Chuyện Ở Gò Thần Mã

nguyễn vĩnh nguyên

Đêm âm u. Một chuỗi sao trên trời bỗng dưng loé sáng rồi rơi xuống gò Thần Mã khi cánh rừng có tiếng ngựa hí vang rền một góc trời. Rồi thì tất cả lại trôi về im lặng của đêm. Sự biến kia chẳng có gì ghê gớm cả. Nó chỉ làm cho một vài kẻ tỉnh ngủ nhất trong làng Đông Hạ trở mình, rồi ngủ tiếp...

Lão Tạ có giọng cười như ngựa hí. Ngày xưa, thuở còn nhỏ, vì cái giọng cười ấy mà lão bị mọi người ghê tởm, khinh miệt. Họ bảo đó là giọng cười súc vật, giọng cười đốt làng, giọng cười chẳng làm nên trò trống gì. Nên đời lão ít cười. Khóc cười là thứ quẩn quanh cái kiếp con người ta. Thì thế, khi nụ cười nham nhở quá thì nước mắt cứ phải chiếm phần ưu thế. Chuyện thục hư thế nào không biết, nhưng có kẻ trong làng Đông Hạ bảo rằng, đời lão Tạ ấy mà, nước mắt thôi cũng đủ để cuốn trôi cả cái xác thân phàm trần kia. Nhưng thêu dệt huyền thoại không thuộc về quyền sở hữu một ai. Một khi những câu chuyện mà chúng ta kể hôm nay, về sự tồn tại của chúng ta đều nhờ nhờ, mông lung một lớp sương mù huyễn hoặc...

Lão Tạ là người không biết mình có gốc gác từ đâu. Đêm ba mươi tết, thì có tiếng khóc xé rào bên gò Thần Mã. Thoạt nghe, người ta nghĩ đó là tiếng rên rỉ của đôi ngựa vào mùa ái ân. Nhưng không. Chả có đôi ngựa nào làm cái việc ấy trong một đêm tối tăm u uyên thế này. Và cũng chẳng có đôi ngựa nào làm cái việc ấy vào một địa điểm được coi là linh thiêng đến vậy. Ngày thường, ngựa trong làng Đông Hạ thì nhiều đấy, mà chớ có con nào dám tới gò miễu Thần Mã. Loài ngựa cũng có linh hồn? Người ta đặt ra câu hỏi ấy, rồi thôi. Còn nhiều chuyện để nhớ, để làm... Trả lời câu hỏi ấy là chuyện của các nhà thông thái. Mà người thông thái nhất cái làng này chỉ có cậu Bá Tuệ, con của ông Bá Trí. Cậu có bộ mặt ngựa, mà nhìn kỹ thì mới giống mặt ngựa, chứ mới thoáng qua thì vẫn mặt người, dù đó là bộ mặt không được tuấn tú cho lắm. Lạ thay, tiếng khóc trẻ con trong đêm ba mươi tết ấy lại làm cho cậu Bá giật mình, nôn nao bất an. Lúc cả nhà đang quây quần vớt bánh tét thì cậu trốn ra gò Thần Mã. Cậu đứng nép sau góc cây bằng lăng sần sùi ló mắt qua cánh cửa vỡ, thấy có ba đóm nhang đang phục cháy trên chiếc lư đất sét. Gò Thần Mã vắng lặng và lạnh lẽo... Lòng cậu chợt rợn lên nỗi sợ hãi khó tả. Cậu rón rén bước vào, thấy dưới gò đất có vật gì cựa quậy. Trẻ con? Một ý nghĩ loé lên trong đầu làm cho cậu sợ hãi, bồn chồn... Một tia sét cắc cớ loé lên phía trời tây kéo theo những tiếng rì rầm âm ỉ. Tia sét nhoáng đủ để cậu thấy đó là tiếng khóc từ hình hài một đứa bé đang bị kiến vùi.

