Cô giáo đầu tiên trong đời tôi chính là cô Tấm. Không phải cô Tấm cổ tích tịch tình tang đâu. Mà là một cô Tấm bằng xương bằng thịt ở vùng đất Nhắc Kà Kò ngày xửa ngày xưa, nơi tôi từng sống suốt một thời học trò dạt dào kỷ niệm.
Địa danh Nhắc Kà Kò chắc khó tìm thấy trên bản đồ, vì đó là một buôn bản quá ư nhỏ bé nằm sâu tuốt luốt trong khu vực rừng núi K’ru. Nơi ấy, dân cư rất thưa thớt, chủ yếu là người thuộc các sắc tộc Xa-o và Fi-a.
Cô Tấm, gọi cho đầy đủ cả họ lẫn tên là Dương Thị Hồng Tấm. Sau này tôi mới biết từ thuở vừa lọt lòng, cô được cha mẹ “xem mặt đặt tên” Hồng Tâm. Khốn nỗi, tay nhân viên đánh máy tại địa phương chớp chớp loà loà chọt thêm dấu sắc nên Tâm hoá ra Tấm. Thì cũng hay hay. Nghe đượm phong vị dân gian làm sao!
Cô Tấm vốn dân thành phố chính hiệu đồng bằng. Song, cô chịu khó lội suối trèo đèo lên xứ Nhắc Kà Kò xa tít mù tắp này nhằm phục vụ một sự nghiệp vô cùng cao cả: sự nghiệp “xoá nạn mù chữ” lúc bấy giờ được phát động mạnh mẽ trên toàn quốc.
Lần đầu gặp tôi bên con suối T’lao nước chảy ào ào, bằng cái giọng thanh như chim cà lơ, cô Tấm hỏi:
– Anh là người Xa-o hay Fi-a?
Yàng ơi! Cô ngỡ tôi là đồng bào dân tộc thiểu số ư? Ừ, cũng phải thôi. Da tôi đen thủi đen thui như cục than hầm. Tóc tai rối bù khét nắng. Môi má thâm sì vì sốt ngã nước. Mình mẩy thì trần trùi trụi, chỉ “diện” mỗi một cái khố đóng bằng vải bao cát. Chân đất. Còn tay thì cứ lăm lăm món vũ khí sở trường: cây nỏ lên nước láng boong.
Thấy tôi đứng ngẩn tò te, đực mặt ra và giương cặp mắt cua đá nhìn sững mà chẳng nói năng chi, cô Tấm lại hỏi:
– Anh biết tiếng Kinh chứ?
Tôi gật.
– Sao anh không trả lời?
Tôi lắc.
– Tại sao vậy?
Tôi nhe hàm răng cải mả cười hề hề rồi bất ngờ hú vang một tiếng làm cô Tấm giật bắn người. Nhoáng phát, tôi lao ùm xuống suối T’lao và lặn mất tăm.
“Tại sao vậy?”. Yàng ơi! Trả lời thế nào được? Tại… Bởi… Do… Vì… Hì hì…
●
Sau một thời gian vận động tích cực, lớp xoá nạn mù chữ đầu tiên của xứ Nhắc Kà Kò được khai giảng. Gọi lớp cho oai, chứ học sinh chỉ lơ thơ dăm mống. Và mống nào mống nấy đều lớn sầm sầm: nếu tính theo mùa trỉa bắp thì tuổi cô giáo ít hơn là cái chắc.
Cô Tấm hỏi:
– Anh tên gì?
Tôi đáp:
– Văn.
Cô Tấm cười, chao ôi, nụ cười đẹp như hoa pì-u:
– Zăng à? Gọi anh là Tác-zăng nhé. Trông anh rất giống Tarzan trong phim xi nê lắm cơ!
Thuở ấy, tôi nào biết Tác-zăng Tác-ziếc là cái mốc xì gì. Nhưng nghe gọi ngồ ngộ, tôi cũng thấy khoái, gật luôn. Và bắt đầu học chữ.
– Tròn vo như quả trứng gà là gì?
– Là… quả trứng vịt.
– Lại quên rồi! Là chữ o. Chữ o. Nhớ nhé, anh Tác-zăng! Ô thì đội nón, ơ thêm gì nào?
