Gập Ghềnh Tình Mẹ

như hoa ấu tím

Trời mưa bong bóng phập phồng

Mẹ đi lấy chồng con ở với ai?

Đã sang tháng năm, trời lại tặng thêm cơn mưa tuyệt đẹp, những bong bóng mưa dịu dàng đến rồi đi. Lời ca dao nghe ru tự thưở nào tìm về ngậm ngùi, hình như lần ngồi trú mưa dưới mái lá, chờ đò ngang, đưa sang xóm Kinh 2 Cái Sắn – Rạch Giá. Giọng ru văng vẳng đâu đó vọng lên.

Không phải bỗng dưng mà nhớ, không phải chỉ vì mưa mà nhớ, những bong bóng mưa phập phồng nổi lên rồi vỡ trên mặt dòng sông màu nâu đỏ phù sa mong manh, như chút tình tan tác còn lưu lại.

Trong phòng làm việc, nhìn qua khung kính, mặt hồ sóng gợn, Tanya cho xem hình ảnh ngày cưới được lưu giữ online trên Picasa của Google. Tanya chỉ hình cô con gái lên 14, mặc áo đầm hồng xinh xắn, tóc uốn lọn quăn, tay cầm giỏ hoa, dưới tấm ảnh là lời ghi chú: “Công chúa yêu dấu của mẹ, không có con mẹ không có ngày cưới hôm nay.”

Tanya có con khi còn học trung học, sau đó được gia đình bảo bọc cả hai mẹ con. Cô học xong đại học, có việc làm trong công ty điện tử, cô vừa làm lễ cưới với John, người bạn hơn bốn năm, sau một buổi dạ vũ cuối tuần.

Câu chuyện của Tanya, đơn giản quá, đang học trung học, lỡ dại có mang, được đại gia đình cưu mang, cha mẹ cho cô đi học tiếp, chăm sóc cháu ngoại, và bây giờ cô có một gia đình riêng thật êm ấm, con gái chọn chồng cho mẹ theo lời Tanya kể. Ở độ tuổi ngoài ba mươi cô có nét đẹp chín mùi, hiểu biết hơn có trách nhiệm nhiều hơn. Con cô ở với cô và dượng, trong hình gia đình, họ đi chơi chung vẻ mặt hồn nhiên hạnh phúc. Lời ca dao Việt Nam, “mẹ đi lấy chồng con ở với ai!” không dùng được ở đây.

Ngày tôi về Cái Sắn ăn cưới chị họ của tôi, cũng là ngày tôi biết một người chị họ khác, chồng đi lính chết trận đã lâu, có bạn trai bị cả gia đình lên án, mỉa mai ngay cả ruồng rẫy không muốn cho về nhà dự đám cưới của em gái. Tập quán phong tục thưở xưa, làng xóm láng giềng chung quanh ép uổng bao người phụ nữ giết chết tình cảm của họ, khi nhựa xuân còn căng đầy trên từng thớ thịt, nhất là trong thời chiến. Dĩ nhiên có nhiều bi kịch sau khi tái giá, con của vợ hiếm khi được sự rộng lòng thương từ gia đình người chồng mới, những lời bàn ra tiếng vào khiến gia đình của người đàn bà đã một lần dang dở thường gặp trở ngại đau lòng, nên phần đông đành sống vậy thờ chồng đã chết, muốn tái giá đành bỏ con cho bên nội hay bên ngoại nuôi giùm.

Sau năm 1970, cho dù phụ nữ đã đòi được quyền bình đẳng trên thế giới, phụ nữ việt nam vẫn còn chịu nhiều áp lực thiệt thòi, những người may mắn được đi học đến nơi đến chốn không nhiều, sống ở thành thị phụ nữ được tôn trọng hơn ở nhà quê, hình ảnh chạy trốn chồng sang nhà hàng xóm không ít, tóc bới cao địu con hớt hải không phải vì sợ bị đánh đập mà sợ “lại có bầu” nhà đã nghèo còn sanh năm một, thưa con thì cũng 3 năm hai đứa.

Cô tôi sanh tổng cộng 15 lần, mất ba còn chẵn chục 12. Gian nhà ở Kinh 2 rất to, được dượng cùng bạn bè xây dựng, ông rất khỏe, làm ruộng nuôi heo, sông lạch trước nhà cất vó có tôm có cá, cô tôi buôn bán ngoài chợ Tân Hiệp, đứa con gái lớn bằng tuổi tôi, bế em ẹo cả xương sống. Cô có bụng năm này sang năm khác, sanh em bé được chồng đỡ tại nhà, tôi nghe ông nói: “Đỡ đẻ cho cô dễ hơn đỡ đẻ cho heo.” Những khi Hiệp con gái lớn của cô được lên Sai Gòn ở với tôi, Hiệp không muốn về lại Cái Sắn, vì khó chịu khi thấy mẹ lại có mang.