Đứa bé được cậu đặt tên là Tạ. Nó cứ thế lớn lên. Cứ thế hồn nhiên như chẳng có gì phải bận tâm. Chỉ có đôi mắt của nó, nhìn kỹ, ẩn chứa một khối sầu vô hạn. Lại nói về cái đêm ba mươi ấy, sau khi bế thằng bé về nhà, cậu Bá bị cả nhà phản đối. Đó là cái việc làm bao đồng. Cậu bế đứa bé chạy ra khỏi nhà ngay trong đêm ba mươi. Và điều đó đủ sức thuyết phục, làm cho ông đồ Bá Trì phải đuổi theo níu áo con.

Sáng mùng một Tết, người ta phát hiện ngoài giếng làng có một cái xác người chết ươn. Đó là một cô gái tìm cái chết bằng cách đâm đầu xuống lòng giếng. Dư luận trong làng Đông Hạ ba tháng trời xôn xao bàn tán nhưng đố ai biết vì sao cô gái ấy lại đi tìm cái chết như thế. Cậu Tuệ thì lơ mơ hiểu ra khi ghép hai sự kiện đứa bé bị bỏ rơi ở gò Thần Mã với xác chết của người phụ nữ tội nghiệp ở giếng làng thì thấy khá gần nhau. Có lẽ cô ta bị bỏ rơi?

Có lẽ có thằng đàn ông nào đó đã cuỗm mất đi đời con gái của cô và quất ngựa truy phong? Dù sao, đó cũng chỉ là suy đoán, mà suy đoán thì có khi bắt đầu từ những thói quen rất hàm hồ trong tư tưởng con người ta.

Ba tháng trời, người dân Đông Hạ không xài nước giếng làng. Nhưng rồi khi những tiếng bàn tán xôn xao cũng ngớt đi thì con người ta dần quên đi sự cố tai hại ấy. Lũ thanh niên trong xóm lại ra sức vét lại đáy giếng cải thiện nguồn nước. Trong số những thanh niên tham gia công việc ấy, có cậu Bá Tuệ. Điều làm cậu ngạc nhiên đó là đáy giếng khi vét lên, thấy có lẫn nhiều thứ lấm tấm lớp sỏi đỏ như huyết. Moi hết lớp sỏi ấy thì có một mạch nước to như lòng bàn tay mải miết phun ra. Nước giếng từ đó ngọt và thơm một mùi thơm lạ lùng... Điều đó chỉ có cậu nhận ra chứ ở làng chẳng có ai lại đi quan tâm đến chuyện hoa lá cành như thế.

Thằng Tạ lên mười thì cậu lấy vợ. Cậu lấy cô Soa, con ông giáo Trưởng ở cuối làng. Chả là hai gia đình đã có mối thâm giao sắp đặt. Vả lại, trai ba lăm chưa vợ cứ phải “ngã đâu là giường” là tốt nhất. Nói thế chứ cô Soa là “cái giường” êm cho đời cậu. Đó là cô gái dịu dàng và phúc hậu nhất làng này.

Thế mà một sự kiện làm cho ca cái làng Đông Hạ lại có dịp xôn xao cả lên. Trong đêm tân hôn, phải bùa cái dịu dàng và tươi non hôi hổi của cô vợ đương xuân, cậu Bá nhà ta đã quá chén ái ân. Tội nghiệp, cậu lả đi như chiếc lá bị lửa hun. Cái thân xác trần truồng ấy rũ xuống trong sự hốt hoản của cô dâu mới cũng đang trong tư thế hứng tình, không mảnh vải che thân.

Sự vui hoá sự buồn trong chốc lát. Đêm ấy, lũ thiêu thân bay vào nhà Bá Trí như một tổ ong vỡ. Người ta bảo, hồn cậu Bá hoá kiếp thành đàn thiêu thân... Cái loài mê say thứ ánh sáng hào nhoáng nhất đến nỗi quên cả sự tồn tại của mình! Cái loài ảo tưởng muốn thắp mình thành ngọn lửa loé lên trong chốc lát để nhận lấy cái án chết thiên thu.

