Tin cô hiệu trưởng sắp "hưu non" làm cả trường xôn xao. Buồn cười. Tin do chính "thông tấn xã Phượng Hồng" tung ra đầu tiên. Rồi lại chính con nhỏ bĩu môi:
- Có vậy mà cũng rù rì ngày này qua ngày nọ.
Phê xong, Phượng Hồng đứng bật dậy. Người ngay đơ, mặt lạnh tanh, con nhỏ trợn mắt, trừng trừng ngó tít lên ngọn cây. Lập tức Sơn Trà túm lấy vai Kim Trang, Thuyền Nguyệt thì té nhào vô Huyền, cả bọn "ngũ long" rũ ra cười như lũ điên, bất chấp thiên hạ.
Chả có gì đáng cười. Huyền nghĩ. Vậy mà bọn Huyền vẫn cười. Từ dạo đổi đời, bao nhiêu là chuyện. Vậy mà chuyện gì cũng vẫn làm người ta ngạc nhiên. Xe la vi. Ðúng boong kiểu con Trang thường lên giọng triết lý đầu đường. Cuộc đời, tài thiệt.
Như chuyện cô hiệu trưởng, cũng vẫn chỉ là cô giáo Tú, dạy văn từ hồi chế độ cũ. Cách mạng ít lâu, cô lên chức cái vù. Hiệu trưởng một sớm một chiều vậy, ai mà không nghĩ cô phải có dây mơ rễ má ghê gớm với chế độ. Ngồi vững một lèo ba năm liền, hẳn phải gốc bự. Không gốc bự, phải công cán to, còn không, là nằm vùng. Ngay trong xóm Huyền ở, những ngày đầu, có thiếu gì "truyện dài nằm vùng".
Bà Béo cháo lòng đó kìa. Mấy mẹ con bà có cái xạp gỗ, choán ngay đầu hẻm, ngay cánh trái quán cà phê dì Hai. Chiến tranh qua lại giữa bà Béo cháo lòng với dì Hai cà phê, khi âm ỉ du kích chiến, lúc sôi sục pháo kích oanh tạc. Dai dẳng chẳng thua gì chiến tranh Việt Nam.
Ðùng một cái, chiều 30 tháng Tư, bà Béo cháo lòng phây phây đi cùng khắp xóm, dõng dạc kêu gọi bà con treo cờ đỏ sao vàng. Lấy đâu ra cờ? Lo gì, có tổ chức sắn.
Nhà bà Béo, nhỏ bằng lỗ mũi, sâu trong một ngách nhỏ, lập tức thành cửa hàng cờ đỏ sao vàng phục vụ bà con. Khách hàng đầu tiên là mấy mẹ con dì Hai cà phê. Trên giường, trên bàn, dưới nền xi măng, trùm cả lên mấy bãi nước đái của đàn cháu ngoại, toàn vải vàng vải đỏ. Chị Thúy chen lem cả áo, mới mua được về cho mẹ cái cờ. Chị bảo Huyền:
- Tội nghiệp. Nhà mụ Béo cờ quạt đỏ rực, mà mặt dì Hai cà phê thì xanh như tàu lá. Dì rối rít mua lấy mua để ba bốn cái cờ, chẳng biết để làm gì. Ðưa ra cả ghim giấy một ngàn, không dám lấy lại cả tiền thối.
Chưa ai hiểu cuộc "chiến tranh cháo lòng - cà phê" sẽ kết thúc kiểu nào. Rồi phường khóm phát động chiến dịch sạch nhà, đẹp phố. Họp tổ dân phố, chi hội phụ nữ ân cần giới thiệu:
- Bà con buôn bán chiếm lòng hẻm, nay phải trả lại sự sạch sẽ cho giao thông. Chị Béo sẽ làm gương, bắt đầu từ ngày mai. Chị em phụ nữ chúng ta cho một tràng pháo tay. Hoan hô tinh thần cách mạng triệt để của chị Béo.
Bà Béo cháo lòng nhận một tràng pháo tay, mặt mày hớn hở. Xạp bún bò biến mất. Nhưng dì Hai cà phê vẫn ăn ngủ không yên. Nghe đâu địch thủ cũ của dì vẫn ngày ngày xách giỏ lên trụ sở phường. Nào dè, ít lâu sau, lại thấy bà Béo tái xuất hiện với gánh cháo lòng. Chiến tranh kết thúc vẻ vang. Xạp gỗ mất chỗ. Bà Béo cháo lòng gánh hàng đi bán rong. Bấy giờ dì Hai cà phê mới thở ra, đùa với mấy bà trong xóm:
- Hú ba hồn chín vía. Con mụ đó đâu có phải nằm vùng. Nó nằm giường.
Cô Tú chắc nằm vùng thứ thiệt. Trong vụ đánh tư sản vừa rồi, lớp học nào cũng vang vang những lời lẽ đanh thép của cô:
- Ðánh tư sản là một nghị quyết đứng đắn của nhà nước. Tư sản mại bản là bọn hút máu nhân dân lao động. Ðối với chúng, các em phải dứt khoát tư tưởng, giữ vững lập trường. Các em phải tích cực đấu tranh, với ngay cả bản thân mình, gia đình mình. Trong số các em, nếu em nào lỡ có cha mẹ là thành phần tư sản, các em phải mạnh dạn khuyến khích cha mẹ thành thật khai báo, chấp hành đứng đắn mọi chính sách của nhà nước. Cách mạng bao giờ cũng nhân đạo, khoan hồng, có tình, có lý.
Rồi cô thuyết giảng về một chị sinh viên năm thứ hai, điển hình tiên tiến, đang rùm beng trên báo chí truyền hình:
- Các em phải theo gương chị Nhàn. Các em biết chị Nhàn cả rồi chứ gì. Chị là điển hình tiên tiến cho lớp trẻ giác ngộ cách mạng. Cha mẹ chị là thành phần tư sản. Chị đã động viên cha mẹ nhiều lần, không nên tiếc rẻ thứ của cải bất nghĩa phải, giao nộp hết cho nhà nước. Cha mẹ chị ngoan cố không nghe, lại còn có lời lẽ phản động hai uy tín cách mạng. Không thuyết phục được, chị Nhàn vẫn không nản chí. Chị đã lên đài truyền hình, tố cáo hành động sai trái của bố mẹ, nêu gương sáng cho tuổi trẻ thành phố. Chị đã được đề cao, được khen thưởng, được kết nạp vào đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Chị đang phấn đấu để được kết nạp Ðảng. Tương lai chị vô cùng rực rỡ.
Cô hiệu trưởng chỉ thuyết giảng đến đó thì ngừng. Còn cái đuôi bê bết đằng sau, dành cho tin đồn ngoài phố. Hai ông bà già nghe đâu đã tự tử chết. Nhà cửa, tài sản thì dĩ nhiên nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý. Tương lai chị Nhàn tha hồ mà rực rỡ.
