Truyện này viết vào năm 1930. Vì tính cách thời sự của nó, nên Người đánh máy vẫn giữ nguyên những từ, chữ như trong sách đã in.
Ông Nguyễn Quỳnh sinh về đời Hậu Lê, là người làng Bột Thượng, huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa (trong Trung kỳ). Năm 16 tuổi đã thi đỗ Cử Nhân (Hương Cống khoa Cảnh Hưng, thời vua Hiến Tôn). Vì ông có văn chương hay và nhất là giỏi về khẩu tài cho nên người ta gọi là Trạng. Ông có khiếu khôn ngoan tai quái từ thủa nhỏ; một hôm nhân buổi tối trung thu, cùng với lũ trẻ chơi đùa, ông bảo với lũ trẻ rằng:
-Chúng bay làm kiệu rước ta, rồi ta đưa chúng bay đi xem một người đầu to bằng cái bồ.
Lũ trẻ nghe nói đều háo hức muốn đi xem, bèn xúm nhau lại làm kiệu rước Quỳnh, một lúc anh nào anh nấy đều mỏi mệt cả. Quỳnh nói:
-Chúng bay hãy ngồi nghỉ một lát, rồi ta đưa đi xem.
Đoạn đưa cả chúng vào trong một cái buồng tối, bảo chúng đứng đấy để mình đi lấy đèn soi. Lũ trẻ thấy tối đều ù té chạy, chỉ có mấy đứa nhớn đứng lại chờ xem ; Quỳnh đốt đèn xong bèn chỏ vào bóng mình ở vách mà bảo rằng:
-Đấy chúng bay xem đi, ông to đầu đã ra đấy. Lũ trẻ nhơ nhác trông vào vách thì chỉ thấy bóng Quỳnh đầu to lù lù như cái bồ, bấy giờ mới biết là Quỳnh đánh lừa.
Lại một ngày kia, nhà Quỳnh có giỗ, mổ lợn. Quỳnh đang đứng xem, có ông Tú tên là Cát đến béo tai mà rằng:
-Ta ra cho một câu đối, hễ mày đối được thì tao tha.
Quỳnh hỏi ra thế nào, ông Tú ra:
Lợn cấn ăn cám tốn,[1]
Quỳnh đối ngay:
Chó không chớ cắn càn [2]
Ông Tú không bằng lòng lại ra:
Giời sinh ông Tú -Cát [3]
Quỳnh lại ứng khẩu đối ngay:
Đất nứt con bọ hung [4]
Ông Tú bẽ mặt dại, xem thế đủ biết Quỳnh có tài ứng đối ngay từ thủa bé.
Một buổi quan Tư thiên ở kinh đô Thăng Long xem thiên văn thấy về địa phận Thanh Hóa có một ngôi sao đẹp, đoán hẳn có người tài nhưng không biết rõ là ở về làng nào. Quan Tư thiên vào tâu với vua, vua giao cho đình thần phải xét việc ấy. Có một viên quan tâu rằng:
‘‘Việc ấy xin Bệ hạ giao cho tỉnh thần, Thanh Hóa sức cho trong hạt mỗi làng phải dâng một con dê đực chửa, hẹn một tháng không được thì trị tội, như vậy có thể xét ra được người tài’’
Vua ưng nhời. Sau khi giấy sức về các làng thấy thế chỉ phàn nàn oán trách nhà vua sao lại đòi những vật oái oăm, tìm đâu cho được. Mà nếu không lo được dê đực chửa thì tất mình phải mang tội; vì vậy cho nên sắc mặt ông cũng kém tươi.
Quỳnh thấy cha có vẻ buồn rầu bèn sẽ hỏi rằng:
‘‘ Thưa cha, chẳng hay cha có việc chi lo nghĩ mà nét mặt buồn rầu như vậy? Ông bố đang tức mình, thấy hỏi, bèn mắng rằng:
‘‘ Ta đang bực mình, mày biết gì mà hỏi?’’