Sau độ ấy, giữa gia đình Bá Trí và Bá Trưởng có chuyện bất hoà. Chả là cô Soa mất chồng rồi không muốn vò võ ngày qua tháng lại, mà đòi đi về nhà mẹ ruột ở. Bá Trí xót xa cho sự hẩm hiu của linh hồn đứa con trai mình, còn Bá Trưởng lại buồn bã cho cái đời con gái mình mồ côi mồ cút chồng con.

Một đêm tháng chạp, trời rét như cắt. Tự dưng cô Soa thấy đau bụng. Cô quằn quại đau đớn, vã mồi hôi mồ kê... Quả thực, bấy lâu nay cái bụng của cô có cái gì đó bất an, như một thực thể mới đang tượng hình quẫy đạp. Nhưng không phải là cái thai. Vì ai đời có thai mà bụng không ềnh ra. Vả lại, đã hai năm trời mà bụng dạ cứ sôi sục không chịu sinh nở... Bây giờ cô cảm thấy đau đòi đoạn. Cô khóc rên thảm thiết. Đúng giờ ngọ, trong cơn đau đớn tột cùng, cô Soa lả đi. Và từ cửa mình, một hài nhi trồi ra trước sự kinh hãi của nhiều người. Không phải là người. Không phải là ngựa. Mà là người mặt ngựa. Thực thể ấy chỉ hí lên ba tiếng rồi từ giã cõi đời. Cô Soa khi tỉnh dậy thấy đứa con của mình thì bất tỉnh nhân sự ba ngày ba đêm mới mở mắt ra đòi ăn. Lúc tỉnh lại thì mọi sự dã được nhà chồng lo xong xuôi. Cái thực thể quái dị chết yểu kia đuợc thầy tướng mách bảo là phải chôn cất ở gò Thần Mã và năng thắp nhang cúng vái để Thần Mã khỏi bắt tội. “Thế gia đình tôi nào có tội tình gì?” - Lão Bá Trí sốt ruột hỏi. “Có đấy - Tay thầy tướng vuốt chòm râu bạc nói - Có đấy... cậu nhà ta đã cướp con của Thần Mã, nên Thần Mã báo thù!”. Lúc bấy giờ, phía sau bức màn kín, cô Soa nằm nghe đầu đuôi câu chuyện, nhưng lạ thay, không nhớ một điều gì. Trong đầu óc cô, mọi thứ đều mông lung đến nỗi cô nghĩ mình đang lạc vào một thế giới xa xôi mơ hồ nào đó. Cô quên hết mọi chuyện đã xảy ra với mình. Và thần sắc cô đang được phục hồi. Cô đẹp như một nàng tiên giáng thế. Một vẻ đẹp trinh khiết lẫn hoang dại.

Từ đấy, nghe đâu cô sống vậy, an tâm thờ chồng. Tuy nhuận sắc đến mây mẩy nhưng vẻ đẹp khác lạ ấy khiến trai làng không ai dám đến gần.

Năm cậu Bá Tuệ mất đi, thì người ta cũng không thấy bóng dáng thằng bé Tạ ở cái làng Đông Hạ này nữa. Bẵng đi chừng vào chục năm gì đó, người nhà chỉ còn sót lại mỗi mình cô Soa. Cô cũng đã đi đến cái thời tươi đẹp lần thứ hai trong đời người phụ nữ: thời kỳ hồi xuân. Một mình một nhà. Cô quạnh và bơ vơ quá. Nỗi thèm khát rất đàn bà dậy lên trong cô. Có đêm, cô ôm ảnh cậu Bá ngủ mê mệt.

Thế rồi bỗng dưng trong nhà lại xuất hiện một chàng thanh niên lạ lẫm. Chàng thanh niên có giọng cười như ngựa hí. Nhưng chàng ít cười. Khuôn mặt rất đẹp trai tuấn tú của y khiến người ta lo ngại, bởi nó luôn toát lên vẻ gì đó ẩn ức và hoang dã.

- Tôi về nhà thắp hương cho cha nuôi và ông bà...

- Thế... thế ra cậu là... là cậu Tạ à?... - Giọng cô Soa run run.

- Tạ! Còn bà là Soa?

- Vâng!

