Một đêm tháng 9 năm 1951... Tôi về đến làng thì trời đã tối rồi, và nghe nói, người làng đã tan tác đi nhiều lắm. Tôi hỏi thăm ông Năm Hạng, biết rằng ông hãy còn ở lại và hiện đang ngồi uống rượu cùng với một người khách. Đó là người cháu bộ đội ở xa về. Ông Hạng mà cũng có khách à? Tôi vừa lấy làm lạ, vừa lấy làm mừng cho ông. Vì xưa nay, ông vốn sống cô độc. Trong mấy năm cùng sống với ông, tôi không hề nghe ông nhắc đến ai là người thân, mà lúc nào cũng nghe ông rì rầm nhắc đến chuyện thằng con. Đó là đứa con trai duy nhất của ông đã bị giết chết trong những ngày đầu kháng chiến. Con ông là một tên do thám của giặc. Nhưng ông, thì ông không hề tin điều đó. Ông cho rằng người ta giết con ông là vì thù nhơ oán chạ. Rồi, ông dựng đứng lên một câu chuyện. Ông nói, hôm đó con ông nghe tin giặc sắp đi ruồng, nên con ông mới vội vàng về làng báo tin cho bộ đội. Nhưng con ông mới vừa về đến cầu Cây Dừa thì có người từ trong bụi nhảy ra, chĩa súng vào ngực, rồi bắn con ông lật nhào xuống nước. Người đó có thù riêng với con ông. Người đó là ai, ông không nói. Mỗi lần nhắc đến, xem chừng ông muốn tìm biết thủ phạm lắm. Tìm biết để làm gì, ông cũng không nói ra.
Thực ra, người giết con ông chính là tôi. Lúc chúng tôi đóng quân ở nhà ông, con ông có về chơi mấy lần. Tôi để ý theo dõi anh ta từ đầu. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy trong hoàn cảnh đó, tôi không thể có cách xử trí nào khác hơn nữa.
Buổi sáng hôm đó, tàu giặc cứ xình xịch lên xuống ngoài sông Cửu Long. Rồi nó neo lại, cho sà lan cặp vào bến chợ, và đổ bộ. Chúng kéo hàng ngang tiến vào làng. Đơn vị chúng tôi nằm phục sẵn. Tôi đứng gác ở đầu cầu, thấy hai tên từ phía chợ đi vào. Nó đi thom thom, mắt dáo dác nhìn vào các lùm cây. Tôi đoán biết là do thám. Hai tên ấy vừa đến vòng phục kích của đơn vị, tôi liền nhảy ra, bắt chúng. Tôi gặp lại con ông Năm Hạng. Chính con ông đã quay lại, toan giật lấy súng tôi. Và chính vì hắn mà đơn vị tôi bị lộ. Do đó, đơn vị tôi phải rút nhanh... Rồi một năm sau, trên con đường công tác, run rủi thế nào, tôi lại được phân công về đây. Người làng mà tôi gặp đầu tiên, không ngờ lại là ông. Ông là người của cơ sở đi đón cán bộ về làng. Tôi còn nhớ rõ cái đêm đó, cách đây đã bốn năm rồi. Trong bóng tối của đêm sắp qua lộ, sau khi nhận được tôi thì, ông đưa hai tay chụp xuống vai tôi và kêu lên:
- Trọng! Trời! Từ bấy đến nay cháu đi đâu?
Sau những tiếng kêu kinh ngạc ấy, ông đẩy người tôi ngã ra sau; còn ông, ông đứng thẳng với một vẻ sững sờ. Ông ngắm nghía tôi từ đầu đến chân một hồi lâu. Nhìn tôi, ông khẽ khẽ lắc đầu. Rồi, thật cảm động, ông kéo tôi sát vào người, úp mái tóc xuống vai tôi, lồng ngực run lên, nức nở. Tôi đứng sững đó, hai tay ôm chặt lấy ông mà tưởng người mình như đang rã tan ra. Từ đó, tôi về cùng sống với ông. Ông chăm lo cho tôi từng chút một. Ông ngồi bên hầm, gác cho tôi ngủ. Ông dọn đường cho tôi đi hoạt động. Ông lo cho tôi cả cây gậy để đi đêm... Và bất cứ việc gì giao cho ông, ông cũng làm tròn. Nhưng ông vẫn cứ thắc mắc về chuyện đứa con của ông. Nhất là buổi chiều, sau khi nốc cạn một cốc rượu, thì sắc mặt của ông sầm xuống. Đôi mắt xếch của ông vừa long lên, vừa rỉ ra hai giọt lệ, rồi ông cất giọng lè nhè trong hơi men:
- Cháu Trọng, cháu có còn nhớ mặt mũi tay chân thằng con của bác không?
