Chủ nhà hé mở cánh cổng sắt. Khách là một người đàn ông cao lớn, trầm lặng, khắc khổ.
- Tôi đi học tập cải tạo mới về và đây là nhà của tôi. Ông có thể cho tôi vào được không?
Khách bước vô, đứng trong sân.
- Hình như ở đây có nhiều người ở?
- Năm hộ. Có phải ông là ông Trường Thịnh không?
- Phải.
- Chắc ông đã biết chuyện không hay xảy ra cho bà nhà và mấy cháu?
- Tôi đã biết. Nhưng tôi không còn chỗ nào khác để trở về nên tôi phải đến đây.
- Tôi hiểu ông. Nhưng biết nói sao với ông bây giờ. Chúng tôi cũng chỉ là những viên chức nghèo được nhà nước cho đến đây ở. Hai chục con người của bốn gia đình. Biết giải quyết thế nào? Sao ông không đến gặp phường xem họ giải quyết ra sao?
Khách cầm lấy cái mũ mềm, sửa lại quai dép râu, phủi con kiến vàng đang chạy trên bàn chân. Trong lúc chờ đợi chủ nhà mở cổng, ông quay lại, ngước nhìn lên lầu một lần nữa, muốn hình dung lại khuôn mặt mấy đứa con vẫn thường hay đùa giỡn nơi cái ban công rộng, nhưng ông chạm phải cả chục cái mặt người xa lạ với rất nhiều cặp mắt đang chòng chọc nhìn ngắm ông đầy vẻ nghi ngờ.
°
Khách bước vô cửa, không chào, không nói, thong thả kéo cái ghế và ngồi xuống trước mặt chủ nhà.
- Tôi từ cõi chết trở về đây. Khách nói.
Lúc ấy chủ, khách mới nhận ra nhau.
Họ ôm lấy nhau.
- Hồi tối này tôi ngủ đằng phường. Nhà tôi người khác ở rồi.
- Tôi biết. Chính tôi đã viết thư cho anh mà. Anh có nhận được cái thư ấy không?
- Có. Cám ơn anh chị rất nhiều mặc dầu cái thư ấy làm tôi đau khổ vô cùng. Bây giờ thì tôi thực sự mất hết. Vợ con, nhà cửa, của cải. Không còn gì cả.
- Nhưng đáng lẽ chính quyền phải trả lại nhà cho anh chớ?
- Ở phường họ nói sẽ thu xếp cho tôi một chỗ ở khác.
Khách lại hỏi:
- Lúc xảy ra án mạng anh có đến nhà tôi không?
- Sáng hôm đó đọc xong bản tin trên tờ báo hàng ngày tôi rụng rời, lấy xe đến ngay nhà anh. Tuy án mạng xảy ra ngày hôm trước nhưng đến giờ ấy công chúng vẫn còn bu quanh, trẻ con đu lên bờ tường dòm vô trong nhà. Tôi cố len vào trong sân nhưng công an đã ngăn lại.
- Dường như người ta đã bắt được thủ phạm rất sớm?
- Chỉ một tuần lễ. Ba tháng sau đem xử bắn ở Thủ Ðức.
Khách hớp một ngụm trà, mắt mở nhưng không nhìn vào cái gì rõ rệt. Chủ nhà bảo vợ đi mua mấy chai bia.
- Ðộ rày anh làm ăn ra sao? Khách hỏi.
- Tôi có cái rẫy ở Gia Kiệm. Nghề bán thuốc Tây bỏ rồi.
Người đàn bà đem bia về. Chủ nhà nói:
- Dẫu sao anh đã về đây là mừng lắm rồi. Uống cạn ly này để mừng anh em mình gặp lại nhau.
Họ nâng ly và uống cạn. Chủ nhà lại hỏi:
- Bây giờ anh tính sao?
- Tôi cũng chưa biết tính sao. Trước hết là đi thăm tất cả bạn bè rồi sau mới tính. Nhà máy cưa của Ðại Hưng thế nào rồi?
- Công tư hợp doanh. Nhưng tay đó lanh. Sống được.
- Còn Ðạt Tín?
Chủ nhà ngẫm nghĩ:
- A, tay đại tá về hưu chớ gì?
- Ừ. Thằng chả là pilote.
- Ði rồi.
Khách với lấy cái túi vải, lục tìm trong các thứ đồ vật lỉnh kỉnh của mình một lúc rồi lôi ra cái tẩu bằng gốc tre lên nước láng bóng. Ông nhồi thuốc rê vào đó và châm lửa.
Ông lật ngửa hai bàn tay to lớn và chai cứng của mình để trên mặt bàn. Chủ nhà nhìn hai bàn tay ấy rồi nhìn lên tóc bạn. Mái tóc đã bạc quá nửa nhưng được cắt gọn ghẽ, chải ngược ra sau.
Chủ nhà nói:
- Trông anh già quá. Anh Thịnh à.
Khách chỉ cười:
- Thôi uống cạn đi, rồi ta đi thăm mấy người bạn nữa. Hồi sáng sớm ngồi uống cà phê góc đường gặp Huỳnh Dũng. Nó mừng quá trời. Nhớ Huỳnh Dũng không, cầu thủ bóng đá.
