duyên nôn nao hỏi:
- Các anh chọn tên tờ báo chưa?
Quang đáp thay bạn:
- Chưa, chúng tôi còn đợi ý kiến của hai chị.
Duyên mau mắn đề nghị:
- Vậy thì mình đặt tên tờ báo là “Mầm xanh”
Phương tỏ ý:
- Tên ấy rất hợp với chúng mình, song ngoài thị trường đã có tờ mang tên đó rồi. Theo ý Phương mỗi đứa chúng mình đưa ra một tên, rồi chúng ta sẽ chọn tên nào ý nhị và hấp dẫn nhất.
Quang nhanh nhẩu nói:
- Tôi đề nghị lấy tên là: “Tuổi Ngọc”.
Xuân đưa ý kiến:
- Tôi đề nghị lấy tên là: “Tuổi Hồng”.
Phương cũng góp ý:
- Phương đề nghị lấy tên “Hoa Thiếu Niên”
Duyên phát biểu ý kiến:
- Hai tên “Tuổi Ngọc” và “Tuổi Hồng” đã có người dùng đặt tên cho phụ trang nhi đồng ở báo hằng ngày. Chỉ có tên “Hoa Thiếu Niên” chưa ai thèm dùng đến, vì nó có vẻ cổ lỗ sĩ quá.
Xuân bênh vực ngay:
- Không ai thèm dùng thì mình dùng, miễn đừng bắt chước thiên hạ là hay rồi. Hơn nữa, tên ấy hợp với lứa tuổi chúng mình. Tuổi chúng mình là tuổi đang nở hoa.
Duyên cười lém lỉnh:
- Biết lắm mà! Tên của nữ sĩ Mỹ Phương đặt thì anh bênh vực, nếu tôi đưa tên ấy ra, chắc chắn bị anh bác bỏ.
Phải vậy không, “Ông Tướng”?
Xuân mỉm cười không đáp. Quang bàn tiếp:
- Vậy chúng ta đồng ý đặt tên tờ báo là “Hoa Thiếu Niên”. Bây giờ đến vấn đề tổ chức Bộ biên tập.
Phương vui vẻ đề nghị:
- Phương đề nghị anh Xuân làm Chủ Nhiệm. Anh phải chọn một biệt hiệu cho hách mới được.
Duyên và Quang đều nói:
- Đồng ý.
Duyên thêm:
- Vai Chủ nhiệm hách nhất trong tờ báo đấy nhé!
Xuân cười:
- Tôi đề nghị Mỹ Phương làm Chủ bút.
Phương chớp lia đôi mắt, lòng dào dạt niềm vui. Phương ôm rất nhiều mộng nhưng không ngờ hôm nay mình được làm chủ bút một tạp chí văn nghệ. Nàng thấy tương lai như mở ra trước tầm mắt.
Xuân lại đề nghị tiếp:
- Anh Quang làm Giám đốc Trị sự.
Duyên hất đầu ra phía sau, môi trề ra lộ vẻ bất mãn:
- Mấy người khôn thấy mồ. Có bao nhiêu chức vụ quan trọng trong tờ báo, mấy người phong cho nhau hết cả.
Xuân vội vàng xoa dịu lòng tự ái của Duyên:
- Còn một chức vụ quan trọng hơn hết chúng tôi dành cho chị.
- Chức vụ gì?
- Tôi đề nghị chị Duyên làm Tổng thư ký Tòa soạn.
Giọng Duyên trở lại dịu dàng:
- Tôi làm Tổng thư ký, còn ai làm Thư ký?
Xuân đáp nhanh:
- Thì tôi kiêm luôn Thư ký cho chị.
Duyên cười xòa nói:
- Ông Tướng Chủ nhiệm quả là con cáo già. Thôi được, tôi dưới quyền ông, ông lại dưới quyền tôi, thế là huề.
Phương tươi cười nói:
- Bộ biên tập không lẽ gồm toàn Chủ nhiệm, Chủ bút, Giám đốc Trị sự, Tổng thư ký Tòa soạn?
Xuân đáp nhanh:
- Còn biên tập viên nữa chớ. Anh Phong viết bài bình luận, chị Vân viết truyện ngắn, chị Nguyệt làm thơ, anh Minh trình bày và minh họa.
Duyên hỏi trớ trêu:
- Ông Chủ nhiệm cho biết nhiệm vụ của Giám đốc Trị sự, Chủ bút và Tổng thư ký.
Xuân đưa tay lên gãi đầu, đưa mắt nhìn Phương như cầu cứu. Phương đưa tay lên miệng che một nụ cười. Cả hai không biết giải thích thế nào cho ổn. Một lúc lâu, Xuân mới ấp úng nói:
- Thì Xuân thấy trên mặt tờ báo, người ta thường nêu lên những chức vụ ấy, Xuân cũng đề nghị mình ghi lên cho “oai”, chứng tỏ Bộ biên tập báo mình cũng đầy đủ chức vụ như ai. Còn vấn đề nhiệm vụ mỗi người, Xuân không rành rẽ lắm, để Xuân hỏi lại thầy.
Duyên cười đùa:
- Vậy chức vụ của chúng mình đều là chức vụ “hàm” cả?
Xuân cãi hăng:
- “Hàm” sao được, chị! Mình làm việc thật sự chớ. Bây giờ, mình định xuất bản hằng tuần hay hằng tháng?