Sau câu hỏi đó, ông bắt đầu kể lể. Ông thường nói với tôi, người giết con ông, không chỉ có giết con ông thôi, mà còn giết cả cuộc đời của ông nữa. Mấy năm trời nay, không có nó, ông đã chết mòn vì cô độc. Bà vợ ông mất từ khi nó mới mười lăm, mười sáu. Cuộc đời của ông có gì đâu? Một miếng đất cắm dùi cũng không có. Ông chỉ có nó. Nhà thì nghèo, ông thì già, nên nó mới bỏ làng ra chợ đi kiếm lấy một cái nghề buôn bán. Năm ba hôm nó về thăm ông một lần. Có khi nó về hẩm hiu với ông hàng tháng. Bây giờ, nhà của ông đây, khi ông đi, không có ai để dặn dò, khi ông về cũng không có ai chờ, ai hỏi, ai thưa...
Có một lần, sau khi kể xong, ông đưa tay đặt lên chiếc dao găm đeo bên hông, và ngồi lặng. Người ông như chìm trong ý nghĩ đen mù. Ông ngồi lầm lầm, áo không cài cúc cổ, lồng ngực căng lên xoắn xuýt những chòm lông.
Khi tôi tìm lời an ủi, bảo ông hãy quên đi, thì ông “hừm” lên một tiếng và nói:
- Nói ra, cháu đừng giận bác! Cháu chưa có vợ, cháu chưa có con, cháu chưa nuôi một đứa con từ khi nó biết đi lẫm chẫm đến lúc nó trở thành người, cháu chưa làm cha - Ông khẽ lắc đầu - thì cháu lấy cái gì để biết cái khổ, cái đau của bác?...
Nỗi đau đớn của ông cứ day dứt mãi trong người tôi. Tôi thấy cần phải nói ra sự thực đó. Có lẽ ông sẽ khổ nhiều, nhưng sự thực sẽ giúp ông hiểu rõ và quên đi.
- Bác Năm à! Nếu rủi như ảnh là Việt gian thì bác nghĩ như thế nào?
Tôi định bắt đầu bằng cái câu hỏi đó, đế xem thái độ của ông. Tôi vừa hỏi xong, thì ông liền vặn lại:
- Sao?
Ông nảy người lên và sửng sốt nhìn vào tôi:
- Nếu nó đi làm Việt gian à? Hừ!
Lồng ngực ông căng thẳng lên và phập phồng. Ông không nói nữa mà quát lên:
- Nó đi làm Việt gian à?... Thì để cho cha nó! Cha nó sẽ xử tội nó!
Nói xong, ông chồm về phía tôi, đưa bàn tay nắm lấy chòm lông ngực, run run. Hai hàm răng ông nghiến chặt, hai hốc xương hàm nổi gồng lên, mắt long lên như đang cố hết sức để rứt ra một cái gì rất đau khổ và khó khăn. Ông nhìn tôi một lúc, rồi bỗng cười gằn một tiếng, đưa mấy ngón tay mở thêm cúc, kéo xệ một manh áo. Ông nghiêng người tràn tới và cong năm ngón tay gõ vào ngực:
- Cháu nên nhớ, bác là Trần Văn Hạng, du kích xã Mỹ Long, bác năm nay đã năm mươi tuổi rồi, đầu đội trời, chân đạp đất; từ cha sanh mẹ đẻ ra cho tới bây giờ, đầu hai thứ tóc, nghèo thì cạp đất ăn, chớ bác chưa hề làm một điều phi nghĩa. - Ông vênh mặt nhìn tôi với một vẻ tự hào, và to tiếng - Dòng máu của bác không đẻ ra một thằng con như vậy. Đời nào! - Ông nói một cách quả quyết như thế. Đôi mắt ông bỗng trở nên giận dữ và nhìn thẳng vào tôi, như soi mói, như tìm kiếm một cái gì. Tôi liền ngoảnh mặt, lánh hai luồng mắt của ông. Tôi đâm sợ và vội vàng nói chữa lại:
- Cháu ví dụ như vậy thôi, bác à! Theo cháu, lúc đó là lúc hai bên đang giáp trận, chắc là ảnh không biết đường chạy, nên bị bắn lầm hay bị đạn lạc cũng không chừng.