Quỳnh thấy cha không nói cứ nằn nì hỏi cho kỳ được. Bất đắc dĩ người cha bèn phải nói hết cho con nghe, Quỳnh thưa rằng:
‘‘ Con tưởng việc gì khó, chứ nếu việc ấy thì cha không ngại, để con nhận việc ấy cho. Nhà vua đòi dâng một con chứ nhiều nữa con cũng có thể mua được ; cha cứ ra bảo với làng trồng tiền cho con để mai con đi mua sớm. Nếu con không mua được, con xem chịu tội thay cho cả làng.’’
Ông bố trong lúc vô kế, thấy con nói quả quyết cũng đánh liều ra nói với làng thu xếp cho 100 quan để đi mua dê đực chửa. Quỳnh nhận tiền rồi bảo cha thu xếp mai trẩy kinh sớm.
Sáng mai cha con vác tiền ra Thăng Long: Quỳnh bảo cha đi dò la xem hôm nào Hoàng Thượng ngự chơi ngoài phố. Biết đích được ngày giờ ấy. Quỳnh dậy thật sớm, ra nằm phục trước ở dưới cái cống đàng cửa Đông. Đến trưa mới nghe thấy tiếng xe loan đi gần tới nơi, Quỳnh ở dưới cống liền khóc váng cả lên. Vua nghe tiếng khóc sai lính xuống tìm thì bắt được Quỳnh. Vua phán hỏi:
- My chui xuống cống làm gì mà khóc ầm lên thế?’’
Quỳnh giả vờ không biết là vua, dớ dẩn nói:
- Thưa ông, tôi thấy ngựa xe rộn rịp, sợ bị đè chết nên phải trốn xuống đây.
-Mày đã trốn xuống đây, sao lại còn khóc?
Quỳnh lại sụt sịt thưa rằng:
-Thưa ông, tôi khóc vì tôi nghĩ cực thân tôi, mẹ tôi chết đã mấy năm nay thì không đẻ đã đành, nhưng còn cha tôi cũng chẳng thấy sinh đẻ gì, bao giờ tôi được có em mà ẵm, vì thế tôi cực thân tôi mà khóc.
Vua nghe nói, cả cười mà rằng:
-Thằng bé này dở hơi quá: Cha mày là đàn ông thì đẻ làm sao được. Xưa nay có đàn ông đẻ bao giờ.
Quỳnh nói:
-Thưa ông, thế sao vừa rồi tôi thấy vua sức cho dân tỉnh Thanh Hóa tôi, mỗi làng phải dâng một con dê đực chửa, dê đực còn chửa thế thì cha tôi cũng có thể đẻ được chứ sao?
Vua và quan đều bật cười và đoán hẳn đứa bé này chính là người tài xuất hiện ở vùng Thanh; ứng vào ngôi sao sáng ấy. Bèn thưởng tiền cho Quỳnh rồi lập tức bãi cái lệnh dâng dê. Quỳnh được hưởng không trăm quan tiền của làng và tự đấy ai cũng gọi là ông Trạng.
Nhà Quỳnh rất nghèo, một hôm ông đến chơi đền Sóng thấy đền có nhiều tiền bạc thật để đó, bèn khấn rằng:
‘‘ Em độ này túng bấn quá mà chị thì có tiền để không chẳng tiêu gì, vậy chị cho em mượn để em kiếm cách sinh lời họa có đỡ được cơn túng thiếu.’’
Nói rồi khấn vái âm dương; khi khấn thí khấn rằng:
‘‘ Nếu chị cho em vay một phần tư thì cho tiếu sấp, cho vay một phần ba thì cho tiếu ngửa, nếu cho vay nửa thì xin cho nhất âm, nhất dương.’’
Dáng chừng đức chúa Liễu nghĩ thế thì phần nào Trạng Quỳnh cũng được, nên mới cứ quay tít đồng tiền, Quỳnh thấy thế vỗ tay reo lên rằng:
‘‘Tiền múa chúa cười, thôi chị thương em lại bằng lòng cho em vay cả rồi.’’
Nói đoạn đem tất cả bạc về.
Ông Quỳnh sinh đồng thời với bà Thị Điểm. Hai người đều nổi tiếng hay chữ một thời. Quan Bảng Đoàn là thân phụ ngồi dạy học ở Kinh sư, Quỳnh khi học ở Kinh sư hằng ngày giả cách đến xem bình văn để ngấp nghé bà Thị Điểm, Quan Bảng biết ý, sai học trò bắt vào hỏi. Quỳnh thưa rằng:
-Tôi là học trò thấy tràng quan lớn bình văn nên tôi đến nghe trộm.
