Sơn bỏ đồng tiền kền vào khe hở trên máy điện thoại công cộng rồi đặt ngón tay lên bảng số. Một lát ở phía đằng kia đầu dây có tiếng chuông reo vang và tiếng êm ái của chị Thu Dung:
– A lô! Tòa báo Ánh sáng chúng tôi nghe đây.
Sơn nói:
– Chị Thu Dung đấy phải không. Em Sơn đây.
Tiếng chị Thu Dung vui vẻ:
– A chú Sơn. Có việc gì đấy? Bán hết báo chưa?
– Còn vài tờ thôi chị. Loạt bài phóng sự “Tuổi thơ ngoài hè phố” của chị có vẻ được hoan nghênh dữ.
– Mốc sì! Có họa là độc giả say mê theo dõi thiên điều tra “Vụ thụt két ở Ngân hàng Minh Chánh” của anh Kỳ Hùng thì có… Nhưng mà này chú bỏ ra mười đồng gọi dây nói cho chị chỉ cốt để nói chuyện tầm phào ấy thôi hay sao đấy?
– Đâu mà em dư tiền dữ vậy. Em gọi cho chị là vì một tin quan trọng lắm, chị nghe cho kỹ nhé. Trước mặt em đây, ở xế phòng điện thoại công cộng này, cách xa chừng năm mươi thước, đang xảy ra một tai nạn xe cộ cán chết người.
Chị Thu lại phá lên cười:
– Ô! Tưởng là chuyện gì chớ tai nạn xe cộ cán chết người thì có gì là quan trọng. Chú không coi bảng tổng kết của cảnh sát công lộ mới công bố gần đây sao. Đứng đầu là xe vận tải gây nhiều tai nạn chết người nhất, rồi đến xe ngoại giao đoàn, rồi tới xe gắn máy, sau cùng mới là xe du lịch.
Sơn vội vàng ngăn lại:
– Thì chị để em nói hết đã nào, cái tai nạn em vừa chứng kiến đây không giống bất cứ một tai nạn xe cộ nào. Bởi ba lẽ. Thứ nhất: nạn nhân là ông lão già mù vẫn ngồi xin tiền ở xế tòa báo nhà mình.
– Thế hả? Có phải ông già mù vẫn đeo kính đen, bận áo bành tô kaki, cầm cây gậy trúc ấy không?
– Đúng vậy đó, chị Thu Dung.
– Trời ơi, nếu vậy thì tội nghiệp ông ta quá đi. Mặc dù chị bận rộn công việc không có thì giờ ghé qua đãi ông ta lấy một đồng bạc, nhưng ông ta là một hình ảnh thân thuộc của cả một dãy phố ồn ào này, như những hàng cây xoan tây um tùm, như những cột điện buồn tẻ, như những hàng bán rong náo nhiệt, đông đảo.
– Thôi… thôi… chị hãy đem những cái đó vào phóng sự. Để em báo cáo cho chị hết cái “vụ” của em đã: Điểm thứ hai em nói là quan trọng bởi lẽ ông già mù mà ta tưởng lại… không mù, chị ơi…
– Cái gì? Ông già mù không mù? Sao lại có chuyện kỳ quặc vậy.
– Ấy đấy! Vì thế em mới phải bỏ ra mười đồng mất không cho ông Bưu điện, chớ chuyện tầm phào thì đến trưa em ghé về trả báo cho tòa soạn, em kể cho chị nghe cũng được cơ mà.
– Ờ… ờ Nếu quả đúng như vậy thì cũng là chuyện đáng cho mình quan tâm đấy. Nhưng làm sao chú biết được ông già mù không mù?
– Đó là điều thứ ba mà em sắp nói với chị đây. Chị Thu Dung ạ, em biết chắc rằng ông ta bị mưu hại chứ không phải vì tai nạn gì hết ráo chọi.
Tiếng chị Thu Dung kêu lên:
– Chết chửa! Thật vậy sao?
– Vâng. Đúng là như vậy đó. Em đã chứng kiến một pha rượt đuổi giữa xe và người y như trong ciné vậy. Nhờ thế em biết chắc ông già mù không mù.
– Loại xe gì chú biết không?
– Loại Traction đen thông dụng y hệt loại xe vẫn chạy Sài gòn-Vũng Tàu.
– Còn số xe?
– Em nghĩ là số giả, nhưng em có ghi lại được đầy đủ.
– Ngoài chú ra, còn ai chứng kiến tai nạn nữa không?
– Đường phố vắng ngắt!
– Hiện giờ chú ở đâu?
– Phòng điện thoại công cộng đường Nhân Ái Cholon.
– Chờ chị ở đó nhé. Chị sẽ tới ngay.
– Vâng. Em sẽ chờ chị ở chỗ tai nạn. Bây giờ thì Cảnh sát tới đông lắm rồi. Chắc họ đang làm biên bản.
