Âm Dương Sư
Người Đàn Bà Không Miệng
dịch giả: nhất như
Một
(nguyên văn: kutinasi no onna. "kutinasi" nghĩa là hoa dành dành, nhưng cũng có thể hiểu là không có miệng)
Minamoto no Hiromasa đến thăm dinh thự của Abe no Seimei ở đại lộ Tsuchi no Mikado vào giữa tháng năm Âm lịch, khi mạ ngoài đồng đang lên xanh mơn mởn. Theo lịch hiện đại là vào khoảng trung tuần tháng sáu. Minamoto no Hiromasa no Ason là một võ sĩ trong triều. Cánh cổng dinh thự mở toang như mọi lần. Hiromasa đứng trước cổng nhìn vào thấy cỏ hoang vươn đầy trong vườn. Toàn cảnh trông giống như một bức tường trắng bao bọc xung quanh một bãi cỏ dại hơn là một dinh thự có người ở. Bức tường chạm trổ kiểu Tàu bao lấy toàn bộ dinh thự, phía trên có lợp ngói xanh.
Hiromasa thẫn thờ nhìn vào bên trong bức tường, buông tiếng thở dài. Ánh tà dương chiếu xiên vào bên trong khu vườn, nơi những khóm cỏ mùa hạ đang đu đưa theo gió. Trong vườn có một lối đi nhưng chẳng phải là do cố tình tạo ra mà chẳng qua chỉ là người ta đi mãi tự nhiên thành đường mà thôi. Trông giống như một lối nhỏ thú chạy. Bên trên lối đi, cỏ cũng ngập kín cả. Nếu đi vào đây ban đêm hay sáng sớm thì chắc là vạt áo sẽ hút sương đọng trên cỏ mà nặng lên mất. Nhưng giờ này bãi cỏ đang khô ráo trong ánh nắng chiều.
Hiromasa không lên tiếng mà lần vào bên trong cổng.
Hiromasa mình mặc áo phông Suikan, hông đeo thái đao đỏ lắc lư theo từng bước chân như cái đuôi thú trong bãi cỏ. Vạt áo dài kéo lê trên đầu lá cỏ kêu sột soạt.
Giờ này mọi năm đã vào mùa mưa phùn rồi nhưng năm nay vẫn chưa thấy dấu hiệu gì cả. Trong đám cỏ lẫn một mùi hương hoa ngọt ngào thoang thoảng đến khoang mũi của Hiromasa. Đó là mùi hương của hoa dành dành. Hình như đây đó trong khu dinh thự này có cây dành dành đang nở hoa.
Hiromasa đứng trước cửa dinh thự trầm ngâm.
– Lúc nào cũng bất cẩn thế này đây...
Cánh cửa mở toang hai bên tả hữu từ bao giờ.
– Quan bác có nhà không, Seimei?
Hiromasa cất tiếng gọi.
Không có tiếng trả lời.
– Ta vào nhé!
Hiromasa nói rồi cất bước vào trong nền đất.
– Bỏ giầy ra đi, Hiromasa.
Chợt nghe tiếng gọi dưới chân, Hiromasa đưa mắt nhìn xuống thì thấy một con chuột đồng trên nền đất đang đứng bằng chân sau, giương cặp mắt đen lay láy ngước nhìn mình. Vừa chạm ánh mắt của Hiromasa, con chuột rít lên rồi vụt chạy mất.
Hiromasa cởi bỏ giàu da nai, bước lên thềm.
– Ở đằng sau à?
Hiromasa lần theo hành lang ra phía sau dinh thựu thì thấy Seimei trong chiếc áo Kariginu trắng tinh đang nằm gối đầu lên cánh tay phải, mắt nhìn ra vườn. Trước mặt Seimei là một bình rượu và hai bát nhỏ. Trên cái đĩa sứ bên cạnh là một đĩa cá mòi nướng muối hãy còn đang bốc khói nghi ngút
– Quan bác đang làm gì thế?
Hiromasa cất tiếng.
– Ta chờ đến mỏi cổ rồi đấy!
