MUSSOLINI–Lãnh Tụ Fát Xít

vũ tài lục

DẪN - 1-

Ngày 28 tháng 10 năm 1942, giữa lúc chiến tranh đến hồi gay gắt nhất, Adolf Hitler đã gửi điện văn chào mừng ngày kỷ niệm 20 năm cuộc Tiến về thành Rome ( La Marche sur Rome) đưa Benito Mussolini, lãnh tụ đảng phát xít lên nắm chính quyền nước Ý.

Bức điện có đoạn:

“ Tôi nghĩ cuộc Tiến về thành Rome của ngài hai mươi năm trước đây đã tạo thành một khúc quanh cho lịch sử toàn thế giới”.

Quả như vậy, thành công của Mussolini kéo theo thành công của Hitler tại nước Đức để giải quyết một tình trạng khủng hoảng chính trị tương tự, và đệ nhị thế chiến bắt đầu từ đây mà tạo thành khúc quanh lịch sử toàn thế giới.

Sau 1945, chiến tranh kết thúc với sự thất bại hoàn toàn của những nước dưới chế độ phát xít thì danh từ phát xít chỉ còn là danh từ ghi trong sử sách, hoạt động phát xít tê liệt.

Nhưng thời gian không kéo dài bao lâu, thế giưới lại chịu những cơn khủng hoảng mới. Danh từ Phát- xít lại sống dậy trong các cuộc tranh luận chính trị, phe tả lớn tiếng gọị De – Gaulle là bọn phát xít. Nhiều nơi các tổ chức phát xít âm thầm tái phục hoạt động. Chủ nghĩa phát xít được kể như một chủ lưu tư tưởng cho chính sách lập quốc tại các quốc gia mới. Trên sách báo, tạp chí các câu hỏi đặt ra:” Le fascism est il actuel? Is fascism still a threat?”. Ỏ Tây Ban Nha, người ta đang lo ngại về cái chết của ông tướng phát xít Franco sẽ đưa dẫn đến những khủng hoảng trầm trọng cho xứ sở này. Ở Á căn đình, một lần nữa, lực lượng phát xít Peron trở lại chính quyền.

Theo giáo sư Ebenstein, bên cạnh chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội vẫn phải kể đến chủ nghĩa phát xít hiện đang lãnh đạo chính trị thế giới ngày nay.

Nói đến chủ nghĩa phát xít thì phải nói luôn đến con người lãnh tụ, bởi vì tối cao nguyên tắc của chủ nghĩa này là” leader pringciple” người ấy là Benito Mussolini. Trên tư tưởng ta có thể thấy chủ nghĩa phát xít ở George Sorel, ở Charles Mauras là những tiền nhân của Mussolini. Nhưng Mussolini lại là người đầu tiên hành động và thực hiện chính trị phát xít.

1

Những tháng năm cho sự thành trưởng của một đầu óc chính trị

Quiconque veut devenir un meneur d’homme doit accepter de passer longtemps pour leur pire d’ennemi.

NIETZCHE

MỘT LỌ MỰC NÉM VÀO MẶT THẦY

Tại một thôn xóm tồi tàn Predappio của vùng Romagne nghèo khổ, ngày 29-07-1883 một đứa trẻ kháu khỉnh và khỏe mạnh chào đời. Cha của nó là Alessamdro, bác thợ rèn quen thuộc của dân chúng về phương diện nghề nghiệp cũng như về chuyện la cà nhậu nhẹt, tán gái nhất là về quan điểm chính trị vô chính phủ ưa tranh luận thích nổi loạn. Mẹ nó là một giáo viên hiền lành, ngoan đạo và thầm lặng.

Để tưởng niệm nhà cách mạng Mễ tây cơ, Benito Juarez, cha nó lấy ngay chữ Benito mà đặt cho đứa con trai đầu lòng của mình. Do đó, đứa trẻ được mang cái tên định mệnh Benito Mussolini.

