Cuối năm trời lạnh, bão mùa đông thổi vào thành phố, thành phố của tôi hai hàng cây đã thay màu, lá màu vàng nhạt của những cây phong Canada, màu đỏ của cây phong mật, và bao nhiêu loại cây khác được nhân viên cây xanh trồng dọc theo từng khu phố.
Tôi yêu những hàng cây, thuở bé bỏng cây trứng cá cây bã đậu, thuở cắp sách đến trường hàng cây dầu có trái như những chiếc cầu lông xoay trong gió, đến thuở hẹn hò hàng me đổ lá như confecti gài trên tóc, mỗi hàng cây là một dẫy kỷ niệm, mỗi vùng đất trên quê hương xưa là mỗi hàng cây ghi nỗi nhớ trong lòng người viễn xứ xa nhà.
Đà Lạt có thông có ngo có đào có mimosa vàng ngai ngái, Nha Trang những hàng dương rủ bóng thiết tha, ai đó phê bình tôi còn nhớ mang mang: “Cũng là dương liễu sao dương liễu Nha Trang mượt mà hơn dương liễu Vũng Tàu!” để có người trả lời: “Vũng Tàu hơn Nha Trang vì mùi hương hoa sứ phảng phất thơm lừng trong vị muối biển mặn mà”. Huế có bại hoại – bằng lăng hoa tím mơ màng, thản hoặc là con đường có hai hàng cây nhãn, lá đối tròn xinh xinh, Định Quán Lâm Đồng hàng cây giả tị, loại cây dùng làm báng súng, cùng những đường song song tít tắp của những hàng cây cao su Bình Dương, không thể quên hàng dừa miền Tây.
Không sống bên kia vĩ tuyến 17 để biết để nhớ về những cây cơm nguội, cây sữa nghe nhạc hát nghêu ngao thành tiếng nhưng trong tim chẳng có chút rung động nào.
Lạ sao mùa lá đổ lòng lại rưng rưng!
Cũng con đường mỗi ngày đi ngang, mỗi năm vẫn thế, ai nhớ có cây nào còn cây nào mất, vài năm trước tôi khóc cho hàng cây đang yên lành bỗng một hôm bị đốn mất trên con đường chính của thành phố Milpitas, nay mắt tôi đã tạm quen với nửa bên này đường là hàng phong lá vàng lá đỏ lá to đủ cho sóc squirrel quây nhà, nửa bên kia là hàng cây cọ, một cao một thấp có bẹ lá cho chuột xây ổ làm hang, sự đối xứng đôi khi không cần thiết trên nền núi xanh hướng đông hướng tôi lái xe về nhà, mưa nắng – khô ướt – nóng lạnh không làm thay đổi nguồn hạnh phúc ấm áp luôn đầy ắp sau cánh cửa tôi nhẹ nhàng mở khóa bước vào.
Vài năm nay, khu vườn của tôi không có thêm cây mới, cây con tôi không giữ nữa, những loại hoa ẻo lả theo mùa biến dần đi, khoảng cách giữa hai cây trơ ra làn đất suông, anh tôi nói để cây thở, thảm cỏ xanh loại cỏ chắc nịch để đá banh, để nằm lăn lên không sợ gẫy thản nhiên với lạnh với nóng, lan treo tôi đem cho hết nhà vườn, lan trong chậu tôi răn dạy chúng phải chịu nóng lạnh cùng tôi, nhõng nhẽo quá tôi không chìu chuộng nổi khiêng ra bế vào để hứng nắng uống sương.
Cuối năm, góc bếp có mùi bánh nướng, không phải mùi bánh làm theo yêu cầu đặt hàng, thức suốt đêm gần sáng để hoàn thành cho xong, kiếm tiền mua gạo sống qua ngày, cũng mùi bánh nướng bây giờ nướng để tìm vui, để thử công thức chụp hình ngắm chơi. Dòng đời có nhiều thay đổi ít ngờ.