Seimei vẫn nằm im dưới sàn, đáp. Hình như đã biết Hiromasa sẽ đến từ lâu rồi thì phải.
– Tại sao lại biết ta đến?
– Có phải lúc đến đây, quan bác đã đi qua cây cầu Modori bashi không?
– Ừ, quả nhiên là có!
– Có phải lúc đó quan bác đã nói thầm rằng không biết Seimei có nhà không?
– Ừ, đúng là ta có nghĩ như vậy nhưng làm sao quan bác lại biết.
Seimei không đáp, chỉ cười khúc khúc rồi bật dậy ngồi xếp bằng trước mặt Hiromasa.
– Nói thế tức là con shikigami nào đó đã cho quan bác hay à? Ta nghe nói quan bác đang nuôi shikigami dưới gầm cầu Modori bashi.
– Ừ thì cứ cho là vậy đi. Nào, ngồi cái đã, Hiromasa!
Seimei nói.
Abe no Seimei dáng người cao ráo, trắng trẻo, đôi mắt long lanh ánh lên vẻ khôi ngô tuấn tú. Trên đôi môi đỏ như tô son kia nở một nụ cười tủm tỉm. Trông người thì chẳng thể nào đoán được tuổi tác. Nói là đã quá bốn mươi cũng đúng nhưng lại có vẻ gì đó của bọn thanh niên chưa đến ba mươi.
– Lúc nãy có con chuột đông nói với ra, mà đó chính là giọng của quan bác đó, Seimei!
Hiromasa cũng ngồi xuống xếp bằng bên cạnh Seimei, nói.
Seimei với tay lấy miếng cá nướng trên đĩa, xé nhỏ rồi ném ra vườn. Chít! Có tiếng rít lên, con chuột đồng lúc nãy khéo léo đớp lấy miếng cá Seimei ném cho rồi biến mất trong đám cỏ.
– Ta vừa trả lễ cho nó đấy!
Seimei nói.
– Ta luôn thấy quan bác thật là khó hiểu.
Hiromasa vươn vai nói, giọng thành thật.
***
– Chà, hoa dành dành tỏa hương thơm thật đấy!
Hiromasa đưa mắt ra vườn, sau một góc vườn có điểm vài bông hoa trắng. Hương hoa ngọt ngào theo gió thoảng đến khoang mũi Hiromasa
– Thật là hiếm có!
Hiromasa vừa nói thì Seimei tủm tỉm cười, đáp lại.
– Hiếm có? Vì sao?
– Vì quan bác đến đây không nhắm rượu mà lại bàn chuyện hoa cỏ thì thật lạ chứ sao!
– Thì ta cũng có tâm trạng thưởng lãm cái đẹp mà lại.
– Ta hiểu rồi. Quan bác là người tốt mà lại.
Seimei nhón tay lấy bình rượu rồi rót vào hai cái bát trước mặt.
– Hôm nay ta đến chẳng phải để uống đâu.
– Nhưng cũng chẳng phải đến để từ chối rượu chứ?
– Mồm mép quan bác tinh vi thật.
– Vị của loại rượu này càng tinh vi hơn đấy!
Seimei đã nắm chặt chén rượu trong tay. Hiromasa vươn vai, đưa tay lấy chén rượu.
– Nào!
– Nào!
Vừa cất tiếng, hai người đã uống cạn chén rượu. Lần này Hiromasa lại rót đầy hai chén.
– Tadami có ổn không?
Vứa đưa chén thứ hai lên miệng, Seimei hỏi.
– Ừm, những đêm túc trực trong cung thỉnh thoảng lại thấy.
Hiromasa đáp.