Phương góp ý:
- Xuất bản hằng tuần, sợ mình làm không kịp. Ra hằng tháng thì lại lâu quá. Phương đề nghị mình cho xuất bản nửa tháng một kỳ đi.
Quang tán thành ngay:
- Đồng ý ra nửa tháng. Nhưng ra nửa tháng thì gọi là gì?
Duyên làm lanh:
- Xuất bản hằng tuần gọi là tuần báo hoặc tuần san, hằng tháng gọi là nguyệt san; nửa tháng một kỳ gọi là Cá nguyệt san.
Quang, Xuân, Phương đều bật cười. Quanh hỉnh mũi, hóm hỉnh nói:
- Chị Duyên nhớ đến thi Lục cá nguyệt rồi.
Duyên hất hàm hỏi:
- Vậy chớ gọi là gì?
Quang bí, vội nín thinh, tuy vậy môi nó vẫn còn nhếch nụ cười. Sợ bạn giận dỗi (vì Duyên hay nũng nịu, giận dỗi), Phương vội dịu dàng giải thích:
- Theo Phương biết thì xuất bản nửa tháng gọi là Bán nguyệt san. Vì thời tiền chiến có tờ Phổ Thông Bán nguyệt san, ra nửa tháng một số. Phương đoán thế, chẳng biết có đúng không?
Quang vỗ tay reo:
- Đúng rồi! Chị Phương nói thì đúng “ba chê”.
Duyên háy Quang một cái, giọng vẫn chưa nguôi:
- Chị Phương nói đúng, chớ có phải “Giám đốc Trị sự” nói đúng đâu.
Phương vui vẻ nói:
- Ngay bây giờ, mình phải chuẩn bị Số ra mắt. Mình phải dồn hết lực lượng vào số này.
Xuân nói với tất cả nhiệt thành:
- Chúa nhật tới, mình họp tại đây để trao đổi thêm ý kiến và phân công rành rẽ. Kỳ họp tới sẽ có đông đủ Bộ biên tập.
Rồi để làm vừa lòng cô bạn gái hay giận dỗi, Xuân day qua phía Duyên ân cần tiếp:
- Từ đây, chị Duyên mặc sức trổ tài làm thơ. Tên Mộng Duyên rồi đây sẽ vang danh khắp trường. Bây giờ, chị hãy chọn bài thơ nào ưng ý nhất đăng vào số ra mắt.
Được đăng thơ lên báo, đó là điều Duyên mơ ước lâu nay. Bây giờ mộng sắp thành rồi, nàng thấy lòng nôn nao, rộn rã.
Quang thích chí cười to:
- Chị Duyên hết giận rồi đấy nhé! Bây giờ chúng ta ra sau vườn, đại náo vườn cây “Ông Tướng” một phen.
Phương vừa bước đi vừa nói:
- Phương trèo cây dở lắm, rủi rớt xuống đất thì hết... làm báo.
Quang quen tánh liến khỉ:
- Chị đừng lo. Rủi chị có bề gì, Quang kiêm luôn chức Chủ bút cho.
Cả bọn phá lên cười vui vẻ.
Nửa tháng sau, tập san Hoa Thiếu Niên ra đời.
Phương và Duyên hôm nay có vẻ trang nghiêm như người lớn. Chúng không mua quà vào lớp ăn như mọi bữa, chúng cũng không cùng các bạn nô đùa, trửng giỡn ở sân trường. Chủ bút mà ăn quà trong lớp, Tổng thư ký Tòa soạn mà chơi nhảy dây hay chơi cò cò... thì còn ra cái thể thống gì nữa.
Giờ ra chơi, học sinh lớp Đệ Thất A (lớp học của Bộ biên tập tờ báo Hoa Thiếu Niên) xúm xít lại xem tờ tập san duy nhất của Trường Trung học Dân Trí. Chúng vừa xem vừa cười đùa bàn tán. Phương và Duyên không dám lại gần đám độc giả tí hon ấy, sợ chúng chê văn mình thì “mất mặt bầu cua”. Phương lật tập làm như dò bài nhưng thật ra nàng đang lắng tai nghe bọn trẻ đang phê bình tờ báo. Duyên thì đưa mắt theo dõi cử chỉ đám độc giả. Cả hai đều hồi hộp vô cùng.
Xuân và Quang tuy cùng tâm trạng với hai bạn gái, song chúng có vẻ dạn dĩ, tự nhiên hơn. Xuân nghĩ thầm: “Các bạn đồng lớp không đáng ngại, chỉ ngại mấy ‘Anh lớn’ ở các lớp trên”. Bọn Minh, Phong, Vân, Nguyệt thì không ngại gì cả, chúng đi khắp lớp tuyên truyền cho tờ báo, hứa hẹn sẽ còn nhiều mục, nhiều bài hấp dẫn hơn ở các số sau.
Điều đáng mừng cho toàn thể Bộ biên tập là Tập san ra đời được sự tiếp đón nồng hậu của bọn trẻ. Nhiều đứa bảo nhau: “Lớp mình ra báo, bảnh ghê! Mấy lớp Đệ Thất khác làm gì ra nổi một tờ báo”. Vài đứa Đệ Thất A lại đi khoe với học sinh lớp Đệ Thất B, Đệ Thất C: “Lớp tao mới xuất bản tờ Hoa Thiếu Niên đẹp ghê hồn. Anh Thanh Xuân làm Chủ nhiệm, chị Mỹ Phương là Chủ bút đó”. Không ngờ tờ tập san mới ra mắt đã tạo được sự hãnh diện cho cả lớp Đệ Thất A.
