Sau câu hỏi buông thõng, tám con mắt ngó chăm vào mặt Quảng chờ đợi. Một cơn bệnh thần kinh? Một phút tuyệt vọng? Một nhục nhã nào? Không khí như khô đặc lại. Tôi hít một hơi thuốc dài. Mẩu thuốc ngắn cháy sát vào ngón tay nóng rát, tôi cầm ra tay khom người với bỏ vào trong chai « 33 » không, một sợi khói trắng từ từ vươn lên cao nhẹ nhàng rồi tan loãng. Thằng cha này lỳ mà, nó có chịu thú nhận điều gì bao giờ đầu. Nó ngậm câm tới chết. Ai mà cạy được răng hắn. Quảng ngả người vào lưng ghế, oẽ hai vai về phía sau. Tôi nghe thấy tiếng khớp xương khục. Vai áo chùng. Cổ áo trắng quăn. Chiếc cổ cao đen loang. Cái cằm vuông những chân râu xanh. Chiếc mũi huếch. Đôi mắt nhìn xuống mệt mê. Đôi lông mày thưa. Trán rộng đen nhẫy mồ hôi. Mái tóc vuốt về phía sau. Nó mà chịu cạy răng ra. Nó đang lẫn trốn nó. Cái mặt của một tên tình địch nguy hiểm nhưng khả ái. Khuôn mặt bất động lạnh lùng. Đáng lẽ nó đã được chôn dưới đất ở nghĩa địa thí rồi. Môi Quảng hơi nhếch một nụ cười bùi ngùi, giọng lờ đờ:
– Tao buồn tình... Đ. má, cật vấn hoài. Tao là tù nhân hả. Mấy cha nội…
Cả bốn đứa ồ lên cười. Quảng lặng thinh. Mình là thằng hề chắc, mẹ... không buồn tình được sao, không tự tử vì tình được sao? Thạc nhấc cao ly bia lên ngắm rồi nốc một hơi cạn, nó lại đánh lừa nó, mà biết đâu không thật, tôi cũng đã buồn tình mà tôi đâu có tự tử, chết chóc gì về một con đàn bà bỏ đi. Đức cười hắc hắc trong cổ họng, à ra cái con nhỏ đó, được, được, cái con nhỏ có con mắt một mí lẳng lơ... nó nhát mà. Tao ngủ với nó rồi mày. Thằng chả sầm mặt nhìn soi mới, nó đâu tin, thôi đừng ẩu cha, rồi bỏ đi không nghe... Tao buồn tình, nghe được lắm... Ngưỡng lấy điếu thuốc vỗ đầu vào chiếc bật lửa, không tin, không tin, nó nói chơi cho vui mà, chắc bố nó lại mới phang cho mẹ nó một trận chí tử vì không có tiền đưa cho ổng đó, nó đã vác cả một con dao phay rượt ông bố chạy có cờ để rồi trở về ngồi nơi hiên nhà bưng mặt khóc. Khổ tâm hết sức. Lực nhấc từng chiếc chai không tìm kiếm những giọt bia còn lại dồn vào chiếc ly, rồi nhấc lên lắc lắc, cục đá va vào thành ly thủy tinh tạo thành những âm thanh khô ngắn, buồn tình, cũng được, mà cần gì phải lý do, vì cái này, vì cái khác, nào cha mẹ, anh em, tình yêu, thất bại, tiền bạc, danh vọng, tật bệnh… chẳng phải gì hết. Tự tử. Vậy thôi. Một phút khoái chí chẳng hạn trước mặt một dòng sông trượt chân nhào xuống và đi luôn... Vậy đó, cần gì tại sao, vì sao, nguyên do gì... Quảng giơ cao tay búng ngón kêu thằng nhỏ: mấy chai nữa mày.
Thạc kéo tay Quảng xuống, thôi mày, say rồi. Quảng trừng mắt: mày có là bạn tao không, tao bao mà. Đức cười hắc hắc, uống nữa, ăn nhằm gì, thằng nào bao không được. Quảng đứng dậy vịn tay vào chiếc bàn tròn chông chênh, mười mấy chiếc chai không trên mặt bàn bị lệch xô va vào nhau: im đi mày. Tao bao. Nhưng tao muốn nghe nó trả lời tao, ê Thạc, mày có là bạn tao không. Lực kéo vai Quảng ngồi xuống: mày lộn xộn, ngồi xuống mày, thì uống chứ gì, bọn mình tâm hồn mà...
Ngưỡng ngúc ngúc cái đầu, nheo con mắt: uống nữa, chết bỏ mà. Thằng nào không kham được thì về đi. Thạc ngồi dáng lừ đừ: thì uống. Vậy thì được. Thằng nào bỏ về thì hãy đạp qua xác thằng Thạc này. Thạc rút chiếc mũ nâu trên cầu vai áo nhét vào bụng. Tiếng nút chai nổ giòn tan. Những chiếc ly tràn bọt. Ngưỡng cọ ngón tay trỏ vào miệng một chai bia, nhanh như chớp hắn nhấc bỗng chiếc chai lộn ngược, tung cao rồi bắt lấy nhẹ nhàng. Ngưỡng nhìn lại:
– Lực mày nhớ thằng Thăng không?
– Nhớ, mày được nó chọn làm đồ đệ truyền cho mấy ngón ảo thuật đó hả. Nó đâu mà không về với mày.
– Nó chết rồi. Hồi đầu tháng. Đ. má, vừa nhảy xuống tao đã thấy nó nằm chết queo.
Thằng Thăng đã chết. Tám con mắt nhìn chiếc ly dốc ngược trên miệng Ngưỡng. Viên đá rơi xuống. Ngưỡng quệt ngang cánh tay. Lưỡi đỏ liếm ngang mới. Đôi mắt lờ đờ:
– Chiểu hôm trước bọn tao còn nhậu với nhau, kỳ ghê. Hồi nó còn tao không sao học được mấy cái trò xảo thuật của nó, nó chết, tao ngồi uống hoài, miết rồi tao làm được như nó, còn điệu nghệ nữa. Còn nó, nó hết cười ngạo tao… nhưng nó chết rồi... Ê, Quảng, buồn tình thật sao mày?
Ngưỡng cầm chai bia rót tiếp, đã hết, nó kêu lớn:
– Nhỏ, mấy chai nữa mày... đ. má, tao đập cha nó tiệm bây giờ.
Quảng thở ra mặt bàn một ngụm khói mù:
– Tao buồn tình, còn mày buồn gì vậy mày, cũng tình hả?
– Đ. má, tình với chẳng tình. Tao mà tình. Giống cái tao coi như nơ pa... Ê, la de mày, đ. má, lộn xộn.
Ngưỡng cầm ngược chai bia khua lên, Đức nhăn mặt:
– Mày say rồi.
Ngưỡng ngồi xuống:
– Tao mà say, mày muốn về hả. Thạc, mày nhắc lại cho nó nghe lời thề trên máu của mày.
Thạc ngất ngưởng đứng lên, giơ tay mặt chỉ vào ngực:
– Thằng nào bỏ về thì hãy đạp qua xác thằng Thạc này.
Đức cười hắc hắc, Ngưỡng khà khà, Quảng lặng lẽ. Bất chợt Ngưỡng đập nhanh chai bia xuống đầu gối. Tiếng chai vỡ chát chúa. Tiếng những chiếc ghế xô động. Mặt Ngưỡng lạnh lùng. Quảng ngả người sau ghế. Đức lặng im nhíu lông mày. Lực mồi lửa điếu thuốc tắt. Thạc nhấc ly bia uống cạn. Ngưỡng tỉnh táo co chiếc chân lên ghế, vén ống chân quần lên khỏi gối. Tiếng những mảnh chai lạo xạo trên chiếc đầu gối những vết đập trên da ứa máu, Ngưỡng cúi đầu háp miệng trên vết thương mà hút. Ngưỡng tép miệng:
– Máu người ngọt lắm bọn mày...
o O o
Nước triều bắt đầu lùa ngược vào dòng sông, nước đen ngầu bọt. Hai bờ bùn đen phơi lạnh. Mấy cột cầu cao khô khẳng. Dưới đó còn mấy thước nước nữa. Chiếc ghe chở đầy những lu sành theo con nước chạy vào nặng nề. Rồi chiếc ghe sẽ đỗ lại bến sống. Mẩu thuốc đắng thứ bao nhiêu. Cơn mưa bay đổ xuống, một nền trời đục. Tôi không hiểu tôi đang chờ đợi gì. Chờ đợi gì? Tôi đã đi dưới trời mưa như thế. Đôi bàn chân nhợt nhạt ướt nước. Sao có người nhìn tôi chăm chăm. Những hạt mưa làm mặt nước nhăn. Dòng sông mỗi lúc một rộng thêm. Chiếc cầu sắt đen thấp xuống. Con nước lờ đờ như đã thăng bằng, và tôi nhào đầu xuống... Bọn nó đã quên... Phải rồi, buồn tình...
Mỗi ngày tôi và nó đều đi ngang qua ngã tư đường đó. Hồi xưa ở đó chúng tôi thường gặp một ông cảnh binh chỉ đường với một vẻ đặc biệt như múa vậy. Nhịp điệu thật là tuyệt nghệ, lúc bàn tay mở ngăn lại, khi vẫy, lúc xoay người đổi hướng xe, khi ngoắc ngón tay cái cho xe quẹo… Chúng tôi đứng nhìn cười và đoán với nhau cử động sắp tới của ông ta. Nhưng rồi ở đó mấy cái đèn bật xanh vàng đỏ đã thay thế. Chúng tôi vẫn ngang qua đó trên đường trở về, rồi chúng tôi thấy một cái bàn nhỏ, đặt dưới một mái hiên, dưới bàn căng một băng vải: Ban tuyển mộ sư đoàn... Điều kiện nhập ngũ: thanh niên từ 18 đến 36 tuổi... Tiền thưởng đầu quân từ 3000$ đến 4500$. Lương vợ... lương con... xin hỏi chi tiết tại đây. Trên mái hiên treo một cái loa phóng thanh. Một người lính loay hoay cho chạy một cái băng nhựa những lời đã thu, xen kẽ những bài hát. Tiếng máy rè rè, có lúc tắc nghẹn, có lúc oang oang. Một lần tôi và hắn đứng lại nghe một bài tân nhạc, giọng hát lèo nhèo. Anh đi chiến dịch xa vời... lòng súng nhân đạo cứu người lầm than... Hắn lẩm nhẩm hát theo, chân đập nhịp... Hôm nào nhỉ, đã xa rồi sao. Hồi đó nó hiền khô mà. Nó thử xem nó có còn cảm giác đau nữa không. Bây giờ nó là một thằng Ngưỡng khác. Một thằng Ngưỡng từng chạm mặt với cái chết. Một thằng Ngưỡng giữ chặt tay súng nhìn vào bóng đêm, bụi tối lau sậy… lòng súng nhân đạo cứu người lầm than. Một thằng Ngưỡng lỳ lợm chai sạn. Mái tóc ngắn, nước da đen, đôi mắt ngàu đỏ những gân máu, đôi tay khô cứng, bước đi chắc nịch. Hai thằng ngồi trong quán, nó ăn hai tô hủ tiểu, một cốc sữa đá, ba đồng bốn điếu Ruby chia đôi hút hết, mua lần thứ hai, thứ ba. Mấy người đứng dưới mái hiên mỗi người một gói nhỏ cầm tay lóng ngóng, chiếc loa nói, hát ồn ào. Nó đứng dậy nói: xe đến rồi. Nó đốt điếu thuốc cuối cùng. Chiếc xe cam nhông đỗ bên kia đường, hai băng trống. Mấy người thanh niên leo lên. Nó khoát khoát tay: tao đi nghe mày, rồi tao sẽ thư cho mày, yên chí. Nó thoắt qua đường, tay không, chiếc áo sơ mi màu xanh, chiếc quần ka ki, đi dép cao su, đầu bù. Nó ra sau xe huýt người lên, ngồi vào với những người lạ và nhìn lại cười. Đi mạnh giỏi nghe mày. Bặt đi một thời gian. Anh đi chiến dịch chưa về... lòng súng nhân đạo... Nó về với những thằng bạn mới, mỗi lần về một dữ dằn, thô bạo, khinh bạc... Thằng Ngưỡng mà… Nó uống la de, ba xi đế, bỏ sữa đá...