Vậy đó, cả trường điếc con ráy vì thành tích cổ động, tuyên truyền của cô hiệu trưởng. Nào các nam nữ thanh niên trong cụm kiểm kê phường 9 đã phát hiện ở nhà ông năm Triệu, một tên tư sản thợ may, hai hộp bích qui toàn là vàng lá hiệu Kim Thành. Nhà "mụ" tư sản buôn bán đồ kim hoàn ở phường mười còn kinh khủng hơn. Bao nhiêu xương máu nhân dân đã bị dồn hết vào hai lon guy gô, đầy nhóc kim cương hột xoàn. Mấy chậu kiểng thì chôn toàn là vàng. Chưa ghê bằng, có tên tư sản còn dấu của ngay trong hốc cầu tiêu. Vậy mà vẫn bị tai mắt nhân dân phát giác.
Còn cả trăm cách dấu tiền, chôn vàng của bọn tư sản khác nữa. Nhưng làm sao qua mặt nhân dân lao động nổi. Có "Ðảng tiên phong" lãnh đạo, nhân dân lao động anh hùng đã trở thành vô địch, đang chiến thắng bọn tư sản, giúp nhà nước thu hồi bao nhiêu của cải bất nghĩa.
Tiền bạc thật là dơ bẩn. Cô Tú khinh tiền bạc ra mặt. Mấy chị lớn trong trường bỏ nhỏ: "Phải khinh thôi. Làm thế nào được. Dù cô có dành dụm cả đời, có chiến đấu tới giọt máu cuối cùng, cô vẫn khó thoát khỏi nanh vuốt một tên tư sản ác ôn. Tên tư sản vĩ đại này lại chính là ông chồng của cô."
Bù trừ cho tính lo ra của cô thời trước và sự nghiệp giác ngộ cách mạng của cộ hiện nay, ông ta không ngừng lui tới các sòng bài bạc. Nhờ ông chồng mà suốt hai chế độ, cô đều có thành tích vô sản chuyên chính mà cô thường tự hào.
Mỗi sáng thứ hai đầu tuần, trường có lễ chào cờ.
- Coi chừng. Nghiêm trọng à.
Phượng Hồng ngó cả bọn, nheo nheo lỗ mũi.
Nghiêm trọng thật. Lá cờ đỏ sao vàng mới, phải to gấp bốn lần lá cờ ba sọc cũ. Luôn luôn đứng vào hàng đầu phía các thầy cô, cô Tú trông nghiêm trang cảm động làm sao. Người cứng đơ, mặt lạnh tanh, mắt trợn ngược, cô trừng trừng nhìn lá cờ đỏ lên phơi phới. Miệng cô trẹo qua trẹo lại. Cô đang thả hồn theo quốc ca. Mà bản quốc ca này đã có thêm hai ba lời ca khác do bọn con nít sáng tác ngoài lề đường, lời nào cũng vui vẻ, dễ nhớ. Cho nên, nhìn miệng cô Tú trẹo qua trẹo lại, nhìn mắt cô trợn trừng, bật máu hướng theo lá cờ, rồi loáng thoáng nghe tiếng hát sửa lời của bọn con trai, Huyền thật muốn cười đến bể bụng. Mà cả bọn ngũ long, đâu đứa nào dám cười.
Phải đợi tới một lần, trước buổi chào cờ, thay vì nheo mũi, nói "coi chừng, nghiêm trọng à", Phượng Hồng khi không đứng bật dậy, người ngay đơ, mặt lạnh tanh, mắt trợn ngược, trừng trừng nhìn lên ngọn cây, miệng trẹo qua trẹo lại.
Ôi thôi, cả bọn cười ngả cười nghiêng, muốn lăn muốn lộn. Cười đến chẩy cả nước mắt. Cũng may, nhờ vậy mà khi xếp hàng làm lễ chào cờ, không đứa nào còn sức để cười nữa.
Kịch câm "Cô Tú chào cờ" do Phượng Hồng phát minh, chẳng bao lâu, lan rộng khắp trường. Ngay cả mấy anh chị lớp lớn cũng bắt chước. Ðâu đâu cũng cười nghiêng cười ngả.
Có lần đang diễn trò, Thầy Tám đi qua, liếc mắt. Thầy cố làm ra vẻ nghiêm trang, đi thẳng một lèo. Nhưng sau đó Kim Trang huých vai Huyền:
- Tao cá với mày mười ăn một. Ông cũng muốn lăn quay ra cười với bọn mình mà không dám. Nhìn đuôi mắt ông, tao biết tỏng.
Thầy Tám dạy sử địa, là người cô hiệu trưởng hơi ngán. Không phải vì thầy gốc bự, mà vì thầy thuộc bài bản cách mạng nhiều hơn cô. Mỗi khi đụng chuyện, mở miệng là thầy vanh vách. Nào Bác Hồ nói, ngày này, nơi kia. Nào nghị quyết Bộ Chính Trị, Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng, nào quyết định của ban bí thư, nào pháp lệnh nhà nước. Ai ký. Ngày ký. Số mấy. Trên ABCD ra sao. Cứ thế thầy tuôn ra. Rồi căn cứ vô đó, phải thế vầy, thế kia. Thầy dẫn một hơi, cô hiệu trưởng đôi khi giận đến xạm mặt mà không biết đường nào phản công, vì đụng đâu cô cũng gặp Bác Hồ, gặp nghị quyết, pháp lệnh. Khi lên lớp, mặt mũi thầy Tám lúc nào cũng nghiêm trang, nhắc tới Ðảng tới Bác, lúc nào giọng thầy cũng long trọng, kính cẩn. Vậy mà chả hiểu sao, cả lớp đôi khi cười bò lăn. Học trò khoái thầy Tám, nhất là lũ con trai phá như quỉ.
Phải rồi. Nhắc tới lũ con trai mới nhớ. Ngôi trường của bọn Huyền còn một đổi thay động trời nữa. Trước cách mạng, đây là một trường nữ. Bây giờ nam nữ học chung. Lớp Huyền, số học trò nam đông hơn nữ. Giải thích sự đổi thay này, cô hiệu trưởng thuyết:
- Các em phải biết, dân tộc ta trước đây phải chịu đến ba tầng áp bức. Áp bức của thực dân, đế quốc, áp bức của bọn vua chúa quan lại phong kiến, rồi áp bức của giai cấp tư sản địa chủ. Riêng chị em phụ nữ, còn phải chịu thêm tầng áp bức thứ tư. Ðó là nạn phân biệt kỳ thị nam nữ, con đẻ của giai cấp phong kiến bóc lột. Bằng cớ sự phân biệt, kỳ thị nam nữ, chính là ngôi trường này. Tại sao các em nữ sinh lại phải học riêng, không được sánh vai bình đẳng cùng nam giới? Nhờ sự lãnh đạo của "Ðảng quang vinh", dân tộc được giải phóng. Chị em phụ nữ được giải phóng. Các em nữ sinh trường ta cũng được giải phóng. Nam nữ bình quyền. Trước kia, bọn Mỹ Ngụy làm đồi trụy xã hội, rồi vin cớ đó bắt nam nữ học riêng. Từ nay, nam nữ được kề vai, cùng thi đua học tập đạo đức cách mạng...