Gia đình bác thợ rèn sinh sống thật khó khăn cực nhọc. Bữa cơm chiều bao giờ cũng chỉ có một món súp làm bằng bột ngô gọi là món “ polenta” nấu với nước lã. Đĩa thịt rất xa lạ trên bàn ăn của họ. Đó cũng là tình trạng chung cho hầu hết dân cùng khốn ở vùng này. Alessamdro rỏ mồ hôi đổi lấy đồng công rẻ mạt. Rosa Maltoni, mẹ Benito, với đôi mắt sâu và buồn, phải làm việc suốt ngày,mang đồng lương về giúp chồng. Khốn nỗi học trò mỗi lúc một thưa thớt vì không ai muốn giao phó con cái cho vợ chồng “thằng cha phản loạn”dạy dỗ, chúng sẽ trở lên hư đốn,sẽ không chịu đi kiếm ăn nuôi thân,tư tưởng phản loạn có thể đầu độc tâm não chúng. Thêm vào đấy là sự hạch hỏi hậm họe gây khó dễ của bọn chức dịch. Bà Rosa thường than thở với những người thương xót mình: “ Các chị chắc chưa rõ nỗi lo, nỗi buồn,nỗi vất vả đêm ngày của tôi kiếm cơm nuôi trẻ để phải cắn răng chịu đựng lời xỉ vả từ bọn người chẳng thèm biết đến sự cố gắng của kẻ đem công lao ra kiếm sống”.

Ngay từ lúc năm sáu tuổi, Benito đã nổi tiếng là một đứa trẻ ngỗ nghịch, ưa gây gổ đánh nhau, trẻ các làng đều kiêng dè. Như trong tự truyện, Mussolini viết:

“Cách đây 25 năm, tôi là thằng bé hết sức hung bạo và kiêu ngạo. Có nhiều bạn bè đồng chí hiện vẫn còn mang thẹo trên mặt do những cục đá của tôi ném hoặc tôi đập gây nên. Suốt ngày tôi lang thang la cà dọc bờ sô ng ăn cắp trái cây, ổ trứng. Chỉ lúc nào theo mẹ đi lễ nhà thờ tôi mới hiền lành được đôi chút”.

Benito thương mẹ lắm. Đi học Benito thường gặp bao nhiêu bất công của nhà trường đối với kẻ nghèo người giầu. Bởi vậy, Benito càng trở nên hung dữ hơn. Mỗi lần định về than thở với mẹ thì lại nhìn thấy hình dáng võ vàng của bà, nó lại thôi và chỉ nói vắn tắt như muốn an ủi mẹ:” Một ngày kia nước Ý sẽ biết tay con” (Un jour l’Italie me craindra)

Rồi bao việc “tày đình” xẩy ra, thằng bé mất dạy đã ném cả một lọ mực vào mặt thầy giáo, đâm vào đùi thằng bạn cùng lớp bị thương, nó bỏ trốn, bị bắt đưa ra hội đồng kỷ luật. Cuối cùng, Benito mất học bổng, đành phải thôi học. Tuy nhiên, cả thầy giáo và bạn bè đều công nhận Benito là một tên học trò xuất sắc trong lớp.

Buổi tối, Benito thường ngồi dưới chân cha lắng nghe ông đọc những tờ báo đấu tranh thời đó như nhật báo “ Lotta” và “Rivendicazione”. Đọc khúc nào có vẻ dữ dội, Alessandro hay nhắc đi nhắc lại những câu chính rồi cười thích thú đưa rượu lên để uống thưởng lãm. Ông khoái nhất cái câu:” Xã hội và công lý của tư sản là những tòa nhà quái gở sắp sụp đổ”.( Lasocieté, la justice bourgeiose sont des ésdifices monstrueux et croulants.

Lêu lổng vài năm, khi gia đình dư dả chút tiền Benito liền được gửi tới Forlimpopoli ở nội trú trong một trường “college”. Nhưng không quá năm tuần lễ, ông giám đốc nội trú đã phải mời”thằng du đãng”ra ngoài trọ vì nó phá phách quá.

Thời đó đi học “college” là cả một đặc ân cho con nhà nghèo. Miền nam nước Ý còn đến 80% người thất học, còm cõi ở nơi đất cằn cỗi với đói lạnh bệnh tật. Mang tiếng là dân chủ nhưng chuyện bầu cử hoàn toàn nằm trong tay máu của đảng Maffia và Camor…là hai đảng cướp. Các đảng chính trị có xác mà không có hồn. Quốc hội tràn ngập tham nhũng. Chính giới hoàn toàn xa lạ với dân chúng.

Những thập niên từ 1880 đến 1910 là thời kỳ phát triển mau mạnh của chủ nghĩa tư bản Ý, nhất là sau 1900. Công ty Fiat năm 1913 xuất cảng 4.000 chiếc xe hơi,kỹ nghệ vải bành chướng đến độ sản xuất quá thừa đe dọa đến ngành trồng bông; nhiều sông ngòi được thiết lập nhà máy thủy điện. Nhưng tất cả những phồn thịnh trên chỉ có miền bắc Ý hưởng lợi thôi. Miền nam Ý chẳng được gì, trái lại, giai cấp bần nông còn bị thiệt hại vì những thỏa hiệp thương mại giữa bọn thương gia với nhau.