Quan Bảng nói:
-Ta biết anh chỉ đồ giả dạng học trò để giả tuồng chim chuột. Nếu phải học trò thì phải đối ngay một câu đối ta ra sau đây, hễ không đối được thì ta sẽ đánh đòn.
Quỳnh vâng nhời. Quan Bảng bèn ra:
Quan Bảng thấy Quỳnh đối nhanh mà giỏi như vậy, lấy làm yêu mà rằng:
-Ta xem nhà thầy là người có tài học, nếu có chịu ở thì ta sẽ giúp nhà thầy mà nuôi cho ăn học ở đây. Nhà thấy có bằng lòng không?
Quỳnh bằng lòng, từ đấy bèn ở nhà quan Bảng để học tập, mỗi ngày tấn tới lắm, kỳ văn nào cũng thường được ưu được bình, Quan Bảng yêu tài có ý muốn gả bà Thị Điểm cho, hỏi ý Thị Điểm thì Thị Điểm cũng bằng lòng lắm. Quỳnh biết rằng Thị Điểm tất và ô tay mình, trong bụng khấp khởi mừng thầm sẽ được thỏa lòng ao ước.
Khi Quỳnh ở nhà quan Bảng, lúc vắng thường hay lấy chữ nghĩa mà thử thách Thị Điểm. Song lại gặp phải Thị Điểm cũng không phải tay vừa.
Một hôm Quỳnh thấy Thị Điểm ngồi khâu trong nhà, cũng chạy vào buồng học, ngồi cách bức vách có hai cái cửa sổ trông ra sân, định cợt ghẹo. Thị Điểm liền đọc một câu rằng:
‘‘song song’’ là hai cửa sổ hai người ngồi trong cửa sổ song song.’’
Quỳnh chịu không đối được, lảng mất. Lại một buổi, Quỳnh đi chơi đâu về, vừa gọi cổng, hai ba con chó giữ chạy sổ ra cắn. Thị Điểm chạy ra thấy vậy, mới ra một câu, hễ đối được thì đánh chó cho xuống.
‘‘Thằng Quỳnh ngồi trên cây cậy, dái đỏ hồng hồng.’’
Quỳnh chịu không đối được, mãi tối mới được xuống. Có khi Quỳnh lên chơi trên phố Mía Sơn tây về. Thị Điểm đọc một câu rằng:
Lên phố Mía, gặp cô hàng mật, cầm tay kéo lại hỏi thăm đường.
Quỳnh cũng lại chịu nốt. Thị Điểm thường hay đi chợ, một hôm Quỳnh sai người đưa gửi 30 đồng tiền và một mảnh giấy trong có 4 chữ ‘‘chiến chiến căng căng.’’. Nghĩa là: năm nắm nơm nớp (ý lo sợ), nhờ trông giấy đó mà mua hộ. Thị Điểm tán nghĩa ra mà mua năm nắm cơm nếp, Quỳnh phải chịu là giỏi. Lại một lần Quỳnh gửi 10 đồng tiền và viết hai chữ ‘‘đà cuống” nhờ mua hộ. Lần ấy Quỳnh định mua cà cuống, Thị Điểm biết nhưng cố trêu ngươi không mua cà cuống mà lại mua cuống cà đem về đưa Quỳnh, Quỳnh bắt đền. Thị Điểm bảo rằng:
-Đà cuống đọc ngược lại chẳng phải cuống cà ư?
Quỳnh cũng phải chịu Quỳnh có tính hay cợt nhả, một buổi tối Thị Điểm rũ màm rải chiếu sắp sửa đi ngủ. Quỳnh liền lên trước và vào nằm, giương cột buồm lên. Thị Điểm lên giường vô tình sờ phải, giật mình ngỡ rắn, sau mới biết là Quỳnh, bèn đọc ngay một câu đối để chữa thẹn:
‘‘Trướng nội vô phong phàm tự lập’’ Nghĩa là: Trong trướng không có gió mà buồm dựng. Quỳnh đối liền ngay rằng: ‘‘Hung trung bất vũ thủy trường lưu.’’ Nghĩa là: Trong bụng không mưa mà nước chảy xiết. Điểm lại đọc câu nữa:
-Cây xương giồng, giồng đất rắn, long vẫn hoàn long [5] (Long là rồng)
Quỳnh lại đối ngay:
-Quả dưa chuột, chuột thẳng gang, thử chơi thì thử (Thử là chuột).