Khoản nam nữ kề vai có vẻ hấp dẫn. Lớp học ồn ào hẳn lên, bọn con trai, giọng láu cá:
- Dạ thưa cô, nam nữ cọ cọ sướng thân.
- Hả? Em nói lớn.
- Dạ. Nam nữ thọ thọ bất thân. Ngụy có nói. Cách mạng nói nam nữ cọ... ủa... thọ thọ tức thân. Bình đẳng hết trơn...
Cả lớp cười ồ. Tưởng có chuyện. Nào ngờ cô hiệu trưởng tỉnh khô, nhìn xuống tên học trò láu cá:
- Phải. Luồng gió mới của cách mạng thừa sức cuốn sạch những tàn dư Mỹ Ngụy. Nếp sống văn hóa mới sẽ rửa sạch những vết nhơ của thứ văn hóa đồi trụy cũ.
Cô hiệu trưởng cứ thế thừa thắng xông lên. Nhưng rồi có lúc chính cô cũng cần phải thổ lộ tâm sự, với học trò, với đồng nghiệp. Rồi, chẳng hiểu do đâu, cả trường xầm xì.
Rằng, cô Tú cũng đã có một thời đầy mơ đầy mộng. Từ một cô bé mồ côi, nạn nhân chiến tranh, cô được một bà dì đem vô Sài gòn nuôi, vừa cho ăn học vừa phụ việc nhà. Cô đã cố gắng học hành, leo từng nấc thang của cuộc đời, cho tới lúc ngồi vắt vẻo trên ghế hiệu trưởng.
Rằng, ngày xưa cô yêu màu tím Huế, cô thích tà áo dài thướt tha. Cũng đã một thời yêu đương, lãng mạn đủ kiểu, cô cố tìm bằng được một đối tượng hợp với tâm hồn đầy tính xã hội của mình. Nào dè, đối tượng cô chọn được lại là một anh chàng quanh năm rượu chè bài bạc. Sở dĩ cô biết anh chồng hư hỏng, sa đọa mà vẫn phải đèo bòng, vì cô hiểu chồng cô chỉ là một nạn nhân của chế độ cũ.
Trong bọn ngũ long của Huyền, Kim Trang là đứa độc mồm độc miệng nhất. Nhan sắc cô hiệu trưởng được nó mô tả thế này: Thời con gái, cô đâu có thua ai. Chỉ tại cuộc sống thời Mỹ Ngụy tàn nhẫn quá đã làm cô phải đau buồn, suy tư hơi nhiều. Bởi thế trán cô mới nhăn nhúm ra vậy. Lại nữa, phải sinh đẻ nhiều, tới bảy đứa con, những đường cong kiều diễm xưa làm gì chẳng tiêu ma. Chỗ không đáng teo thì teo, chỗ không đáng xệ thì xệ. Sinh con, đẻ cái, chế độ cũ thật bóc lột phụ nữ tới tận xương da. Cách mạng đến với cô, chỉ tiếc hơi trễ. Chưa yêu, khoan yêu. Lỡ yêu, khoan lấy. Lỡ lấy, khoan đẻ. Cách mạng sớm được mười năm, với cái khẩu hiệu "ba khoan" này, cô đâu đến nỗi. Cùng lắm chỉ một đứa. Mà một đứa thôi thì bọn bay phải biết: gái một con trông mòn con mắt.
Phượng Hồng ré lên cười. Kìm Trang chỉ Huyền:
- Cười gì. Nhớ hồi chị Thúy cầm giấy cảnh cáo con Huyền vào văn phòng, gọi "bà hiệu trưởng", bị cô giảng cho một chầu nên thân không.
Ðúng có chuyện đó. Chính chị Thúy kể với Huyền. Cô Tú rất ghét tiếng "bà". Cách mạng rồi. Không có bà này, bà nọ. Bà là tiếng tàn dư của Mỹ Ngụy, tiếng của bọn tư sản áp đặt để lăng nhục giai cấp vô sản. Cứ gọi tôi bằng cô hiệu trưởng là được rồi. Chính cô Tú đã giảng với chị Thúy như vậy.
Phượng Hồng là một, trong nhóm Ngũ Long. Phải kể từ đầu, bọn Huyền, trước giải phóng, học ở Nữ Vương Hòa Bình, có tám đứa tất cả. Mỗi lần thấy tám nhóc con điệu bộ, chị Thúy bịt mũi cười:
- Truyện tàu xưa có tám vị gọi là bát tiên. Tụi bây con nít thò lò mũi xanh cũng bày đặt. Tao đặt tên cho là bát quái tiểu yêu nữ.
Hồi đầu chưa nghĩ ra, cả bọn lấy làm khoái. Khi hiểu, giận chị Thúy bầm gan luôn. Giận hồi đó thôi, chứ hoàn cảnh bây giờ mà còn đủ bát quái tiểu yêu hay tiểu quỉ gì nữa thì cũng vui hết.
Tám đứa gồm Phượng Hồng, Sơn Trà, Kim Trang, Thuyền Nguyệt, Trọng Phước, Quí Anh, Ngọc Mai, cộng với Huyền nữa. Sau cuộc đổi đời, còn lại năm. Trọng Phước di tản, có tin đã định cư ở Mỹ với gia đình. Quí Anh lưu lạc đâu đó, mất tin tức. Ngọc Mai bỏ học từ ngày đầu. Ba Mai, thủy quân lục chiến, chìm với tàu từ cuộc di tản miền Trung. Mai quyết chí đi vượt biên nhiều lần không thoát. Lần nào được tha về cũng đi tìm gặp từng đứa bạn, kể toàn chuyện vượt biên hụt, bị bắt ra sao. Mới đây, lại chào từng đứa: "Lần này, hy vọng bảy chục phần trăm". "Có chắc bảy chục không? " "Ủa, thì chắc như bánh men vậy". Cười, chai lì. Con Trang nể bạn quá, nguyện ăn chay hai ngày cầu nguyện cho bạn.
Huyền và Kim Trang đồng cảnh ngộ, có ba cùng đi tù cải tạo. Gia đình Huyền ít người, mẹ Huyền lại tần tảo hơn. Tràng đông em, mẹ bệnh hoạn liên miên, cả nhà chỉ trông vào thùng thuốc lá đầu đường. Trang nói:
- Tự nhiên thùng thuốc lá mọc lên như nấm mùa mưa. Tại sao à? Thì tại người ta nguội ngắt hết trơn rồi, đốt tí lửa cho thấy mình còn chút khói.
A, con nhỏ này cũng có máu thi sĩ đấy chớ. Tụi Huyền bắt đầu cảm phục con Trang. Mà chưa đâu, còn nữa. Thùng thuốc lá của mẹ Trang gần một rạp chiếu bóng. Mấy chị em Trang có thêm nghề mới là bán vé chợ đen. Trang thích nghi với hoàn cảnh nhanh chóng. Ðụng độ đủ mọi giới, thượng vàng hạ cám, Trang ăn nói bạt mạng, cẩu thả. Chuyện gì tới miệng Trang cũng hóa ra bông đùa.