Cuộc điện đàm chấm dứt, Sơn máng chiếc ống nói lên cái móc bên cạnh máy rồi mở cửa bước ra. Bỗng nó lạnh toát cả chân tay khi đụng ngay phải một kẻ lạ mặt cao lớn gấp rưỡi nó đứng án ngữ ở lối ra vào. Gã đội một cái mũ lưỡi trai kéo xuống tùm hụp, thêm vào đó đôi kính đen xì nuốt thêm nửa khuôn mặt nữa càng khiến gã tăng thêm vẻ vừa tối tăm, vừa dữ dội. Gã bận một chiếc quần tây xám, chiếc áo ca rô sọc xanh đỏ buông ra ngoài quần, dưới chân là đôi giày bata trắng đã ngả mầu nước dưa, không có vớ. Trông gã đặc vẻ một tay anh chị chuyên đứng ngoài bến tầu. Gã gân mặt lên nhìn Sơn, bàn tay của gã vung ra in vừa vặn lên má nó một cái tát đau điếng. Tiếp theo là một giọng nói giận dữ:
– Oắt con. Mày làm cái gì ở trong đó mà lâu dữ vậy. Muốn tán dóc vớ vẩn thì về nhà mà tán chớ…
Sơn vừa xuýt xoa, vừa xin lỗi rối rít. Nó nói:
– Cháu xin lỗi ông… Cháu… cháu khất nợ với người ta… Năn nỉ cách nào cũng không được…
Gã đàn ông hình như không quan tâm gì đến cái duyên cớ đau khổ mà nó vừa nêu ra, gã cắt đứt ngay giọng nói liến thoắng của nó bằng cách túm lấy ngực áo của Sơn rồi xô mạnh ra xa. Y hệt một con mèo ăn vụng bị chủ xách cổ lên ném đi, thằng Sơn văng một cái rồi ngã quay cu lơ trên mặt đường cứng nhắc. Chỉ thiếu một chút nữa là đầu nó va phải chiếc cột đèn vô tri đứng sừng sững bên vệ đường. Thi hành xong cái cử chỉ hung bạo đó, gã đàn ông không thèm nhìn xem con chuột nhỏ bé mà gã vừa bạo hành có việc gì không, gã hấp tấp bước vào phòng điện thoại. Bóng dáng cao lớn của gã mất hút ngay sau cánh cửa đóng kín mít bọc một lớp nỉ dầy.
Sơn hậm hực ngồi dậy suýt xoa bóp lại cái chân ở bên vệ đường. Vừa vặn lúc đó chị Thu Dung lái chiếc xe hơi xinh xắn của chị đi tới. Cố nhịn đau, thằng Sơn vừa giơ tay vừa vẫy vừa khập khiễng chạy lại phía chị. Chị kêu lên:
– Kìa! Sơn! Chú làm sao thế?
Sơn mỉm cười gượng gạo:
– Suýt nữa thì em bị lọi mấy cái xương sườn đây. Coi bộ cái vụ rắc rối này còn nhiều điều liên hệ khác nữa. Để em sẽ kể cho chị nghe sau. Bây giờ chị cứ lại quan sát ở chỗ làm biên bản kia xem có thu thập được thêm điều gì mới lạ không. Về phần em thì em phải ngồi ở đây có công tác khác. Em có vẻ đánh hơi thấy một điều gì đó quanh vụ này.
Vừa nói Sơn vừa ra hiệu cho chị Thu Dung nhìn về phía phòng điện thoại công cộng. Chị gật đầu tỏ vẻ hiểu biết rồi sang số chạy thẳng sau khi dặn lại:
– Mình sẽ gặp nhau ở tòa soạn, Sơn nhé.
Sơn mỉm cười gật đầu. Nó trìu mến nhìn chiếc xe của chị từ từ chuyển bánh đi thẳng về phía đầu phố.
Chị Thu Dung là phóng viên của báo Ánh Sáng, mới vào nghề được gần hai năm sau khi tốt nghiệp đại học Báo Chí Quốc Gia. Thoạt tiên, nhiệm vụ của chị chỉ là liên lạc với sở Cảnh sát Công lộ để ghi chép tin tức tai nạn lưu thông, ghé qua mấy quận Cảnh sát lượm tin về những vụ đánh lộn, cháy nhà hay cờ bạc. Dần dần chị được cử đi tham dự những buổi lễ chính thức tại các cơ quan để viết tường thuật một cách vô tư, không bình luận. Công việc có vẻ buồn nản chẳng xứng với mớ kiến thức dồi dào về báo chí mà chị thu lượm từ ngày còn mài gót ở Đại học. Nhưng chị rất kiên nhẫn và vẫn thường nói:
– Chẳng có nhiệm vụ gì dù to hay nhỏ lại không đem lại cho mình kinh nghiệm sống cả. Điều cần là phải có óc quan sát, suy luận, và tự rút ra cho mình những bài học hữu ích.
Sơn quen chị Thu Dung vào một buổi chiều tại tòa soạn. Hôm đó, nó đang ngồi kiểm điểm lại số tiền bán báo được trong ngày thì chị Thu Dung trong tòa báo chạy ra, vội vã hỏi:
– Ê, chú bé! Chú có thấy ai vừa ở trong này đi ra không?