Tadami ở đây chính là Mibu Tadami. Vào tháng ba năm ngoái trong nội lý của điện Seiryo có tổ chức hội thi thơ, Tadami chính là người đã thua Taira no Kanemỏi trong hội rồi không ăn uống gì mà chết. Lúc đó Tadami ngâm một bài thơ rằng
Ôi mối tình ta
Tiếng đàn vang xa
Mà đã phai mờ
Ta thương người nhớ
Từ thuở còn thơ
Kanemori làm một bài thơ đáp lại rằng
Ta giữ riêng mình
Mối tình ngày nào
Mà sao thiên hạ
Bàn ra tán vào
Tiếng lòng lao xao
Đó là bài thơ khiến Tadami thua cuộc. Khắp trong cung loan tin đồn rằng vì thua cuộc mà Tadami đã bỏ cả ăn uống rồi chết, oan hồn thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trong cung. Lắm kẻ thấy Tadami đi lởn vởn trong bóng tối, miệng thì thàm bài thơ của mình rất sầu thảm một chặp rồi biến mất, không tác oai tác quái gây hại gì cho ai.
– Này, Hiromasa!
– Gì thế?
– Lần sau hai người chúng ta cứ mang theo rượu, vừa nhắm vừa nghe Tadami ngâm thơ.
– Đừng có nói tầm phào chứ!
Hiromasa vừa nghiêm mặt nhìn Seimei.
– Như thế chẳng phải tốt sao?
Vừa nói, Seimei vừa đưa chén rượu lên miệng.
– Gần đây ta bỗng thấy bâng vơ quá! Suốt ngày chỉ toàn nghe thấy những chuyện kỳ lạ.
– Ồ!
Seimei vừa nhấm nháp miếng cá mòi vừa nhìn mặt Hiromasa.
– Thế quan bác đã nghe chuyện quan hữu đại thần Ono no Shiya no Sanetsugu thấy ma chưa?
– Chưa nghe.
– khoảng bảy ngày trước Sanetsugu sau khi từ hoàng cung trở về thì thấy một bình dầu nhỏ trước cỗ xe bò phía Nam địa lộ Omiya.
– Ồ!
– Bình dầu đó nhảy nhót lung tung trước xe cứ như là vật sống vậy. Sanetsugu thầm cho làm quái lạ thì bình dầu đã dừng lại trước cổng một dinh thự.
– Rồi sao nữa.
– Nhưng lúc đó cổng đang đóng nên nó không vào được. Thế là nó nhằm hướng lỗ khóa mà lao vào. Lao đến lần thứ mấy thì nó chui tọt vào bên trong rồi mất hút...
– Hay nhỉ?
Seimei thì thầm.
– Sau khi về đến nhà thì Sanetsugu không khỏi lo lắng nên đã cho người đến khu dinh thự đó dò xem tình hình thế nào.
– Ồ, thế ở đó có ai chết chăng?
– Quan bác đoán đúng đấy, Seimei, theo lời bọn tả hữu về báo lại cho Sanetsugu thì trong dinh thự ấy có một cô gái trẻ nằm trên giường bệnh từ trước đến giờ, mãi đến trưa hôm ấy thì mất.
– Vậy sao?
– Trên đời này lại có loại tinh linh như vậy sao?
– Thì hẳn là thế rồi!
– Này Seimei, những thứ chẳng phải là con người hay động vật như vậy mà cũng có thể tác quái được sao chứ?
– Đương nhiên!
Seimei thờ ơ đáp.
– Nhưng nó là thứ không có sinh mạng mà!
– Dù không có sinh mạng thì nó vẫn linh hồn.
– Lẽ nào lại thế?
– Lẽ nào lại thế là thế nào? Linh hồn luôn trú ẩn trong vạn vật, bất kể đó là gì.
– Trong bình dầu cũng có à?
– Đúng rồi!
– Thật chẳng thể tin được!
– Không chỉ có bình dầu thôi đâu. Đến ngay hòn đá lăn lóc ngoài kia cũng có linh hồn đấy.
– Thế nghĩa là làm sao? Con người và thú vật có linh hồn thì ta hiểu được, nhưng hòn đá và bình dầu cũng có linh hồn nghĩa là sao?
– Hà hà, thế linh hồn trú ẩn trong con người và động vật chẳng phải là chuyện rất lạ sao?
– Thế chẳng phải là chuyện đương nhiên à?
– Thì ta hỏi quan bác cây này nhé! Tại sao con người và động vật có linh hồn lại không phải là chuyện lạ?
– Ừ thì đó là...
Hiromasa nói chưa dứt lời đã nín lặng.