Thằng Thạc muốn gục rồi. Ai muốn về hãy đạp lên xác nó. Thằng Đức chì đó. Thăng Lực ngơ ngơ như mất hồn. Ê Quảng, ca một bản vọng cổ nghe chơi mày... ới em Lan ơi tội tình chi mà... mà... em phải mang bầu... Hai tô hủ tiếu, một ly sữa đá, mấy điếu Ruby, tao đi nghe mày và chiếc xe nổ máy chạy khỏi ngã tư, chiếc bàn nhỏ, tấm băng vải những nét chữ phai màu, nhơ bẩn, chiếc loa những âm thanh khò khè... ngày anh ra đi với chiếc áo xanh... Ngày anh ra đi cất bước chông gai nề chi... Như thế, như thế mãi, như thế đến bao giờ... Tôi muốn như nó cũng không được. Nhưng tôi không muốn như nó. Không muốn như Thạc... Tôi chỉ muốn là tôi thế này thôi. Thằng Quảng đã qua cầu, đã sống thoát để trở về. Thằng Lực không bao giờ. Nó có cái tay run thật tuyệt diệu. Sao nó chỉ run tay mà không run cái khác. Kỳ thiệt ta. Chưa đứa nào chịu gục. Được lắm... Dô… dô…
Nó nằm lạnh cứng, đôi mắt trắng dã trợn ngược, miệng mở lớn, chắc nó đã hét lên: chết tao rồi, hay chỉ ngoác ra vì đau đớn không đủ thét thành tiếng. Mũi súng đã nhắm vào ngực, vào mặt nó, những viên đạn nổ trên trán, nơi cằm, bả vai và ngực. Một thằng bắn giỏi lắm. Một bên trán nó bị vỡ bay mất, máu chan hòa trên mặt đã đọng lại. Tôi cố lôi nó lên khỏi sình, vuốt đôi mắt. Tôi luồn tay vào ngực nó, chiếc bảng số, mấy cái thìa khóa còn đeo ở đó. Tôi gỡ lấy chiếc lắc bạc ở tay bỏ vào túi: những chữ khắc chìm: Đặng văn Thăng. Nó học củng khóa, ra cùng đơn vị. Và nó chết trước. Tôi không kịp giải cứu cho nó. Thật muốn phát điên. Tôi nhào lên, xông tới và quạt, bọn nó có hàng tao cũng giết. Mày chịu vậy không. Tao giết hết trơn... Mày có biết thằng nào đã bắn mày không? Tao chắc nó chết rồi. Tao không hiểu sao bọn mày lại để lọt dễ vậy. Nhảy xuống những chỗ như vậy thì mày phải biết chứ, mình ở chỗ trống, bọn nó trong bụi, sình lầy như vậy... Đ. má bọn nó, tao còn ai để nhậu nữa, mày là thằng chì, nó suy tôn mày, bốn thằng này địch sao nổi mày. Tao về được gắn huy chương, còn mày thì được bỏ hòm.
Tao hỏi mày: ngán chưa, mày lắc đầu. Bây giờ tao cũng chưa ngán. Con Tám đen nó hỏi thăm mày, tao nói chết rồi. Có lẽ mày chết rồi nó mới thương mày. Tao bảo anh cũng chết như nó, thương anh không em cưng. Nó lặng im. Tao định ghé thăm ông già mày nhưng tao ngại ổng buồn rầu. Mày thấy đâu được, xưa mày kêu ổng không thương mày. Không thương mày mà ổng khóc ròng. Tội nghiệp ổng... Bọn nó kêu tao say đó mày. Mày biết tao quá mà, có bao giờ tao say, mày nhớ xem. Hà hà thằng Thạc sắp ngã xuống, ngã xuống coi mày. Mặt thằng Quảng đúng là thất tình. Thằng Lực đúng là gà chết. Nó gà chết hơn xưa nữa mày. Chắc là nó được nhặt ra từ một đống rác thật. Còn mình thì được vứt trở lại đỏ. Một đống rác. Cái thằng Đức ngơ ngơ đàn bà ngày nào vẫn vậy. Phải vứt nó vào lò lửa để xem rồi nó sao. Nó như thằng Quảng? Rồi mình có như Quảng không? Không. Mình không thành Quảng được. Lửa đã đốt cháy nó. Lửa đã làm què quặt nó. Lửa đã thả nó ra làm một thằng ngơ ngơ. Có phải lửa đã đẩy nó tới bờ sông, tới cầu rồi xô nó xuống? Buồn tình? Biết đâu không thực vậy. Mình cũng còn trái tim đây, trái tim đã có lần thắt lại choáng váng. Cái ngày choáng váng đã khiến thằng Đức nó cật vấn, rồi nó cũng yên chứ mình đã đi vì chuyện ấy. Đâu nó biết... đâu nó biết... Nhỏ, mấy chai nữa mày, bọn tao đàng hoàng mà. Bọn tao đâu thèm ba gai... Chưa thằng nào phải đạp lên xác thằng Thạc chứ...
Hà hà, mình say rồi, say rồi. Mình không phải dẫm lên xác ai... Sao hôm nay yếu vậy ta. Mình gục xuống chắc bọn nó cười lắm. Nhất là thằng Ngưỡng. Lực lại một phen ngúc ngúc cái đầu nhìn mình như vị linh mục sửa soạn làm phép rửa tội cho một con chiên đầy tội lỗi vào phút hấp hối. Nhân danh cha, con, thánh thần a men ngon... cua rang a me ngon... Một chai nữa ăn nhằm gì. Còn lâu mới ngã các con ạ. Chỉ sợ thằng Quảng, thằng Lực lại sắp gục xuống bất tử mà nôn thốc nôn tháo thôi... Thằng Thạc này mà thua ai. Ê, mày nói sao? Tao sắp đo ván hả. Xin lỗi mày nghe Ngưỡng. Mày ngó con gà chết kia. Lực là sức, ông bố nó kỳ ghê, có thằng con gà chết vậy mà đặt tên cho khỏe vào. Tao chắc ông bố mày như sên nên mày mới gà chết vậy. Phải không? Nói cha nó ra tao nghe coi, mẹ cười cười cái điệu của mày thế nào cũng có đứa nó thoi cho vỡ mặt. Cười cười cái con khẹc... Mày tưởng tao say hẳn... hà hà không say nhưng tao muốn ngủ...
Không được ngủ mày ơi, nếu không con gà chết này đạp lên mặt đó. Cái thằng nó muốn xỉu rồi. Tôi mót đái quá. Có vẻ yếu thận. Ừ nhỉ, có lẽ bổ mình là một con sền thật. Ước chi được nhìn mặt con sên. Còn mẹ mình. Cũng là một con sên sao. Hai con sên đẻ ra một con gà chết. Sên đẻ ra gà. Nếu thế có khi chó đẻ ra chim. Lợn đẻ ra một thằng nào đó, thằng Đức hả. Mèo đẻ ra thằng Thạc. Cọp đẻ ra thằng Ngưỡng... Gà chết lấy vợ rồi đẻ ra gì ta. Chắc không phải gà chết, biết đâu đẻ ra trâu... Bố mày, mẹ mày tên gì, còn sống hay chết. Mình lại quên rồi. Chết hay sống? Thôi cho ông bà ấy còn sống đi, rồi sống hoài sao, rồi mình chết ông bà vẫn sống? Chẳng lẽ bỗng nhiên lại đi làm khai tử xác đâu mà khai tử. Thôi sống đi. Cho ông bà sống trăm tuổi. Được vậy chắc ông bà già khoái lắm... nhưng họ là ai vậy, mặt mũi ra sao? Biết đâu đã chết từ hồi nào. Biết đâu mẹ mình chỉ là một... chắc không... Mà cho vậy đi cũng chẳng sao. Một đứa con hoang nào có chết chóc gì. Đúng là họ nhặt mình từ trong một đồng rác, và nuôi mình thành một con gà chết.
Số phận một con gà chết như thế nào nhỉ? Ồ mà nghỉ làm gì cho mệt ra. Cái đầu u quá. Cái tay muốn run hơn nữa. Run đi, run như một con gà chết lên cơn trước khi gục xuống... Một chai nữa. Ăn thua gì. Ê bọn mày gục rồi sao?
Năm cái ghế, ba cái lưng ngả ra. Hai thằng tỳ tay vào chiếc bàn tròn. Một, hai, ba... mười, mười hai, ba mươi... ba mốt... bốn ba... Ê cho mấy cái chai nữa... Say đi, thằng nào chết thì chôn.
o O o
Ngọn đèn hiên bật sáng. Ánh sáng đỏ oi bức của những lượn mây trên bầu trời hắt xuống, phủ không gian một màu lờ lờ nặng nhọc, màu tía xám của khỏi bụi, ánh sáng và đèn thành phố. Những ngọn cây đứng im, những cửa sổ mở ra. Mặt nhựa vẫn khô nóng. Cái quầy hàng đỏ chói. Trên mặt: cái bàn tính, một chai rượu thuốc, lọ củ kiệu, lọ ớt, lọ tôm khô, hộp tăm gỗ. Tỳ vào quầy một thân người trần, đôi vú chảy, mồ hôi bóng, hai vai đầy thịt. Cái cổ tròn ngấn, cái cằm xệ mỡ, hai má núng nính, đôi mắt híp, đôi mày nhỏ, cái trán dô, cái đầu hói, mấy sợi tóc lơ thơ, cái miệng há ra ngoáp. Cái thằng ba tàu. Chai Vĩnh tồn tâm. Cái đồng hồ tròn trắng kim chỉ sáu giờ. Trên chiếc ghế cao bám vào quầy thằng nhỏ tay cầm cái mở bia gõ vào chai đế. Tiếng gõ lách cách. Ba bàn trống. Mười ba cái ghế không. Một lão ngồi bóc chiếc nem những lá chuối vàng úa. Con chó nâu thơ thẩn dò tìm. Thằng cha nhai tóp tép. Năm thằng, năm cái ghế. Cái bàn tròn những chai bia không. Năm cái ly cạn đứng im. Ba điếu thuốc đang đốt. Thằng Thăng đã chết, ngày phép thứ ba. Những vết thương trên khuôn mặt tiều tụy bà mẹ chưa hết, đôi mắt sưng thâm quầng. Quảng thở dài ngó ra đường.
Trong gian bếp nhỏ hẹp Lụa lúi húi bên ánh lửa mồ hôi loang trên cổ áo, Đức nhấc ly dốc cục đá tròn nhẵn vào miệng nhai rau ráu. Mâm cơm đã dọn ra, chị Minh đang dỗ cơm cho cháu bé chốc chốc nhìn ra cửa, Thạc hít đầy một hơi thuốc: hồi này em gầy và đen đó nghe. Lực bẻ khục những ngón tay. Lão Thiệt đã mang con Mai Loan vào chuồng chưa? Có nhớ cho nó uống nước không?
Hè phố rộng những viên gạch vàng, những kẻ cắt mặt gạch ra những ô vuông nhỏ. Quê hương khói bay từ một tủ bán thuốc lá lẻ. Ngã tư vắng tối. Quán nhậu sáng đèn ngó ra. Đối diện với nó, phía bên kia, một công thự bờ tường cao, một trạm đổ rác. Chiếc xe kéo đen bánh sắt chổng càng lên trời. Bên trái một biệt thự, hàng rào chấn song sắt, mái ngói đỏ thấp. Những cây hoa leo. Bên mặt, tiệm rượu kín bưng, những hàng chữ đèn nê ông đỏ chói. Thằng nhỏ mặc quần áo trắng, đội mũ đứng vịn vào cửa kính sắt. Người cảnh sát cầm súng ngồi dựa lưng vào tường. Cái máy thu thanh nhỏ đeo nơi lưng ghế, âm thanh lè nhè oi bức. Lực tự hỏi: mình đã ngồi ở chỗ này với bao nhiêu người khác nhau. Những ai còn sống, ai đã chết, ai vào tù, ai đi xa. Mình đã ngồi bao nhiều lần trên những mặt ghế này và ngã tư đường kia con mắt đã mỏi những hình ảnh quen thuộc. Những thoáng quá, thoắt mất lờ mờ một cuộc sống không nhớ mặt quen tên. Mọi người làm mặt lạ với nhau. Mọi người cười nói vồn vã chia lìa nhau. Mọi người bắt tay ôm vai thù hận nhau. Tôi ngơ ngác ở đó. Tôi đến vô bằng ở đó. Đức reo lên:
– A ha, đại nguyên soái đã gục ngã êm ái, trên bãi chiến thân yêu.