- Nhớ.
- Ðang quậy cà phê bổng nghe gọi: "Tam Lang 2". Ðúng biệt hiệu của mình, quay lại thấy nó. Vẫn trẻ măng. Nó ôm hun, rờ rẫm mình mẩy. Cuối cùng nó nói có chuyện phải đi gấp, nó hẹn chiều nay lại nhà chơi, nó sẽ tập họp cả lô bạn cũ.
Chủ nhà đi thay quần áo, dẫn chiếc Cub 70 ra cửa.
- Còn sớm mà. Ðể tôi đưa anh đi vòng vòng coi phố xá. Anh về đây có tụi tui, đừng lo.
Ông Thịnh im lặng. Ông không lo, vì đối với một người đã từng ném tiền qua cửa sổ như ông thì vấn đề đời sống chẳng có gì phải bận tâm. Nhưng ông buồn.
Bạn bè ông vẫn còn nhiều người rất giàu. Họ đón ông bằng những tiếng sâm banh nổ lốp bốp. Ông thì nhếch nhác như một người thợ rừng. Quần áo bằng vải thô bạc màu, chân đi dép râu, da sạm nắng. Giữa cuộc vui với bạn bè thỉnh thoảng ông chựng lại, nỗi chua xót quặn thắt trong tim ông và cái cảm giác cô đơn lại tách ông ra khỏi những tiếng cười nói, những lời chúc tụng.
- Này Tam Lang 2, vẫn chưa quên nghề cầu thủ chớ?
- Quên sao được. Ở trong trại đôi khi cũng có đá bóng. Và tôi đã làm người ta ngạc nhiên lắm.
- Hôm nào anh em mình phải đụng thử một trận để nhớ lại thời vàng son.
- Sẵn sàng. Ông nói và nở một nụ cười nhưng lòng ông nguội lạnh. Có một ngọn lửa nào đó đã tắt ngấm, đã hoang tàn trong tâm hồn ông như đám tro than lạnh tanh giữa hoàng hôn. Ông vẫn không thoát ra khỏi sự ảm đạm, dù rượu cứ nốc liên tục, dù quanh ông hiện giờ có bạn bè đông đủ.
Lúc ở trong trại, công việc và những gian khổ đã làm ông quên đi thảm kịch của mình nhưng bây giờ trở lại thành phố thì sự ám ảnh về cái chết của những đứa con cứ đeo đẳng ông không rời. Ông ngủ chập chờn mà thức cũng chập chờn, lúc ăn lúc nói chuyện, lúc đi ngoài phố cứ lơ lửng, ngơ ngác.
Nhà của người bạn khá rộng, có cái sân sau lát gạch bát tràng chưng đầy cây kiểng và đặt ghế đá rải rác. Ông Thịnh và Huỳnh Dũng ngồi dưới gốc cây hoàng lan.
- Sao tôi vẫn cứ nghi ngờ về cái chết của nhà tôi và mấy đứa con. Họ giết những người ấy để làm gì. Một thằng du đãng giết người để cướp của hay nó có thù oán gì với tôi? Nó là ai vậy? Nó là ai mà gây đau khổ cho cuộc đời tôi đến như thế này?
- Hãy quên những chuyện đó đi. Có như thế mới sống nổi, mới có thể làm lại cuộc đời. Anh mới năm mươi tư, đã già gì đâu.
- Hiện giờ thì tôi chưa có ý định ấy. Tôi không ngờ trở về đây lại buồn như thế này.
Một người bạn khác cầm lon bia từ xa đi lại. Ông ta thảy bao thuốc lên cái bàn đá trước mặt Huỳnh Dũng và ngồi xuống cạnh ông Thịnh, quàng tay qua vai ông.
- Cậu về lúc nào? Ông Thịnh hỏi.
- Trước anh một năm.
- Có đau yếu gì không?
- Hồi ở trong trại cũng có một lần bệnh rất nặng. Mùa đông ở ngoài Bắc thì anh biết rồi. Trời thì rét mà người thì cứ hâm hấp sốt. Ra tới rẫy thì quỵ liền. Cán bộ quản giáo là một anh trung sĩ trẻ, chạy đến xốc tôi dậy, anh ta kêu "Trời ơi, nóng như lửa". Rồi hỏi: "Ôm cổ nổi không?" Anh ta cõng tôi đi. Dọc đường lại hỏi: "Hồi trước anh làm gì?". "Giặc lái". Anh bộ đội nói: "Hồi đó tôi ở Trường Sơn, chắc thế nào cũng đã bị anh bỏ bom". "Ðâu có", tôi nói: "Tôi chỉ bò bom dưới đồng bằng". Tay đó còn trẻ mà cư xử thiệt có tình.
- Bây giờ cậu làm gì?
- Bán thuốc Tây. Anh cũng phải tính làm cái gì chớ?
- Bây giờ thì chưa tính. Tôi mất hết rồi, không thiết làm cái gì nữa.
Cái tẩu thuốc của ông đã tắt nhưng ông cứ bập hoài. Ðèn trong sân bật sáng. Ðêm cũng đến thật bất ngờ.
Chương 1
Tiến >>
Nguồn: daohieuvn.wordpress.com
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 13 tháng 3 năm 2023