– Thì con người và động vật có linh hồn là chuyện đương nhiên mà.
– Nhưng tại sao lại thế?
– Ừ thì là vì...
Hiromasa lại lấp lửng.
– Ta không hiểu. Cứ nghĩ rằng mình hiểu rõ lắm nhưng nghĩ lại thì thấy mình chẳng hiểu gì cả.
Hiromasa nói, vẻ thành thực.
– Này Hiromasa, nếu con người và động vật có linh hồn không phải chuyện lạ thì bình dầu có linh hồn cũng chẳng phải chuyện lạ.
– Ừm.
– Vậy thì linh hồn vốn là cái gì?
– Đừng hỏi ta nhưng điều khó như vậy chứ, Seimei!
– Linh hồn cũng là thứ giống như chú thuật đấy.
– Lại là chú sao?
– Nếu xem linh hồn và chú là hai thứ khác nhau thì cũng có thể xem chúng là một. Chẳng qua chỉ là cách nhìn nhận mà thôi.
– Hahahaha
Hiromasa gật đầu, vẻ mặt chẳng hiểu mấy.
– Cứ cho là ở đây có hòn đá đi!
– Ừm.
– Tức là bản thân nó sinh ra đã có sinh mệnh và mang trong người chú thuật được gọi là "hòn đá".
– Ừm.
– Rồi ta lấy hòn đá đó ném chết một kẻ nào đó.
– Ừm.
– Thế thì hòn đá chính là đá hay là vũ khí?
– Ừ..ừm
Hiromasa ậm ừ rồi tiếp lời.
– Hẳn là hòn đá đó vừa là hòn đá vừa là vũ khí?
– Đúng rồi đây, Hiromasa. Quan bác hiểu rõ đấy.
– Chuyện này thì ta hiểu.
Hiromasa gật đầu, vẻ mặt lộ rõ nét vũ cốt.
– Thì chuyện linh hồn và chú giống nhau cũng là như thế.
– Ừm.
– Tức là ta đã niệm chú gọi là vũ khí lên thứ gọi là vũ khí.
– À ta nhớ rằng trước đây quan bác có nói rằng chú ngắn nhất trên đời này chính là tên gọi phải không?
– Chú thì cũng có nhiều loại lắm. Tên gọi, hay là sử dụng hòn đá như vũ khí, về bản chất thì cũng giống như việc niệm chú thôi. Đó là điều có bản chất về chú mà ai cũng có thể làm được cả.
– Ừm
– Thế này, từ ngày xưa người ta cho là linh hồn hình hài có tương ứng với nhau và đó là sự thật.
–...
– Hình hài cũng là một loại chú đấy.
– Ừ ừm..
Hiromasa lại lộ vẻ mặt ngây ngô.
– Cứ cho là ở đây có tảng đá mang hình người đi.
– Ừm.
– Tức là tảng đá đó bị nguyền chú tên là con người. Nếu nó càng giống hình người thì càng bị nguyền mạnh. Trong linh hồn của tảng đá thì phần nào cũng mang ít nhiều linh tính của con người. Và vì nó giống hình người nên nếu mọi người đến sung bái nó thì linh tính của người trong tảng đá càng mạnh. Tức là con người đã chú nguyện mạnh hơn lên tảng đá.
– Hahaha
– Tảng đá thỉnh thoảng lại tác yêu tác quái chính là tảng đá được con người sung bái trong nhiều năm.
– Vậy sao?
– Này nhé! Ban đầu chỉ là nắm đất bình thường thôi nhưng sau khi nhào nặn rồi cho vào lò nung nó lại mang hình hài của một chiếc bình. Tức là ta đã chú nguyện loại chú gọi là bình, nhào nặn rồi cho vào lửa nung nắm đất đó. Vì vậy nên một trong những chiếc bình đó hóa thành quỷ mà tác quái gây họa cho người cũng chẳng phải là chuyện khó hiểu.
– Thế chuyện chiếc bình của Sanetsugu cũng là như thế à?
– Đó có lẽ là một con quỷ không có thực thế nào đó đã mang hình hài của chiếc bình dầu.