Chính khách hăng hái nhất cho chủ chương hy sinh miền nam Ý chính là một dân Silicien tên Crispi. Vốn là đồ đệ trung thành của chính sách sắt và máu của thủ tướng Đức Bismarck, nên Crispi dồn nỗ lực chính phủ ông cho sự phát triển kỹ nghệ tư bản. Tuy xuất thân cũng là tay cách mạng thế mà lúc nhảy vào chính quyền, Crispi nhanh chóng biến thành một chính khách phản động lúc nào cũng sẵn sàng bảo vệ trật tự chống lại mọi đòi hỏi quá khích từ phía đảng phái cũng như từ phía dân chúng. Chính phủ Crispi đứng vững mười năm. Thời gian khá đủ để thế lực tư bản củng cố, khá đủ để sự liên kết tư bản với địa chủ thành tựu.

THẤT TRẬN ADOUA VÀ SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA ĐẢNG XÃ HỘI

Mải mê với phát triển tư bản, chính phủ Crispi dấn bước vào con đường ngoại giao mà trước đây thủ tướng Bismarck từng bảo:”Nước Ý là con đĩ lang thang trên vỉa hè,(putain qui fait le trottoir), và trên quân sự đưa Ý tới sự thất trận nhục nhã ở Aduoa”.

Trận Aduoa là trận quyết định cuôc chiến giữa Ý và xứ Ethiopie, một nước thuộc Phi châu. Quân Ý bị chết hơn 5.000 người, hai tướng và nhiều sĩ quan bị bắt, toàn bộ pháo binh rơi vào tay địch.

Toàn quốc Ý sôi nổi, dư luận chống đối Crispi kịch liệt, nội các Crispi phải từ chức.

Benito Mussolini cầm đầu phong trào học sinh làm lễ tưởng niệm chiến sĩ chết trận Aduoa và giơ tay thề rửa hận.

Ngoài phố dân chúng nghèo khổ, giới thợ thuyền tràn ra ngoài hô to khẩu hiệu chống Crispi. Năm ấy là 1896.

Nhờ vụ này, đảng công nhân thành lập, năm 1892,được nhiều người chú ý và đảng xã hội thành lập năm 1890 bành trướng mau lẹ.

Nhà Alessandro là nơi tối ngày có những cuộc họp chính trị tranh cãi ầm ĩ và Alessandro cũng là một trong những chiến sĩ tiên phong của tổ chức quốc tế xã hội chủ nghĩa.

Vào năm 1890, Labriola say mê mac xit mới viết thư cho Engels; năm 1891 Turati cho xuất bản tạp chí”Critica Sociale”để truyền bá tư tưởng macxit tại Milan. Năm 1892 Bissolati phát hành nhật báo”L’avanti” chính thức thành cơ quan ngôn luận của những người xã hội.

Quân đội mặc cảm sau trận Aduoa.

Tư tưởng xã hội, macxit tràn ngập.

Sức đàn áp của chính quyền tư bản Ý không còn hiệu lực như trước nữa.

Năm 1897, Acciarito, một đảng viên vô chính phủ ám sát hụt vua Humbert đệ nhất. Nội các Rudini, người kế vị Crispi lúng túng trước cái hỗn loạn xảy ra khắp nơi.

Cuối cùng tướng Bava Beccaris phải đứng ra ban bố tình trạng khẩn trương để dẹp lũ dân đói biểu tình. Súng nổ, hàng trăm người chết nằm la liệt trong thành phố Milan, phần lớn là đàn bà con trẻ. Hai tờ báo “Avanti” và “Observatore Cattolico” bị đình bản, nhiều lãnh tụ xã hội như Turati, Albertario bị bắt xích tay và còng chân rong đi ngoài phố.

Kết quả việc làm của tướng Beccaris là đã đem lại cho đảng xã hội 15 ghế trong cuộc bầu cử ngày 3-06-1900.

Ngày 27-07-1900, vua Humbert đệ nhất mà hai năm trước đây từng long trọng ban huy chương cho tướng Beccaris do công trạng dẹp loạn bảo vệ văn minh tại Milan, sau khi đi dự khán biểu diễn thể dục về, đã bị Geatano Bresci bắn chết bằng bốn viên đạn trúng đầu, trúng ngực.