Thật ra, tờ Hoa Thiếu Niên đem lại một sinh khí mới cho học sinh trường Dân Trí. Đột nhiên, đám trẻ thơ ham đùa giỡn ấy bỗng lưu tâm đặc biệt đến văn chương. Rồi thì tờ báo được chuyền nhanh từ lớp Đệ Thất lên Đệ Lục, từ Đệ Lục lên Đệ Ngũ, Đệ Tứ [3]... Bộ biên tập được nghe nhiều lời khen tặng khích lệ, đồng thời cũng nghe nhiều lời chỉ trích nặng nề.
Vài hôm sau, Phương đi học sớm như thường lệ. Khi đi ngang qua lớp Đệ Thất B, Phương thấy một đám học sinh đang ngồi bàn tán sôi nổi. Thấy Phương đi ngang qua, một đứa bảo khẽ với các bạn:
- Mỹ Phương đó.
Một đứa khác hỏi:
- Chủ bút đó hả?
- Phải rồi, chủ bút tờ Hoa Thiếu Niên.
- Sao còn nhỏ quá vậy?
- Ừ, nhỏ hơn tụi mình, vậy mà làm chủ bút mới cừ chớ.
Nghe đến đây, Phương ngoảnh lại nhìn chúng, đôi má ửng đỏ, môi nhoẻn nụ cười khả ái. Phương sung sướng vô cùng. Buổi học hôm đó, Phương vui vẻ hơn bao giờ hết. Phương thấy vườn hoa văn nghệ đang nhuộm màu hồng.
Tan giờ học, Phương cùng Duyên ôm cặp ra về, lòng phơi phới niềm vui. Đi ngang qua mấy “Anh lớn” lớp Đệ Tứ, Phương cảm thấy ngượng nghịu vì những cặp mắt soi mói đang chăm chú nhìn mình. Có vài tiếng cười nổi lên, tiếp theo một câu hỏi châm biếm:
- Đứa nào là Chủ bút?
Một tiếng đáp:
- Con bé tóc thề đó.
- Còn con bé kia?
- Tổng thư ký Tòa soạn đó đa.
Một giọng khác xen vào:
- Toàn choai choai cả. Chúng viết đúng chánh tả, văn phạm chưa mà làm Chủ bút, Tổng thư ký Tòa soạn?
Nghe đến đây, Phương thấy tức nghẹn lên cổ, nàng muốn chạy đi cho khuất dạng, Duyên giận đỏ mặt, nàng liếc xéo lại một cái, tay nàng run run. Một chuỗi cười đuổi theo đôi bạn gái tận cổng trường. Lúc vào lớp hân hoan bao nhiêu, khi trở về Phương thấy tức tối, thẹn thùng bấy nhiêu. Duyên vừa đi vừa càu nhàu:
- Mấy anh ấy ỷ học lớp lớn làm tàng quá.
Phương buồn bã nói:
- Mình làm văn nghệ thì phải chịu sự phê bình.
- Nhưng Duyên tức lắm. Mấy ảnh phê bình không xây dựng chút nào. Mấy ảnh không nhớ câu: “Tài không đợi tuổi”.
- Nhưng biết mình có tài thật không?
Cả hai im lặng đi bên nhau. Bóng hai trẻ in xuống đường. Ánh nắng buổi trưa nghiêng nghiêng trên hai chiếc nón bài thơ.
Phương bỗng thở dài nói:
- Mấy ảnh nói cũng đúng phần nào. Từ nay, tụi mình phải thận trọng về chánh tả, văn phạm mới được.
Duyên vẫn chưa hết tức:
- Thầy nói nhiều anh ở Đệ Tứ, Đệ Tam vẫn viết sai văn phạm, huống hồ gì chúng mình.
- Nhưng họ không làm báo, không tự xưng là Chủ bút hay Tổng thư ký Tòa soạn. Mình cũng nên biết phục thiện mới được.
Duyên đuối lý, đành lặng im. Một sự chán nản đang đè nặng hai tâm hồn. Bây giờ Phương mới thấy con đường văn nghệ không phải nhuộm toàn hồng như nàng tưởng. Và Duyên mới nhận thấy chức Tổng thư ký Tòa soạn không phải ai cũng đảm trách được, dù chỉ là một tờ báo viết tay.
Sự chán nản đeo đuổi theo đôi bạn gái suốt cả tuần. Cả hai không còn tinh thần sáng tác nữa. Chúng sợ những lời phê bình ác ý. Chúng muốn trả chức Chủ bút, Tổng thư ký Tòa soạn lại cho bọn Xuân, Quang. Chúng muốn rút lui khỏi tòa soạn tờ Hoa Thiếu Niên, để tránh những lời chê bai khinh rẻ.
Tờ Hoa Thiếu Niên tưởng đâu sắp chết yểu thì một sự kiện bất ngờ xảy ra làm phấn khởi những tâm hồn đầy mặc cảm. Chỉ cách ngày tờ Hoa Thiếu Niên ra đời độ nửa tháng, trường Dân Trí lại ra mắt thêm ba tờ báo mới. Đó là Tuần báo Mầm Non của lớp Đệ Thất B, Tập san Hồn Trẻ của lớp Đệ Ngũ và tạp chí Nguồn Sống của lớp Đệ Tứ.