Ngưỡng phá lên cười sảng khoái. Quảng nhếch mép trễ biếng. Lực đứng dậy. Thạc đã gục đầu vào thành bàn, những chai không xô vào nhau. Chợt Thạc vươn tay rộng ôm lấy đống chai bia quơ về phía mình.
Vỏ chai va vào nhau kêu chát chúa. Thằng ba tàu chống tay lên quầy há miệng muốn kêu. Thằng nhỏ chạy ra. Lực giữ chặt lấy hai vai Thạc gỡ tay ra. Thạc buông tay ngoảnh cô lên cười ha hả với Lực.
– Bọn mày tưởng tao say hả.
– Thưa đại tướng, đâu đại tướng có say.
Thạc cười, đứng lên loạng choạng, Thạc ôm chầm lấy Lực, chiếc ghế bị xô đổ. Lực chợt nhận ra Thạc khuỵu người. Tôi biết nó muốn đi tìm một cái gối ôm. Đại tướng không say, đại tướng ngủ rồi.
– Thôi về bọn bay.
Đức bỏ bao thuốc vào túi:
– Nó ưng bọn mình dẫm lên xác nó.
Ngưỡng ngoắc tay thằng nhỏ, đếm những chai không trên mặt bàn, ngổn ngang dưới nền gạch. Tôi cũng đã ôm lấy thằng Thăng. Không phải ôm nó ra xe, bỏ nằm lên chiếc giường một cái xác đầy hơi rượu, nóng hổi. Tôi ôm Thăng lạnh cóng bỏ lên chiếc băng ca và tôi đã chào nó. Nhớ không Thăng. Tao đã chào mày. Đáng ra mày phải phá lên cười chứ. Kỳ quá, mày lại ngậm miệng. Tao muốn thoi cho mày một thoi.
Lực xốc lấy Thạc. Tôi cũng muốn ngã rồi đây. Cái đầu bay bổng, cái chân nhều nhệu. Đôi tay chừng như hết run.
Đức khoác lấy vai Ngưỡng:
– Mày về tao?
– Không.
– Mày đi đâu?
– Tao còn có bốn ngày phép. Giờ thằng nào còn đủ sức đi với tao?
Thạc nó say rồi. Cái của nợ. Thằng Đức vợ nó chờ ở nhà. Còn lại thằng Quảng, cái thằng buồn rầu, lờ đờ này. Thằng Lực mang cái của nợ về với những con ngựa của nó.
– Ê, Quảng mày đi với tao không?
– Tao phải về.
Đức buông vai Ngưỡng. Tôi biết nó đang nghĩ tới vợ nó, thôi tôi đi một mình. Tôi một mình. Ngưỡng phác trên môi nụ cười bao dung:
– Tao đi một mình vậy, có thể khuya tao về mày. Nghe không Lực. Tao khoái cái chuồng ngựa của mày.
Quảng ngoắc cái xích lô, phụ với Lực đỡ Thạc lên. Xe chạy. Quảng vượt qua đường, sao mình không đi với nó cho hết đêm. Căn nhà tối mù, tiếng nói yếu ớt của bà mẹ, tiếng nói cằn nhằn có còn trong căn nhà bưng bít, những con mắt ngơ ngác lo âu. Tôi không trốn được. Tôi phải về đó. Tôi liên hệ thân thiết ở đó. Tôi không muốn ích kỷ mãi mãi...
Ngưỡng đút hai tay vào túi quần ngửa mặt nhìn nền trời đã tối hẳn. Ngưỡng sửa lại quần áo, đội mũ ngay ngắn. Đức đang đếm tiền nơi hàng thuốc lá. Phải, nó đã có vợ, nó đã có bến để đỗ. Còn mình... Ngưỡng cười hích hích. Chắc là thằng Đức nó sợ em vợ nó phát ngán về những bạn của nó, hay là nó có âm mưu... cái trò hoa thơm ngắt cả cụm là khả nghi lắm. Hai gò má cao. Đôi mắt lớn, mái tóc ngang vai, người mảnh dẻ, chân dài... a ha, cái khoản chân dài này, tiếng nói nhỏng nhẹo nhưng mà lì, sao chỉ cười mà nhìn mình, còn thằng Lực, Quảng, Thạc... Anh Thạc như con gái, em tưởng đâu anh ấy vướng một ngọn cỏ cũng ngã, thế mà lì... Còn mình? Sao nàng không nói gì? Em không biết uống la de, em có hẹn với con bạn đi mua vải may áo, con bạn, hay là bồ, con gái tổ là lẻo mép dối trá. Anh Ngưỡng về mà không có quà tiền tuyến nghe. Thôi đi cô ơi, tiền tuyến mới chả hậu phương, nghe mà sốt ruột, có mấy cái mật người đây, mấy ghim đó chứ tưởng chơi. Chắc bọn nó nghĩ mình đã mổ bụng người mà lấy mật, còn lâu, mẹ, trông cái xác đã gớm, lại còn rạch bụng ra, thò bàn tay vào cái bụng nóng hổi mà moi lấy cái mật. Thôi đi, kinh quá... Đức vỗ lên vai Ngưỡng:
– Cậu đi nữa hả?
– Chứ giờ này mày bảo tao về ngủ mà tâm sự vụn với mày sao? Mày đưa tao cái xe.
– Tao về bằng gì?
– Tao chở mày về.
– Khuya mày không về tao?
– Không.
Đức móc trong túi ra cái chìa khóa xe đưa cho Ngưỡng. Ngưỡng cầm lấy tra vào ổ khóa, gạt chân dựng, đẩy xuống đường, đạp máy. Tiếng nổ khô giòn. Đức vòng tay qua bụng. Xe vọt lên.
– Rồi mày đi đâu?
– Mày muốn theo hả?
Đức cười khan:
– Mày làm như tạo thèm nhạt.
– A, chưa chắc, những thằng có vợ rồi thường yêu đời lắm, nhìn thấy ai cũng đẹp, có khi chỉ cần hai cái cây buộc chéo, mắc vào đó một cái si líp nó cũng tưởng là mỹ nhân mà vòng tay ôm lấy. Phải không mày?
– Không có tao. Mày không có mối tình vặt nào sao?
– Chỉ có tình lớn chứ không có tình vặt.
Ngưỡng mở hết ga, chiếc xe gắn máy lao lên hung tợn. Phải, chỉ có một mối tình lớn, một mối tình lớn phải đến. Một mối tình lớn phải đến. Ai đợi tôi ở cuối con đường tôi sẽ đi tới. Cái chết... Không, không thể có cái chết. Chết là cái gì. Những viên đạn xé rách ống chân quần tơi tả, ấy thế mà chỉ cháy mấy cái lông chân, sát tí da. Đạn còn ngán mà... Một mối tình lớn, một sự khôi hài nữa. Những lần nào nhỉ, trời mưa xối xả, bó mình trong chiếc áo mưa rộng, cuộn trong chiếc võng giữa rừng, những khói thuốc ướt sũng mình đã tìm kiếm một khuôn mặt để nhớ, một tiếng nói để hồi tưởng lắng nghe, một kỷ niệm nào gợi nhớ. Không. Mụ già Miên ở thị trấn. Những chai bia. Mấy thằng mặt mẹt. Nhưng tôi đã nhớ đêm tâm sự với Đức, nhớ căn nhà của vợ chồng nó, nhớ bữa cơm ngồi dưới nền gạch hoa bóng mát. Nó không sống trong chuồng ngựa. Nó không sống trong căn nhà mù tối, oi ả, bưng bít của Quảng.
– Mối tình lớn của mày bằng chừng nào? Bằng cái cột đình không?
– Mày bảo tao nhái bén hả. Xin lỗi. Nói chơi vậy, mày gả con em vợ mày cho tao đi.
– Mày lại đùa.
– Đùa, chừng như tao nói thật thì bọn mày không tin, đến khi tao đùa thì bọn mày lại cho là thật... Đ. má, kỳ quá...
Nó lại rỡn với nó. Đầu quân, đánh trận, tu nghiệp, lên chức, đánh trận, tu nghiệp, lên chức, đánh trận, đi học, thi đỗ, tu nghiệp, lên chức. Tôi đã ngán cái ý chí của nó. Nhiều lúc tôi không hiểu nó. Ba gai đó, nghiêm chỉnh đường hoàng đó. Buồn bã đó, náo nức vui sống đó. Già cỗi đó và trẻ con đó... Nó đẩy nó vượt lên. Nó đánh giặc không phải vì có máu đánh giặc. Nó lấy Thảo cũng xứng. Nhưng rồi con nhỏ có chịu đựng được nó? Xe bỏ đường lớn, lách vào hẻm, tiếng máy hục hặc. Những đứa nhỏ la thét, chạy nhảy. Căn nhà nhỏ, hàng rào cây thấp, một khoảng hiên hẹp. Cái màu cửa màu xanh, ánh đèn ấm cúng. Đức nhảy xuống xe. Cánh cửa mở Lụa vén bức màn trúc bước ra, mái tóc búi gọn, bộ quần áo hồng ngắn, nụ cười trên môi. Thảo ló đầu phía trong khuôn mặt lạnh lùng, đôi mắt lơ đãng. Tiếng Lụa:
– Ở nhà đang chờ cơm, tưởng các anh lại đi luôn. Ngưỡng giữ một chân xuống đất, ngồi thẳng:
– Tôi mang ông ấy về trả chị đó.
Đức vào hiên nói với Lụa:
– Em mời anh ấy ở lại ăn cơm đi.
Ngưỡng quay xe, nói lớn:
– Thôi cám ơn. Tôi phải đi chứ.
Xe phóng ra, khuất bóng. Sáu con mắt ngó theo. Tôi hiểu nó. Có khi nó khóc với một con điếm...
o O o
Tôi đã dang hai tay thẳng, quay tròn người mỗi lúc một nhanh cho tới khi lăn ra hoặc khuỵu xuống sân đất. Hàng cau bờ ao, nhà thờ, nhà ngang, bể nước lướt nhanh, sân đất phẳng cong lên nghiêng ngửa đảo lộn và cảnh vật cùng lúc nhòa nhập, lộn ngược, tôi tròng trành trong đó. Đôi mắt nhức mỏi hoa lên những ảnh hình kỳ ảo và sau đó trở lại. Những trò chơi năm bảy tám tuổi đã hết, đã mất. Đứa nào đã đạp chân lên mình ta. Sao cái bụng nó tức, cái bọng đái như trương phình. Tôi đâu còn xoay tròn mình chơi đùa với cảnh vật biến ảo. Phải rồi, cái bọng đái. Tôi nhủ thầm. Thằng Ngưỡng rồi. Phải là nó. Không phải Đức, Quảng hay con gà chết... Sình lún xuống mãi, chừng như dưới lớp bùn lầy sóng ngầm vẫn chảy. Rồi mình ngụp xuống đó một cách nhanh chóng. Mắt mũi tai miệng nước ào vào và bít kín. Tôi chết. Tôi đã thấy có đứa chết như vậy. Tôi vô phương. Hai cánh tay giơ lên chới với một hành động hy vọng cuối cùng. Thế rồi mất. Thế rồi chết. Thế rồi không về cầm bút, ký tên, lĩnh lương, nhậu nhẹt, chơi điếm... Thế rồi... Tôi đang bay. Tôi mới mọc thêm một đôi cánh chăng. Một đôi cánh phải mọc ra ở chỗ nào. Hay một cái cánh quạt mọc ra ở đầu như chiếc máy bay. Mọc ra ở lưng như chiếc trực thăng. Hay mọc ra ở đuôi như chiếc ca nô vượt trườn trên dòng sông. Đúng là mọc ở đầu, tiếng kêu nhức nhối. Làm thế nào để tôi biết tôi tới đâu. Làm thế nào để tôi nghe thấy một lời nói thầm bên tai. Người ta hùa nhau lại và chôn mình một cách đầm ấm. Không ai khóc tôi sao. Thôi tôi khóc tôi vậy. Tôi nói thầm với tôi; tao thương mày lắm, mày biết không. Tao thương mày thật nhiều. Tao chỉ thương mình mày, yêu mình mày, nghe tao nói gì không... Mày, bọn mày nên nhớ, hãy nhớ tao, phải nhớ rằng tao là một thằng chì mà, một thằng không coi cái chết là gì hết. Tao một mình đây không hệ lụy, không có gì hết... Cô mong cháu thành người, cháu biết vậy biết rõ vậy, thưa cô, nhưng không hiểu rồi cháu phải sao đây sau khi cô chết đi, cô thương cháu mồ côi không nơi nương tựa, cháu hãy cố sống cho nên người... thưa cô, từ đó đến nay cháu không còn nghe thấy ai nói với cháu điều gì nữa. Cháu không còn nghe thấy một lời thân yêu. Cháu nghe thấy lệnh truyền, những chửi rủa, những tiếng gầm thét và súng đạn nổ suốt trong những giấc ngủ chập chờn... Bọn mày sống để làm gì đó. Để nhậu hả. Để chửi tục hả... Cho tôi được quên đi mọi điều. Tôi đang bay tới nơi nào đây. Nơi nào nhỉ. Cái gì đó, ai đó, cái búa làm gì đó, gõ lên cái đầu ta cho bể ra hả... Thôi nó hại tao rồi... cũng cám ơn mày, mày là ai vậy, tao cảm ơn mày, tao đã đợi chờ như thế...