Quỳnh tuy chớt nhả thế nhưng đối xong liền đi ra ngay. Hôm sau Thị Điểm tắm, Quỳnh gõ cửa đòi vào xem, Điểm dẫy nẫy không cho vào. Quỳnh cứ đứng kè nhè mãi, Điểm tức mình mới đọc một câu bảo hễ đối được thì mở cửa cho vào xem:
Da trắng vỗ bì bạch.
(Bì bạch là da trắng)
Quỳnh nghĩ mãi chịu không sao đối được, vừa tức vừa thẹn, đâm khùng lên mà nói rằng:
-Đã cậy hay chữ như thế thì rồi ông làm cho lấy phải một anh dốt đặc cán táu cho mà xem.
Đoạn rồi ra nói với quan Bảng xin về, quan Bảng thấy Quỳnh có lắm cái tính nết trẻ con, cũng chán ông đông sàng hậu bổ, mà chẳng muốn chứa làm gì, bèn bằng lòng cho Quỳnh về.
Quỳnh khi ra về, giọc đường gặp một anh thợ cầy, mặt mũi coi cũng sáng sủa, liền lân la trò chuyện rồi hỏi rằng:
-Anh đã có vợ chưa? Sao mặt mũi thế không chịu đi học mà lại đi cầy?
-Thưa ông, tôi chưa có vợ. Nhà tôi cũng đủ ăn. Trước cha mẹ tôi cũng có cho tôi đi học, nhưng tôi học dốt quá nên phải bỏ học mà đi cầy.
-Thế anh có muốn đi học nữa để thi đỗ và lấy vợ con gái quan Bảng nhãn không?
-Tôi cũng muốn học thêm cốt để cho thông văn tự mà thôi chứ còn sự thi đỗ thì dám mong gì nữa. Đến như lấy vợ con gái quan Bảng thì đến như ông Trạng Quỳnh cũng còn chưa chắc, nữa chi là thằng tôi.
-Anh đừng nghĩ thế, chính ta là họ thân với quan Bảng đây. Quan Bảng Đoàn trước thấy Trạng Quỳnh hay chữ nên đã định gả cô con gái Thị Điểm cho, sau thấy Quỳnh là người vô hạnh nên thôi không gả nữa. Nay chỉ định chọn con nhà thường dân mà có nết na lễ phép thì gả. Như anh, ta xem mặt mũi cũng khá, nết na cũng tốt, tuy rằng dốt nhưng học mãi rồi cũng phải hay. Vậy nếu anh bằng lòng thì ta có thể làm mối cho anh được.