Sơn ngẩng lên ngơ ngác:
– Không chị ạ. Em mải đếm tiền nên không để ý đến.
Chị Thu Dung giơ một cái mũ lên và nói:
– Người gì thật đãng trí. Có cái mũ cũng để quên.
Sơn đón lấy cái mũ, giơ lên ngắm nghía một chút, lại xoay cái mũ đi một vòng, lật đi lật lại mấy lần rồi mỉm cười nói:
– Ông cụ này diêm dúa lắm phải không chị?
Mắt chị Thu Dung trợn tròn lên đầy vẻ ngạc nhiên:
– Ui cha! Chú này tài thiệt đó. Quả là ông cụ có tính diêm dúa thật. Dễ ngoài sáu mươi rồi còn thắt cà vạt đỏ, đi giầy da nâu nữa chớ. Nhưng làm sao mà chú đoán được.
– Tại em ngửi thấy mùi nước hoa thoang thoảng trong cái mũ này.
Chị Thu Dung đón lấy cái mũ đưa lên múi hít mấy cái rồi mỉm cười hồn nhiên:
– Ừ nhỉ! Mùi nước hoa Chanel số 5. Cái nhà ông cụ này tài hoa son trẻ thật!
Sơn tò mò hỏi:
– Ai thế chị?
– Một khách hàng đăng quảng cáo trên báo Ánh Sáng.
Sơn ngắm nghía lại cái mũ rồi nói:
– Đây là một ông cụ già, tóc bạc…
Chị Thu Dung ngạc nhiên:
– Ủa! Nếu vậy thì chú trông thấy rồi mà lại còn nói không!
Sơn nhón tay vào lòng mũ lấy ra một sợi tóc bạc dính trên lần vải lót và nói:
– Đâu có! Em nhìn thấy cái này!
Chị Thu Dung buột miệng khen:
– A! chú này có óc nhận xét ghê quá nhỉ. Chị đố chú đoán thử thêm nữa đấy.
Ngừng một giây rồi chị Thu Dung tiếp:
– Nếu mà lần này cũng đúng nữa thì chị mời chú đi một chầu kem Thiên Thai đấy.
Sơn lẳng lặng quan sát cái mũ một cách kỹ lưỡng hơn, trong khi đôi mắt đen láy của chị Thu Dung mở tơ ra, theo dõi cử chỉ của nó một cách hồi hộp thích thú. Bỗng Sơn nói:
– Ông cụ này thuận tay trái!…
Mắt chị Thu Dung trợn tròn lên, hai hàng mi cong vút của chị như dựng đứng hẳn, và khóe môi tươi tắn như đóa phù dung của chị bỗng tròn lại đầy vẻ ngạc nhiên rồi mãi chị mới thốt được lên một cách sững sờ:
– Tài thật! Tài thật!… Quả nhiên là cái nhà ông cụ kỳ cục này viết bằng… tay trái!
Nói rồi chị giơ bàn tay trắng muốt lên đặt vào cầm của thằng Sơn như muốn ngắm nghía nó thêm kỹ càng.
Rồi chị nói tiếp:
– Thế là chị mất với chú một chầu kem Thiên Thai rồi. Nhưng làm sao mà chú lại đoán được ông cụ viết bằng tay trái?
– Đây nhé, chị nhìn kỹ vào chỗ cái múi bóp lại ở đằng trước mũ này. Đấy có phải là chỗ mọi người vẫn cầm vào để ngả mũ ra hay đội mũ vào không?
Chị Thu Dung reo lên:
– Phải rồi, nó hơi bẹp lại hơn so với những chỗ khác. Và chỗ bẹp này lại nghiêng về phía bên trái phải không?
Sơn mỉm cười:
– Dạ, đúng vậy!
– Thế mới biết chỉ cần chịu khó suy nghĩ một chút, ta sẽ tìm ra nhiều câu trả lời cho những vấn đề thắc mắc. Chú tên gì nhỉ?
– Dạ. em tên là Sơn!
– Vậy chị mời Sơn đi ăn kem với chị. Bằng lòng không?
– Em xin ký cả hai tay.
Hai chị em trở nên thân thiết từ hôm đó.
♣
Một lát sau cánh cửa phòng điện thoại bật mở, và gã đàn ông khi nãy bước ra ngoài với vẻ cau có, bất mãn hiện trên nét mặt. Gã dừng lại bên vệ đường, hết giơ tay nhìn đồng hồ mấy lần, lại ngó láo liên về phía đầu phố. Bỗng gã chú ý đến thằng Sơn lúc đó đang giả bộ ngồi ôm đầu gối nhăn nhó một cách khổ sở. Mặt gã hơi có vẻ dịu xuống. Gã chăm chú quan sát nó giây lâu rồi tiến lại gần nói:
– Ê! Bé con. Mày ngồi ở đây từ nãy có thấy cái xe gắn máy nào đi qua không.