Sơn Trà, có nước da hơi nâu, mắt đẹp, ở với mẹ cùng hai anh. Cha và hai ông anh lớn di tản được. Mỗi lần Sơn Trà nhắc tới cha, tới anh đều hy vọng lớn lao. Ngược lại, Thuyền Nguyệt, mẹ đi chữa bệnh ở Nhật, trước năm 75, kẹt lại luôn. Thuyền Nguyệt ở với cha. Cảnh gà trống nuôi con này, lắm chuyện vui buồn cười chảy nước mắt. Mà cũng chưa lâm li bi đát bằng con bạn Phượng Hồng. Cái tên nghe rực rỡ là vậy, mà từ ngày ông bố cách mạng trở về, gia đình xum họp, con bé có hồi muốn phát điên vì cha mẹ chào xáo.
Hồi đó, có vở kịch đầu diễn trên ti vi, nói về anh đi cách mạng, chiến thắng trở về gặp lại vợ. Cảnh trên ti vi chiếu. Bà vợ mở cửa, đứng cách xa người về khoảng thước rưỡi. Người về, cố giữ khoảng cách đúng thước tấc, mở lớn mắt. Người vợ vẫn đứng: "Anh Tú, anh đấy ư?" Người chồng, như trả bài: "Vâng, anh đây." Người vợ: "Anh Tú, anh đã trở về." Người chồng: "Vâng, anh đây, anh đã trở về." Người vợ, chắc quên vở: "Anh Tú, anh đấy ư?" Người chồng: "Vâng, anh đây." Cứ anh đây, em đó. Con Phượng Hồng, cũng được gặp bố đúng mùa với màn kịch, đã bỏ tới nhà Huyền nằm một buổi. Ðang khóc, nhớ lại màn kịch trên ti vi, đối chiếu với màn kịch gia đình, nó lại cười lăn lộn.
Phượng Hồng có hai anh em. Anh chàng Tuấn mồm miệng tía lia, hơn nó bốn năm tuổi. Chả hiểu từ bao giờ, con nhỏ phát minh thêm cái trò mang ông anh ra ghép đôi cho Huyền. Cứ khi nào yếu thế, cần kê tủ đứng vô miệng Huyền, là nó lại vòng tay trước ngực, giả giọng Bắc kỳ ngoan ngoãn: "Vâng ạ. Thưa chị." Vậy là cả bọn phá ra cười, trong khi Huyền đỏ mặt lúng túng. Bọn Kim Trang, Thuyền Nguyệt đôi khi còn đánh hôi: "Bắt được quả tang nhé. Hôm qua, anh chị đá lông nheo với nhau." Hoặc: "Thấy chưa. Chàng mượn cớ đón em gái, thật ra là để xách honda lại cổng trường lấy le với nàng." Chẳng hiểu những lời trêu chọc này có đến tai không, mà anh chàng nhiều khi cứ nhìn Huyền cười cười, thấy bắt ghét.
Theo lời Phượng Hồng, anh chàng Tuấn còn là một diễn viên có hạng trong các màn kịch gia đình. Giữa lúc chén đĩa bay loảng xoảng, anh ta phá ra cười cay đắng á. Trong người con này, nửa bố là cộng sản, nữa má là quốc gia. Bố Má khỏi cắn đắng:
- Bố. Má. Trong người con này, nửa bố là cộng sản, nửa má là quốc gia. Bố Má khỏi cắn đắng nhau, nhìn con là đủ rồi.
Tức cười. Bố là để kêu người cha đi tập kết miền Bắc. Má là tiếng dành cho bà mẹ miền Nam. Phượng Hồng giải thích vậy. Tức thì Kim Trang chõ miệng vô:
- Còn Phượng Hồng, có chia đều hai thứ vậy không?
Sơn Trà tai quái hơn:
- Phải hỏi má nó mới biết được. Mày dám hỏi?
Chỉ mới đùa đến vậy. Nhưng sau lưng Phượng Hồng, bốn đứa còn khối điều thắc mắc. Nam Bắc chia cắt bao nhiêu năm. Vậy mà anh chàng Tuấn hăm mốt, Phượng Hồng mới mời bẩy. Trăng mới hơi méo có tí. Giải thích lý lịch có mòi hơi rắc rối. Ông tập kết, được đưa lại vào Nam, hoạt động trong bưng. Bà được móc nối, vô mật khu với chồng. Ra vô năm sáu năm, công tác giao liên đạt chỉ tiêu những hai cái bầu. Ðáng mặt nữ anh hùng thành đồng lắm chớ. Vậy mà chả hiểu sao, vù một cái, bà mang hết con cái lên Sàigon, dứt hẳn. Cho tới bây giờ, ông chồng trở về, chiến tranh quốc cộng vẫn tiếp diễn trong nhà.
Chẳng đứa nào dám truy Phượng Hồng những điều ấy, nhưng Kim Trang có lần ghé tai Huyền thì thầm:
- Tao biết rồi. Ông bà già con Phượng Hồng, tình tiết lâm ly lắm nghe.
- Sao mày biết?
- Vậy mới số dách. Mày biết, má con Phượng Hồng là gái Bến Tre. Hồi trẻ bả đẹp hết chê, nghe. Ông già nó xạo. Ở đó mà tập kết. Ông ta được gài lại nằm vùng móc nối kinh tài cho Việt Cộng. Tiền nhiều lắm nghe. Má con Hồng đâu biết gì, mê. Nhà má nó, hai ba ông anh sĩ quan. Có người còn đang học tập cải tạo nữa.
Ðó, nhóm Ngũ Long của Huyền. Ngũ Long thôi, không dám dùng chữ công chúa. Cả bọn đều trong tuổi đang lớn. Hình dáng, mặt mũi chưa ra thể thống gì. Đứa nào cũng gầy nhom, đại diện tăm tre hai miền Nam Bắc. Nhất là hai năm mới đây, ăn độn khoai mì, bo bo dài dài, thật khó lớn nổi. Chỉ có con Phượng Hồng, có ba cán bộ cao cấp, khá. Thỉnh thoảng, nó xén được ít bơ Liên Xô, ông được phát theo tiêu chuẩn, chia cho mỗi đứa một ít, quét vào mẩu bánh mì là biến tiệt. Lúc đầu, con Trang dở giọng cay chua, nhưng rồi Phượng Hồng riễu vô tội vạ:
- Kệ, tụi bây phải lấy làm hãnh diện, có con bạn như tao, dính một ông bô hơi hám Cách Mạng, mình mới có chút bơ Liên Xô mà liếm. Bơ Liên Xô hiếm lắm. Không có nhiều như bơ Mỹ đâu. Cứ nếm cho biết mùi bơ sữa cộng sản.
Thế là cả bọn vui vẻ tâm thành sực.
Gặp nhau, năm đứa phải ồn ào, phá phách. Tại sao à? Tại trong những mái ấm gia đình đã đổi thay, mái nào cũng hụt hẫng, cũng có niềm riêng. Ðứa nào cũng than thở: Về nhà, sao buồn quá.