Anh thợ cầy nghe nói mừng lắm, nghĩ bụng như mình mà lại lấy được cô Điểm con quan Bảng nhỡn thì thật không khác gì chú cuội lấy được chị Hằng, bèn mời Quỳnh về nhà dọn rượu thết đãi rất là tử tế và lưu Quỳnh ở lại để dạy mình học. Quỳnh ở đấy sai sắm hai cái hòm sách sơn đỏ, mua một bộ cổ văn, ngày ngày dạy anh thợ cầy nghêu ngao vài chữ, nhưng cần dạy về cách ăn nói, đối đáp và viết chữ nhiều hơn. Được ít lâu, Quỳnh bảo anh ta vào tập văn ở trường quan Bảng, mỗi kỳ văn anh ta lấy đầu bài về, Quỳnh lại làm cho anh viết, thì kỳ văn nào cũng được bình. Quỳnh lại lấy mẹo xui anh ta tìm một người bạn học mới thân đem về nhà để làm bạn đọc nhưng vẫn giấu kỹ không cho biết mặt Quỳnh. Đến kỳ văn sau, Quỳnh lại làm văn cho cả hai người, nhưng để cho anh thợ cầy giả là làm hộ. Kỳ nộp quyển, quan Bảng xem văn, thấy anh bạn xưa nay văn lý tầm thường mà lần này rất là xuất sắc, mới gọi ra hỏi. Anh bạn trước còn chối, sau phải thú thực là anh thợ cầy gà cho. Quan Bảng từ đấy càng tin anh thợ cầy là hay chữ thật, không kém gì Trạng Quỳnh ngày trước, mà tính hạnh thì đúng đắn hơn nhiều, bèn đổi tấm lòng yêu Quỳnh ngày trước mà yêu anh thợ cầy. Được ít lâu, anh thợ cầy bỗng có một hồi bẵng đi vài kỳ không làm văn. Anh em gặp hỏi thì anh ta nói là chỉ học như thế cũng đủ. Quỳnh lại xui người đồn đại ra rằng anh ta dục dịch đi hỏi vợ. Quan Bảng nghe được tin ấy, mượn bắn tin muốn gả con gái cho. Quỳnh biết quan Bảng đã mắc mưu rồi, bèn bảo bố mẹ anh thợ cầy đem trầu cau đến hỏi thì quả nhiên được. Quỳnh sợ để lâu lộ chuyện bèn xui xin cưới ngay. Khi sắp đến ngày cưới, Quỳnh bảo anh đem những cầy cuốc cưa ra từng đoạn, mà bỏ vào đôi hòm sách khóa lại. Quỳnh lại dặn rằng:
‘‘Tôi có việc phải đi vắng độ một vài tháng mới về, sẽ không dự việc cưới anh được, nhưng tôi dặn mấy điều thì anh phải nhớ: khi cưới vợ về mà nhập phòng thì cứ làm ra mặt nghiêm trang chứ đừng lộ chuyện gì với vợ; nếu nàng có rở đến chuyện văn chương chữ nghĩa thì nên tìm đường thoái thác chứ đừng bắt nhời mà thò chuôi dốt ra thì hỏng to’’.
dặn xong đi thẳng.
Thị Điểm từ khi cưới về nhà chồng, thấy chồng ra mặt nghiêm trang, nên cũng không dám rở đến chuyện văn chương chữ nghĩa, ngày ngày chỉ thấy xem đi xem lại một bộ cổ văn, nghĩ bụng chồng mình có tiếng hay chữ mà sao không thấy có gì là những sách văn chương thơ phú chỉ loanh quanh có một bộ cổ văn, bụng lấy làm lạ, bèn làm một bài thơ khuyên chồng siêng học mà đưa cho chồng họa, nhưng chồng tiếp bài thơ, xem xong bèn vứt bỏ đi. Một hôm nhân chồng đi vắng, nàng mới mở trộm hai cái hòm sách sơn son ra xem thì thấy đầy hòm toàn là những cầy cuốc cưa ra từng khúc, nàng xem xong chết điếng người đi. Chợt lúc ấy chồng ở ngoài về, bước vào buồng học, thì thấy vợ đương ngồi đấy mà những khúc cầy cuốc thì để ngổn ngang trên mặt giường, sắc mặt liền tái xám đi.
Vợ hỏi duyên cớ, anh ta lúng túng không giả nhời được. Vợ dỗ ngọt rằng:
‘‘một ngày là nghĩa, huống hồ vợ chồng lấy nhau đã bấy nhiêu lâu, còn ngại điều gì mà cứ giấu nhau không nói’’.
Bấy giờ anh ta phải thú thực mọi chuyện sau trước, Thị Điểm nghe xong tê tái cả người biết là mắc phải mưu Quỳnh, nhưng tay đã nhúng chàm còn biết làm sao được nữa, từ đấy bèn đóng cửa dạy chồng để rửa tiếng tăm. Đến khi nhà quan Bảng có giỗ, Quỳnh biết thế nào tất vợ chồng Thị Điểm cũng đến, bèn cũng đến lễ, trông thấy vợ chồng Thị Điểm, cười bảo Điểm rằng:
-Đã biết tay Quỳnh này chưa? Có còn nhớ câu ‘‘da trắng vỗ bì bạch’’ không?