Sau câu nói đó, đôi mắt nảy lửa của ông liền dịu xuống.
Trong đôi mắt sầu thảm của ông, tôi thấy anh ánh lên một niềm hy vọng. Ông khe khẽ gật gù, vẻ hài lòng. Ông đưa tay cài cúc áo. Nhưng rồi, không biết nghĩ thế nào, ông lại ngẩng lên, nhìn xa xăm, khẽ lắc đầu, và lầm bầm: “Lầm à! Hừ!”. Ông đưa tay vớ lấy cốc rượu. Uống xong, một lúc sau đôi mất đỏ ngầu như mắt cá chày. Thế là ông trở lại cái câu chuyện mà ông đã dựng đứng lên rồi gầm rít trong cuống họng, rồi quả quyết: “Người ta thù nhơ oán chạ cháu à!”.
Ông lại nói thêm, nếu con ông còn sống thì ít nhất nó cũng lên đến chức đại đội tiểu đoàn rồi. Nếu đem so sánh, thì con ông đủ tài đủ trí bậc nhất trong làng. Người thì to lớn, lẫm liệt như con nhà võ, v. v... Ông ca ngợi con ông đủ mọi điều. Theo thói thường của sự đời, phàm là cha mẹ thì hình như không ai chịu nhận con mình là đứa xấu xa hư hỏng cả. Hễ là con của mình thì nhất nhất cái gì cũng tuyệt vời hết. Ông Hạng là người như thế. Tôi không biết làm sao, bèn trình bày thực ý nghĩ của mình với đồng chí đội trưởng du kích xã. Đồng chí đội trưởng liền gạt ngang:
- Không được! Ông già đó nóng nảy lắm! Giấu! Giấu. Đừng ở nhà ông ta nữa...
Tôi đi hỏi thăm những người thân thuộc của ông, xem ai là người thân thích, ruột thịt của ông để nhờ an ủi, khuyên lơn. Nhưng, người làng cho biết, bà con của ông không có ở đây, đã tản lạc đi đâu hết rồi, và mấy năm nay không thấy một ai về.
Bây giờ, nghe có anh bộ đội về thăm, tôi rất mừng. Tôi hy vọng đồng chí bộ đội sẽ giúp tôi được nhiều về việc này.
Nhưng khi tôi hỏi lại thì người làng bảo: “Cháu chắt gì của ông ấy đâu! Anh ấy trước là người ở chợ, có tới lui chơi nhà ông ta. Nay nghe anh là bộ đội, ông ta mới nhận “bừa” là cháu để được chút thơm lây đó mà!”. Tôi bật cười và nghĩ thương ông hơn. Không phải là cháu, nhưng ông chịu nhận là cháu thì cũng được lắm rồi. Tôi nghĩ như vậy. Tôi còn biết thêm, đồng chí bộ đội ấy đã về ở nhà ông được mấy hôm rồi, và đêm nào cũng chén tạc chén thù.
Tôi khấp khởi mừng, đi ngay.
Cái làng bị chiếm, buồn bã và tiêu điều làm sao. Những ngọn đèn của đồn giặc ở phía đầu doi, lập lòe như một bầy đom đóm. Thỉnh thoảng chó đầu trên xóm dưới tru rú lên ông ổng. Tiếng sóng của dòng sông ì ầm, nghe như những tiếng sấm xa xăm. Những cơn gió của mùa mưa hú qua các chòm cây, cuốn theo những chiếc lá khô, thổi rào rào dưới mặt đường.
Tôi đến nhà ông Năm Hạng. Một ngôi nhà con nằm dưới tàn xoài um tùm. Đất sân lành lạnh gan bàn chân, mùi lá mới hãy còn thơm. Chắc là nhà cũ đã bị giặc đốt rồi. Tôi định xô cửa bước vào thì tôi dừng lại. Tôi nghe ông đang gầm rít trong cuống họng “ngầm ngừ”. Chắc là ông đang nhắc đến con và đang giận. Tôi đưa mắt nhìn qua một kẽ vách. Ngọn đèn lù mù như cái bóng gáo. Người khách ngồi xoay lưng ra phía tôi nên tôi không nhìn thấy mặt. Còn ông Hạng, ông ngồi xếp bằng trên bộ phản, phanh áo ngực. Ông đưa cái bình rượu lên miệng, uống ừng ực một hơi dài. Rượu chảy ròng ròng theo bên mép, đọng lại dưới chòm râu. Ông đặt bình xuống, chồm tới, nắm tay người khách, kêu lên với một giọng lâm ly:
- Cháu! Cháu có còn nhớ thằng Long con của bác không? Nó cũng khôi ngô mập mạp như cháu đây này... - Ông Hạng vừa nói vừa nắn nót hai cánh tay của người khách.