Sơn ngước lên nhìn gã lắc đầu. Gã nhún vai một cái như đã biết trước câu trả lời của thằng bé rồi hậm hực quay đi. Nghĩ ngợi một chút gã quay trở lại, búng ngón tay kêu một tiếng tách ròn rã và nói với Sơn:
– Ê! Mày túng tiền lắm nên phải khất nợ hả?
Sơn bỡ ngỡ nhìn gã, khẽ gật đầu. Gã mỉm một nụ cười dễ dãi:
– Đây này. Tao sẽ cho một “bớp” nếu mày làm cho tao việc này.
Sơn hỏi:
– Việc gì?
– Dễ ợt. Mày chỉ việc ngồi chờ ở đây. Lát nữa có thằng nào ăn bận quần áo xanh kiểu thợ máy, chạy xe Honda tới đây kiếm tao thì mày nói rằng: “Anh Tư tức lộn mề ra đây. Ảnh dọt trước rồi. Xiếc hay ác. Phải về garage ngay”. Mày nghe rõ không?
Sơn đáp:
– Rõ!
– Nhắc thử lại tao coi.
Sơn mỉm cười:
– Cháu sẽ nói với hắn rằng hắn đã làm anh Tư tức đến lộn mề ra đây. Ảnh chờ không được nên dọt trước rồi. Ảnh nhắc rằng: “Xiếc hay ác. Phải về garage ngay”
Gã đàn ông bật lên cười vỗ vào lưng Sơn đồm độp:
– Thằng nhóc này xạo dữ. Đúng như vậy đó. Đây tao đưa trước cho mày một trăm đây.
Vừa nói gã vừa móc túi lấy ra tờ giấy bạc nhét vào túi của Sơn. Sơn nhận lấy một cách vui vẻ:
– Ông cứ yên chí đi. Cháu sẽ chờ hắn ta bằng được.
Gã đàn ông gật đầu ra vẻ bằng lòng. Gã quay lại ngó ra chung quanh một lần nữa rồi kéo sụp cái mũ xuống thêm và vội vã đi thẳng. Đầu óc Sơn phải gấp rút làm việc. Nó không biết nên theo gót gã này hay chờ đứa sắp tới. Nhưng cuối cùng nó quyết định ở lại. Dẫu sao thì mấy phút gặp gỡ vừa qua, Sơn cũng đã in rất sâu hình ảnh của gã vào trong trí nhớ rồi. Vậy thì tốt hơn là nên ở lại để nhận diện thêm đồng bọn thứ hai. Linh tính báo cho Sơn biết bọn này thế nào cũng dính líu đến cái chết thảm thương của ông già bí mật. Vấn đề đầu tiên bây giờ là Sơn phải trả lời những câu hỏi mà nó tự tra vấn như sau:
– Thứ nhất: Ông già mù là ai? Tại sao ông ta lại giả mù? Tại sao ông ta lại bị ám hại một cách táo bạo giữa ban ngày như vậy?
– Thứ hai: Kẻ nào đã cầm đầu vụ sát hại này. Gã đàn ông tên Tư hay một kẻ nào khác?
– Thứ ba: Xiếc hay ác mà gã đàn ông vừa nhắc đến là cái gì? Đó là một mật hiệu hay chính là vụ sát hại vừa xẩy ra.
– Thứ tư: cái garage vừa được nói đến nó ở đâu? Nó chỉ là garage sửa xe thực sự hay là một trụ sở bí mật nào đó được dùng làm nơi hẹn hò?
Ngần ấy câu hỏi đang quay cuồng trong đầu óc của Sơn thì ông Thanh tra Mạc Kính ở sở Cảnh sát Thủ đô đã lái chiếc xe quen thuộc sơn mầu xám tro của ông từ xa lại. Đối với Sơn, ông ta là chỗ… quen biết lớn! Bởi vì Sơn và các bạn đồng nghiệp bán báo của Sơn đã cộng tác rất đắc lực với ông trong nhiệm vụ điều tra hay thâu thập tin tức ở khắp các ngõ ngách, phố phường trong thủ đô hoa lệ này.
Một kẻ tình nghi, muốn rõ các hoạt động hàng ngày của hắn ta, một chiếc xe bị mất trộm muốn điều tra tin tức, một đứa trẻ bị lạc muốn tìm lại được nó, tất cả những công tác tuy nhỏ nhoi nhưng không kém khó khăn đó đều phải nhờ đến sự đóng góp công lao của cả một tiểu đoàn trẻ em bán báo lúc nào cũng có mặt ở khắp nơi, mọi chỗ trong đô thành. Một lần, bỗng ông Thanh tra Mạc Kinh nhận được một cú điện thoại bất ngờ gọi từ một phòng điện thoại công cộng về văn phòng làm việc của ông. Và tiếng một em bán báo thỏ thẻ như chim:
– Thưa ông em vừa thấy có 2 chiếc xe hơi lưu thông mang cùng một số chạy ngược chiều nhau.