Thị Điểm giận không thèm nói và bấy giờ anh chồng mới biết thầy học mình chính là Trạng Quỳnh.
Trong vùng Quỳnh ở có một cái tượng đá đàn bà trần truồng tô hô, đứng ở giữa đồng, miệng tủm tỉm cười, tay lại trỏ xuống hạ bộ tựa như phô đồ, hễ người nào đi qua trông thấy mà cười thì phi méo mồm cũng đau ốm ; Quỳnh nghe nói bèn đi xem, đến nơi thấy tượng bèn đề một bài thơ vào tượng ấy rằng:
Khen ai đẽo đá tạc nên mày,
Khéo đứng ru mà đứng mãi đây,
Trên cổ đếm đeo trăm chuổi hạt
Dưới chân đứng sững một đôi giầy
Ấy đã phất cờ trêu ghẹo tiểu,
Hay là bốc gạo thử thanh thầy?
Có ngứa gần đây nhiều gốc rứa
Phô phang chi ở đám quân này.
Đề xong, tượng đá chảy toát mồ hôi mà từ đấy không thiêng như trước nữa.
Lại một hôm có việc lên chơi trên Tuyên, thấy có cô con gái chua ngoa đang đứng trông gặt lúa, Quỳnh giả là anh đồ kiết đến xin lúa, cô ta bảo làm thơ mới cho anh đồ kiết đến xin lúa, cô ta bảo làm thơ mới cho.
Quỳnh nói rằng:
Tuyên Quang, Hoằng hóa cũng thờ vua,
Nắng cực cho nên phải mất mùa.
Lại đứng đầu bờ xin xin xỏ chị.
Chị nỡ lòng nào chị chẳng cho.
Cô ra xấu hổ lủi về mất, hết cả chua ngoa.
Khi Quỳnh về đường vào nghỉ quán thấy một ông quan cũng vào nghỉ mà đương ngồi bệ vệ, Quỳnh dụng ý định sỏ bèn mon men đến gần hễ ông quan ấy ăn dầu ném bã ra thì lại cúi xuống nhặt lấy. Quan hỏi, Quỳnh xưng mình học trò. Quan bảo:
- Học trò sao mà lại lẩn thẩn thế?
Quỳnh nói:
-Tôi thấy câu phương ngôn vẫn nói ‘‘ miệng người sang nói có gang có thép’’ nên tôi nhặt để xem gang thép nó thế nào.
Quan thấy Quỳnh có ý xước mình bèn ra oai thét rằng:
-Nếu phải học trò thì phải lập tức đối ngay câu phương ngôn ấy, nếu không đối được thì ta sẽ đánh cho mấy chục roi.
Quỳnh nói:
-Bẩm khó lắm ạ,
Quan lại thét:
-Khó cũng phải đối.
Quỳnh giả cách sợ hãi thưa rằng:
-Bẩm ngài, tôi xin đối.
-Đối mau.
-Tôi xin đối ạ, xin đối là : Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm.
Quan đỏ mặt nói rằng:
-Ừ! Đối chọi đấy, nhưng phải cái khiếm nhã.
Quỳnh bẩm:
-Vậy xin ngài nghĩ hộ xem có còn câu nào hay hơn nữa không?
Quan lẳng lặng rồi đứng dậy đi.
Chú thích:
[1] Cấn là quẻ cấn! Tốn là quẻ tốn: nghĩa là lợn cấn (chửa) ăn tốn hết nhiều cám.
[Không là quẻ khôn! Càn là quẻ càn ; thế là đối chọi với quẻ cấn tốn.
[3] Có ý tự phụ mình là ông Tú
[4] Ông Tú Cát đối với con bọ hung thật khéo đối chọi, nhưng rất xược.
[5] Cây mà giồng và đất rắn thì sống sao được, có ý bảo Quỳnh làm rể ở đấy mà nghịch ngợm thế thì bền sao được.
THIÊN TRÊN
Tiến >>
scan: Quán ven Đường - Huỳnh Chiếu Đẳng - Đánh máy: Ct.Ly
Nguồn: Quán ven Đường - Huỳnh Chiếu Đẳng - Xuất Bản Quảng Thịnh Hà Nội 1930
VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 20 tháng 2 năm 2022