Sáng sớm, không ra vườn được vì lạnh, mở khắp các ngăn tủ, lục lọi hết những tủ đựng quần áo cái treo cái xếp cái còn trong bao, cái mặc vài lần, cái còn nguyên chưa đụng đến, áo lạnh áo khoác, cái ngắn cái dài, cái hợp với quần tây, cái dùng cho váy, cái để choàng vai và một thùng to áo dài đủ màu đủ kiểu cổ cao cổ thấp, cổ thuyền cổ vuông, mỗi chiếc áo có thêm một chiếc quần, dù chỉ là màu đen hay trắng. Tại sao áo dài nhiều thế nhỉ, dù một năm chỉ mặc vài lần cho vài ngày lễ Tết, những chiếc áo dài đơn sơ cổ cao ba phân kiểu thời nghèo nàn bao cấp thiếu ăn thiếu vải, cô bạn vẽ cho cành trúc, học trò thêu cho vài bông cúc đơn sơ, đến những bộ áo cổ cao sáu phân, thêm hoa bằng nhung có đính kim tuyến dán bằng keo, hai tay trong suốt, bây giờ là cổ thuyền cổ vuông góc, vải cầu kỳ do nhiều nhà thiết kế dệt có ký tên vải Thái Tuấn – gía mỗi bộ áo may tại Việt nam giá cũng hơn 100 đồng đô, so với 12 đồng 20 đồng cách đây vài năm. Mỗi dịp có người từ Việt Nam sang chơi là cô em gái còn ở lại vội vã gởi sang tặng chị, nhìn vải nhìn kiểu các bà sẽ biết ngay áo may khoảng năm nào để đánh giá trị của nó, phần tôi khoác áo dài lên người lại nhớ việc khác, em gởi sang cho mình vào dịp nào, ai may cho mình, cô giáo dậy tiểu học, cô bạn xưa học chung trường, cô giáo dậy con gái đã về hưu, cô hàng xóm ở sau nhà. Vải mua của bác Thông chợ Bàn Cờ, cô Bắc chợ Vườn Chuối! Đã xa nhà 20 năm mà trí nhớ vẫn quẩn quanh chợ xưa người cũ, những mẩu giấy nhỏ em gái gởi kèm ghi rõ xuất xứ, những mẩu chuyện trò viễn liên một phút chỉ tốn vài xu thay cho sáu năm trướcc 40 xu, chuyện kể giữa hai chị em kẻ đi người ở đến bây giờ gọi nhau thấy nhau trên Facebook không tốn đồng nào. Có lúc nhắc lại hồi chong đèn dầu may cho xong mấy lố quần đùi để kịp đem giao hàng buổi sáng, lý do tại sao bây giờ bạn bè còn lại có thêm nghề thợ may làm thêm kiếm sống.
Áo dài sẽ không sao vứt bỏ đi được, bao nhiêu chiếc áo dài thêu gom lại được từ gia đình từ bạn bè, mẫu thêu chính mình vẽ, đường kim mũi chỉ chính mình thêu, nhìn chiếc áo lại nhòa nước mắt, mua vải xong vẽ thêu gởi sang Mỹ cho gia đình cho bạn bè sau khi nhận được tiền viện trợ, gởi sang nhờ bán giúp cũng là một cách an ủi lương tâm riêng mình không sống nhờ sống vả vào ai, cho đến ngày sang được Mỹ biết là gia đình bạn bè đâu cần bán làm gì, tìm người may áo dài để mặc dịp tết, sau đó xếp vào tủ cất. Những món tiền gởi về Việt Nam là tình thương yêu nhung nhớ chia sẻ cho mình.
Dọn góc tủ nào cũng có kỷ niệm, mỗi năm mỗi gom bao nhiêu thứ đem cho mà rồi vẫn còn bao nhiêu thứ khác ngổn ngang, chiếc áo ngày rời Việt Nam, chiếc áo đan cho con cho chồng, chiếc quần tây mình may lấy, kỷ niệm những khoảng trời lá bay, kỷ niệm những hàng cây bám cứng trong từng góc tủ, còn cả chiếc khăn trên chuyến máy bay đầu tiên cô tiếp viên hàng không người Nhật đưa cho để rửa mặt, người cứ gom giữ như thế sẽ còn mãi bao ngổn ngang không sao diệt đi được.
Ai bảo kỷ niệm sẽ tàn đi theo tháng năm!
Ấu Tím
.
Nguồn: Như Hoa Ấu Tím
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 4 tháng 3 năm 2022