– Có chắc không?
– Chắc. Vì đường hơi kẹt nên em thấy rất rõ.
– Số bao nhiêu?
– Dạ số EZ. 17352.
Lập tức các xe mô tô của cảnh sát Công lộ đi tuần trong thành phố được huy động để chặn xét hai chiếc xe hơi cùng mang số EZ. 17352. Quả nhiên có một chiếc xe là của gian và chủ nhân của nó lập tức bị câu lưu.
Một lần khác, Sở Cảnh sát được tin tiệm vàng Mỹ Quý bị đánh cướp bởi một toán người đi trên một chiếc xe sơn đen, vè sau bên trái bị móp.
Lệnh truy tầm vừa được tung ra, thì một em bán báo đã tới cho biết là đã bắt gặp chiếc xe có hình dáng tương tự chạy vào một garage sửa xe ở đường Hạnh Phúc, Chợ Lớn. Lập tức cái garage bị vây kín và cảnh sát ập vào bắt trọn ổ bọn cướp trong khi chúng còn đang mải chia nhau chiến lợi phẩm vừa ăn hàng được.
Đại loại, những đóng góp tình cờ của đám trẻ em sống ngoài phố đã làm nhẹ gánh cho Sở Cảnh sát rất nhiều. Và tất nhiên, sau mỗi lần các chú thám tử tình cờ hay đúng hơn, ngáp phải ruồi như vậy đều được tưởng thưởng rất xứng đáng.
Trong số các cộng sự viên tí hon của Sở Cảnh sát (Sự cộng tác không ràng buộc bởi bất cứ một điều khoản nào) ông Mạc Kính quí nhất là Sơn. Bởi vì Sơn thông minh, nhanh nhẹn, tháo vát và có óc suy xét rất khoa học. Chính nhờ công lao của Sơn mà công ty Hải Vân, một tổ chức bất lương đã bị bắt trọn ở trong vụ bắt cóc con trai bà triệu phú Minh Vân hồi cuối năm vừa qua.
Khi chợt nhìn thấy Sơn đứng lảng vảng ở gốc cây, ông Mạc Kính bèn lái xe áp vào lề đường rồi thò đầu ra kêu:
– Ê! Sơn!… Mạnh khỏe không? Chú làm gì mà đứng vẩn vơ ở đây?
Sơn quyết định chưa báo cáo gì với ông ta vội khi mình chưa có những yếu tố xác đáng. Bởi thế, nó vội vàng mỉm cười nói vu vơ:
– Cháu đi ngang qua đây thấy có cái tai nạn xe hơi nên tò mò đứng lại xem.
Cặp mắt sắc như dao của ông Mạc Kính bỗng nhìn thẳng vào nó, như thấu suốt tâm trạng bối rối của nó trong lúc này. Ông ta hỏi:
– Chú đến trước hay là sau khi có tai nạn?
Bị chất vấn bất ngờ, Sơn lúng túng:
– Dạ… Không phải trước, mà sau… sau khi có tai nạn.
– Nếu vậy thì thật đáng tiếc. Bởi vì đây không phải là một tai nạn mà là một vụ án ám sát, một vụ thanh toán…
Sơn giật mình kinh ngạc:
– Ủa! Làm sao ông biết được sự thể lại xẩy ra như vậy?
– Tôi vừa được các chuyên viên về tai nạn báo cáo về văn phòng cho biết như vậy. Còn họ, họ căn cứ vào những lằn xe in trên mặt đất. Nạn nhân rõ ràng là bị đuổi theo một quãng rồi mới bị đâm vào. Tôi đang đi tới để điều tra thêm đây. Nếu có tin tức gì chú cho tôi biết thêm với nhé.
Nói rồi ông ta rồ máy chạy đi. Sơn đứng lại tần ngần. Trong thâm tâm, nó thán phục sự sáng suốt của Sở Cảnh sát. Nhưng nó phân vân không biết nó nên tiết lộ ngay cho ông Mạc Kính về những điều mà nó mới được chứng kiến cách đó vài phút hay không. Cuối cùng, Sơn quyết định hãy chờ tìm thêm ít nhiều yếu tố đã. Vả lại, bản tính thích tham dự vào những cuộc phiêu lưu, mạo hiểm đã xui nó hãy lao vào nội vụ thêm một đoạn đường nữa. Tới chừng đến hồi gay cấn, sức nó không kham nổi, hoặc sự che giấu Cảnh sát trở nên bất lợi cho cuộc điều tra, thì nó sẽ gặp ông Mạc Kính sau cũng chưa muộn gì.