Lực ra dấu cho chiếc xích lô đỗ vào góc đường. Cánh cửa gỗ đóng kín. Cửa câu lạc bộ phía trong sáng đèn, những bậc cấp và hai chiếc cột lớn quét vôi trắng nổi bật giữa hàng rào cây xanh tối. Tôi đã trở về được tổ ấm của tôi. Nhảy xuống khỏi xe, đẩy cho Thạc ngả vào lòng xe, Lực móc túi trả tiền xe. Ê, bác giúp tôi một tay. – Ông bạn say quá hả, chắc cũng là một cây nhậu. Cúi người, bỏ hai tay Thạc qua lưng, tựa vai vào ngực vác lên. Coi chừng cậu ngã. Hai bắp chân có vẻ cũng ngấm rượu rồi đó. Liệu nổi không. Được mà – Xa không – Trong kia Cái nhà lớn đó hả. – Phải rồi, cái chuồng ngựa, mở giúp tôi cái cửa đi. Cám ơn bác nghe – Không có chi, coi chừng à. Sau trận chiến tôi có một chiến lợi phẩm. Mẹ kiếp, nếu là một con cái đi, cái con đực này còn nước non gì. Con gà chết đã không còn là một con gà chết. Không ngờ mình lại khỏe đến thế. Mang được cái của nợ về đây là một kỳ công đó chứ. Cái chuồng ngựa xem ra lại ấm cúng hạnh phúc hơn cả những căn nhà. Chung sống với những chú ngựa lại có vẻ tự do, nhất định rồi chứ có vẻ gì. Không thể say, đập phá, nôn mửa ở căn nhà ấm cúng của Đức. Phải thế không Thạc. Không thể say, la hét, chửi tục và ngủ yên trong căn nhà tối tăm ngột ngạt của thằng Quảng. Phải thế không Thạc. Cái thân mày mà đánh được giặc thì cũng lạ. Trời sinh ra mày là để làm nghề cạo giấy, chùi bàn, quét nhà. Còn tao sinh ra để tắm ngựa, lấy thóc cho ngựa ăn, quét phân ngựa. Chắc mày đã quên cô mày rồi. Mày nhớ cô mày không. Tội nghiệp. Mày có ngửi thấy mùi phân, mùi nước tiểu chưa. Thơm quá há. Tổ ấm của tao. Nhà trọ của bọn mày. Còn đòi gì hơn nữa. Ít nhất cũng hơn để bọn mày phải ngủ đường như một con chó ốm, hay chui vào nhà thằng Đức; thằng Quảng như một kẻ lạ, một kẻ nhỡ độ đường tấp vào một nơi hoặc để thấy những êm đềm hạnh phúc mà tự xót xa, thương thân trách phận, để trong đêm khuya trằn trọc với những mơ ước. Hoặc để chứng kiến những đau lòng mà nhủ thầm với lòng mình là đã không phải sống trong những cảnh huống, hệ lụy buồn rầu... Tổ ấm của tao không liên lụy đến hạnh phúc hay đau khổ. Tổ ấm của tao rỗng không một bầu khí, một biệt lập, một trống không. Tổ ấm của tao không liên hệ đến người. Tổ ấm của tao là tổ ấm của bầy ngựa vườn hiền lành được chăm sóc béo tốt. Hạnh phúc cho chúng ta được sống trong một xã hội ngựa, một xã hội trâu. Phải thế không, các con yêu dấu của cha. Các con muốn thì các con đến đó, muốn đi các con đi. Các con không phải chào hỏi, lễ độ... dù con Mai Loan của cha là một con ngựa đáng được kính trọng. Các con có thể đái bậy, cởi truồng... bầy ngựa của cha cũng bao dung mà tha thứ cho. Các con được làm mọi điều mà những nơi khác các con bị cấm, bị ngăn những cấm ngăn được coi như trật tự, khuôn nếp của xã hội người, xã hội đã tự giành lấy những khốn khổ trong cực nhục, tù đày, giam cầm rồi tự lấy đó làm một kiêu hãnh, vinh dự. Ta thương ta và thương các con... À, mày tỉnh rồi đó sao Thạc? Mày đã nghe thấy tao nói đó hả? Xin lỗi mày nghe, không phải tao nói đâu, la de nó nói đó mày... mà có lẽ cũng không phải la de, mà là cái bọng đái nó nói đó... Xin lỗi mày tao phải đái một cái...
– Lực đó hả.
– Phải, tôi đây...
– Vác cái gì đó cha.
– Chiến lợi phẩm.
– Lại say hả?
– Không, nó ngủ.
Tiếng cười hô hố đục những đờm. Hàng rào cây xanh um tùm. Ánh sáng điện lọt qua những kẽ lá. Những chiếc xe phóng thanh nối đuôi nhau. Thằng Quảng trên đường về nhà. Thằng Đức tươi cười bên vợ. Thằng Ngưỡng ngất ngất cười đùa trong một căn nhà tối. Tôi về đây, vai nặng, chân run, đứng im lắng nghe tiếng nước tiểu rào rào trên gốc cây, ngửi mùi khai nồng của chuồng ngựa. Không còn ngất ngư trên chiếc xe thồ mộ lắng nghe tiếng vó ngựa gõ trên mặt đường, tiếng bánh sắt nặng nhọc lăn tròn mệt mỏi. Tiếng ho khô khan. Cái quần ngắn. Đôi chân khuỳnh khuỳnh nhỏ, đối đầu gối vẩu, cái bụng tọp, cái ngực lép, đôi xương bả vai nhô. Cái vai so. Cái cổ cao. Cái mặt choắt nhỏ phẳng tối. Cái đầu trọc. Cánh tay gầy. Bàn tay khum gãi gãi…
– Gì mà như ngựa đái vậy. Gớm các bố ghê quá. Tôi đâu chịu thấu cảnh đó, già rồi, cái thận nó đâu còn tốt nữa. Khỉ thật, già chẳng còn gì xài được.
– Ông cho Mai Loan nó ăn chưa?
– Rồi, ăn uống đàng hoàng rồi.
– Ông đi đó hả?
– Chưa, tôi chờ bố về rồi mới đi.
Bóng lão Thiệt khuất vào trong tối. Lực lắng nghe những tiếng động cuối cùng. Tôi phải nằm thôi.
Tôi đứng im trong giây lát. Người tôi nhẹ hẳn. Thằng Thạc thở khò khè sau lưng. Tôi quay vào lối đi nhỏ giữa những nhà kho và khu chuồng ngựa. Bên phải là chỗ chứa cỏ, bắp, cám, phía trong là căn phòng của lão Thiệt và lão Tư rồi đến căn phòng của tôi; trong nữa, giáp với khu vườn cỏ ngăn bởi một hàng cây thấp là gia đình ông Tư, người trông nom khu câu lạc bộ. Bên trái là một khu rộng trong căn nhà cao không trần nhiều cột, những tường gạch thấp ngăn cách nhau gồm có mười hai gian, trong mười hai gian đó hiện nay chỉ có bốn con ngựa lớn và ba con ngựa nhỏ. Lão Thiệt trông nom ba con ngựa nhỏ, tối trông con Mai Loan và con Lệ Thu, còn hai con kia do lão Đang coi sóc, lão sống ở ngoài. Tôi sống ngay trong câu lạc bộ của hội Kỵ mã nên tôi phải phụ lực với lão Thiệt lo quét dọn khu chuồng ngựa. Tôi đã sống với loài ngựa một cách êm đềm thân mật không có gì phải phiền lòng. Đó là điều tôi hài lòng hơn hết. Ngọn đèn nhỏ trên cao chiếu xuống khiến cho lối đi trở thành hẹp lại. Đã đến được cửa tổ ấm thân yêu. Tôi đẩy mạnh. Gian phòng tối om. Tôi dò dẫm, phỏng chừng nơi hãm điện rồi đưa tay tìm kiếm. Cái tay lại bắt đầu run rồi đây. Xác Thạc mỗi lúc một đè nặng hơn. Đây rồi. Ánh sáng tràn đầy. Chiếc giường sắt một thước hai. Chiếc màn nhà binh màu chàm, tôi cúi người bỏ Thạc nằm xuống. Mày hãy ngủ đi nghe. Chính mày mới thực là con gà chết. Thằng Đức đang tươi cười bên vợ. Quảng làm lũi trên đường phố hay trong căn nhà tối tăm u uất. Ngưỡng lúi húi trong một nhà chứa khuất lấp. Tôi về đây với bầy ngựa thân yêu, với cái chuồng những ngày tháng không dấu vết, không tiếng gọi. Tôi sinh ra để làm gì. Để nuôi ngựa. Tôi còn sống đến khi nào. Đến khi chết. Bao giờ chết. Không biết. Tại sao không biết. Vì không biết. Tại sao không tự tử. Tại sao tự tử... Ai sinh tôi ra, Cha mẹ. Cha mẹ tên gì. Một cái tên Nguyễn văn X... Trần văn Y., Đặng văn C., chẳng hạn thế. Một người đàn ông, một người đàn bà nào đó. Một cặp vợ chồng nào đó, một cặp tình nhân nào đó, một gái chơi một khách lạ nào đó. Những người đàn ông đàn bà nào đó. Bất cứ, nhưng vô tăm không mặt mũi không tên gọi không tin tức không gì hết trơn. Phải thế không Lực. Mày hãy nói với mày một vài lời an ủi xem. Mày hãy nói với mày như một người cha nói với mày. Không. Mày hãy nói với mày như một người mẹ nói với mày. Không. Mày hãy nói với mày như bất cứ một người thân thích họ hàng xa gần nào đó nói với mày. Không, không... Tôi không biết những thứ tiếng nói đó. Tôi không có gì hết. Tôi không biết một mảy may nào hết. Nghe tiếng ngựa hý, tôi biết nó sung sướng, phẫn nộ, đau yếu, muốn ăn, muốn uống. Tôi biết nó rõ dù không nghe thấy nó nói tiếng người. Tôi nghe được điều nó muốn biểu lộ. Tôi không biết những biểu lộ của một người cha, một người mẹ, một ông chú, ông bác, một người thân xa gần nào. Tôi không nghe thấy gì hết. Tôi không biết những thứ xa xỉ đó. Làm thế nào được. Tôi chỉ biết tôi thế này thôi. Tôi chỉ biết tôi đây. Tôi nghe thấy tiếng tôi nói, tiếng tim đập trong lồng ngực, tôi sờ thấy tay chân, mặt mũi, tai cổ, mông bụng tôi. Tôi chỉ thấy tôi có đây những da thịt có thực... Làm thế nào được. Ngay cả những thằng bạn. Còn mọi người thì sao. Những Ngưỡng, Thạc, Đức, Quảng thì sao. Chúng tìm thấy những gì trong đời sống, trong ngày tháng, trong giờ phút, chúng tìm thấy những gì trên khuôn mặt nhợt nhạt những biến động không rõ ràng. Quảng nói tao không hiểu nó ra sao, suốt từ những ngày bọn mình thân với nó chưa bao giờ tao nghe nó nói về gia đình nó, nhưng tao cũng biết nó còn có một bà mẹ, một ông chú một bà thím lấy nhau đã hơn mười năm không con. Hồi nào nó rời khỏi gia đình, nó lang thang rồi tấp vào một nhà kia. Cái nhà trọ sau này tao có một thằng bạn ở đó. Chính trong căn nhà trọ đó nó tằng tịu với một con nhỏ, con nhỏ có một cặp mắt xếch, nước da ngăm, nó là cháu bà chủ nhà, và con nhỏ có mang... Có lẽ đúng vào cái thời gian nó nói với tao là nó phải đi, nó phải tìm cách nào đó để thoát khỏi những gì đang quấn lấy nó. Nó đã bỏ lại tất cả. Chỉ một bộ quần áo trên người, một đôi dép, buổi sáng nó hẹn tao rồi chia tay. Cũng là một cách tự tử. Nhưng rồi tao có cảm tưởng nó đã thay đổi, nó đã tìm thấy một lý lẽ nào đó, nhưng rồi tao cũng nhận thấy có lúc nó đã không tìm thấy gì hết, những thực tế đánh vào mặt nó dù nó kiên trì trong những gì đã lựa chọn và ngậm miệng. Mày thấy đó thằng Ngưỡng ngày nay đâu còn hình bóng thằng Ngưỡng ngày xưa. Nó sẽ không bao giờ thoát được