Những điều này, bây giờ nhắc lại buồn tênh, buồn hơn câu ca dao:

Trời mưa bong bóng phập phồng

Mẹ đi lấy chồng con ở với ai!

Con đói thì con ăn khoai,

Con đừng khóc lóc điếc tai xóm làng.

Xóm làng, nghe thì gần gũi thương yêu, nhưng cũng chính cái xóm làng này đã gây ra không ít nỗi khổ cho “Mẹ” chữ Mẹ được viết hoa này, là phụ nữ. Rõ hơn là phụ nữ bây giờ đã thành bà nội, bà ngoại. Thưở xóm làng còn lệ áp đặt cheo cưới, thưở xóm làng còn hành tội Thị Kính – Thị Màu đến thuở gả ép, cưới trừ nợ cho mãi đến bây giờ, xóm làng đã mở bung không còn khép kín, nhừng cô con gái ngồi nghe tâm tình của bà, của mẹ.

Ngày bà đi lấy chồng, xe hoa đi trên bờ đê, chiếc xuồng chèo theo đám rước dâu, cô dâu liếc thấy anh lực điền làm rẽ ruộng của nhà. Sau năm 1975 vĩ tuyến 17 không còn ngăn cách nữa, ông già lụm khụm từ Hà Đông miền Bắc tìm lại được người con gái thưở thiếu thời thầm yêu trộm nhớ, mà vì lý do môn đăng hộ đối cách trở đôi đàng. Nghèn nghẹn câu ru:

Công anh đắp nấm trồng chanh

Chẳng được ăn quả vin cành cho cam

Xin đừng ra dạ bắc Nam

Nhất nhật bất kiến như tam thu hề

Huống tam thu như bất kiến thề

Đường kia ngõ nọ như chia mối sầu

Biết về đâu đã hẳn hơn đâu

Cầu tre vững nhịp hơn cầu phượng gia!

Lúc ấy hai mái đầu đều bạc, ông chỉ nghèn nghẹn nói khẽ: “Cô cũng già đi nhỉ!” Cả một đoạn đường tàu dài thăm thẳm, tìm cho ra, gặp cho được người xưa hẳn phải có tình nghĩa gì đậm đà ghê lắm. Bây giờ so sánh với chuyện tình của bà, là những cuộc tình không vì đất nước phân ly mà vì tha hương viễn xứ. Cũng gặp lại nhau, cũng run run giọng nói, định mệnh an bày lại đổ lỗi tơ duyên không se chẳng kết.

Chuyện của mẹ cũng man mác buồn, bị “đặt đâu phải ngồi đó” cho trọn đạo làm con. Ngồi rồi mới biết gặp chồng đa đoan, theo vợ bé bỏ con bỏ vợ bơ vơ. Gặp lại người đã từng thề non hẹn biển, bao kỷ niệm tìm về, muốn nối lại đường tơ đã đứt, thì lại đến bổn phận làm mẹ buộc ràng, con không vui, đành ép lòng ở vậy với con. Sợ xóm làng dị nghị, sợ bôi tro trát trấu làm xấu cha mẹ họ hàng. Nỗi sợ này tuy có giúp các cô gìn vàng giữ ngọc, nhưng thật ra ẩn sau nó cũng bao nỗi đọa đầy.

Không ít những người đàn bà, chấp nhận ở vậy nuôi con, sau này các con khôn lớn ra riêng, trở thành cô đơn cô độc và cảm thấy bị bỏ rơi, mà thành trầm cảm, nếu không bị bệnh này, thì lại trở thành quá khó khăn, khiến con cháu cũng khổ theo.

Nhẹ nhàng sống theo lẽ tự nhiên, sống theo con tim bình an hẳn đã khác.

Hình đám cưới của Tanya làm những đám bọt mưa không phập phồng nữa, sự chở che, sự giúp đỡ tận tình của gia đình là món quà quí giá cho cuộc đời của Tanya và cô con gái. Thử tưởng tượng sau lần vấp ngã ngây dại thời trung học, cô gái trẻ Tanya bị gia đình ruồng bỏ không nhìn mặt, không giúp đỡ thì cuộc đời hai con người ấy đi đến đâu?

Ngày lễ Hiền Mẫu, những đóa hồng có đủ xóa hết đi bao u uẩn, kín sâu trong lòng MẸ. Mỗi năm có thêm bao bà mẹ mới, thế mà thiên chức Làm Mẹ vẫn chưa có một văn bản nào, bảo đảm cho các bà nguồn hạnh phúc vô biên, khi nhận lãnh nó.

như hoa ấu tím


Nguồn: https://autim.net
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 16 tháng 3 năm 2021