– Nhưng làm sao con quỷ lại hóa thành hình dạng của chiếc bình dầu được?
– Làm sao mà ta biết được chứ? Ta có tận mắt nhìn thấy nó đâu?!
– Nhưng mà ta an tâm rồi.
– Tại sao?
– Vì ta nghĩ rằng quan bác cái gì cũng biết cả, nhưng nếu thế thì chẳng phải là dở hay sao?
– Hà
Seimei tủm tỉm cười, nhón từng miếng cá, nhấp một ngụm rượu rồi nhìn Hiromasa, vẻ cảm khái.
– Gì thế?
Hiromasa hỏi.
– Ta đang lấy làm lạ lắm.
– Lạ chuyện gì?
– Là chuyện quan bác có mặt tại đây, hay hòn đá lăn lóc ngoài kia.
– Lại nữa rồi, Seimei!
– Tồn tại là chuyện lạ nhất trên đời.
– Ta thấy chuyện bùa chú của quan bác càng lạ lùng hơn.
– Hahaha
– Này Seimei, đừng làm mọi chuyện trở nên phức tạp thế này chứ!
– Ta làm nó phức tạp sao?
– Quan bác luôn giỏi trong việc phức tạp hóa vấn đề. Hòn đá thì cứ là hòn đá, còn ta thì vẫn cứ là ta chả phải tốt hơn sao? Cứ nghĩ đến chuyện đó là lại không uống được!
– Nhưng ta lại thấy vừa uống rượu vừa nói những chuyện này với quan bác cũng là một cái thú đấy.
– Ta chẳng thấy thú tí nào.
– Thế thì xin lỗi nhé!
Trên khuôn mặt Seimei chẳng lộ một vẻ gì ái ngại cả. Vừa rót rượu vào cái chén đã cạn của Hiromasa, Seimei vừa nhìn người bằng hữu.
– Này, Hiromasa, thế hôm nay quan bác đến tìm ta có việc gì?
– Thực ra là ta có việc muốn nhờ quan bác giúp cho.
– Ồ!
– Đây là việc mà không thể không nhờ đến Âm Dương học sỹ như quan bác.
Âm Dương học sỹ là một chức danh của Âm Dương Sư, cai quản việc bói toàn, chiêm tinh trực thuộc bộ phận Âm Dương đạo trong đại nội Lý. Họ là những người xem phương vị, bói toán, dùng huyễn thuật, phương thuật nhưng trong số các Âm Dương Sư thì Seimei là một người khác hẳn số đông. Về mặt bí sự trong Âm Dương đạo thì Seimei là người không nhất thiết phải tuân theo những quy tắc cổ lai mà thường hay vứt bỏ những phần nghi thức phiền phức mang tính trang trí để hành xử theo lối riêng của mình. Seimei là người có thể vứt bỏ những phần lằng nhằng trong khi hành đạo Âm Dương ngay cả ở những nơi tập trung ánh mắt của nhiều người, không ưa câu nệ vào những lề thói cổ hủ chỉ cốt lòe thiên hạ. Seimei lại là người thỉnh thoảng bàn tán những chuyện như bọn du nữ bán mình ở kinh đô, hệt như một kẻ phàm phu ít hiểu sự nhưng cũng có lúc triều đình mở hội gì đó thì lại thoăn thoắt viết ra những dòng Hán Thi khiến giới quý tộc vốn ưa sự thanh cao lịch lãm phải thán phục. Seimei chính là người như một đám mây chẳng có thực thể, chẳng có chỗ nào để nắm bắt, lúc thì thế này, lúc lại thế kia.
Cũng thật là lạ khi một Seimei như vậy và một Hiromasa bộc trực thuần túy như một khúc gỗ lại có thể hợp nhau, thỉnh thoảng lại có thể ngồi chung nhau chén rượu mà giữ vững mối quan hệ ấy.
– Thế quan bác muốn nhờ ta chuyện gì?
Vừa được Seimei hỏi, Hiromasa bắt đầu hàn huyên câu chuyện.
Một
Tiến >>
Nguồn: NhatBan.net - www.wattpad.com
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 19 tháng 7 năm 2022