những gì mà nó đã trải trong những ngày ấy, ba năm, tao mong từng ngày thoát ra, nhưng thoát ra khỏi rồi những ngày đó vẫn còn. Những ngày từng chút một, một mũi dùi khắc sâu trong tao những hình ảnh, những sự việc, những đau xót. Những cái ấy thay đổi tao, những cái đó thay đổi những gì trong mỗi chúng ta. Kỳ cục hết sức. Nhưng làm thế nào được, mày thấy vậy không... Tao bây giờ cũng như một con chim trúng tên, tất nhiên mũi tên ấy không phải sau này, từ lâu rồi, nhưng mỗi lúc mũi tên đó một trở thành nguy nan, từ trong cho tới ngoài, từ những hoàn cảnh bắt buộc tới những lỗi lầm của chính mình. Tao biết nhưng tao không thể làm khác. Tao đã thử không biết bao nhiêu, lần, nhưng rồi con trâu bị đóng cọc không thoát ra khỏi vòng dây thừng, loanh quanh trong đó. Tới một lúc nào đó, tao cũng không biết nữa. Nhưng quả thật mình cũng là một thứ tàn nhẫn, một thứ vô nhân đạo... Thôi đi mày ơi, tao đâu phải là một vị linh mục, Quảng mày nhớ điều đó chứ, mày đã nói những gì đó, mày không có chuyện gì khác sao. Thằng Ngưỡng, nó muốn tìm thấy nó. Tôi nghĩ thế. Nó có ý chí, tao thì không. Mày cũng là một thằng chì mà. Mày muốn làm một con đàn bà nữa sao. Thôi hãy quên đi, sao tao không thấy mày nói gì về mày hết. Mày không có gì của mày sao? Tao muốn nghe về mày. Những ngày trong quân ngũ, những trận đánh, những cố gắng, ông bố mày, bà má mày, những đứa em mày, những mối tình lớn nhỏ, những dự định, những mong ước. Không, tao không có gì hết. Tao không bao giờ mong ước những cái đó, những cái đó tao không muốn. Tao không muốn ở trong cảnh huống đó. Không bao giờ. Tao muốn ở trong một cảnh huống khác. Chúng ta không được quyền chọn đời sống của mình. Phải thế không. Không ai được sống theo với những ước vọng tầm thường phải không? Đó là điều tao vẫn tự hỏi. Tao không chết như những thằng bạn tao. Tao không chết giữa cánh đồng không, giữa khói đạn. Tao không chết trong y viện. Tao không nằm trong một chiếc hòm bọc sắt, không bị gói lại ít thịt xương nát như tương trong một cái túi. Tao không chết thiếu chân tay, thiếu đầu hay những bộ phận khác. Chắc tao sẽ chết toàn thân thể. Phải chăng số tao đã được đặt như thế? Tao cũng không biết nữa.
Mày hãy đi tắm đi. Ý kiến hay. Mày hãy nằm đó nghe mày, đừng thức dậy bước đi như một con quỷ nhập tràng. Cái áo cũng đầy mùi rượu, cả người mình cũng như đã được ướp rượu. Cái tay nó lại run đây. Run đi, run đi... Tại sao người ta không sống trần truồng, không quần áo giày dép, khăn mũ nhỉ. Như thế có sướng không. Như loài ngựa, như chim, như heo... Cái đầu nó nặng rồi đó. Những gáo nước xối lên đầu lên người, thật thần tiên biết bao. Ông trời có bao giờ được tắm táp một cách thú vị như vậy không, chắc không bao giờ, trời là một thứ ở bẩn, quả là bị đày, không được nhậu nhẹt, tắm táp, không được chết đi nữa. Tội nghiệp ghê, rồi người ta còn kêu ra mà chửi, mà thét, mà gọi, tội nghiệp hết sức... Tôi đi ngang qua những chuồng ngựa. Con Mai Loan gác cổ cao lên cái song, con Lệ Thu quay mông ra ngoài, bầy ngựa nhỏ nghe tiếng chân ngúc ngúc cái đầu. Bọn mày cũng ở chuồng như tao mà. Có điều bọn mày không được ngồi vào bàn với những thằng bạn mà nhậu nhẹt, bọn mày không được ngủ trên giường, không được cưới vợ, không lên xe hoa, không được làm hôn thú, bọn mày cũng không có cha mẹ rõ ràng, a điều này bọn mày giống tao. Tao cũng vậy mà. Thôi ngủ đi nghe các bạn hữu thân yêu của ta. Ngủ đi và mơ thấy mình chạy trên cánh đồng mạ non, bầu trời trong sáng và gió đồng nội. Còn ta, ta trở về cái chuồng thân yêu của ta.
Khung cửa cao hơn đầu, bức tường vôi vàng tối, lối đi nhỏ hun hút với ánh sáng lờ mờ mãi phía sân trong, lối vào một cái hang. Khoảng nền những viên gạch nâu lớn. Cái bàn nhỏ bên tay trái. Bốn cái thùng sữa chồng lên nhau, mấy cốc nhựa, chai nước lọc, hộp xà bông, cái bàn chải đánh răng. Trong góc các mắc áo, cái thùng gỗ thông lớn. Bên này cái giường kê từ khoảng giữa vào đến góc, ngọn đèn lủng lẳng trên cao. Tấm lịch không bóc. Mấy cái hình, một đứa con gái cởi truồng, một cái mặt cười, những con ngựa đua to cao, thằng dô kề đội mũ lưỡi trai, đi ủng cao, một vòng hoa choàng nơi cồ, nó cười bên con ngựa đua của nó. Nữ hoàng với vòng vương miện. Thằng vô địch quyền anh với cái mặt sưng húp giơ đôi quả đấm lên cao. Thằng Thạc nằm úp trên giường như một xác chết. Bây giờ thằng Đức, thằng Quảng, thằng Ngưỡng đã ngủ chưa. Tôi không có ai để nhớ đến. Cái đầu khô ráo một cách nhẹ nhàng. Đọc tờ báo chút rồi đi ngủ cũng không sao. Cái ghế, cái bàn, những hàng chữ, mùi hôi từ ngoài lối đi thoảng qua từng chốc. Những con muỗi, tiếng kêu vo ve. Vậy chứ mày có yêu ngựa không. Cháu yêu súc vật lắm. Thật không. Thật, trông những con ngựa ở đây có cảm tình lắm. Nó khác hẳn với những con ngựa kéo xe thổ mộ, những con ngựa gầy guộc, thấp bé, bàn thư... và nhất là cái chuồng ngựa, cái chuồng ngựa của hội thật hay, cháu muốn được ở trong đó, ở với ngựa. À mày thích ở với ngựa chứ không thích ở với tao phải không. Có chứ, có bác và có ngựa, lương khá không bác. Khá, hai ngàn một tháng, mày sống dư mà. Có giao kèo đàng hoàng, được hưởng theo quy chế lao động, lại có tiền thưởng nữa nếu mày điệu, mày phải biết ở đây toàn những ông chủ lớn mà, những quan Tây, quan Mỹ chứ ít sao, một vài thằng Việt Nam, nhưng thường là những thằng dân Tây, những thằng lai nữa. Một xã hội thượng lưu, mày phải biết thể. Tao nói với sếp của tao rồi. Sếp nói được, miễn nó là thắng yêu ngựa, biết trông nom hầu hạ ngựa. Cắt tóc cao, mặc chiếc áo cánh trắng, chiếc quần kaki thẳng thớm, rửa mặt sạch sẽ, ông già Thiệt kéo lên văn phòng câu lạc bộ trình diện. Ông sếp mặt đỏ gay, đôi mắt xanh, bộ râu ghi đông rậm vắt lên cao những sợi nâu lẫn trong những sợi hung và bạc, hai má phính mỡ. Cái bàn rộng và ông nói sì số với ông già. Sếp ngắm nghía tôi từ đầu đến chân, tôi vào thay cho ông Nhật đã chết cách đây hơn một tháng, ông chết vì bệnh già theo lời ông Thiệt, nhưng ông Tư thì nói ông chết vì bà vợ quá mạnh. Thấy tôi độc thân, còn trẻ, ông xếp có vẻ hài lòng. Thế là tôi thành một tên nuôi ngựa cho hội Kỵ mã. Ông già Thiệt bắt tôi học một ít tiếng Tây bồi để chào hỏi, để nghe biết những người trong hội muốn gì. Không có là bao, quanh đi quanh lại. Chào ông, chào bà, chào cô, mày mang con Mai Loan ra sân cho tao. Mày giữ cương cho tiểu thư, con ngựa hôm nay mạnh không, con ngựa mấy hôm nay có ngoan không, mày mang ngựa vào đi, mày giỏi lắm. Mày coi sản hôm nay có cứng không, có thể tập cưỡi được không... Tôi đã trở thành một tên nuôi ngựa được yêu chuộng. Tôi đã có một con ngựa để chiểu chuộng, con Mai Loan khác chi tên một con đàn bà, đúng là tên của một tiểu thư, một bà lớn, một ca sĩ, một đào hát nào đó. Ai đã đặt tên nó một cách tuyệt diệu vậy. Tôi đã tắm cho Mai Loan, tôi đã cưỡi Mai Loan... Nó cũng được khám bệnh, chích thuốc, thức ăn được coi sóc cẩn thận, có lẽ người ta nuôi một con đàn bà đẹp cũng chỉ cẩn thận đến thế mà thôi. Nếu ngựa cần phải đánh phấn tô son, mặc quần áo, chải tóc, bôi nước hoa thì chắc người ta cũng làm cho nó. Nếu ngựa có thể ngồi xe dạo phổ thì người ta cũng có thể có một cái xe, một anh tài xế, một người hầu để dẫn nó đi. Nhưng không, ngựa chỉ cần có cỏ ngon, thóc tốt, tắm rửa sạch sẽ và một cái chuồng thoáng mát, sạch sẽ khô ráo, ngựa chỉ mơ ước nếu nó mơ ước, một bãi cỏ xanh non và khoảng trống để chạy, để phi cho khỏi gò bó bộ giò của nó. Quảng ngắm nghía coi sóc từ lối đi, cái chuồng, những dây cương, cái máng cỏ, nó bốc lên những hạt thóc chắc, đầu gật gù giống như ông sếp của tôi lâu lâu xuống coi sóc bầy ngựa, nó nói vẻ cay đắng: mẹ, làm ngựa có lẽ sướng hơn làm người. Tôi nói chắc không hẳn thế, nếu thế thì giống người còn ra cái gì, mình cưỡi nó được mà, ai cưỡi được mình.
Xin lỗi mày, mày chưa làm kiếp ngựa người đó thôi. Tao từng bị nhốt trong một bầy ngựa, bọn nó nói đó là bọn bất kham, bất kham mày biết không, và tất nhiên người ta phải trị cho thuần lại. Ở đây mày đã phải trị những ngựa bất kham bao giờ chưa? Chưa, đây toàn ngựa hiền mà mày, những con ngựa này còn điên gì nữa mà bất kham. Thế thì không còn là ngựa nữa rồi. Vậy nó là gì. Là những ông lớn bà lớn chứ gì. Thôi đi mày, mày làm nhục bầy ngựa của tao chi vậy. Nó là ngựa, mà chắc nó cũng không muốn gì hơn là ngựa, chắc mày muốn là ngựa lắm. Quảng cười. Tao muốn là ngựa cho mày hầu. Xin lỗi, nếu mày là ngựa thì tao khỏi có hầu, tao quất cho tối ngày, tao cưỡi cho mày tóe khói. A cái đó khó lắm, mày đâu được phép nhỉ, mày đang làm ngựa đó mày ơi, mày phải hầu ngựa, làm thân ngựa cho ngựa và cho chủ, cho chỗ ăn chỗ ngủ, cho đồng lương hàng tháng của mày. Bầy ngựa này cũng tốt số, chứ ngựa kéo xe thì sung sướng gì. Cuối cùng lại hóa ra mình là một con ngựa người, một con ngựa không kéo xe, một con ngựa hầu ngựa...