Đôi bạn Phương, Duyên bỗng lấy lại tinh thần. Thì ra mặc dù bị vài anh chỉ trích, tờ Hoa Thiếu Niên gây ảnh hưởng sâu rộng trong giới học sinh trường Dân Trí. Nó là tờ báo tiền phong dẫn đạo phong trào làm báo ở đây, nó đã tạo được sinh khí văn chương tao nhã cho toàn trường.
Phương đã thoát khỏi mặc cảm và còn hãnh diện với nhiệm vụ của mình. Nàng và các bạn cố gắng tô điểm cho tờ Hoa Thiếu Niên thêm khởi sắc, để thi đua cùng các báo khác. Cuộc thi đua bắt đầu thật hào hứng. Các Bộ biên tập đều cố gắng tìm sáng kiến, cố gắng sáng tác để đem vinh dự về cho lớp mình.
Số Hoa Thiếu Niên nào ra cũng có một bài xã thuyết của Thanh Xuân, một bài trào phúng của Thanh Quang, một bài truyện ngắn của Mỹ Phương, một bài thơ của Mộng Duyên. Đó là những bài nòng cốt, ngoài ra còn nhiều bài khác như phiếm luận, truyện vui, tùy bút, hồi ký của các ngòi bút trong Bộ biên tập như Phong, Vân, Nguyệt và những bài lai cảo của học sinh các lớp gởi đến. Bìa Tập san do họa sĩ mầm non Hoài Minh minh họa, nét vẽ tuy chưa được sắc sảo nhưng khá linh hoạt, dễ thương.
Một hôm, Phương đến trường, tình cờ nghe các “Anh lớn” ở các lớp Đệ Tứ bàn cãi về các tờ báo trong trường. Cuộc bàn cãi đang hồi hào hứng, sôi nổi.
Một anh to giọng nói:
- Tờ Nguồn Sống chủ trương “Văn nghệ độc đáo, vượt thời”. Đây các bạn nghe thử bài thơ này trong Nguồn Sống số 2:
Đi ngoài đường phố
Đi ngoài công viên
Tôi cất tiếng cười vui.
Đi vào học đường
Đi vào lớp học
Tôi cúi đầu ngủ gục.
Vài tiếng cười nổi lên và có tiếng phê bình:
- Hay! Độc đáo!
Một anh khác vội đưa tay bịt mũi:
- Thứ thơ ấy không bao giờ ngửi được.
Anh thứ nhất nổi nóng:
- Vậy thì đem nhốt mầy vào Bảo tàng viện đi là vừa. So sánh ba tờ báo trường mình thì tờ Nguồn Sống đặc sắc hơn cả. Văn anh Trọng Khanh giống văn nhà văn hào Nhất Linh, thơ chị Tuyết Hồng giống thơ Thanh Tâm Quyền.
Anh bị chỉ trích rướn gân cổ cãi lại:
- Đừng đem Nhất Linh, Thanh Tâm Tuyền ra lòe thiên hạ. Văn bắt chước dầu điêu luyện cũng không phải văn hay. Văn nhân, thi sĩ có tài không cần bắt chước.
- Mầy cho thế nào mới là văn hay? Mình đi học đây, toàn là bắt chước cả, bắt chước từ văn chương đến khoa học.
- Nhưng thiên tài phải vượt lên trên. Theo ý tôi, chỉ có tờ Hoa Thiếu Niên đặc sắc hơn cả.
Một anh thắc mắc hỏi:
- Đặc sắc chỗ nào đâu? Tôi thấy bài của mấy em ấy viết còn đầy dẫy lỗi chánh tả và văn phạm.
- Đành rằng mấy em ấy còn nhỏ, hành văn chưa điêu luyện bằng chúng ta, nhưng mấy em biết diễn tả những cảm nghĩ hồn nhiên, chân thật, biết bày tỏ niềm khao khát của tuổi thơ hôm nay trước cuộc chiến tương tàn thảm khốc. Mấy em không biết lập dị, không cần đi tìm những đường hướng độc đáo, nhưng văn mấy em có tác dụng truyền cảm nhẹ nhàng. Đặc sắc là ở chỗ đó.
Giữa lúc ấy, một anh trông thấy bóng Mỹ Phương ngoài cửa. Anh ta vội kêu lên:
- Mỹ Phương kia cà. Nào, mời Chủ bút vào đây thảo luận với các bạn cho vui.
Mỹ Phương biết lánh mặt cũng không kịp, đành bẽn lẽn bước vào. Một anh tươi cười nói:
- Các bạn đây vừa khen ngợi Mỹ Phương đấy. Nữ sĩ có ý kiến gì không?
Mỹ Phương rụt rè đáp:
- Phương có nghe lời mấy anh nhận xét. Phương công nhận văn mình còn non nớt, Phương xin phục thiện và thành thật cảm ơn mấy anh.
Một anh cười mỉa mai:
- Thôi mà, khiêm nhường làm gì, Chủ bút?
Mỹ Phương dịu dàng:
- Phương nói thật đấy. Chúng em chỉ mới tập viết văn, chớ đâu xứng đáng là nữ sĩ. Mấy anh gọi thế, người ta cười chết.
Một anh khác chân thành góp ý:
- Mỹ Phương nói đúng. Ngày nào mình viết báo thật sự cà, mới xứng đáng là văn nhân thi sĩ. Viết báo tay trong trường, chỉ là một cách tập viết văn. Tôi rất mong một ngày gần đây được đọc văn Mỹ Phương trên các báo hoặc tạp chí ngoài đời.