Nghĩ thế, Sơn lại vui vẻ quay trở lại đứng chờ ở gốc cây. Quả nhiên, chỉ một lát sau, nó thấy một gã đàn ông phóng xe gắn máy từ xa lại. Lúc đến gần phòng điện thoại công cộng thì gã giảm tốc độ và dương mắt nhớn nhác nhìn quanh như tìm kiếm. Đó là một gã đàn ông gầy gò, ốm yếu, nước da xanh mét, tóc ngắn, mặt vuông, trán thấp, cặp mắt láo liên ẩn dưới đôi lông mày rậm, miệng gã khá rộng, đôi môi mỏng quẹt và xám xì. Gã bận một chiếc quần tây xanh, chiếc áo ca-rô mầu xám nhạt, cộc tay, bỏ ra ngoài quần. Và cả quần lẫn áo đều dính nhiều vết dầu máy. Chắc gã vừa bị hư xe ở đâu đó, và có thể, đấy là lý do khiến gã đã sai hẹn với “anh Tư”. Khi chiếc xe của gã từ từ lướt qua mặt Sơn được vài thước thì gã ngừng xe lại. Sơn mỉm cười một mình, vậy đích thị gã là con người mà anh Tư muốn nhắn lại. Quả nhiên, gã nhìn Sơn ngập ngừng một giây rồi nói:
– Này, cậu! Cậu ngồi ở đấy có nom thấy người đàn ông nào đeo kính đen vừa ở đây đi không?
Sơn hỏi:
– Ông tìm anh Tư phải không?
Mặt gã đàn ông hơi biến sắc, và gã nhìn Sơn đầy vẻ nghi ngờ:
– Ai? Anh… anh Tư nào?
Sơn giả vờ xin lỗi:
– Nếu vậy tôi nhầm, xin lỗi ông.
Nói rồi nó quay ngoắt đi. Quả nhiên gã đàn ông vội vàng vòng xe lại cuống quít:
– Ê! Này cậu! Nói giỡn vậy thôi chớ anh Tư Bạch Đằng tôi còn lạ gì.
Sơn mừng hú. Thế là thêm một chi tiết nữa về người đàn ông mang kính đen. Tên hắn là Tư, mà lại còn là Tư Bạch Đằng nữa kia. Thường thường trong giới anh chị, người ta thường gọi nhau bằng tên hiệu hơn là tên đích thực trong căn cước. Như thế hai chữ “Bạch Đằng” này phải ám chỉ điều gì đặc biệt lắm về anh Tư. Có thể anh ta là xếp sòng ở ngoài bến Bạch Đằng. Nhưng cũng có thể anh ta liên hệ gì đó với một nhà trọ hay tửu quán mang tên Bạch Đằng. Điều này chỉ cần một buổi sáng điều tra là sẽ rõ hết không khó khăn gì. Thấy lâu Sơn không trả lời, gã đàn ông mới tới lại hỏi xoắn xuýt:
– Đâu? Anh Tư đâu? Ảnh chờ tôi có lâu không?… Ảnh có giận dữ gì không?
Sơn làm bộ nghiêm nét mặt:
– Không giận dữ sao được. Ở đây đầy tai mắt, nguy hiểm lắm. Ai biểu ông không tới đúng hẹn.
Mặt gã xanh hẳn đi. Gã phân trần với Sơn bằng một giọng năn nỉ như chính Sơn là kẻ có uy quyền trực tiếp với gã vậy:
– Khổ quá. Cậu thông cảm giùm tôi với. Tôi hỏng xe thiệt tình. Tổ cha nhà nó chớ, đúng lúc có công tác nghiêm trọng thì nó giở chứng ra với tôi chớ, mấy ngày nằm chơi ròng ở nhà mụ Năm thì lái xe đi tối ngày, có hề gì đâu.
Mắt Sơn hơi sáng lên một ánh chớp rực rỡ, và chỉ một thoáng qua đó cũng đủ làm cho gã đàn ông nhìn Sơn như vừa cảm thấy nỗi bất trắc vẩn vơ. Gã hơi hối hận là đã nói năng quá nhiều, điều đó làm giọng thao thao của gã bỗng ngừng lại. Gã nhìn Sơn soi mói hơn trước. Rồi gã ấp ùng hỏi:
– Thế còn cậu… cậu là ai…
Sơn cảm thấy nếu không hết sức thận trọng sẽ có thể nguy hiểm chứ không phải chuyện chơi, nên nó cố lấy giọng bình tĩnh:
– Tôi là em út của anh Tư.
– Ủa! chỗ quen thuộc vậy mà sao tôi lui tới đằng đó hoài mà không gặp cậu nhỉ.
– Sức mấy mà tôi được lui tới hoài đằng đó. Em út chạy cờ thôi mà. Nhưng ảnh yêu tôi nhất trong đám tụi chúng nó đó.
Gã đàn ông có vẻ yên lòng. Gã nhìn Sơn thân thiện hơn, rồi dò hỏi:
– Anh Tư tới đây lâu chưa?
– Lâu lắm rồi. Ảnh chờ hoài không được nên bực tức lắm. Rồi ảnh vô phòng điện thoại gọi dây nói đi đâu tôi không biết.
Gã đàn ông kêu lên:
– Chết cha tôi rồi. Ảnh làm vậy thì tôi sống làm sao được với ông Chủ đây. Ảnh không thương tôi chút nào hết đó.