Về nhà buồn, trường học cũng đầy rẫy mâu thuẫn. Ngay trong lớp học của Huyền đó, nam nữ lẫn lộn mà chia ra nhiều cánh, nhiều nhóm. Nhóm này ghét bỏ, nghi kỵ nhóm kia. Sau một hai năm, các lớp học đã xen kẽ biết bao khuôn mặt mới. Tiếng Bắc Kỳ chính hiệu. Con cái giai cấp mới. Dù sao bọn học sinh trong Nam vẫn đông hơn, và các anh mới dần dà cũng đồng hóa ít nhiều.
Như trong lớp Huyền, có Huỳnh Anh học giỏi nhất. Huỳnh Anh mồ côi cha, còn mẹ, và một đàn em bốn đứa, đứa nhỏ nhất, năm nay học lớp hai. Huỳnh Anh hay khoe có một ông cậu ruột, học lái phi cơ, đang ở Mỹ, đang cố bắt liên lạc. Lời này đến tai cô hiệu trưởng, đã một lần cô gọi Huỳnh Anh lên văn phòng rầy, rồi dọa: Em muốn được đi thi không? Em phải nhớ, trong chế độ này, phải đoạn tuyệt với những phần tử có nợ máu cũ.
Huỳnh Anh thẳng thắn:
- Thưa cô, nhưng ba em chết vì trúng pháo kích. Làm sao em xóa được lý lịch ba em là lính Cộng Hòa. Còn cậu em, đi tu nghiệp ở bên Mỹ kẹt lại, ai cũng biết. Sở dĩ em khoe luôn là vì em tức thằng Ngọc. Nó dọa em mày có lý lịch không tốt, cậu mày là giặc lái, lại ở Mỹ, mày đừng đi học uổng công.
Cô hiệu trưởng quắc mắt:
- Ðể cô sẽ gọi thằng Ngọc lên bắt nó kiểm điểm. Nó xuyên tạc chánh sách giống bọn phản động. Với Cách Mạng, tội ai làm nấy chịu. Làm gì có chuyện thi cử lý lịch. Em đừng nghe những lời tuyên truyền của bọn phản động đầu độc trẻ con thơ ngây.
Thằng Ngọc, sau đó cũng bị gọi lên văn phòng. Xuống tới lớp, nó xổ giọng Nghệ tĩnh rặt:
- Ông cóc sợ, con mẹ đó còn lâu mới đuổi được tớ. Biết ông già tớ làm trên sở là teo bu di ngay. Nghe tớ trình làng lý lịch là hạ giọng, ngon ngọt như đường cát, mát như đường phèn, trong hột sen ngoài thoa dầu quế.
Huỳnh Anh, hai năm liền, vẫn đứng đầu, thằng Ngọc vẫn đội sổ. Dĩ nhiên, Ngọc vẫn phải lên lớp. Chuyện dễ hiểu quá, mỗi kỳ được mua thực phẩm hay đồ tiêu dùng, như tiêu chuẩn hai thầy giáo, ba cô giáo được mua chung một cái mùng, thì cô hiệu trưởng được phiếu mua riêng một cái.
Tụi học trò kháo nhau chuyện các thầy cô được cấp phiếu mua, như chuyện dài hài hước, và cười quên thôi.
- Cô giáo Năm với thầy Bân, thầy Tám được phiếu mua hai cái quần xà lỏn.
- Thì họ chia phiên nhau, cứ một cái mỗi người mặc một ngày.
- Vậy sao? Còn thầy Mẫn, cô Hạnh, cô Xuyến được chung một phiếu, một cái mùng.
- Không được mua chăn đắp?
- Chỉ mùng thôi.
- Phẻ rồi, thầy Mẫn nằm giữa, khỏi cần chăn đắp.
- Tháng rồi, cô Năm với thầy Mẫn đổi nhau mấy thước vải, tụi bây biết không?
- Sao phải đổi?
- Tao nghe cô Năm nói cổ được phiếu mua vải may quần, trong phiếu đề được hai thước, khổ tám tấc. Ðến khi tới cửa hàng, được bán cho một thước màu vàng, một thước màu đỏ. Cần quần đi dạy, cô đâu dám may, may một ống đỏ, một ống vàng là đi tù như chơi.
- Tao hiểu rồi, vải may cờ còn lại khúc, cửa hàng đem bán cho cán bộ công nhân viên.
Kim Trang phê:
- Tao như cô Năm, tao may mặc tới hạt sen hết, việc gì mà đổi. Tại cửa hàng bán như thế thì may như thế.
- Con Trang, mày đúng là thầy chạy, bác sĩ chê. Dám đem vải cờ may quần không? Ở tù mút mùa lệ thủy nghe con.
Con Trang nói bậy thêm:
- Hèn chi, mấy hôm nay thấy mặt thầy Mẫn phởn phê. Ba người mua được cái mùng, thầy Mẫn nằm giữa sướng rên!
Trang nói đủ giọng lề đường, riết rồi cả bọn nghe cũng quen. Như mới đây, trong giờ ra chơi, thấy cô hiệu trưởng đi qua, Trang hát ư ử trong miệng:
... Cô Tú ơi
Từ nay thôi hết ra oai
Từ nay thôi mất cái đuôi...
Cứ cái ba bửa của Trang, mà nhóm Ngũ Long, thỉnh thoảng cũng bị dán tên lên bảng phong thần. Đã một lần, cô hiệu trưởng lôi Huyền lên, cảnh cáo chung trong nhóm năm đứa bị gọi là học sinh cá biệt. Cũng lâu rồi, vết thương đã thành sẹo trong lòng Huyền. Từ chuyện cá biệt, sau khi đã kiểm điểm, mổ xẻ te tua, cô sang phần lý lịch:
- Em có khai man không? Ba em chỉ Trung úy thôi à. Khai vậy để khỏi bị đưa ra Bắc phải không? Ba em Trung úy mà mẹ em diện như một bà tướng bà tá. Em vẫn không thành thật.
Không biết cô đã nhìn thấy mẹ Huyền lúc nào? Từ sau ngày giải phóng, bất cứ các công chuyện phường khóm, nhà trường, họp phụ huynh, mẹ cũng để chị Thúy đi thay. Mẹ Huyền mới trên bốn chục, tóc đã muối tiêu từ bao giờ. Bà không còn thì giờ nào ngoài việc tần tảo, chạy hàng, mua bán. Gần nửa năm nay, mẹ Huyền lại còn đi buôn đường xa, có chuyến đi cả tuần lễ, về tới nhà là mệt đừ với hàng hóa. Nhìn hình mẹ chụp chung ngày có ba bên cạnh, tới hình ảnh mẹ bây giờ, Huyền không tưởng tượng nổi. Không phấn son, không để ý tới đầu tóc, mẹ già xọp hẳn đi. Chị em Huyền thường ôn lại vẻ hiền thục, dịu dàng của mẹ hồi đó.Áo bà ba, quần đen giản dị, lối trang sức của mẹ từ mấy năm nay. Trong tủ áo, mẹ còn cả chục chiếc áo dài, vài chục bộ đủ các kiểu để mặc dự những lễ lạc thời cũ. Mẹ không hề đụng tới, cũng không hề đem bán. Lạ quá, trong nhà, đồ đạc đã bán gần như sạch sẽ, chỉ để lại có một tủ áo, mà cũng chẳng bao giờ mặc. Mỗi lần mở ra ngắm nghía, mẹ đều có tiếng thở dài:
- Tất cả, ba sắm cho mẹ.