Quảng, giọng khoái trá, nếu được làm một con ngựa rừng thì thú. Hồi đó bọn tao là một bầy ngựa chứng, một bầy ngựa rừng bị chúng lùa về bắt đi kéo xe, bắt đi có hàng lối, bắt ngủ có giờ, nó khiến cho nhiều thằng biến chứng trở thành những con ngựa ngoan, những con ngựa què, những con ngựa khác với những con ngựa. Kỳ phải không mày, có khi rồi mày cũng thành một người khác, một thằng Lực khác. Không, tôi vẫn là thằng Lực đây. Tôi đâu có chi khác.
Chú muỗi này gan. Ông giết mày. Nó đã hút của mình một ít máu rồi. Cái bọng đái nó lại tức rồi. Tao bảo với bọn mày rồi mà, nhậu nhẹt không ăn nhằm gì đối với tao hết, chỉ khổ phải đi đái thôi. Bây giờ thằng Quảng, thằng Đức, thằng Ngưỡng đã ngủ chưa. Thôi mình đi đái rồi đi ngủ, sáng mai thức dậy. Biết đâu mình không thức dậy nữa. Biết đâu mình không chết.
o O o
Chiếc xe quẹo vào ngõ, tiếng máy hục hặc khó chịu, hai vách tường nhà tối đen vượt lên cao hút. Ngọn đèn nhỏ trên mái hiên trong cuối ngõ, chỗ quẹo vàng vọt làm lộ lờ mờ mấy vũng nước đọng. Bốn căn nhà liên tiếp nhau mé tay mặt. Bên trái một khoảng tường đen kéo dài màu hắc ín. Căn đầu cửa đóng. Căn thứ hai cửa sổ đóng lưới kẽm mắt cáo, ánh sáng xanh. Căn thứ ba cửa sắt mở rộng, ánh sáng đầy, nền gạch đỏ trắng, chiếc máy may chạy đều, người đàn bà cắm cúi. Căn thứ tư cửa ra vào khép hờ, tiếng máy hát vặn nhỏ vừa nghe. Ngưỡng tắt máy xe. Mình nhầm rồi chăng. Đúng mà. Quẹo tay mặt. Ngưỡng dắt xe chậm chậm lách qua những vũng lầy. Con ngõ ánh lên những vũng nước nhỏ. Những căn nhà bóng tối che lấp. Trước tấm cửa bằng tấm tôn lớn Ngưỡng gõ nhẹ. Tiếng sắt kêu vang. Im lặng.
Tôi lần ra bờ tường thấp vạch những lá cây leo nhìn qua khoảng sân tối. Cái bể non bộ phía sát tường, chiếc ghế mây nơi cửa sồ, chiếc võng một đầu nơi song cửa, một đầu nơi cây sung. Vẫn là khung cảnh ấy. Ánh sáng dịu trong chiếc màn trúc. Mình không say. Căn nhà quen thuộc. Tôi gõ lại, chiếc màn lay động. Đứa con gái nhỏ bước ra, đi guốc, mở cửa. Má có nhà không em – Có. Đẩy chiếc xe vào dựa nơi tường. Tiếng then sắt đóng lại khô khan vang động trong không khí. Người đàn ông mặc bộ quần áo ngủ vàng nhạt từ trong ra ngó nhìn rồi bước xuống sân. Đứa nhỏ thoát vào nhà. Trong bóng tối lờ mờ khuôn mặt nước da đen, gò mà cao, vầng trán nhô. Nụ cười căng nhẹ làn môi có nhăn hai mép. Đôi mắt lạnh lẽo. Giọng nhạt:
– Ngồi đây chơi cậu hai.
Ngưỡng vứt bỏ mẩu thuốc qua cửa ngõ:
– Hồi này khá chứ? Bà ấy đâu?
– Thường thường – Người đàn ông ngồi xổm xuống gần bên cửa ra vào và chiếc ghế mây –Lâu không thấy cậu.
– Đi xa.
– Mới về hả?
– Mới. Con nhỏ ở nhà không?
– Con...
– Con Lan–con đó…
Người đàn ông chậm chạp gỡ những mảnh giấy trên đầu gói thuốc lấy ra một điếu đè lên môi, tay bỏ vào túi tìm kiếm.
– Nó mới về quê, chưa lên.
Giọng nói lập lờ đều đều không rõ nét. Tôi ngồi xuống võng và đưa nhè nhẹ. Người đàn ông im lặng hút thuốc. Những vệt sáng lay động trên nền tối. Lan–con về quê… Lúc trước lâu lâu ghé lại cũng có những lúc không có Lan–con, bà Tư cười cười, vợ cậu nó về quê rồi. Nó vẫn còn ở đây, nó chưa rời khỏi, thực hiện mộng ước của nó. Em phải lấy chồng chứ anh, cái mặt anh thế mà gớm, cưới em đi, bao em đi Đà Lạt một tuần. Gặp toàn những người như anh, mấy mà em chết. Tôi chưa gặp con nào tận tình như thế. Nó cũng tìm thấy những giây phút khoái lạc. Nó nói, anh ơi đừng mở quạt, để cho nóng một chút. Mồ hôi dâm dấp trên sống lưng. Hơi thở nóng. Mái tóc dài xõa rũ rượi. Nó trườn lên trườn xuống như con rắn cọ mình trên ổ cỏ khô mùa hạ. Anh đánh giặc khoái không. Sao anh có vẻ buồn vậy, trốn vợ phải không. Con đói không, mẹ cho bú tí đây. Kỳ cục. Kỳ cục... Nó khóc, những vết chì trên mí mắt nhòe nhoẹt những hạt lệ đen. Anh sẽ chải tóc em bằng năm ngón tay, trong những chiểu gió mưa về cội... Ngưỡng mỉm cười với mình. Mình lẩn thẩn quá. Những ngày đó đã xa một dĩ vãng rực rỡ. Dĩ vãng của những ngày chưa chạm mặt. Dĩ vãng của những mộng ước viển vông. Lịch sử có khi làm bởi một tên du côn. Tôi không hiểu sao mình đã có được những ngày ghê gớm như thế. Những dòng chữ, những cuốn sách. Tôi đã vứt đi những sách dạy làm người, những túi khôn của nhân loại, những gương hy sinh, gương kiên nhẫn... Sao không đốt hết đi. Người đàn ông búng mẩu thuốc ra phía cửa. Trong bóng tối tôi đã nhìn thấy rõ mặt hắn. Hắn là chồng bà Tư? Có lẽ hắn đã giết người, hắn đã phá trinh bao nhiêu cô gái. Tôi ngả người xuống võng, nền trời nhạt từng mảnh nhỏ qua khe những lá cây tối. Người đàn ông đứng lên, vươn vai, giọng nhạt nhẽo, lờ lờ:
– Cậu đi con khác không?
Người đàn ông xích lại gần và ngồi xuống chiếc ghế mây ngả lưng ra sau, hai chân duỗi thoải mái. Quảng la lên; mẹ đi chơi điếm mà còn chọn với lựa. Lực mỉm cười vẻ hài lòng, nó ngắm cái đầu hớt ngắn, mặt sạm của Quảng gật gù, chắc nó đã thấy một cái gì khác của Quảng bấy giờ với một Quảng lúc chưa nhập ngũ. Vẻ yếu ớt, chậm chạp, lặng lẽ đã thay vào đó vẻ khoẻ mạnh, thô bạo, liều lĩnh. Vợ tao đi khỏi rồi mày. Tôi đảo mắt nhìn ba cái mặt. Cái mặt lưỡi cày để nghiêng trên chiếc gối ôm, bộ quần áo màu hồng nhạt, hai chân dài duỗi thẳng buông thả. Cái mặt tròn, màu da đen khỏe, mái tóc tròn ôm vào ngấn cổ tròn lớn, đôi mắt híp trơ trẽn, hai bắp đùi lớn thu gọn trong lòng ghế, tiếng cười cúc cúc trong cổ họng. Cái mặt trái soan, mái tóc xõa một bên mặt, nước da trắng xanh, đôi mắt lo âu, người nhỏ ngồi ép vào một phần ghế. Lan–con lại đi khỏi. Quảng nhìn tôi, nhìn Lực.
Quảng cầm tay cô gái nhỏ bé, vào đây với anh em. Cô gái đứng lên, Quảng khoác lấy vai đi vào trong nhà. Lực im lặng kéo cô bé thấp đen đi vào nữa. Cô nhỏ ôm lấy lưng Lực một cách suồng sã. Cô bé nằm trên đi văng nhìn tôi. Quảng nói lớn: mày không nhập cuộc hả. Không. Thế thì vào đấy coi chơi, không cần phải gắn một đi na mô vào háng chứ. Bà Tư cười cười ngồi vào ghế, co một chân lên, chiếc quần lĩnh đen rộng ống: cậu ấy đâu có ngoại tình. Cô nhỏ ngồi dậy chèo kéo, anh đi mở hàng đi, em không méc chị Lan đâu. Thôi em, anh mệt. Chúng tôi đã sống với một thực tế như vậy đó. Gương các danh nhân chẳng hề nói đến những điều đó. Xưa kia chắc không có những chuyện đó.
Thế ra thằng Đức nó khôn. Nó không muốn mất những gì nó đã học được trong sách vở. Tôi hỏi nó: mày lấy vợ có thấy hào hứng không? – Sao lại không, mày phải lấy vợ đi rồi mới hiểu được. Đức cười rạng rỡ hài lòng. Tôi biết tôi không có được như hắn, tôi đã mất đi nhiều thứ. Quảng trừng mắt nhìn tôi: mày giết được thằng nào chưa – chắc có thằng, nhiều thằng – sao lại chắc – bọn tao chưa thua trận nào, tao chưa đối diện với tên nào, nhưng đạn tao bắn ra chắc phải có thằng chết chứ, còn mày – Chưa, tao gác đồn. Nụ cười bùi ngùi.
Lần sau, vừa gặp, Quảng vỗ lên vai tôi: tao mới hạ ba thằng. Nó cười lớn như muốn khỏa lấp đi một cái gì. Tao nghe thấy động ngoài vòng kẽm, dưới ánh trăng suông tạo nhìn thấy những ngọn cỏ lay động ngoài bờ kinh. Tao chĩa súng quạt liền hai tràng. Sau tao thấy im lặng, tao tưởng đâu mình nhát, lầm, nhưng sáng sau lượm được ba cậu, bọn nó mang mìn định vào, chắc bọn nó định dò thử thôi. Cái số ba thằng khốn nạn đến ngày. Bây giờ nó ngậm miệng, chừng như nó thấy không còn chuyện gì để nói. Hai năm xa nhà, lâu lâu về phép, tình cờ gặp nhau, nó đổi lên cao nguyên, về miền Đông rồi xuống Cà Mau. Nó giải ngũ trở về mặc áo bỏ ngoài quần, đi học ban đêm, nạp đơn xin việc hai ba chỗ, lúc nào nó cũng có đủ giấy giải ngũ, giấy hạnh kiểm, tư pháp lý lịch, tờ sao văn bằng, sáng sáng nghe bản tin bảy giờ ghi nhớ những thông cáo, chiểu chiểu đọc mục rao vặt nơi trang tư nhật báo. Mày yêu ai chưa. Nó cười cười. Nhiều lúc nó làm tôi phát bực. Cái chó gì mày cũng cười cười. Nó trầm xuống rời xa tôi, nó không còn rủ tôi đi chơi gái nữa và nó thoái thác nếu tôi nói đến. Chửi nó, nói tức nó, nó cười cười, bây giờ nhậu với bọn mày thì được.