– Thêm… ơ… thêm ớt… muối ớt…
– Trời hỡi! Thêm râu. Ơ thì thêm râu. Sao anh chóng quên thế?
Giá cô Tấm bảo tôi cắp nỏ vào rừng, cam đoan chỉ chốc lát thôi, tôi sẽ gùi về cả chục chú sóc. Hoặc cô trỏ cho tôi bầy chim hak’nay đang bay cao tít, tôi sẽ bật nỏ hạ rụng ngay một con cho xem. Dễ như uống rượu cần. Còn học chữ, ôi chao, sao khó khủng khiếp! Suốt tuần liền, đến mướt mồ hôi, tôi vẫn chưa phân biệt nổi o, ô, ơ. Ơ thì thêm râu! Quái, râu gì mọc trên thái dương nhỉ?
Song, tôi vẫn cố kiên trì, dù học sinh cứ “đào tẩu” dần gần sạch. Cuối cùng, lớp chỉ còn hai đệ tử người Kinh là tôi và thằng Giăng. Thằng này được cô Tấm gọi là Giăng Vanh-zăng để tránh nhầm với Tác-zăng tôi. Còn bọn Fia-a và Xa-o dẫu cho… muối cũng nhất định kiếu: “Học nhức cái đầu lắm a! Thêm đói cái bụng nữa a!”.
Rốt cuộc, tôi cũng thuộc được bảng chữ cái. Mỗi tội, mấy mẫu tự n và m, tôi cứ lộn tùng phèo:
– Anh rờ. Em sờ.
– Tầm bậy! Anh nờ. Em mờ.
Mặt cô Tấm đỏ phừng. Có lẽ cô bực mình lắm vì dạy mãi mà cái đầu đá ong của tôi vẫn cứ đá ong. Tai tôi cũng nóng bừng. Tôi thầm rủa mình ngu như lợn lòi, chỉ bấy nhiêu mà cứ lộn lên lộn xuống hoài. Này! Móc đôi là anh nờ. Móc ba là em mờ. Còn móc tư là gì hỉ?
– Anh có hai con gà. Anh ăn thịt mất một con. Hỏi anh còn mấy con gà?
– Còn cả bầy.
– Sao lại còn cả bầy?
– Tui ăn con gà trống, để con gà mái lại. Hắn đẻ ra cả bầy mấy hồi.
– Trời ơi là trời!
Khổ thân cô Tấm! Tuy nhiên, dù cả lớp chỉ còn hai học trò, cô vẫn hết lòng dạy dỗ. Đúng là dạy và dỗ. Bởi tôi từng lắm phen nổi máu “du canh du cư” bất tử. Nói theo ngôn ngữ của các bạn học sinh sinh viên thành thị là “cúp cua” í mờ! Như có hôm bỗng dưng nhớ cảnh sơn lâm bóng cả cây già quá thể, tôi bèn cắp nỏ vô rừng. Chạy, nhảy, bơi, leo một ngày: thật phỉ! Tới hồi đang lúi húi nướng cặp thỏ vừa bắn được, chợt tôi nghe tiếng gọi rân:
– Táác… zăăăng… ơơơơi!!!
Té ra trọn ngày cô Tấm nhờ thằng Giăng Vanh-zăng dẫn lối băng ngàn xục xạo kiếm tìm. Mãi xế chiều, gặp được tôi, phần vì mệt, phần vì giận, cô nghẹn ngào trào lệ. Tôi thấy thương cô quá, nhất là khi nhìn tay chân cô xây xước vì vướng gai góc. Không biết làm sao cả, tôi bèn… xé đùi thịt thỏ thơm phưng phức mà đưa:
– Ăn cho đỡ nhọc, cô.
– Tôi không cần… – cô Tấm vừa nói vừa gạt nước mắt – tôi chỉ cần anh… hic… cần anh chăm học… hic… hic… hic… chăm học… hic… hic… mà thôi!
Sẵn con dao quắm đang đeo bên hông, tôi rút ra và bập một phát vào bắp chân mình xịt máu:
– Kể từ nay, tui không trốn học nữa. Tui thề!
●
Tôi học tiến bộ trông thấy. Ngày cầm tờ báo đọc được ro ro, Yàng ơi, tôi mừng khôn xiết! Nhưng có một người tỏ ra mừng hơn cả tôi nữa: cô Tấm.