Cái chết của nhà vua gây xúc động lớn trong toàn quốc. Benito Mussolini lúc này vừa đúng 17 tuổi. Không khí chính trị ngột ngạt các học đường. Nhiều bài diễn văn của Benito được nhiệt liệt hoan nghênh. Tờ”Avanti” số ra ngày 1-02-1901 đăng hình chàng tuổi trẻ Mussolini với hàng chữ: Sinh viên Đồng chí, vì Benito đã xin gia nhập đảng xã hội, dưới đôi mắt không hài lòng của bà mẹ, đứa con trai bà từ nay sẽ chẳng bao giờ bước chân vào giáo đường nữa.

Cũng năm 1901, Benito giật được mảnh bằng giáo viên, cái bằng có thể kiếm cơm như lời chàng ta nói:”Moi aussi je possedais un diplome…un diploma qui permet de gagner mon pain”.

Nhưng Benito lầm. Khi cầm mảnh bằng đi xin việc đến đâu chàng đều chỉ thấy thiên hạ lắc đầu lãnh đạm vì trường thì thiếu mà giáo viên lại thừa. Quay về xã Predappio để xin một chân thư ký cũng bị chối từ nốt.

Cay đắng, Mussolini cảm thấy mình đúng như kẻ đứng ngoài rìa. Đã có lần chàng nói đến chuyện đốt hết bằng cấp, đốt hết sách vở.

Chán đời, Benito dốc toàn sức lực thì giờ vào những cuộc phiêu lưu tình ái. Lối cua gái của chàng ta thật là tàn bạo, sấn sổ và hực lửa. Phương châm của chàng là chinh phục mau, thỏa mãn gấp.

May mắn sao,tháng 2-1902, thị xã nhỏ bé Gualtieri khuyết một chân phụ giáo, nhờ hội đồng thị xã có nhiều cảm tình với Alessandro nên chấp nhận đơn xin việc kiếm cơm của Benito. Kể từ tháng ấy năm này Mussolini mới biết thế nào là cái nghề gõ đầu trẻ. Nó là cái nghề buồn nản cùng cực cho loại người ưa hoạt động ồn ào như Mussolini.

Mỗi buổi tối, Benito thường cặp kè với các bà có chồng hoặc góa chồng đi nhẩy, uống rượu, đánh nhau. Thỉnh thoảng viết vài ba bài báo gửi đăng trên tờ “ Giustiaia” của nhóm xã hội. Tham gia vài công tác đảng như tổ chức hợp tác xã và thấy càng chán chường với cái lối hoạt động chính trị lẩm cẩm. Benito là một chàng trai khỏe mạnh, hăng hái, lương mỗi tháng chỉ có 50 đồng bạc”lires”làm sao hoạt động được với mấy ông tiểu tư sản vào tuổi chín chắn, lại có đôi chút cơ nghiệp nho nhỏ. Chàng muốn cái gì nóng bỏng hơn, phải cách mạng thật sự chứ không phải lối cải thiện đời sống cà dầm cà dề. Benito tính đi Madagasca lập nghiệp thà sang xứ mọi đó mà bắt nạt thiên hạ còn hơn ướp xác trong cái nghề giáo viên kiết xác này.

Chân phụ giáo hết hạn kỳ vào cuối năm, Benito đánh điện về xin mẹ một số tiền, mẹ gửi cho gần một trăm”lires” lên đường qua Thụy sĩ, bỏ ý định đi Madagasca.

THỤY SĨ NƠI TẬP TRUNG CỦA ANH HÙNG TỨ XỨ

Thụy sĩ lúc bấy giờ là nơi mà tất cả những kẻ lưu đầy, những dân cách mangjthuoocj đủ mọi khuynh hướng chính trị từ bảo hoàng đến vô chin hs phủ đều gặp nhau chung sống ở đây. Họ tập trung tại khu Carouge. Tới đó người ta có thể gặp Lesnine đang ấn hành tờ báo bí mật”Iskra” để gửi về nước, Plekhanov ông trùm macxit của đệ nhị quốc tế, Axelrod người cầm đầu vụ ám sát giám đốc cảnh sát của Tsar hoàng v.v…