Tiếng gõ trên tấm cửa tôn. Người đàn ông đứng lên mở cửa. Một người đi vào, gót giày có cá sắt, người đàn ông vào nhà. Tiếng nói rì rào. Đứa nhỏ đi ra mở ra ngoài. Những tiếng nói rời không rõ. Say mà quên đi được như Thạc, yên tâm và hài lòng được như Đức, buông thả lờ lững một cách hư vô được như Lực có lẽ là một hạnh phúc. Tôi dò tìm tôi chi vậy. Tôi ngồi dậy châm một điếu thuốc. Người đàn ông trẻ ra ngồi nơi chiếc ghế, một mớ tóc xõa xuống trán. Cánh cửa mở. Một cô bé mặc quần áo trắng đi lại tôi tiến sát vào mặt mở mắt lớn rồi cười giòn. Tôi kéo má nó và mỉm cười:
– Không phải anh, chồng em đợi trong nhà kia.
Người đàn ông cười khan. Nó ngần ngừ rồi ngồi vào tôi:
– Anh chê em hả?
Nó thực tay tìm kiếm, nó cầm lấy tay tôi áp lên đôi vú không mặc áo lót, lần vải mỏng, đôi vú tròn căng êm ái, mùi nước hoa trên cổ. Nó ngoái cổ nhìn và hôn tôi:
– Vào đi anh, làm bộ hoài.
Tôi xốc vào nách gỡ nó xuống. Người đàn ông nói:
– Mày vào nhà đi, mày định cướp chồng con Lan sao.
Con nhỏ quay lại áp sát vào tôi rồi nó chỉ ngón tay vào trán, xí, rồi nó đi vào nhà. Mẹ cái thằng chung tình với cả điếm. Giọng nói chua chát xa vắng. Tôi ngả người lại xuống võng:
– Hồi này đánh nhau dữ hả cậu.
– Ờ đánh nhau.
– Hôm rồi tôi về dưới vườn mà nghẽn đường, ngán quá, về tới nhà đêm phải xuống hầm ngủ, bom đạn gì tùm lum, thiệt khổ. Trông thấy ông quân đội đào hầm nằm ở dọc đường thiệt cực ghê vậy đó. Ít bữa trước có hai ông kéo vào đây làm tôi một bữa mệt hết sức. Các ông ấy có ngán gì đâu… Nghĩ cũng tội nghiệp... Hồi xưa lúc đình chiến rồi, tôi được giải ngũ, nhìn lại mà rùng mình…
Tiếng bật lửa, ánh sáng lóe lên, tôi thả những vòng khói tròn lên trước mặt, vòng khói trắng lập lờ rồi mất tăm. Tôi không muốn nghe nói đến. Tôi sống đủ rồi. Và tôi còn phải sống nữa. Còn phải sống. Biết làm sao được. Tôi đã dần dần nhìn thấy tôi rõ hơn. Đáng ra không nên, không bao giờ. Làm cách nào để tìm lại. Có tìm được không? Bao lâu rồi, những khối đen lập lờ đến, tôi cố gắng dò tìm. Có lúc rồi có cảm tưởng một vài bộ phận nào đó trong cơ thì đã bắt đầu tan rã, một lá phổi, một lá gan hay trái tim gì đó. Tôi biết trong người mình có bệnh nhưng tôi lại không thấy cần thiết phải làm thế nào cho hết đi. Những đêm không ngủ lập lờ trôi nổi khiến cho tôi có lúc tưởng mình sắp tan loãng trong cái im lặng hút sâu. Những thời gian gần đây, liên tiếp tôi nhận thấy những giây phút như thế. Những người bạn thân nối với tôi về một sự mệt nhọc và nản lòng. Những bải hoải lập lờ không rõ ràng nhưng thật nặng nề khiến cho mình không còn muốn cử động, nghĩ ngợi gì nữa. Tại sao thế. Tôi vẫn hỏi tôi vậy. Nếu như ở một người khác ít khoan dung với bản thân mình chắc đã tìm được câu trả lời. Tôi khe khắt tôi nhưng tôi cũng khoan dung tôi nên tôi chẳng tìm được cách nào trả lời cả. Tôi có cảm tưởng: ngày nay bất cứ cái gì nếu muốn chúng ta đều chọn được một chủ đề mà mang ra thảo luận, đặt thành câu hỏi, nhưng rồi tất cả những truy tìm, những trả lời đều vô ích, đều chẳng trả lời được gì. Mọi điều đều đã bị ngờ vực. Đã ngờ vực rồi thì không còn nên nói gì nữa. Tôi cũng đã ngờ vực tôi. Ngờ vực việc tôi làm. Ngờ vực những tiếng chính tôi đã nói đến: tình yêu, cao thượng, thanh khiết, tình bằng hữu... Những đêm không ngủ nghe tiếng súng nổ ran, tiếng máy bay kêu réo trên bầu trời, nghe tiếng cười của kẻ say và của kẻ khoái lạc, tiếng khóc những đứa nhỏ... tôi thấy tôi mù mịt xa xăm... Những ngày nào chưa cầm cây súng trên tay...
Thời gian đã trôi, không ngừng, tôi cũng đã trôi không ngừng. Đã dời ốc đảo, nhập cuộc và bây giờ ngó lại mình rã rời. Tiếng ho của người đàn ông. Tiếng gót giày trong nhà. Người đàn ông đi vào. Tiếng nói không rõ. Hai người đi ra, cửa mở, tiếng giày xa dần. Con nhỏ ra bên gỡ tóc bằng chiếc lược lớn:
– Chung tình há, ngoan quá, đáng yêu quá. Chào nghe bồ...
Nó cúi vào mặt tôi mà hôn. Tôi ngồi dậy:
– Còn cô bạn nào bên không em.
– Ghét cái mặt, thế mà bộ hoài – nó cười – Em kêu cô này cho nghe, có mà bỏ chị Lan luôn.
– Thế thì thôi.
Tôi nhảy xuống, lấy xe và ra cửa. Mẹ, chung tình với cả điếm.
– Tôi về nghe anh Tư, vài bữa nữa tôi ghé.
Tiếng máy nổ xé tan bầu không khí im lặng. Bây giờ Thạc đã tỉnh dậy? Đức đã ôm vợ nằm trong giường? Quảng đã ngủ chưa. Tôi không có nhà để trở về trong thành phố này. Về cái chuồng ngựa của Lực. Khi tàn cuộc chiến mình sẽ làm gì. Xe ra khỏi ngõ. Tôi phải mang cái xe về cho nó mai đi làm. Đêm sâu hút không mặt mũi.
o O o
Sau cùng đã chấp nhận một quyết định mà đối với người khác có lẽ rất tầm thường, mà với mình đã thành quan trọng, mẹ mình đã ngạc nhiên với vẻ vui sướng: con đi làm thật sao? Bà cũng không tin mình có thể làm vậy. Nhưng mình đã làm, khi nói đi làm xa, mẹ và em lại không bằng lòng. Tại sao không kiếm việc làm ở Sài Gòn? Hay một thị trấn nào đó. Tại sao lại đến một nơi hẻo lánh hoang vu, chơ vơ ở ngoài biển? Chưa ai thấy mình rõ, có lẽ cả Thạc, cả Lực?
Mình không thể ở đây được nữa, chịu đựng đến như vậy là cùng độ. Sao mọi người vẫn còn như thế được là sao? Nhà cửa, cột đèn, xe cộ, người, cây cối, gạch đá, người, khói bụi, súc vật, người, mặt mũi, chân tay, quần áo, giày dép... Tất cả quay cuồng, chồng chất hỗn độn. Những hình nhân, với chiếc gáo dừa cắm trên vai, mang tên tuổi dẫn đi dẫn lại lập thành một bảng thống kê với số thứ tự. Rồi bao giờ tên tuổi được xóa đi, bộ mặt bị bào phẳng, tiếng nói được ráp máy và mỗi thân người được đeo vào trước ngực, sau lưng một con số, được gọi, được hỏi, được xếp đặt…
Một vầng trăng lưỡi liềm màu bạc treo trên nền trời đen ánh sao nhỏ. Đã bao lâu không nhìn thấy nền trời. Ngó lên đỉnh cây xanh, những mái ngói cao, mấy tổ én tiếng kêu ríu rít. Đã bao lâu không hình dung được phố xá, chỉ cúi đầu dưới những hàng hiên, không bao giờ có cơ hội ngó lên. Trong không khí tươi mát buổi sớm mai mình đã nhìn lại được một vài khoảng của nơi mà có lẽ rồi đây sẽ rất nhớ. Thạc đã trợn mắt, đập bàn: vẫn là một thứ ốc đảo. Không chịu được nữa! Không chịu được nữa! Bay lên trời cũng không xong đâu. Mình cười nhạt. – Thế còn mày chạy trốn chứ gì.
Chim hót buổi sớm mai. Ban đêm chìm ngủ vùi và mơ mộng. Mỗi kẻ mang theo những ẩn giấu. Ốc đảo là thế giới giữ mình cho kẻ không ngủ trong đêm tối tăm, trong đêm tối tăm mà những bàn tay dơ bẩn đưa ra tua tủa như chông nhọn tẩm thuốc độc, như màng lưới nhằng nhịt có nam châm cuốn hút, hay một thứ nhựa keo, bằng loài chim lớn cánh bay trên nền trời cao một lúc nào mệt mỏi cúp đôi cánh, sà đôi chân móng sắt xuống nghỉ chân. Ốc đảo buồn rầu nhưng kiêu hãnh cường tráng, trời yên nghỉ buồn rầu như con sâu đo thua trận không nhoài mình ra khỏi tỉnh táo của đôi mắt mở lớn trong đêm sâu mù mịt dư vang những quyến rũ, lôi cuốn thôi thúc từng mỗi giây phút.
Sao lại là ốc đảo, sao không là mặt trận, sao không là võ đài, sao không là nơi có tiếng nói, nụ cười đắm thắm.
Chuyến xe vụt đi, chuyến xe đã bao lần mong đợi bây giờ đến, bây giờ đã chuyển động.
Màu sơn gạch cua bẩn thỉu, người xe phụ mặt nhăn vết chém lớn nơi má cất tiếng hỏi: – Ông đi Rạch Chum coi hải đăng sao? Sao lạ vậy, sao biết mình tới đó. Sao biết mình? Dễ chừng ai tới đó cũng là coi hải đăng sao? – Tôi biết ông tới đó vì có ai tới Rạch Chum đâu, ngoài người ra coi hải đăng. – Không có làng mạc gì sao? – Không. – Không có người ở? – Rất xa mới có. Ông chưa tới đó bao giờ, – Chưa. Thế làm sao sống. – Tôi thấy có mấy người ở đó họ vẫn sống, lâu lâu họ đón xe đi xuống chợ mua thức ăn mang về, ở đó nếu chết cũng ít có người biết. – Xe đò chạy qua có nhiều không? – Có năm chiếc tất cả của một mình hãng này thôi, vì ông chủ tôi có vựa nước mắm ở ngoài đó nên chạy xe đò một thể, có khi cả tháng không có một hành khách. – Ở đó có yên không? – Yên, có ma nào, đầu mãi mé dưới Mũi Chim Đậu có một đồn nhỏ đóng, ở đó súng để rỉ không cầm đến, đứng ở hải đăng nhìn thấy ở đó. – Em biết hải đăng? – Tôi có lên một lần khiêng quan tài cho một người chết vì họ thuê xe mang xác về, ớn lắm ông ơi. Quan tài bọc kẽm gắn sơn mà tôi vẫn thấy hôi vì xác để lâu ngày quá. Tôi thì tôi cho vứt xác xuống biển cho xong, thế mà họ còn tốn bao nhiêu tiền để mang đống mắm thối ấy về mà khóc than.
Mình ngồi trong khoang xe nghĩ tới nơi sắp tới mà rợn tóc gáy. Buồn vậy sao? Sao lại tới đó làm gì? Bây giờ mình vẫn có thể thay đổi ý định, vẫn có thể ở lại, vẫn có thể về nhìn mẹ nói: con không đi nữa – chắc mẹ sẽ vui. Sao mẹ mình muốn mình làm gì đó, mà khi đi mẹ lại buồn, khóc. Mẹ muốn mình ở mãi nhà sao.
Sẽ sống ở một nơi như một nhà tù với vài ba người xa cách những sinh hoạt. Có một hôm nào có con sóng như triền núi nhô lên, đổ xuống và cuốn theo ngọn hải đăng, mình sẽ lăn như một viên sỏi sau đó tan ra nước, xương cốt rời rã lắng xuống dưới đáy sâu mù tối, hay thân xác mắc kẹt vào một khe đá và loài chim biển sà cánh xuống rỉa nát da thịt sình thối.