Cô hiệu trưởng đã nói một chuyện sai, cô còn sai tiếp nữa:
Lối sống như thế, hẳn nhà em còn nhiều vàng để dành. Phải vài ba chục năm, nhà em ngồi không cũng không ăn hết vàng đâu.
- Mẹ em phải đi buôn bán để nuôi ba em đi cải tạo, và chúng em.
- Hơ. Mấy bà bày vẽ chuyện ra cho có. Ngày trước mấy bà chỉ ngồi không có người chuốt móng tay, sơn móng chân. Ngồi chỉ tay năm ngón, cả chục thằng lính hầu. Có buôn bán là bán hột xoàn, bán vàng, những thứ nhà nước ta cấm.
- Cô cho em biết, đây là trường học hay đồn công an?
Nói xong, Huyền đứng dậy đem bộ mặt ma quỷ về lớp, chờ đợi một lần gọi lên để cầm giấy đuổi học. Nhưng một tuần, hai tuần trôi qua, lạ chưa, chẳng thấy gì. Những con cáo cái đều có một chút lương tâm chăng? Ðâu phải vậy. Mẹ Huyền được giấy mời tới trường. Bà thương con, năn nỉ, nhưng năn nỉ cũng không bằng biết cách. Hai thước vải trắng may áo và một cái quần xoa Pháp đen. Phải lùng kỹ lắm mới tìm mua được thứ vải hiếm có này. Thu xếp gọn, bà càu nhàu:
- Hơn thua chi một tiếng mà con không nhịn. Rõ là không biết thương mẹ xót cha.
Thương mẹ, xót cha. Trời ơi, Huyền thường biết mấy. Cảnh ba lao tù cải tạo, thân đày ải nơi rừng sâu nước độc. Cái địa ngục rõ ràng trên trần gian đó, có phải Huyền chưa nhìn thấy đâu? Hồi mới giải phóng, Huyền 13 tuổi, mắt chưa đủ lớn để nhìn, nhưng hiểu thì đã hiểu quá. Huyền nhớ ngày rằm tháng bảy năm đầu. Dân Sài gòn hồi đó đang còn kinh hoàng bởi những trại tập trung mọc lên khắp nơi, tin tức bắt bớ, thủ tiêu, tin đổi tiền. Tin này chưa yên đã ào ào tin tiếp. Lại vụ rằm tháng bảy cúng cô hồn. Mỗi nhà một mâm, nhà nào còn sức thì có con gà, nhà nào đã cạn thì bánh tráng, bắp, mía, khoai lang, đậu phong luộc. Cùng trong một ngày, nhang khói, đèn cày mù mịt phố xá. Con Trang lại thì thầm kháo chuyện.
- Mệt ơi là mệt. Bà già tao bán đến cái quần xoa pháp cuối cùng rồi, cũng bày đặt cúng cô hồn. Bà bảo mấy bà bạn nói năm nay buộc phải cúng đàng hoàng, vì người xưa đã tiên tri rồi. Cứ tháng bảy là cúng cô hồn các Ðảng. Tới bây giờ mới nghiệm vào lời tiên tri nên người ta cúng dữ quá. Rồi nó ghé tai Huyền bỏ nhỏ:
- Các đảng đây là Ðảng Cộng Sản đấy. Nhà mày có cúng không, cúng các Ðảng đi thì mấy ông già sẽ được thả về sớm.
Làm thế nào được. Mãi cho tới nay, cứ mỗi lần đi họp phường khóm về, nghe giải thích sao đó về chính sách, chủ trương, đường lối nhà nước, là mẹ Huyền lại thấy leo lét vài hy vọng. Bà bảo chị em Huyền:
- Cán bộ nói rằng, việc người cải tạo về sớm hay muộn, cũng có một phần lớn ở thái độ gia đình, có chấp hành nghiêm chỉnh ở địa phương không, có công tác địa phương tích cực không. Nghe đó mà giữ mồm giữ miệng, khổ lắm, nhất là cái miệng của con Thúy. Chúng mày có muốn ba bây về sớm không?
Tội nghiệp mẹ. Mẹ muốn ôm cái đau, cái khổ, cái hậm hực một mình. Còn bọn Huyền là con nít. Con nít thì không được quyền đau, quyền nhục. Chỉ có chị Thúy, nghe chuyện cô hiệu trưởng hạch xách Huyền, chị nóng nảy:
- Nếu là con, chưa chắc con nói nhẹ như con Huyền. Tới đâu thì tới chứ.
- Tới đâu nữa. Chưa đủ sao con ơi.
- Mà mẹ cho con mụ làm gì nhiều thứ quá vậy. Ăn quen rồi đòi hoài cho mà coi. Ðể con tới con hỏi con mụ... cái đồ ba mươi tháng tư....
- Mẹ lạy con, Thúy ơi. Con thương ba con đang tù tội. Con có muốn ba con sống sót mà trở về không nào?
Chị Thúy bấu hai tay vào đầu tóc. Tóc chị xổ tung:
- Con chỉ muốn đi. Con không thể ở lại... không thể. Con Huyền không học thì nghỉ, làm gì mà...
- Nghỉ sao được. Ði lao động, đi thủy lợi. Con đã nếm mùi thủy lợi rồi. Con không thương em sao?
Mùi thủy lợi chị Thúy đã lãnh đủ, lãnh kỹ tới độ nhập vào tim phổi, dạ dày, ho ra cả hơn năm nay chưa hết. Ho tới viêm phổi. Ho gần tiêu cả số tiền dành dụm của mẹ. Thuốc thang hiếm hoi, chị Thúy lại vừa chữa bệnh vừa nuôi bệnh. Nhờ cuốn sổ cấp thuốc của bệnh viện Hồng Bàng, mà gần năm nay, chị mới tạm thoát được thủy lợi.
- Thôi, thà bệnh lao mà chết, còn hơn phải rơi lại vô cái địa ngục khủng khiếp ấy. Nhắc tới nó, tao còn nổi gai ốc.