Chàng trẻ tuổi Benito từ nay cũng được kể như một hội viên của đám người bị xua đuổi lưu đầy nhưng có tên tuổi gì trước bao ngôi sao chói lọi. Vì vậy, trước hết phải làm sao có ngày hai bữa để khỏi chết đói. Bắt đầu bằng công việc phụ cho thợ hồ, Benito ăn khỏe lắm nên đồng lương kiếm không đủ cung cho cái dạ dày thành thử vấn đề quần áo đành thúc thủ. Hắn ăn mặc rách mướp như một tên hành khất. Tối tối đi qua khu giàu có, đèn nến tiệc tùng huy hoàng, Benito thường hằn học nói:”Ces cochons” và tự hỏi:” Ta còn nên lưu lại hồ Leman thêm một ngày nào cữa chăng?”.

Đêm đêm, Benito phải ngủ rúc dưới gầm cầu, hôm nào kiếm được cái thùng gỗ của ai bỏ trống chui vào nằm ấm là hạnh phúc vô cùng. Hết làm thợ hồ đến bán báo, rồi đi khuân vác, bất cứ nghề nào hạ tiện nhất lương rẻ mạt nhất cũng đều có mặt Benito vác đến xin.

Rachele Mussolini trong cuốn sách:” Ma vie avec Benito”có kể một đoạn về quãng đời của chồng hồi còn ở Thụy sĩ như sau:

“Một buổi chiều lang thang thất nghiệp, bụng đói như cào, Benito đành gõ cửa sổ một gia đình đang quây quần ăn cơm. Họ mở cửa, biết rằng nói khó xin xỏ chắc chẳng được nào lại còn bị họ xỉ vả là lười biếng nên Benito liền giở giọng trịch thượng bảo mình cần khúc bánh mỳ. Không muốn lôi thôi với thằng cha hung dữ, họ lặng lẽ trao cho Benito cái gì chàng hỏi rồi đóng cửa lại cho mau. Phần Benito cũng vội vã cầm đỡ rồi đi cho gấp nhỡ họ gọi cảnh sát tới thì vaò tù.

Một buổi chiều khác, Benito gặp một thanh niên người Nga cũng nghèo khổ như mình, nhưng hắn tài ba lắm, nói được đủ các thứ tiếng và thông minh vô cùng. Thấy hắn có cái đồng hồ mới toanh, Benito ngạc nhiên hỏi:

- Đằng ấy có lẽ vừa đánh cắp của ai hẳn?

Câu hỏi làm gã người Nga ngạc nhiên hơn, hắn nói:

- Lẽ dĩ nhiên rồi, tại sao đằng ấy còn phải hỏi vì rồi đây chính đằng ấy cũng sẽ phải ăn cắp.

Benito đáp:”Tôi nhất định sẽ không ăn cắp”.Nói xong Benito bỏ đi sang đường khác.

Hai ngày sau, bị bắt vì tội lang thang ma cà bông, giam vào bóp. Trong bóng tối bỗng có tiếng nói lớn:”À bây giờ đằng ấy chịu đến nơi hò hẹn rồi hả?”

Benito nhận ra tên Nga ăn cắp đồng hồ,liền giải thích cho hắn hiểu rằng mình bị bỏ vào đây không phải vì tội ăn cắp. Nhưng hắn cứ cười mà không chịu tin.

Hôm sau, Benito được thả ra, hắn còn tiễn Benito với câu nói:”Đó gần như một quy luật, những thằng ngu ngốc bao giờ cũng được nhiều may mắn hơn”.

Qua hơn năm trời đầy ải, ngày 18-03-1904, trong cuộc họp tại Geneve, Mussolini gặp một nữ đảng viên cộng sản Nga danh tiếng đương thời mang tên Angelica Balabanoff. Bà ta xấu xí, thấp bé nhưng cái vốn văn hóa lại vượt hơn hẳn nhiều người, nói thông thạo năm sáu ngôn ngữ, lý luận chính trị vững chãi thành thạo. Balabanoff tự nhiên chú ý đến chú Benito quần áo rách bươm nhất đám. Bà liền chạy tới kết bạn rồi tìm việc cho. Sáng sáng đẩy xe bò cho một tiệm buôn rượu chat, ban tối về nghiên cứu sách vở dưới sự chỉ dẫn của Angelica Balabanoff.