– Thì ông không biết tính ảnh sao. Công việc là công việc mà.
Gã đàn ông đầy vẻ khổ sở. Gã vò đầu bứt tai một hồi rồi lại hỏi:
– Rồi ảnh về lâu chưa?
– Về tới gần mười lăm phút rồi.
– Ảnh có nhắn gì không?
– Có chớ. Ảnh có nhắn về vụ “xiệc”
Gã đàn ông hỏi dồn:
– Sao? “xiệc”… hay không? Có gì trục trặc không?
– Hay thì hay ác rồi. Mà điều tại ông tới trễ nên hư phần chót…
– Vậy mới là chết cha tôi chớ. Biết làm sao bây giờ đây.
Sơn ngập ngừng:
– Tôi giúp… tôi giúp được không?
– Cậu giúp tôi bằng cách nào đây?
Bị hỏi ngược lại. Sơn hơi bối rối nhưng sợ gã nghi ngờ, nó vội nói:
– Thì cứ về garage đi rồi hãy hay.
Gã đàn ông buột miệng:
– Về nhưng chưa lấy được cái đó thì chết với anh Tư…
Óc Sơn lóe lên một tia sáng vui mừng. À, ra thằng này có nhiệm vụ tìm kiếm một vật dụng nào đó quanh chỗ xảy ra tai nạn đây. Nhưng cái đó là cái gì? Nó có liên quan gì tới cái chết của ông già mù không? Còn đang quay cuồng với những câu hỏi dồn dập thì gã đàn ông đã thở dài não ruột:
– Cũng phải về thôi chứ biết làm thế nào. Trốn anh Tư thì chỉ có xuống địa ngục hay lên thiên đàng thì mới thoát mà thôi…
Nói đoạn gã đạp cho máy nổ trở lại, điệu bộ rất là thiểu não. Rồi như một kẻ mất hồn gã nhìn về phía đám đông lố nhố trước mặt như suy tính một cách tuyệt vọng và cuối cùng gã rồ máy chạy đi. Sơn muốn rượt theo hắn vô cùng. Nhưng sau một giây nghĩ ngợi, nó lại đứng yên một chỗ, sau khi giơ tay lên chào và nói to:
– Hẹn gặp lại nhau nhé.
Sở dĩ Sơn không tìm cách đuổi theo gã đàn ông này là vì nhiều lý do:
Thứ nhất: là quanh đó không có một cái xe nào để nó có thể dự cuộc săn đuổi. Còn như nếu nó chạy bộ thì rất dễ dàng bị lộ tẩy, và biết đâu nó lại chẳng bị gã khám phá ra cái tội tự xưng là em út của anh Tư.
Thứ hai: là cái vật dụng mà gã muốn tìm chắc chắn chỉ quanh quẩn cạnh tử thi của ông già mù. Chính vật ấy khích động trí tò mò của Sơn nhiều hơn là đuổi theo để biết tung tích của gã đàn ông.
Thứ ba: là đầu mối điều tra có thể bắt đầu từ anh Tư Bạch Đằng, một nhân vật mà Sơn tự nghĩ kiếm ra không phải khó nếu nó chịu la cà ngoài bến Bạch Đằng.
Vì suy luận như vậy, nên Sơn chỉ đứng lại nhìn theo gã với một cặp mắt đầy tiếc rẻ rồi sau đó nó phóng mình lại phía đã xẩy ra tai nạn.
Biên bản lúc này đã được làm xong. Các chuyên viên điều tra cũng đã thâu tóm được những nét chính xẩy ra trong vụ mưu hại. Theo sự suy luận của họ thì ông già đã đi bộ từ góc đường Hạnh Phúc rẽ qua đường Nhân Ái. Đây là một khoảng đường hẹp, hai bên không có lề đường và xe cộ chỉ đi lại có một chiều. Đến gần chỗ rẽ ở ngã tư độ non một trăm thước thì chiếc xe tử thần xuất hiện ở phía sau lưng ông già. Hầu như ông ta biết rõ tai nạn sẽ xẩy đến với mình nên co chân chạy (Vết chân in dài trên mặt đất bùn thay đổi rõ rệt từ khúc này).
Chạy được non ba chục bước thì ông lão tạt ngang qua bên kia lề như tránh né. Vết xe lái sát theo. Rồi ông lão lại chạy trở về mé đường bên mặt và cuối cùng bị đâm tại vị trí cách ngã tư đúng mười bốn thước. Nghiên cứu loại vỏ xe in trên mặt bùn, khoảng cách giữa hai bánh xe bên trái và bên mặt, các chuyên viên kết luận đó là loại xe traction rất thông dụng trên những đường trường, vọt rất nhanh, và bám sát mặt đường.
Bây giờ, xác ông già mù đã được đặt ngay ngắn bên hè phố, các thủ tục chụp hình đo lường những khoảng cách, đánh dấu các vị trí …v.v… cũng đã thi hành xong. Chỉ còn chờ xe Hồng Thập Tự được phái tới là chở về nhà xác. Sơn lách mình qua đám đông lố nhố để len vào tận nơi xẩy ra tai nạn. Nó quan sát kỹ lưỡng thi hài của ông già mù.