Chị hay than thở vậy với chị Xuân, bạn thân nhất của chị. Chị Xuân, mới giải phóng xong, dựng một quầy bán cà phê ở khu trường luật. Hết vốn, bán bánh cuốn. Hết bánh cuốn, quay qua bán bún riêu. Ðến lúc phải dọn dẹp sạch sẽ đường phố, chị Xuân chạy hàng, mua lại nhu yếu phẩm của mấy anh bộ đội, cán bộ công nhân viên. Chị Xuân gánh một gia đình đông vui, bà cố, bà nội, hai ông anh đi học tập và một bầy cháu tính sơ sơ cũng cả tiểu đội. Chị Xuân lại có bà con gần với anh Tâm, hôn phu của chị Thúy. Hai anh chị đã có một lễ hỏi từ lâu. Nhưng cứ lần lữa mãi. Mối tình, tới giờ vẫn không tan, nhưng tiến cũng không tiến. Anh Tâm thì nhấp nhỏm muốn vượt biên. Chị Thúy nhiều lần, đặt chén cơm xuống ngay giữa bữa ăn, khóc như mưa: "Con muốn đi, con không muốn ở đây nữa." Những lời đó, dội vào mẹ, như dội vào một bức tường. "Con không nhớ tới hai lá phổi của con à? Con phải khỏe lại cái đã."
Chuyện thu xếp gọn gàng của mẹ cũng giúp được Huyền yên ở nhà trường, yên luôn cho nhóm Ngũ Long. Hy vọng sẽ yên luôn sóng gió, nếu nay mai tin cô hiệu trưởng bay khỏi trường là đúng.
Cô chưa bay, nhưng sóng gió thì vẫn còn dồn dập. Nạn nhân lần này lại là cô giáo Hiền. Ðúng như tên gọi, cô Hiền không đẹp, nhưng dễ thương dịu dàng. Không hiểu sao cô lại thành địch thủ của cô hiệu trưởng.
Tin nhận được đầu tiên là do Huỳnh Anh:
- Biết chuyện cô hiệu trưởng hại cô Hiền chưa?
Trang nhảy vào vòng:
- Biết quá. Sao không?
Nó kéo cả nhóm ra góc sân:
- Ra đây để tránh bọn ăng ten học đường. Ê, xin lỗi bồ nhé bồ trống trải qua, bụi tre có lỗ tai đó nghe.
Nó nháy mắt với Huỳnh Anh. Sơn Trà nóng nẩy:
- Chuyện ra sao. Kể lẹ đi, sốt ruột thấy mẹ.
- Sáng thứ sáu mới rồi nè. Họp hội đồng chắc nghĩ mọi người đều biết tỏng việc mụ sắp "mất dạy", mụ đắng cay, dọa dẫm lung tung. Rồi tự nhiên mụ xách cô Hiền ra làm một màn đấu tố tưng bừng tại chỗ. Mụ nói có người tố cô Hiền khai man lý lịch. Gia đình, cá nhân còn nhiều bí ẩn chưa thành thật khai báo. Mụ đặt ra nào cô Hiền có anh Ðại Úy trốn học tập. Có người yêu đang cải tạo. Bố cô Hiền trước đây làm việt gian, bị cách mạng giết...
- Hơ, bậy. Bố cô bị giết hồi nào. Tháng trước, ông cụ dưới quê vừa mới lên thăm, còn mang lên cho cô chục ký gạo, một gói khô sặc. Ông cụ chửi tùm lum, nói đem có mười ký gạo lên cho con, nghe nói trên này khan hiếm, mà ông cụ dấu gần đứt hơi, qua mấy trạm kiểm soát, hồi hộp tim muốn bung ra khỏi lồng ngực.
- Mười ký gạo mà nhằm nhò gì. Ông già tao đi công tác vác về cả hai ba bao.
- Nói như thiệt. Ổng là cán bộ, ổng đi xe cơ quan ai kiểm tra. Ba cô Hiền nói có người đem có năm ký, gặp thuế vụ, lạy chết cha chết mẹ nó cũng cứ tịch thu.
- Dẹp chuyện gạo đi. Nghe thấy đói. Tiếp vụ cô Hiền nè. Con mụ lôi ra hổng biết bao nhiêu chuyện. Cứ lâm li như trong cải lương hồ quảng, mụ nói mụ có bằng chứng là cô Hiền đã đến xin giấy đi đường ở địa phương. Giấy đi đường thì chỉ có hai trường hợp xử dụng. Một là đi thăm nuôi cải tạo. Hai là đi về các vùng biển, các vùng cao nguyên. Mà đi tới đây chỉ là để vượt biên.
- Ác độc. Cô Hiền ai cũng mến, không hại ai bao giờ mà.
- Hơ, bộ cô không hại ai rồi cấm người khác hại cô há? Vô duyên. Chỉ có cổ hiền lành, chớ chọc vào ông thầy Tám thử coi. Thầy Tám một cây thuộc lòng đủ loại khẩu hiệu còn ngọt xớt hơn cán bộ Bắc nữa. Ổng mà nói về đường lối, chính sách thì cứ cười bò ra. Ổng đem chuyện này kể cả trường mới biết, chớ có thầy cô nào dám hé răng đâu. Mà lối nói của thầy Tám thì con mụ hết đường bắt bẻ, thêm thanh tỏi, hành ớt sả muối...
Trang ngừng lại cười, rồi tiếp:
- Tụi mày có nghe được không? Con mụ sau khi đấu tố tưng bừng còn dọa trình lên sở, lên bộ để các cấp lãnh đạo xét, và sẽ có biện pháp đích đáng xử lý. Nghe kể lại thôi mà tao... thiệt tức quá là tức. Tao muốn mắc...
Lối ăn nói của Trang vậy đó. Thuyền Nguyệt nhăn mặt. Lạ chưa, mỗi lần nhìn thấy vẻ nhăn mặt của Thuyền Nguyệt là Huyền thấy có phảng phất thêm nét buồn bã, đau đớn. Con bé bạn thân của Huyền, mới bắt đầu lớn đã xa mẹ. Ở với cha, cũng như ở một mình.
Lần nào tới thăm bạn, Huyền cũng thấy Thuyền Nguyệt lủi thủi dọn dẹp. Cái bãi chiến trường ông bố để lại sau cuộc chén chú chén anh ngổn ngang, bê bết. Trong năm đứa Thuyền Nguyệt đẹp nhất. Vậy mà, cứ nhăn mặt hoài. Mỗi lần nhăn, mặt nó như già đi, hết cái vẻ ngây thơ mới lớn. Chẳng bù với Trang, lăn xả vào cuộc đời, bon chen, tranh đấu, nhưng lại có một nụ cười thật trẻ thơ. Ðen đùa, chua chát, nhưng khi Trang cười, nụ cười như xóa nhẵn hết u uất, nặng nhọc, bất mãn.
Và đó sau cái nhăn mặt của Thuyền Nguyệt, Trang toét miệng cười:
- Cái gì mà nhăn, hở bà má Hậu Giang. Con nói thiệt với má, con nghe bả nói con đã mắc... thiệt. Nói láo hồi nào đâu. Cứ điệu này, sở Công An thành phố đến thất nghiệp vì con mụ thôi.
Sở Công An thành phố, lọt vô miệng con nhỏ cũng vui vẻ, nhẹ hều. Phượng Hồng đấm vào vai Trang:
- Ðừng có đem cái hang hùm đó ra mà nói. Nó linh thấy bà mày ơi.