- Nhà vắng quá nhỉ?

- Vâng... Nhưng bao nhiêu năm nay cậu làm gì, ở đâu?

- Tôi làm kẻ thất tình, tha phương cầu thực. Tôi làm kiếp trâu ngựa cho số phận sai khiến... Tôi yêu và đau. Tôi có và không. Tôi về tay trắng...

- Tôi không hiểu?... - Cô Soa lơ mơ nói.

Và câu chuyện cuộc đời Tạ trong đêm ấy được tiếp tục tái hiện. Khi cô Soa lấy chổi quét lũ thiêu thân chết rơi đầy mặt bàn và tiện thể thổi tắt ngọn đèn...

... Cậu Tạ ra đi. Qua khỏi cái giếng làng năm ấy thì gặp một cô gái nhỏ hơn mình một tuổi cùng qua sông. Trong tâm hồn mộng mơ của đứa bé mười tuổi bấy giờ đã thấy chơm chớm nỗi cảm mến, yêu thương.

- Bạn đi đâu? - Cô bé hỏi.

- Tôi đi... đi đâu không biết. Còn bạn?

- Tôi đi về nhà, nhà bên kia sông!

- Bạn có nhà à?

- Có! Ai mà chẳng có nhà, có cha, cỏ mẹ. Bạn nói hay thật! Kẻ không có nhà là kẻ bụi đời, cù bơ cù bất.

Cậu bé Tạ lặng im. Nó nghe lòng mình đang khóc vì một nỗi tự ái xộc vào trái tim ngay đoạn đường đầu đời. Lần ấy qua sông. Nó theo cô bé đến một làng mạc xa lạ. Nơi ấy có nhiều lão trọc phú, nhiều bà chủ đanh đá và nhiều ruộng vườn xanh tươi. Nó xin làm thuê cho gia đình lão Tráng, tức gia đình cô bé mà nó gặp trên đường. Nó đi chăn bò. Và ăn ở trong chòi canh với đám gia nhân. Nó lớn lên với đàn bò và với sự tin tưởng của chủ. Chỉ có một điều không đạt được đó là bấy lâu nay nó thầm yêu trộm nhớ cô bé, nhưng bị gia đình chủ cấm đoán ra mặt.

Mới đó mà anh chàng Tạ đã lên mười tám, cô bé Phượng ngày nào đã nõn nà thiếu nữ. Cô chủ biết tình anh chàng làm thuê, cả hai cứ gặp nhau lại sượng sùng ấp úng. Nhưng rồi tiếng cười những lúc khoái chá không kìm nén được của anh làm cho cô giật thót người. Đó không phải là tiếng cười của con người mà bất hạnh thay, là tiếng ngựa hí. Nhưng rồi dù sao thì ngọn lửa tình đã được nhóm lên trong lòng đôi trẻ. Trong một lần bới cơm lên chòi canh cho người làm, cô Phượng đã buông tấm thân mềm mại, nuột nà vào vòng tay của anh Tạ. Cả hai cùng no say lạc thú yêu đương đầu đời. Họ dìu nhau bay lên rồi chập chờn rơi xuống vũng hiện thực. Khi cơn khoái lạc dục tình nguôi tan thì anh chàng Tạ mới giật mình: Phượng lả đi trong vòng tay anh vì đuối sức.

Người ta không tìm ra tông tích của đôi trẻ nhưng chỉ nghe người chèo đò ở bên Phú Đôn kể lại rằng vào một buổi nhập nhoạng tối, có một người nam khoẻ mạnh bế một người nữ sang đò. Hỏi đi đâu, người ấy bảo bế vợ sang làng Phù tìm thầy thuốc...