Mỹ Phương đỏ mặt:
- Đó là điều mơ ước của Phương, cũng là điều mơ ước của những ai chọn con đường văn nghệ. Chẳng hiểu Phương có thực hiện nổi điều mơ ước đó không?
Một anh chưa chịu buông tha, hỏi gặn:
- Mỹ Phương nói chưa xứng đáng là nữ sĩ, sao lại tự xưng là Chủ bút trên tờ Hoa Thiếu Niên?
Phương nhoẻn nụ cười duyên dáng:
- Thì Phương cũng đang tập làm Chủ bút đó.
Câu đáp hồn nhiên của Mỹ Phương làm cho cả bọn phì cười. Bầu không khí trở nên vui tươi, thân mật. Phương đã gieo mỹ cảm trong lòng mọi người, cả những người có tính đố kỵ, nhỏ nhen.
Phương đem câu chuyện thảo luận văn chương đó thuật lại cho các bạn trong Bộ biên tập tờ Hoa Thiếu Niên nghe.
Quang cười nói:
- Chị cừ lắm mới thoát được vòng vây một cách vẻ vang như thế.
Duyên cau mày:
- Kể ra các anh ấy vẫn còn nương nhẹ tay đấy.
Xuân trầm ngâm suy nghĩ một lúc mới lên tiếng:
- Tôi nghĩ ra cách này.
Quang hỏi nhanh:
- Cách nào đó, hở “Ông Tướng”?
Xuân nhìn các bạn, thong thả trình bày ý kiến mình:
- Mấy anh ấy nói: “Phải viết báo thật sự mới xứng đáng là văn nhân, thi sĩ”. Vậy tại sao ta không thử viết báo thật sự?
Phương dịu dàng hỏi:
- Muốn viết báo thật sự, mình phải làm sao đây?
Xuân ra vẻ nghiêm trang:
- Tôi có ý kiến này: chúng ta mỗi người chọn những bài ưng ý nhất của mình gởi đăng ở các nhật báo, tuần báo hoặc tạp chí ngoài thị trường. Ai muốn gởi cho báo nào tùy thích.
Duyên lo lắng hỏi:
- Biết họ có đăng bài mình không hay quăng vào sọt rác?
Xuân thản nhiên nói:
- Thì mình cứ gởi thử xem. Đó cũng là một cách trắc nghiệm tài năng của chúng mình.
Đôi mắt Phương sáng rỡ lên, biểu lộ niềm hân hoan, tin tưởng. Nàng nhoẻn cười, nói:
- Ý kiến anh Xuân hay lắm, mình nên thực hành ngay. Mình cứ âm thầm mạnh ai nấy gởi bài đăng báo. Bài nào được đăng, sẽ trình bày cho các bạn xem. Bào nào bị quăng vào sọt rác thì kể như mình không gởi là yên chuyện.
Quang vỗ tay hoan nghênh:
- Phải rồi, mình phải làm cho các “Anh lớn” đừng xem thường mình là bọn cóc nhái.
Duyên cũng cười tươi:
- Ngay ngày mai, Duyên sẽ chọn những bài thơ ưng ý nhất gởi đăng báo.
Thấy các bạn đều vui vẻ tán đồng ý kiến mình, Xuân mừng rỡ phát biểu thêm:
- Các bạn nên chú ý điều này: chỉ nên gởi bài cho tạp chí văn nghệ, phụ nữ; nếu gởi cho báo hằng ngày thì chọn tờ nào có phụ trang Tuổi Thơ, Tuổi Xanh, Tuổi Hồng, Tuổi Ngọc...
Trước khi chia tay, Phương mỉm cười nói:
- Đây là cuộc thi đua thứ nhì, các bạn cố gắng nhé!
Thế là bọn trẻ chia tay nhau, mỗi đứa ôm theo một giấc mộng đẹp.
Chiều hôm ấy, Phương ngồi gò gẫm chép lại mấy truyện ngắn đăng trong tờ Hoa Thiếu Niên. Nàng gác bài vở nhà trường qua một bên, dành tất cả thì giờ đêm nay cho công tác văn nghệ. Nàng nắn nót từng chữ cho có vẻ “người lớn”. Nàng lật lại Từ điển để sửa lại vài lỗi chánh tả trong các bài đã viết. Nàng trau chuốt lại câu văn cho êm ái, bay bướm hơn. Mãi đến nửa khuya, nàng mới chép xong được hai bài. Buồn ngủ quá, nàng mới chịu đi ngủ.
Trong giấc mơ, Phương thấy truyện ngắn “Niềm đau tuổi mộng” của nàng được đăng trên tạp chí văn nghệ đứng đắn nhứt hiện nay. Hai chữ Mỹ Phương nổi bật trên trang báo, trông đẹp và khả ái vô cùng. Các bạn Mộng Duyên, Thanh Xuân, Thanh Quang tranh nhau đọc bài nàng, mặc dầu bài ấy đã đăng trong tờ Hoa Thiếu Niên số ra mắt. Duyên khen văn nàng mướt hơn. Xuân khen bài nàng được trình bày đẹp nhất trong tạp chí. Quang vẫn giọng liến khỉ như bao giờ: “Bây giờ Mỹ Phương xứng đáng là nữ sĩ rồi đấy nhé!” Phương sung sướng nhìn trang báo có đăng bài mình. Nàng thấy yêu đời hơn bao giờ hết. Giữa lúc ấy bỗng Phương nghe có tiếng gọi: “Phương ơi! Dậy đi học con!”