Để cho ông đừng nhắc đến nữa, tôi liền lên tiếng:
- Bác Năm ơi!
- Ai đó, xô cửa vô!
Thấy tôi, ông liền quỳ lên, đưa hai bàn tay to lớn lên khỏi đầu, run run, và kêu:
- Trời! Thằng Trọng, cháu đi đâu một tháng trời nay, hả?
Ông đưa tay về người khách:
- Thằng cháu của bác ở bộ đội miền Đông mới về. - Bàn tay ông hướng qua tôi, giới thiệu tôi với một vẻ hãnh diện:
- Thằng cháu cán bộ trên tỉnh!
Nhìn người khách, tôi gặp lại cái bộ mặt nhọn choắt và cái mũi gầy đét của anh ta... Bụng tôi đánh thót một cái. Phút chốc, tôi mất tất cả bình tĩnh. Tôi đã nhận được người khách này là ai rồi. Và hình như hắn cũng nhận ra tôi, nên nụ cười của hắn hơi run run. Trong lúc đó, ông Hạng vừa rót rượu vừa mời tôi:
- Uống một miếng cho ấm bụng, cháu!
Để lấy lại sắc mặt và ra vẻ tự nhiên, tôi xoay qua, nâng cốc, nốc liền mấy ngụm. Tôi đã thoáng hiểu vì sao trong tháng này làng bị giặc bố nhiều, vì sao bọn “commăngđô” hay thọc vào nhà của cán bộ và vì sao dân làng phải đi tan tác. Người tôi nóng rừng rực. Nhưng tôi cứ giả vờ thản nhiên. Để tỏ ra mình đã quên hắn, tôi gọi hắn là “đồng chí”:
- Đồng chí ở bộ đội nào? Xin lỗi đồng chí tên gì?
- Tôi tên Lý! Tôi ở bộ đội miền Đông.
Rồi tôi hỏi về tình hình miền Đông, và nói với hắn một vài sự thực tình hình ta. Xem chừng khi hắn ta đoán chắc chắn là tôi đã quên hắn, tôi mới đứng dậy cáo từ.
- Thưa bác Năm! Cháu ghé thăm bác một chút, bây giờ cháu phải đi có chút việc. - Tôi hướng về hắn, siết chặt tay hắn:
- Đồng chí ở chơi!
- Cháu đêm nay ngủ đâu? - Ông Hạng hỏi.
- Cháu ngủ ở đằng nhà đồng chí đội trưởng.
- Ừ có việc thì cứ đi. Mai lại đây nhậu với thằng cháu một bữa nghe không?
Tôi ra khỏi cửa, liền đến báo với đồng chí Đoàn, đội trưởng du kích xã. Cái thằng này ghê thật, dám mang giấy tờ bộ đội mò về. Chúng tôi cho du kích nằm phục sẵn xung quanh. Sau đó, tôi và Đoàn trở lại rình nghe. Tôi và Đoàn đứng bên gốc xoài sát bên vách nhà. Trong lúc tôi đi, không biết hai người đã nói gì. Khi tôi đến thì thấy ông Hạng giật nảy lên một cái, hai con mắt mở tròn và kinh ngạc:
- Sao? Cháu biết à?
- Để một chút nữa rồi cháu nói.
Tên Lý bước ra ngoài, hai chúng tôi chạy núp vào bụi rậm. Hắn ta đi vòng qua nhà một lần, hắn bấm đèn rà qua lại rất cẩn thận. Ngọn đèn của hắn quét qua mặt tôi mấy lần, khiến tôi phải nhắm nghiền mắt lại. Rồi hắn trở vào, hai chúng tôi cũng trở lại chỗ cũ.
Đèn trong nhà đã tắt. Tôi chỉ thấy hai bóng cái to và nhỏ đang xích lại gần nhau, tiếng của hắn thì thầm và hơi run:
- Chính là cái thằng hồi nãy đó.