Từ lần ấy, trên núi Hoằng Khê có một điềm lạ. Đêm đêm, có hai đốm lửa chập chờn bay từ vách núi này sang vách núi khác. Nguời đi rừng bảo ở đó có một vị ẩn sĩ bỏ chốn tục lụy đi tìm cõi định thiền, nhưng tu mãi không đắc đạo lại bị tẩu hoả nhập ma. Nên đêm đêm cứ cắm lửa trên miệng mà leo từ vách núi này sang vách núi khác để khấn vái trên một nấm mộ hoang. Nghe đâu vị ẩn sĩ ấy có tiếng cười không khác gì ngựa hí. Đó chỉ là tin đồn để thêm phần huyền thoại và hấp dẫn cho câu chuyện khá dông dài. Thực ra, sau khi chàng Tạ qua sông, sợ bị truy đuổi nên bế xác người yêu lên núi đào hố chôn cất. Và chàng chọn Hoằng Khê làm nơi neo gửi cái tấm thân trầm luân tục lụy của mình, sống với một ngôi mộ của người tình, cũng là xây cho mình một ngôi mộ của cuộc đời để khóc thương và nghe ngày tháng trôi qua trong mịt mờ nước mắt ăn năn và đau đớn.

Đứng ở đỉnh Hoằng Khê nhìn về xuôi. Sông Lư vắt ngang trời sương khói. Làng Đông Hạ xa xôi nhỏ bé như một khoảng nhỏ trên lòng bàn tay con người... Ngày tháng miệt mài trôi...

... Sự trở về của anh chàng Tạ thật bí ẩn. Đêm ấy, sau cơn truy hoan cùng câu chuyện nồng nàn với người đàn bà luống tuổi, chàng Tạ ra đi. Người đàn bà không biết chàng ta đi đâu. Chỉ biết họ đã chia sẻ cho nhau niềm vui sướng hoan lạc lẫn khổ đau trong cái đêm định mệnh và run rủi ấy.

Mãi đến vài chục năm sau. Sau khi bà cụ Soa qua đời, người ta thấy có người - một ông cụ còm cõi và râu tóc tua tủa như người rừng - về làng Đông Hạ thắp hương và khóc. Lúc bấy giờ bộ mặt làng đã khác. Ngay cả gò Thần Mã cũng có nhiều nấm mộ hơn được mọc lên. Sau đám tang bà Soa, ngôi nhà Bá Trí xưa bốc cháy một cách tự nhiên. Và dân làng Đông Hạ còn kể lại rằng, đêm ấy, người ta nghe tiếng ngựa hí ở trong lòng miếu. Đó là những tiếng hí tức tưởi và mệt mỏi như con ngựa già chồn chân trên đường rong ruổi.

Từ đó, đỉnh Hoằng Khê đêm về không còn hai đốm lửa bay qua vách núi, mà thi thoảng thấy một cục lửa tròn to như chiếc thúng cuộn bay lên rồi tan mất trong đêm tối. Dân đốt than kể lại rằng, ở trên ấy còn có nấm mộ hoang cỏ mọc um tùm. Riêng gò Thần Mã làng Đông Hạ, người ta bảo linh lắm. Lấy giếng nước làng mà lên cúng ở gò, thì cầu gì được nấy. Những vợ chồng son sẻ hiếm hoi uống nước giếng cúng ấy thì sinh con dày như cây trái. Những gã đàn ông quá tuổi, không đáp ứng được “vai trò đàn ông” với vợ, uống nước giếng ấy thì chuyện chăn gối lại dập dềnh!

Nhưng rồi thời gian qua. Sông cạn đá mòn. Bãi bể nương dâu. Trong chuyến khai quật mới đây, đoàn khảo cổ chúng tôi đã tìm ra những mẫu vật quý dưới chân gò Thần Mã: đó là một bộ xương ngựa có niên đại gần bốn trăm năm. Xung quanh đó, còn có ba bộ cốt người: một bộ đàn bà và hai bộ đàn ông. Cả ba nằm gần nhau. Tuy chưa kịp xác minh, nhưng cũng xin thông tin với bạn đọc rằng, trong ba bộ cốt này, có một bộ trẻ nhất có cấu tạo hộp sọ bên trong gần như loài ngựa.

Đà Lạt, tháng 12/2001

Đánh máy: hoi_ls
Nguồn: Hoi_ls - Tạp chí Kiến thức Ngày nay
VNthuquan.net
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 28 tháng 4 năm 2022