Dưới đây là những nhận xét về Benito Mussolini của Balabanoff:

“ Gã là một thanh niên tôi chưa từng gặp lần nào với cử chỉ hiếu động, với quần áo tả tơi khiến gã trở thành đặc biệt trong đám công nhân hiện diện tại phòng hội. Đành rằng ở đây ai cũng ăn mặc nghèo nàn, nhưng chỉ gã là bẩn nhất, tôi có cảm tưởng đó chính là hình dáng của sự khốn khó cùng cực. Ngoài đôi quai hàm bạnh, đôi mắt lanh lợi ra, tất cả hắn đều có vẻ của một người còn nhút nhát. Khi nghe diễn thuyết, tay gã thường nắm chặt chiếc mũ đen dễ cho người ta trông thấy gã đang mang nhiều nỗi rối loạn trong lòng chứ không phải vì bị xúc động bởi những lời của kẻ đang hùng biện trên kia”.

“Về sau thì tôi hiểu, Benito học hành còn kém lắm trên mọi mặt: lịch sử, kinh tế, lý thuyết xã hội, đồng thời gã còn có một đầu óc hoàn toàn vô nguyên tắc, vô kỷ luật. Cái thứ chủ nghĩa cấp tiến và chủ nghĩa chống tăng lữ mà gã vẫn nhắc đi nhắc lại chẳng qua chỉ là những phản ảnh của ngoại cảnh, của tâm trạng nổi loạn ích kỷ chứ không phải của trí thức minh bạch hay của một sác tín đàng hoàng. Gã thù hận sự đè nén bóc lột nhưng chỉ là thù hận qua lý do cá nhân chứ tuyệt đối không phải là thù hận chung có hệ thống của cách mạng”. (I soon saw that he knew little of history of economic or of socialist theory and that his mind was completely undisciplined…Mussolini’s raricalism and anticlericalism ware more the reflection of his early environment and own rebellions egotism than the product of understanding and conviction. He hatred of oppression was not that impersonal hatred of system shared by all revolutionaries).

Nhờ Angelica Balabanoff hướng dẫn, Benito Mussolini mới vào dự thính ở các trường đại học, lui tới thư viện xem sách, học thêm Đức ngữ, Pháp ngữ tìm hiểu về Nietzche, Blanqui,Schopenhauer, Kantsky,Hegel Sorel v.v…Trước kia, mặc dầu là một đảng viên xã hội, nhưng quả thật Benito chưa hề đọc Karl Marx. Bây giờ thì Benito đã có thể thưởng thức những lời giảng của giáo sư Vilfredo Pareto hay giáo sư Soninsegul đang được sinh viên châu Âu sùng thượng ở đại học Lausanhe Thụy sĩ.

Mussolini được giới cách mạng biết đến sau vụ tranh luận với lãnh tụ xã hội bảo thủ người Bỉ tên là Vandervelde về đề tài Jesus Christ. Vandervelde nổi cáu đuổi Mussolini ra ngoài, Benito mỉm cười đi ra dưới tràng vỗ tay hoan hô của cử tọa.

Cũng từ đấy nhà cầm quyền Thụy sĩ ghi tên Benito trong sổ đen liệt vào hạng “anarch”(kẻ ưa gây rối loạn, kẻ thờ chủ nghĩa vô chính phủ), để rồi vài ba tháng sau, họ dựa vào một vài cớ trục xuất khỏi Thụy sĩ cho đỡ gai mắt.

Benito đành ẩn náu về vùng Annemasse, tiếp giáp biên thùy Pháp, tại đây vừa đi cầy thuê, vừa đi dạy học tư gia. Nếu không xẩy ra chuyện tình vụng trộm với bà phó quận địa phương, có lẽ Benito còn ở đây lâu hơn.

Việc vỡ lở, Benito đành chuồn êm qua Zurich bên Đức quốc, cũng sống trong khu vực tụ tập của những dân cách mạng lưu vong, chỉ khác Thụy sĩ một điểm là Zurich, dân cách mạng tuyệt đối tôn sùng Marx và Karl Liedkneckt. Ở đây, Benito còn học thêm được tính trật tự và kỷ luật của dân tộc Đức mà chàng cho rằng rất cần thiết đối với người Ý. Tuy nhiên, cá nhân Benito vẫn không ép nổi chính mình vào kỷ luật. Vì thế, sau vài ba keo đập lộn trong quán cơm, quán rượu, nhà cầm quyền đã đến tận nơi trọ mời Benito ra khỏi Zurich.

DẪN - 1-

Tiến >>

Đánh máy: do thi hang & ct.ly
Nguồn: casau - VNthuquan - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 6 tháng 12 năm 2016