Phương giật mình tỉnh giấc, lòng còn luyến tiếc giấc mơ đẹp vừa tàn.
Trưa hôm ấy, Phương gởi hai bài truyện ngắn, một cho tạp chí văn nghệ, một cho một tuần báo phụ nữ. Phương âm thầm gởi đi, không cho các bạn biết. Gởi đi rồi, nàng băn khoăn chờ đợi kết quả. Tuần nào, đúng ngày tờ tạp chí và tuần báo đó phát hành, nàng cũng ra hàng báo, hồi hộp lật xem có bài mình đăng không. Và liên tiếp bốn tuần rồi, nàng đều thất vọng.
Một hôm, Phương vừa bước chân vào tòa soạn tờ Hoa Thiếu Niên (tức là nhà của “Tướng” Xuân) Duyên đã hí hởn đưa tờ báo Đuốc Nhà Nam ra khoe:
- Thơ Duyên được đăng rồi đây, chị Phương ơi!
Phương tiếp lấy tờ báo, lật ra tìm bài của bạn. Duyên vui vẻ tiếp:
- Thơ Duyên đăng nơi Phụ trang “Tuổi Hồng” ấy.
Rồi Duyên chỉ bài thơ cho Phương xem. Bài thơ nhan đề “Quê hương này đau khổ”, dưới bài ký Mộng Duyên. Bài thơ đó, Duyên đã cho đăng trong Hoa Thiếu Niên, bây giờ Phương đọc lại bỗng thấy hay hơn trước nhiều. Phương mỉm cười bảo bạn:
- Cuộc thi đua này, Mộng Duyên thắng keo đầu rồi đó. Bài thơ trước kia viết tay, đọc không mấy cảm động; nay được in trên báo, sao đọc lên nghe thấm thía vô cùng.
Quang chu miệng, làm ra vẻ cảm động:
- Đọc nội cái nhan đề, Quang cũng đủ thấy “đau khổ” rồi.
Duyên lườm bạn:
- Anh Quang chỉ giỏi tài châm biếm! Đáng lẽ anh mừng giùm Duyên mới phải.
Quang làm nghiêm ngay:
- Thì Quang mừng lắm chớ. Và phục Mộng Duyên nữa.
Phương đọc mãi bài thơ, đầu cúi xuống giấu niềm tủi thẹn. Phương buồn lắm! Thơ Duyên được đăng báo, còn truyện ngắn của Phương có lẽ đã bị quăng vào sọt rác. Mắt Phương chớp chớp. Phương tức lắm nhưng không biết tức ai.
Đoán biết tâm trạng Phương, Xuân tìm lời an ủi:
- Anh Quang và tôi, không ai có bài được đăng cả. Có lẽ vì bài lai cảo nhiều quá, họ không có thì giờ xem đến bài mình.
Quang nói nhanh:
- Đúng như vậy rồi chớ còn “có lẽ” gì nữa.
Phương ngẩng lên, mắt lộ niềm hy vọng:
- Bây giờ mình làm sao đây, anh Xuân?
Quang ranh mãnh:
- “Ông Tướng” kiêm Chủ nhiệm, bây giờ kiêm luôn chức Quân sư.
Xuân ra vẻ nghĩ ngợi. Một lúc sau, Xuân nhìn Quang hóm hỉnh:
- Mà bồ bằng lòng bầu “Tướng” này làm Quân sư không đã? Không bằng lòng thì Xuân bày mưu thiết kế mà làm gì?
Thấy bạn làm nư, Quang đành xuống nước:
- Có kế hoạch gì hay, nói mau đi Quân sư?
Xuân chậm rãi nói:
- Tôi nhận thấy hiện nay, trên các tuần báo phụ nữ cũng như trên Phụ trang nhi đồng các nhật báo, rất nhiều Thi văn đoàn thiếu nhi và thiếu niên ra đời. Nào Văn đoàn Hồn Trẻ, Văn đoàn Én Trắng Mùa Xuân; nào Thi văn đoàn Quê Hương, Thi văn đoàn Áo Trắng Nữ Sinh; nào Bút nhóm Mây Ngàn Phương, Bút nhóm Hoa Thế Hệ; nào Văn nghệ Tuổi Rừng, Văn nghệ Khuôn Mặt Học Trò...
Phương mỉm cười:
- Hiện tượng ấy chứng tỏ tuổi trẻ hôm nay rất thích văn chương.
Xuân hăng hái phát biểu:
- Tôi nghĩ: Tại sao chúng ta không thành lập một Văn đoàn để góp phần vào nền văn nghệ trẻ đang đà phát triển? Có tổ họp thành Văn đoàn, chúng ta mới dễ dàng hoạt động và mới có thể thi đua cùng nhóm văn nghệ khác.
Quang cười ha hả, đưa hai tay lên không:
- Tướng Xuân quả xứng đáng là Quân sư. Tôi hoan nghênh sáng kiến đó cả hai tay.
Duyên cũng mau mắn nói:
- Chúng ta nên thực hành ngay bây giờ. Tôi đề nghị lấy tên là Thi văn đoàn Hoa Thiếu Niên.