- Hả? - Cái bóng đen của ông Hạng rúng lên một cái. Tôi thấy rợn qua người.
- Không! - Ông Hạng nói - Không phải đâu cháu, cháu nhìn lầm rồi!
Cái bóng đầu của tên Lý lắc lia lịa:
- Không! Cháu không lầm đâu! Bác bình tĩnh, bác bình tĩnh để cháu nói cho bác nghe.
Hắn bước xuống bộ phản, nhưng lần này hắn chỉ bước ra tới cửa, rồi trở vào:
- Cháu nhớ chắc lắm. Cháu nhớ cái nốt ruồi ở mí mắt của nó nữa kia mà! - Cái bóng đen của ông Hạng không nhúc nhích, im lìm như một bức tượng đồng đen. Tôi chỉ nghe hơi thở “hì hì” của ông. Tên Lý tiếp:
- Cháu nhớ không sai đâu!
- Nó giết thằng Long của bác ở tại đâu? - Giọng ông Hạng rưng rức, nghẹn ngào.
- Ở tại cầu Cây Dừa - Tên Lý như có vẻ chủ động hơn, giọng hắn không còn run nữa, hắn tiếp:
- Chính là nó đưa súng bắn cháu với anh Long mà!
- Hừ! Sao nữa?
- Rồi nó bắn anh Long của cháu chết.
- Sao nó không bắn cháu?
- Nó bắn không kịp. Để cháu kể lại tỉ mỉ cho bác nghe. Nó đi sau, cháu với anh Long đi trước. Qua tới cầu Cây Dừa, cháu thấy mòi (1) không xong. Cháu vừa quay lại liếc mắt thì anh Long liền quay lại chụp lấy họng súng của nó. Anh Long thật đáng là anh hùng. Bị nó bắn rồi mà ảnh còn nắm chặt lấy họng súng của nó. Cháu nhờ ảnh mà cháu mới tẩu thoát. Cháu nhảy xuống, lặn một hơi qua bờ. Nó còn định kiếm bắn cháu nữa thì, thật là phước trời, quân đội của mình nghe tiếng súng của nó, liền thổi lại như mưa bấc. Bác còn nhớ cái trận đó không? Nó chạy như là gà.
- Quân đội của mình là quân đội nào?
Ông Hạng như giật mình và hỏi lại. Trong câu hỏi ấy, tôi thấy ông đã bắt chợt được một cái gì khó hiểu và lạ lùng.
Tên Lý ngồi im như muốn thu người lại. Cả hai đều ngồi lặng.
Hai cánh tay to lớn của ông Hạng từ từ đưa lên thành hình cánh cung và run run:
- Trời! - Ông bật lên một tiếng nấc, và hai cánh tay rụng xuống như cánh cung bỗng bị gãy làm đôi.
Người ông oằn xuống, hai tay chống xuống bộ phản. Đầu ông rủ xuống.
- Bác Năm! Bác Năm! - Tên Lý khe khẽ gọi. Tôi nghe hơi thở ông trút ra từng đoạn nặng nề. Ông ngoảnh nhìn lên. Đôi mắt ông lóe lên, nhoi nhói trong bóng tối.
Sự thực đã rõ rồi. Tôi không biết ông đang thù ai? Tôi hay tên Lý, hay là con ông, mà đôi mắt ông cứ nhoi nhói? Hình như tên Lý cũng sợ cái đôi mắt ấy, nó lùi ra và lắp bắp:
- Bác Năm! Bác Năm! Thôi chuyện đã qua rồi! Nó cũng “đằng mình” bác Năm à!
Ông Hạng đang lừ đừ nhìn quanh, bỗng dừng lại, và hỏi với một giọng kinh ngạc:
- “Đằng mình” à?
- Bác định như thế nào, hả bác? - Tên Lý hỏi, giọng hắn như van lơn ông lão một điều gì.
Ông Hạng không nói không rằng, ông bước xuống, đứng sững một hồi lâu; rồi bước tới, bước lui và đầu chúc xuống.
Chừng như sau một lúc suy nghĩ kỹ rồi, ông mới dừng lại, và nói gằn từng tiếng:
- Cháu nên nhớ - Ông đưa tay gõ “bồm bộp” vào ngực - bác không phải là thằng “tham sanh úy tử”! Cháu nên nhớ, làm một con người sanh ra trong trời đất thì phải biết: hễ có thù thì phải rửa thù, ai có nợ máu thì phải đền bằng máu! Thằng Long nó là con của bác!...