Ông ta vẫn bận bộ quần áo cũ rích, quen thuộc hàng ngày, một chiếc quần tây vá chằng đụp cả trăm chỗ, nguyên thủy là mầu xanh đậm, nhưng bây giờ đã trở thành đủ các loại mầu, một chiếc áo bành tô bằng vải kaki cũng thảm hại chẳng kém. Chiếc bị rách mà ông vẫn mang được xếp ngay ngắn ở bên cạnh và chiếc mũ tồi tàn cùng chiếc kính đen dập nát cũng được đặt trả trên ngực của ông.
Bỗng óc của Sơn lóe lên một hình ảnh quen thuộc mà nó không nhìn thấy ở đây: Chiếc gậy trúc ông vẫn mang hàng ngày. Sơn lách qua đám đông một vòng và mắt của nó không ngừng soi mói ở khắp mọi nơi, mọi chỗ. Cây gậy trúc, một vật bất di bất dịch mà ông lão vẫn cầm trên tay đã biến mất đi đằng nào. Nó chợt nhớ tới lời gã đàn ông đi xe gắn máy vừa buột miệng thốt ra lúc vừa rồi:
– Về nhưng chưa lấy được “cái đó” thì chết với anh Tư!…
Vậy “cái đó” có phải là cây gậy trúc mà ông vẫn mang không? Nếu cho là đúng, thì gã đàn ông đi xe gắn máy đã vì hỏng xe không tới chớp kịp, vậy kẻ nào thứ hai đã thủ tiêu cái vật bí mật đó. Một đàn em khác của anh Tư Bạch Đằng? Một tay sai của ông chủ garage? Hay là một tổ chức nào khác. Ôi! Mới có trong vòng không đầy một giờ đồng hồ từ lúc xảy ra tai nạn đến bây giờ mà đã bao nhiêu nghi vấn được đặt ra chứng tỏ nếu đi sâu vào nội vụ chắc hẳn còn lắm cái ly kỳ. Sự ly kỳ này càng khêu gợi trí tò mò của Sơn và hối thúc nó dấn mình vào cuộc phiêu lưu mà nó đoán chắc sẽ hứa hẹn nhiều pha gay cấn.
Còn đang suy nghĩ vẩn vơ thì ông thanh tra Mạc Kính đã rời chỗ đứng tiến lại gần phía nó mỉm cười đon đả:
– Kìa. Chú Sơn, không đi bán báo hay sao mà còn đứng đây.
Sơn mỉm cười chào lại và trả lời:
– Dạ, cháu tò mò muốn đứng ngó chơi một lát. Không hiểu nạn nhân có mất mát cái gì không?
Ông Mạc Kính chợt nhìn thẳng vào mắt của Sơn với một tia nghi ngờ và hỏi ngược lại:
– Tại sao cậu lại hỏi ông ta có mất cái gì không?
Sơn hơi đỏ mặt (và thầm nghĩ cái lão già này quái ác thật). Nó vội tìm lời chống chế:
– À… cái đó là cháu đoán vậy thôi. Nếu quả thật ông ta bị mưu sát thì tức là bọn cướp định chiếm đoạt của ông một cái gì… Vàng bạc chẳng hạn.
Ông Mạc Kính lắc đầu:
– Lý do của cậu đặt ra không vững chút nào. Bởi vì thứ nhất nếu quả thực ông lão có dành dụm được vàng bạc thì ông lão sẽ chọn giấu một chỗ chớ dại gì độn vào lưng cho nặng mình. Thứ hai là giả sử ông ta có đem vàng đi theo chăng nữa thì việc gì tụi nó phải dùng cả một cái xe hơi traction để chiếm đoạt. Chỉ cần chờ ông ta đi qua một chỗ vắng, chẹn cổ, móc túi là xong. Vừa êm ái, vừa đỡ rắc rối, phải không?
Sơn bẽn lẽn:
– Phải… phải… “vấn đề” có thế mà cũng không nhìn ra…
Nói xong một câu lãng xẹt đó, Sơn tìm cách lủi ngay vào đám đông, không kịp nhận ra ánh mắt soi mói và nghi ngờ của ông Mạc Kính đang nhìn theo. Bây giờ nó chỉ mong được ngồi yên tại một chỗ vắng nào đó để kiểm điểm lại những tin tức mà nó mới thâu lượm được. Nó nghĩ ngay tới quán Ba Sinh có món xí quách bò ngon tuyệt hảo. Sơn nhớ tới trăm bạc của anh Tư Bạch Đằng còn nằm gọn trong túi áo. Nó mỉm cười một mình:
– Cám ơn anh Tư rất nhiều. Anh tốt bụng quá đi.
Chương Một
Tiến >>
Nguồn: https://nhavannhattien.wordpress.com/
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 1 tháng 6 năm 2022