Phương cười nụ:
- Tên ấy rất hay, gợi ta nhớ mãi đến tạp chí đầu tiên trên bước đường nghệ thuật của chúng ta. Giờ ta nên bầu Ban Chấp Hành.
Bọn trẻ hăng say trao đổi ý kiến. Sau một giờ thảo luận, chúng bầu xong Ban Chấp Hành Thi văn đoàn Hoa Thiếu Niên như sau:
Trưởng đoàn: Thanh Xuân
Phó trưởng đoàn: Mỹ Phương
Thư ký: Thanh Quang
Thủ quỹ: Thùy Vân
Ủy viên ngành Văn: Thanh Phong
Ủy viên ngành Thơ: Mộng Duyên
Ủy viên ngành Họa: Hoài Minh
Cố vấn: Tố Nguyệt, Thanh Hùng
Sau khi Ban Chấp Hành thành hình, Quang cười to khoái chí:
- Mình làm cái gì cũng đặc biệt hơn thiên hạ. Thi văn đoàn chúng ta gồm toàn chức vụ quan trọng chớ không có Đoàn viên nào cả.
Duyên cười tươi như hoa:
- Vậy mới hay chớ! Từ đây, Trưởng đoàn và Phó trưởng đoàn sẽ hoạch thảo chương trình, chọn lọc bài vở gởi đăng báo. Duyên chắc các “Anh lớn” không còn dám xem thường chúng mình.
Quang nheo mắt hóm hỉnh:
- Sức mấy mà dám khinh thường!
* * * * *
Nửa tháng sau, danh tiếng thi văn đoàn Hoa Thiếu Niên vang dậy khắp trường Dân Trí. Vài tuần báo phụ nữ đã đăng truyện ngắn Mỹ Phương, thơ Mộng Duyên, tùy bút Thanh Xuân. Nhiều phụ trang thiếu nhi cũng đã đăng văn, thơ của Thanh Quang, Thùy Vân, Tố Nguyệt. Có báo còn đăng trọn danh sách Ban Chấp Hành Thi văn đoàn Hoa Thiếu Niên nữa.
Xuân, Quang vô cùng đắc ý với thành quả tốt đẹp đầu tiên. Chúng không còn mặc cảm tự ti trước các anh lớp lớn. Nhưng sung sướng hơn cả là Mỹ Phương và Mộng Duyên. Chúng đã bắt đầu thực hiện giấc mộng đẹp ngày xưa. Mỗi lần cầm tờ báo có đăng bài mình, Phương có cảm giác như vừa nhận được một phần thưởng quý giá vô ngần. Riêng Duyên thì suốt ngày ngắm nghía bài thơ mình được lồng khung trên trang báo, ngâm vang lên để tự mình thưởng thức say sưa. Niềm vui văn nghệ ấy chỉ có những tâm hồn thiết tha với nghệ thuật mới biết tận hưởng.
Học sinh trường Dân Trí thích đọc văn, thơ của Thi văn đoàn Hoa Thiếu Niên. Chúng đọc vì tọc mạch cũng có, mà vì hãnh diện đoàn thể cũng có. Dầu sao thì trường chúng cũng có những mầm xanh văn nghệ xứng đáng góp mặt với các trường khác, với các văn đoàn thiếu nhi khác. Các “Anh lớn” mấy lớp trên bây giờ nhìn chúng với cặp mắt đầy thiện cảm. Và vài tuần sau, các anh ấy đã long trọng mời chúng vào Ban Văn Nghệ trường Dân Trí, đặc biệt phụ trách ngành báo chí.
Một hôm, vào giờ Việt văn, giáo sư bước vào lớp với vẻ mặt vui tươi hơn mọi bữa. Giáo sư cầm trên tay mấy quyển sách, vài tờ tuần báo và nhật báo. Trước khi dạy, giáo sư niềm nở bảo với học trò:
- Hôm nay, thầy đọc cho mấy em nghe vài bài thơ và truyện ngắn.
Bọn trẻ mừng rỡ, reo lên hoan hô thầy.
Giáo sư lật một tuần báo phụ nữ, chọn một bài thơ, rồi bắt đầu đọc với giọng trầm buồn êm ái. Bài thơ nói lên tâm trạng của một đứa bé lạc loài trong cảnh quê hương khói lửa.
Đọc dứt bài thơ, thầy dịu dàng hỏi:
- Bài thơ ấy có hay không, mấy em?
Bọn trẻ nhao nhao lên đáp một lượt:
- Thưa thầy, hay lắm.
- Mấy em có biết tác giả là ai không?
Một đứa đứng lên đáp nhanh:
- Thưa thầy, tác giả bài thơ ấy là Mộng Duyên.
Giáo sư đưa mắt nhìn Mộng Duyên trong lúc cô bé bẽn lẽn cúi đầu. Thầy cất giọng đầy vẻ trìu mến:
- Mộng Duyên đâu, lên đây thầy bảo.
Duyên từ từ lên đứng cạnh giáo sư, lòng hồi hộp, phập phồng. Giáo sư cầm một quyển sách đưa lên, hiền lành nói:
- Đây là phần thưởng thầy tặng mầm non bé bỏng Mộng Duyên.
Duyên tiếp lấy tặng phẩm. Nàng cảm động chỉ thốt được mấy tiếng:
- Cảm ơn thầy.
Khi Duyên trở về chỗ rồi, giáo sư lại chọn một bài khác trong tờ tuần báo. Thầy ôn tồn nói:
- Bây giờ, thầy đọc cho mấy em nghe một truyện ngắn nhan đề “Niềm đau tuổi mộng”.