Tên Lý bỗng vùng dậy, cắt lời ông và đệm vào:
- Đúng! Bác nói đúng! Thà là bác không biết, bác Năm à!
- Này! - Ông Hạng cúi gần mặt hắn ta và nhỏ lời - Bác hỏi thật cháu thêm điều này. Lúc đó hai cháu đi đâu mà bị nó bắt?
Tên Lý đứng yên, có vẻ nhìn ông, dò xét. Ông Hạng lại tiếp, tâm lý lạ lùng:
- Cháu ơi! Cháu là anh em của nó. Bác là cha của nó. Nó chết rồi, mà cháu còn tưởng nhớ đến nó mà len lỏi về đây thăm bác.... - Ông ngập ngừng - Bác coi cháu như nó. Bác nói thật với cháu, nếu mà bác biết “sự thể” nó như thế này, thì bác “tru di tam tộc” nó rồi. Cái bót nằm ngoài đầu doi kia, nó làm gì được bác, hở cháu? Cháu nói thật cho bác nghe, hai cháu đi làm gì mà bị nó bắt, hở cháu? Cháu biết nó, mà sao hồi nãy cháu còn bắt tay nó, hở cháu? Cháu không sợ vong hồn thằng Long sao cháu?
Chợt tên Lý bước ra cửa một lần nữa. Hai chúng tôi vội lùi về bụi rậm. Hắn đi vòng qua nhà ba lần. Ngọn đèn của hắn rà qua rà lại các bụi rậm. Không thấy gì nghi ngờ, hắn quay vào.
Chúng tôi vừa nhổm dậy thì bất thình lình, hắn lại quay ra. Hai chúng tôi phải sụp nhanh xuống. Lần này, hắn có vẻ dè dặt hơn. Vì sợ hắn trở ra bất ngờ, nên hai chúng tôi cứ nằm im. Khi nghe bên trong thầm thì một hồi lâu, xem chừng hai người đã mê chuyện, hai chúng tôi mới mò vào. Tôi cứ tiếc, không biết hai người đã nói với nhau những gì rồi. Lúc tôi trở vào, thì tên Lý đang nói giữa câu chuyện:
-... Nghèo lắm! - Tên Lý nói - Buôn bán thua lỗ, anh Long của cháu bị mắc nợ như là chúa Chổm. Bác còn nhớ thầy Năm Sang đòi kiện, đòi bỏ tù ảnh không? Bác còn nhớ cái lúc ảnh bán chiếc cà rá (2) cho thằng cha Mười Tưng không? Cháu thấy vậy, cháu mới tiến dẫn ảnh ra khỏi con đường nguy ngặt. Cháu lên thưa với ông sếp, phát cho ảnh năm trăm đồng. Nếu ảnh còn đến bây giờ thì bác đâu có đến nông nỗi như thế này...
- Hừ! Cháu tiến dẫn cho nó?
- Và! - Tên Lý vội chữa lại - Lúc đó ảnh thắt ngặt lắm. Anh mới đi hỏi cháu, nhờ cháu kiếm cho một sở làm.
- Hừ! Vậy từ đó đến nay cháu đi đâu?
- Cháu đi trả thù cho anh Long cháu! Còn bác?
- Bác à? Bác có biết cháu đâu mà theo. Bây giờ thì nó chết rồi, bác còn có cháu, cháu định tiến dẫn cho bác ra sao nữa?
Tên Lý rỉ nhỏ vào tai ông Hạng “rù rì” điều gì tôi không rõ. Ông Hạng bỗng bước xuống bộ phản; lù lù và to giọng:
- Phải bắt mạng đền mạng! Cháu phải tiếp cho bác một tay. Cháu có mang súng ống gì không? Hả?
- Cháu mà không có thì còn ai?
Tên Lý có vẻ dương dương tự đắc. Hắn lòn tay vào túi quần móc ra một cây súng ngắn, hắn bảo:
- Nhưng khoan đã, bác! - Hắn cũng cúi sát vào tai ông Hạng “rù rì”. Tôi đưa tai sát vào vách mà cũng không nghe được. Ông Hạng lắc đầu:
- Cần gì! Ngày mai thì nó đi mất. Nó là cán bộ tỉnh.
Tên Lý chần chừ.
- Ừ cũng được. Nhưng mà... phải kéo nó ra ngoài sông. - Tiếng của hắn nho nhỏ như hơi gió.