- Linh thiêng gì tụi bây. Ðồng ý cái sở Công An thành phố thì thỉnh thoảng cũng linh tí ti, chớ cá nhân từng thằng công an thì... Tụi bây biết không, má tao bán thuốc lá trước đây, bị rượt ôm thùng thuốc chạy hoài. Ðôi khi, còn bị bắt về đồn, bị giáo dục đủ thứ, rồi năn nỉ, tự kiểm, đóng phạt. Hồi đó bả chưa biết cách. Bây giờ biết khỏe ru. Biết cúng kiến đúng lúc, đúng chỗ. Hơ...
Nó bỗng ôm bụng rũ ra cười làm cả bọn hồi hộp chờ đợi:
- Gì mà cười nữa, bà?
Hơ... Cười chết được. Hơ... hơ... Có hôm một thằng tới, đứng ngó ngó:
- Ê, thùng thuốc này bán đồ ngoại không hả? Má tao nó đâu có, bao không bày cho đẹp thưa cán bộ.
- Bao không nhưng ai hỏi thì lôi hàng dấu dưới đáy đưa lên hả? Biết mấy bà quá mà.
- Trời ơi, vốn liếng đâu mà bán thuốc lá ngoại, chú. Hắn cười cười:
- Cha chú gì bà ơi, bỏ cái giọng phong kiến đó đi. Công an là đầy tớ nhân dân. Chị là nhân dân, tụi tui là đầy tớ của chị. Bà già chưa kịp khoái thì nó hỏi:
- Có diêm quẹt không? Bả ngây thơ, lẹ tay đưa hộp diêm. Thằng đầy tớ nạt:
- Diêm để đốt thùng.thuốc của chị à? Phải đem thùng thuốc này về đồn công an thôi.
Ðến vậy má tao mới hiểu, lấy ra năm điếu ba số, thứ oanh tạc, thằng đầy tớ cất liền cái mặt ác ôn, cười vui vẻ. Hồi đầu, má tao chưa biết phép cúng kiến, bả hà tiện đưa thuốc Hoa Mai ra, cả bao cũng bị chúng nạt nộ bảo đem cho mấy thằng tù cải tạo hút. Bây giờ chúng nó có nhiều hút đã rồi, lấy thuốc lá lẻ hút, còn nguyên bao thì ép bán cho mấy bà bán thuốc lá. Mua của tụi nó, sau đó dấu không khéo, chúng nó cũng mách nhau, tới kiểm tra thuốc lá ngoại, thu luôn.
Cứ thế. Chuyện nó xọ chuyện kia. Dạo này bọn Huyền chuyện trò không đầu không đuôi gì nữa. Ở trường, cô thầy ngơ ngác, lo âu về những họp hành, kiểm thảo, đấu tố, sinh kế. Học sinh thì vất vả với kế hoạch nhỏ. Kế hoạch nhỏ xén bớt tiền ăn sáng mỗi ngày mấy đồng. Kế hoạch nhỏ còn thu luôn hết cả giấy vụn, giấy dơ từng nhà, gom luôn cả chai lọ, từng viên gạch, miếng ngói khi trường cần tu sửa. Nhưng đôi lúc, bọn Huyền cũng còn mấy phút huy hoàng. Nhưng món bở này đều do từ phía Phượng Hồng, hoặc Trang. Con nhỏ thường có các vụ mánh mung vé chợ đen. Hôm nào gom được số giấy mời dành cho cán bộ cao cấp là khá bở. Số vé này, ai cũng thích vì được ngồi chỗ tốt, và khi thu hoạch thì Trang đỡ một phần chi phí từ trưởng đoàn tới chị bán vé. Số tiền góp hàng ngày cho mẹ có dư. Cả bọn kéo nhau về phía chợ Tân Ðịnh ăn chè. Thật chẳng bao giờ ăn đã một bữa chè. Món tiền nhỏ thôi, nhưng lúc nào cũng phải có đủ mặt năm đứa. Mà chè thì hỡi ôi, đậu nấu với đường đen. Hai phần đường, một phần muối. Chỉ có bà hàng chè là hài lòng với nhóm Ngũ Long này. Nhóm mà chiếu cố thì ly muỗng khỏi tốn nước rửa, chỉ cần khăn lau xoẹt qua, như chớp, là đã múc được chén khác cho người kế tiếp.
Rách tả tơi. Vẫn còn may, mỗi đứa còn chiếc xe đạp, dù cũ, vẫn là tư sản của mình. Năm con ngựa què, Trang đặt tên, buổi tan trường nào cũng long nhong trên đường phố. Con Trang luôn luôn ì ạch. Chiếc xe của nó tàn tạ nhất lại lủng củng đủ các thứ khóa, dây xích máng phía sau.
- Cho ăn chắc.
Trang trả lời, khi Phượng Hồng chế riễu.
Lúc này, cả bọn đang băng băng qua một tiệm thuốc tây. Một cái bảng lớn choán hết một phần cửa với hàng chữ: "Coi chừng mất xe đạp. Có khóa vẫn mất."
- Còn lâu mới tới phiên tao. Bốn chiếc tụi bây vẫn tốt hơn. Con ngựa của tao sắp què cả hai chân rồi.
- Thôi mày ơi. Ráng sửa con ngựa sắt lại tí coi. Giáng Sinh sắp tới, rồi Tết nhất, để vậy trông cả nó lẫn mày đều sầu thảm quá.
- Hông. Ðể chúa biết tao nghèo. Ổng thương.
Trang rướn người đạp cho kịp đám bạn. Nhưng rồi chính nó tụt lại phía sau. Nó nhảy xuống xe. Cả bọn ngoái cổ nhìn, dừng xe lại.
- Sự cố kỹ thuật hả, Trang?
- Ừ, con ngựa của tao yếu quá. Ðói quá, tuột bộ lòng rồi.
Xe Trang tuột xích. Nó lui cui sửa.
- Có cần phụ tá không?
- Không, tao sửa được.
Chỉ thoáng một cái, Trang đã sửa xong. Nó ngồi lên xe:
- Xong. Tiếp tục.
Tiếp tục gì đâu. Nơi đây là nhà thờ Ðức Bà. Buổi học nào, buổi hẹn nào, hễ bọn ngũ long cỡi ngựa đến đây là chia tay. Cả bọn nhìn nhau, nháy mắt, hẹn gặp lại. Trang đưa tay vẫy vẫy. Rồi cả năm đứa cùng vẫy nhau. Vẫy chào luôn tượng đức mẹ Maria trắng toát đứng giữa bãi cỏ. Lúc nào bà cũng nhìn theo chúng. Dịu dàng. Êm ái.
Bà mẹ trắng toát. Bà sẽ không quên chúng đâu. Như bọn chúng sẽ mãi mãi nhớ tới bà, sau này. Khi ở cuối mỗi ngã rẽ, mơ mộng và giông tố, khao khát và điên rồ, chia lìa và chết chóc, đang rình rập từng đứa.
Chương 1
Tiến >>
Đánh máy: Thanh Vân
Nguồn: NXB THƯƠNG YÊU 1989 - vanchuongViet
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 8 tháng 4 năm 2020