Giáo sư cất giọng êm đềm đọc. Đó là truyện ngắn diễn tả cảnh đau buồn của những đứa trẻ mồ côi trong cô nhi viện.
Khi giáo sư đọc dứt, không đợi thầy hỏi, bọn trẻ đã đồng thanh:
- Hay lắm! Hay lắm, thầy!
Một đứa đứng lên hỏi:
- Phải truyện đó của chị Mỹ Phương không, thầy?
Giáo sư mỉm cười nhìn Mỹ Phương đang sung sướng trước những lời khen của các bạn. Ông vui vẻ gọi:
- Nào, Mỹ Phương lên đây chớ.
Đợi Phương lên đến nơi, thầy đưa tận tay em một quyển sách vừa ân cần khích lệ:
- Phần thưởng này thầy đặc biệt tặng mầm non văn nghệ Mỹ Phương.
Một tràng pháo tay vang lên từ dưới lớp. Phương run run tiếp nhận tặng phẩm, miệng nàng lắp bắp:
- Em cảm ơn thầy.
Phương trở về chỗ ngồi, lòng nàng rộn ràng một niềm vui khôn tả.
Đợi cho bọn trẻ lặng im trở lại, giáo sư mới ôn tồn cất giọng:
- Phần thưởng thầy tặng em Mỹ Phương là quyển “Văn chương tranh đấu Miền Nam” của Nguyễn văn Sâm và phần thưởng tặng em Mộng Duyên là quyển “Khi những lưu dân trở lại” của Nguyễn văn Xuân. Hai tác phẩm này ghi lại sự trỗi dậy rạng rỡ của văn chương Miền Nam trong một thời bi hùng nhất của lịch sử dân tộc. Mỹ Phương và Mộng Duyên là người Miền Nam. Nếu hai em nhất quyết chọn con đường văn nghệ, thầy mong hai em hãy làm sao chứng tỏ rằng Miền Nam ta có rất nhiều văn tài lỗi lạc.
Mỹ Phương và Mộng Duyên vội đứng lên.
Mỹ Phương nói:
- Thưa thầy, em hiểu. Em nguyện không hổ thẹn với những người đi trước.
Mộng Duyên tiếp lời:
- Chúng em luôn luôn ghi nhớ lời thầy.
Giáo sư lộ vẻ hân hoan trên khuôn mặt hiền từ:
- Thầy còn có vài điều này khuyên mấy em. Thầy nhận thấy mấy em gần đây quá say mê văn chương mà xao lãng vài môn học khác. Chẳng hạn các em Xuân, Quang, Vân, Nguyệt, về Việt văn mấy em rất tiếng bộ, nhưng Toán, Lý, Hóa lại thụt lùi. Mấy em nên nhớ lời khuyên thâm thúy này của Gia Cát lượng: “Tài cần phải học, học cần phải tĩnh. Không học, không rộng được tài. Không tĩnh, không thành được học”. Mấy em đừng bắt chước lời thơ này của một thi nhân tiền chiến:
“Chàng trai đi học nghe chim giảng,
Không thuộc bài đâu, ấy lẽ thường...”
Xuân vội đứng lên, thay mặt đồng bạn:
- Chúng em xin vâng lời thầy.
Giáo sư nói tiếp với giọng dịu dàng, trìu mến:
- Hiện nay, thầy thấy hàng trăm Thi văn đoàn ra đời, hàng nghìn bạn trẻ viết văn. Nhưng rồi đây thời gian gạn lọc, thử thách, không còn bao nhiêu kẻ có thể đeo đuổi con đường văn nghệ đến vinh quang. Chỉ những kẻ có chân tài, có chí kiên nhẫn mới đi đến đích cuối cùng. Dầu sao, tuổi của mấy em hiện nay là tuổi hăng say, lý tưởng nhất. Các em hãy tận hưởng những niềm văn nghệ hôm nay. Ngày kia, các em trở thành nhà văn, nhà thơ thật sự rồi, những niềm vui trong lành ấy không còn nữa. Phần đông, đời nhà văn khổ lắm. Mấy em dám chấp nhận sự khổ đó hay không?
Bọn trẻ im lặng. Bầu không khí lớp học trở nên nghiêm trang lạ lùng.
Phương bỗng cương quyết đứng lên:
- Thưa thầy, em vui lòng chấp nhận mọi gian khổ, miễn được trở thành nhà văn.
Duyên, Xuân, Quang cũng đứng lên. Duyên thay mặt nói:
- Thưa thầy, chúng em cũng vậy.
Giáo sư mỉm cười:
- Nói thì dễ nhưng thực hành khó lắm, mấy em ơi! Dầu sao, thầy mong tất cả các em đều sẽ được toại nguyện.
Phương nhìn Duyên, nhoẻn cười sung sướng. Xuân nắm tay Quang như muốn giữ vững niềm tin. Cả bốn trẻ đều thấy lòng phơi phới, lâng lâng như vừa thưởng thức được một làn hương thanh thanh, dìu dịu...
Thẩm Thệ Hà
Chú thích:
[1] Lớp 6 bây giờ.
[2] Học kỳ.
[3] Đệ Lục là lớp 7, Đệ Ngũ là lớp 8, Đệ Tứ là lớp 9.
HẾT
Đánh máy: casau
Nguồn: casau. VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 8 tháng 1 năm 2018