- Ừ! Cháu có súng, cháu đi trước đi!
Cái bóng của tên Lý lùi lại sau:
- Không được! Bác phải đi trước. Nó gặp bác, nó không nghi.
- Ừ, cháu đưa súng đây cho bác.
Tên Lý bỗng giật tay súng lại, như giật mình và có vẻ không muốn giao vũ khí cho ông. Ông Hạng vừa nói vừa đưa tay chụp lấy súng:
- Đưa cho bác, bác đi trước!
Ông Hạng cầm lấy súng. Người tôi rờn rợn nổi gai. Ông Hạng đi tìm giết tôi, nhưng tôi không hề sợ, và cũng không thấy thù hằn ông. Tôi chỉ thấy xót xa và thương hại ông mà thôi. Ông đã bước chân ra khỏi hàng ngũ của chúng ta rồi! Đầu tôi bỗng nặng như đá, mặt nóng ran. Cái bóng người to lớn của ông, lầm lầm, lì lì, hai tay khuỳnh ra, ông nhích từng bước tiến ra cửa. Hình như ông đang ngập ngừng khi biết mình đang bước vào con đường tội lỗi. Tôi muốn kêu: “Bác! Đừng! Đừng! Hãy quay lại. Nó mới là kẻ thù của bác!...”.
Đồng chí Đoàn khều tôi, ra ám hiệu: Xông vào! Nhưng tôi giữ chặt Đoàn lại. Hình như tôi chưa lấy lại được trầm tĩnh, và hình như tôi chưa muốn coi ông là kẻ thù. Tôi muốn nhìn xem ông ta một chút nữa. Đầu tôi căng thẳng như sắp vỡ tung ra. Ông Hạng vẫn bước và bước tới. Tên Lý cũng lù lù bước theo, ông lên cò súng đánh “rốp” một cái. Tim tôi nhói lên. Rồi cái bóng đen lầm lì của ông bỗng quay lại phắt, và một tiếng quát:
- Đưa tay lên! - Tiếng quát bất ngờ của ông như vỡ tan màng tai tôi.
- Đưa tay lên! Đưa tay lên! Chính mày... mày mới là thằng giết con tao. Đưa tay lên!
- Bác Năm! Bác Năm! - Tên Lý kêu ríu ríu.
- Bác Năm cái gì? Đưa tay lên!
Đoàn và tôi liền nhảy xông vào. Đoàn bấm đèn vào mặt tên Lý. Hắn vừa run vừa đưa tay lên mặt, vừa quỵ xuống.
Lúc đó, ông Hạng như không ngạc nhiên gì về sự có mặt của Đoàn, ông hỏi, rồi khoát tay ra lệnh:
- Trói nó lại!
Tôi vẫn còn đứng ở bên cửa. Ông vẫn chưa thấy tôi. Ông bước gần lại tên Lý, gặt gặt họng súng vào mặt nó:
- Mày! Hừ! Mày tưởng mày dụ được tao à?
Giọng của ông vừa căm hờn, vừa đau xót:
- Mày nói ai giết con tao? Hử? Hử?... Đồng chí của tao!... Mày!... Mày mới giết con tao.
Trước cảnh đó, tình cảm của tôi lúc bấy giờ thật lài khó tả. Và tôi cũng không còn nhớ ý nghĩ, xúc động của tôi lúc ấy ra sao. Tôi chỉ còn nhớ, tôi hành động một cách tự nhiên.Tôi bước vào và kêu lên:
- Bác Năm!
Ông quay phắt lại. Trong bóng tối, dáng vẻ của ông vẫn giận dữ, súng vẫn còn trong tay lăm lăm và chĩa về phía tôi. Ông đưa mặt tới trước, nhìn. Nhìn thấy họng súng, tôi đâm hốt hoảng, liền nép người vào cửa. Ông rút người lại, như sửng sốt ông bật lên một tiếng:
- Trọng!
Cây súng trên tay ông rơi xuống. Ông dang rộng hai tay, người trờ tới.
- Bác Năm! - Tôi nhảy xô vào, ôm chầm lấy ông. Còn ông, ông ngã xuống vai tôi và thổn thức...
10-9-1959
Chú thích:
(1) Thấy mòi: xem chừng
(2) Cà rá: nhẫn
Ông Năm Hạng
Tiến >>
Đánh máy: hoi_Ls
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 10 tháng 9 năm 2024