Cô Tấm may một chiếc sơ mi trắng lốp làm phần thưởng cho tôi – học sinh tốt nghiệp thủ khoa. (Tôi thủ khoa là lẽ đương nhiên, là kết quả vô cùng dễ hiểu, bởi thằng Giăng Vanh-zăng chưa thạo tính cộng đã phải đứt gánh học hành vì phải… lấy vợ!). Nên nhớ rằng ở vùng đất Nhắc Kà Kò thì đào đâu ra máy may, do đó cô phải thức non tuần liền để khâu tay đó nhá!
– Tôi sẽ may thêm vài cái nữa biếu anh.
Nghe cô Tấm bảo thế, tôi ngạc nhiên:
– Làm chi nhiều vậy, cô?
– Để sang năm, tôi giới thiệu anh về học tiếp ở trường bổ túc văn hoá.
– Thôi. Biết đọc, biết viết, đủ rồi. Học nhiều, nhọc!
– Học chừng ấy đã đủ đâu. Cần học nữa, anh Tác-zăng ạ. Anh rất thông minh, tôi tin anh sẽ tiến xa.
Tháng ngày tiếp đó, cô Tấm kèm cặp tôi nhiều môn. Những lần về đồng bằng thăm nhà lên, cô mua cho tôi hàng lố sách báo. Tôi đọc say sưa, có khi quên ăn ngủ. “Càng học càng thấy dốt!”. A, cuộc sống có biết bao điều mà bấy lâu tôi mù tịt – ngay lắm vấn đề thuộc bản thân mình nữa kìa!
Một sớm nọ, cô Tấm vào rừng hái nấm, có tôi cùng đi. Khi ngồi nghỉ dưới gốc cây b’rop đầy xác hoa vàng rực, tôi chất vấn:
– Dạy học cực lắm phải không cô? Nhất là lên tận mạn ngược vầy.
– Vất vả. Nhưng tôi thích, vì thấy hạnh phúc.
– Thế nào là hạnh phúc?
Im lặng giây lâu, cô Tấm đáp:
– Biết giải thích sao nhỉ? Có thể quan niệm đơn giản thế này: làm được nghề nghiệp hợp với mình và yêu được người hợp với mình thì đấy là hạnh phúc.
– Cô đã yêu được người hợp với mình chứ?
Cô Tấm khẽ lắc đầu, thở dài. Tôi hiểu ra:
– Như vậy cô chỉ đạt một nửa hạnh phúc?
Cô Tấm cười buồn:
– Hạnh phúc làm gì có phân số, anh Tác-zăng?
Tôi vốc nắm hoa b’rop mà vò nát và suy nghĩ… suy nghĩ…
– Sách, anh đọc hết rồi à? – cô Tấm chợt hỏi.
– Hết trơn. Có cuốn, tui đọc tới đọc lui đến thuộc lòng từng đoạn.
– Mai tôi về thành phố khuân lên cho anh nhiều thật nhiều sách báo, nhé.
– Đừng về nữa, cô.
– Phải có sách báo để anh đọc chứ.
– Không. Tui không cần gì cả! Tui không ưng cô về chút nào!
– Sao cơ?
Trả lời thế nào được? Tôi muốn bày tỏ rằng tôi cần sách báo. Rất cần. Nhưng… hễ xa cô một ngày, chỉ một ngày thôi, giờ đây tôi buồn chết được. Song tôi chả biết diễn đạt điều ấy cách gì cho phù hợp. Hỡi cô Tấm, mắt cô sao nhìn tôi đăm đắm nhường kia?
– Tôi đã sắp xếp hành lý rồi. Chuyến này tôi về hơi lâu, chừng một tháng.
– Yàng ơi! Đừng về! Tui van cô!
– Sao cơ?
– Tui… tui… nhớ cô… chịu không nổi!
Thốt xong lời ấy, tôi gục đầu vào vai cô Tấm. Và bật khóc. ♥
● Phanxipăng
Đã đăng:
- Áo Trắng số 27, tháng 11-1992
- Giáo Dục Và Thời Đại chủ nhật 23-6-1996
Rồi in trong tập truyện Bụi phấn bay bay của nhiều tác giả (NXB Trẻ, 1998)
Nguồn: https://phanxipang.wordpress.com
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 31 tháng 8 năm 2018