Mình không muốn nghĩ nữa. Anh chàng phụ tài lại léo nhéo: – Sao ông không mang vợ ra ngoài đó, ở ngoài đó có gia đình vui hơn… Không có đàn bà buồn lắm ông ơi... Rồi điên mất... vì có đi đâu được... – Thế mấy người ở ngoài đó? – Hình như một người có vợ, hai người kia không, và họ thay phiên trở về... Hắn cười thật khả ố. – Ông chưa có vợ. Hắn nhìn xoi mói, cái thằng này ranh quá trời, chịu không nổi, nó nhỏ tuổi hơn mình không chừng mà sao quá lắm vậy. — Sao ông ra ngoài đó làm gì. Thiếu gì việc có thể làm, chết đói gì mà ông đi.
Đã tới nơi, đã gặp một người đàn ông bốn mươi tuổi, ông ta tên Vạng, ông có một khuôn mặt tròn, trán nhỏ bóng, tóc hỏi, làm cho hai gồ trán nhô ra vẻ bướng bỉnh và cục. Đôi mắt ti hí với đuôi mắt dài nheo một nếp gấp nhăn bị vò nhàu. Con mắt của ông thường đứng im, ít khi có gì hiện ra nơi hai con mắt. Nhất là khi gặp mình, ông ta nhìn trân trân từ đầu đến chân? Có lẽ ông ngạc nhiên, nhưng ông lặng lẽ đút tay vào túi quần, ông có vẻ là bậc cha chú quá lắm. Ông hỏi: – Anh bao nhiêu tuổi? – Hai mươi. – Sao tồi vậy?
Nói rồi ông dẫn vào chỉ nơi để ngủ, chỉ việc phải làm, miệng ông lẩm bẩm những gì đó không nghe rõ. Sao tồi vậy? Nói chi lạ vậy. Tồi, tồi, thế nào là tồi?
Kề tay vào vách tường đá, tiếng sóng dội lên, vỗ vào trí não bít bùng.
Người bạn mới, một người kỳ cục hơn mình mấy tuổi thôi nhưng trái ngược. Anh ta có vẻ khỏe mạnh, tay nở chân lớn. Anh ta tâm sự một cách mộc mạc, ngay thẳng chừng như không có gì phải giấu giếm: – Tôi ở đây để thêm sáu tháng nữa là về cưới vợ, ai đời mà ra để ở đây à? — Không. – Thế anh cũng sắp lấy vợ à?
– Sao lại thế?
– Thế anh ra làm gì?
– Ra xem biển…
– Trời đất ơi, có gì mà xem.
Anh ta ngạc nhiên rồi nói chuyện về người vợ chưa cưới ở nhà quê ngoài Trung. Làm ăn khó khăn không đủ sống để lập gia đình, anh ta xin vào làm hải đăng, anh ta bảo: Ra đây có tiền, không có gì để tiêu phí, tôi chắt bóp gửi về cho mẹ tôi gần đủ rồi...
Anh ta cười cười, giọng hề hề dễ dãi. Sao người ta có thể sung sướng đến thế được nhỉ. Sao mình cứ phải nghĩ đâu đâu.
Người thứ ba đi vắng, chưa biết ông ta ra sao? Anh trẻ trẻ này tên gì khó nhớ quá, anh ta nói giọng khó nghe. Rồi anh ta sẽ về, sẽ cưới vợ, có con... Rồi sao nữa?
Có phải chúng ta cùng nghĩ một lúc, phải từ chối cuộc sống bình thường, phải làm một cái gì hơn lên không? Tại sao lại phải làm như thế. Có phải bây giờ mình muốn đi kiếm tìm lại cuộc sống bình thường, điều mà từ lâu nay mình vẫn thắc mắc.
Nhưng sao trông vẻ bình thường đó mình thấy có một cái gì không bình thường. Sao mình chưa yêu ai? Yêu thế nào? Tại sao không ai yêu mình?
Ăn bữa cơm tối với gia đình ông Vạng, một vợ ba con đều là gái, đứa lớn mười sáu tuổi, đứa giữa mười tuổi, đứa nhỏ tám tuổi, ông chưa có con trai. Ông than: – Biết làm sao được. Thôi đành chịu vậy, con gái cũng được miễn sao nó nghĩ tới mình một chút.
Đứa gái đã choai choai, người vợ chậm chạp và có vẻ nhà quê, không khí giữa những bức tường lặng lẽ một vẻ khó chịu, và cũng ở đó mình không muốn có ai ở bên nữa. Tại sao lại không chỉ có một mình. Tại sao lại nhiều người thế? Cơm ăn vào miệng không biết có phải cơm không? Tiếng sóng vỗ và nỗi mệt mỏi xâm chiếm cơ thể cùng trí óc.
Có một lúc nào tất cả những ngôi sao cùng rụng xuống, và sóng đưa nước dâng cao mãi, và mọi người tan đi, tan đi như bọt, tan đi như khói và không ai nhớ gì nữa, không ai hỏi gì? Có một lúc nào mặt trời có chân tay bước đi và ca hát.
Có một lúc mình trở thành một hòn đất sét mềm nhũn và mình ngồi ngỡ ngàng. Trời đất bao la và mình nhỏ nhoi, mình hèn mọn. Chưa ai hát nồi một bài hát làm cho trời đất gặp nhau, trời đất buồn bã cô đơn biết chừng nào. Ở đây mãi đến bao giờ mình có thể trở về, lúc trở về rồi sẽ ra sao.
Chắc mẹ mình buồn, chắc em mình mong, tại sao mình không làm được gì cho những người thân yêu đó, những người thân yêu đó, những người mà mình chịu ơn nhiều nhất, có phải mình là một kẻ dã man, một kẻ dã man hơn tất cả những kẻ dã man. Nhưng biết mình dã man sao mình không bỏ đi mà vẫn hành động ngược lại, như vậy là tại sao?
Mỗi kẻ mang theo bộ mặt thứ hai của mình ra trước đời sống và đưa ra bộ mặt thật giấu vào trong nếp áo để sống, để khóc, để nhớ và hành hạ mình.
Mỗi đêm chúng ta nằm ngủ với thể xác và thức dậy trong tâm tưởng cố gắng vượt ra khỏi cuộc sống của đêm tối. Có phải đêm tối ấy bây giờ đã ngự trị suốt cả, trong tâm thức và ngoài hơi thở. Xin được là ai bây giờ, để không nhớ mẹ, em, bạn bè và một vài mẩu sống, khung cảnh đã trải qua.
Đứng trên cao nhìn mặt biển, ôi mặt biển, ở đó mỗi người đều tan ra? Được không? Những người ở xa kia có bao giờ được thấy biển, được thấy sóng rợn lên rất cao rồi dàn trải rộng, có ai suốt đời chưa trông thấy biển, có ai suốt đời chỉ biết bốn bức tường màu trắng, chỉ nhìn thấy mặt một số người nhất định... và rồi chết đi. Có ai suốt đời chỉ đi trên một con đường và chưa bao giờ nhìn thấy rừng cây, núi đá... Và có ai suốt đời chưa bao giờ nghĩ tới một điều nào khác ngoài cuộc sống tầm thường mỗi ngày? Sao lại không?
Sẽ ngồi ở đây mỗi ngày, mỗi đêm, sẽ nhìn ra ngoài kia, sẽ gặp một biến đổi nhỏ nhoi, sẽ giữ mãi cho ngọn đèn cháy lên, có khi hàng năm mới có một người nào đó nhìn thấy. Sao ngọn đèn vẫn phải đốt lên. Sao có một ngọn đèn vô ích như thế được.
Nhớ lời mẹ dặn: “Đừng lông bông mà phí đời. Mẹ chỉ có một mình con, và em con cũng trông vào con cả”. Mình muốn trở về ngay lúc này, trở về để làm bất cứ điều gì có thể làm vui lòng mẹ và tỏ ra được lòng thương với em. Tất cả đều vô nghĩa dù cho điều đó to tát đến đâu mà không liên hệ với bản thân những người thân yêu.
Vậy lý tưởng là gì, vậy sự nghiệp, danh vọng là gì, phải chăng là một thứ ma túy của đời sống mỗi người con trai vừa lớn lên?
Con nhớ thầy con khi xưa ra sao không? Ông đã đi làm những gì đó mẹ chẳng biết, để rồi mang tù mang tội mà chết đi không biết từ bao giờ, ở đâu, mồ mả ở đâu, chỉ có thầy sướng vì có khi thầy quên vợ và các con rồi, trong khi đó mẹ khổ vì trông đợi và thương xót. Con hãy nghĩ tới điều đó.
Phải chăng lịch sử chỉ có nơi nào họ đòi hỏi. Một kẻ sống trên núi cao kia. Trong một hang sâu, giữa khu rừng tối, nơi một hoang đảo, lịch sử bất lực với họ. Muốn sống một cuộc sống cho riêng hạnh phúc của mình phải chăng là bằng cách từ chối lịch sử mà người khác buộc nó phải nhận. Trong cùng tận cuộc sống đích thực mọi người đòi tới là ý muốn tiêu hủy hết cả, với chính mình.
Nhưng mình không thể vậy, không chịu vậy, không muốn vậy. Nếu không mình phải lập tức lao mình ra khỏi cuộc sống trong một tích tắc mà mình đã ý thức.
Ngưỡng ơi, mày tìm gì vậy? Trước mặt chúng ta một hư vô cho mỗi đứa.
Không sao gửi được mấy lá thư đi, không có gì để liên lạc với bên ngoài nữa. Anh chàng thanh niên cứ ngủ, cứ đánh cờ tướng, ngày ngày tập thể thao rồi ngồi bên cửa tròn gảy đờn ca vọng cổ, tiếng ca nhiều lúc lẫn vào tiếng sóng ào ào. Mỗi kẻ và cuộc sống riêng biệt không liên lạc gì với nhau. Hắn cười đó, hắn đánh cờ, ca hát và ông Vạng, bà vợ ông có những gì... Sao mình không như họ. Ông Vạng bảo: – Tôi có cảm tưởng cậu thất tình gì đó. – Sao vậy? — Vì có cái điệu của bọn thất tình vẫn thường làm ra — Không có đâu, làm quái gì có tình mà thất, ông tưởng tôi cũng như người khác à? – Thế anh, anh không giống ai à? Mỗi các anh mơ mộng này khác, yêu đương này khác, nhưng có đi đến đâu đâu. Một lúc nào đó còn làm khổ mình nữa chớ, làm khổ cho đến lúc không chịu được nữa là bắt đầu ngoan, ngoan hơn bất cứ ai. Thế là lo làm ăn, lấy vợ, đẻ con... – Có lẽ rồi tôi cũng thế. – Vậy thì hãy đánh cờ đi, hãy ca đi, buồn làm gì.
Sớm nay có một con chim rất lớn bay đến liệng chung quanh hải đăng nhiều vòng, nó bay mãi không hề đậu xuống, chừng như nó tìm một vật gì đó trên mặt biển, ông Vạng bảo: – Lại có người chết chưa chừng, ông leo lên hải đăng rồi chăm chú theo dõi con chim. Người đã hiểu được chim muông. Ông Vạng kể về một vụ người chết: – Hồi đó một con chim đến, giữa trưa tôi đếm được trên mặt biển hơn mười xác chết trôi lờ đờ trên lớp sóng. Một chiếc tàu nào đó đã đắm chẳng hạn...
Sau đó một lúc có một đàn cá lớn kéo đến và bắt đầu ăn thịt... Một lúc trên mặt nước chỉ còn lại một vùng nước đục lờ đờ như một bát cháo thịt vậy... Thế là bao nhiêu xác cũng tan, một phần vào bụng cá, một phần chìm xuống, ấy thế mà vẫn còn có một cái xác tấp vào bờ, tôi nghĩ thương tình vớt lên và chôn ở dưới kia... Chưa chừng hôm nay lại có ít xác chết ở đâu đó sẽ tấp vào đây cho mà coi.
Nhưng rồi không có gì cả, không có gì cả; mặt nước vẫn những bọt sóng trắng. Trời xanh cao và mình càng muốn trở về.
Con đường này cho những ai đi qua. Cho một chuyến xe họa hoằn đi qua, và rất có thể một hôm nào không có ai tới nữa, và mình chết khô trong căn nhà đá này và dưới kia, cuộc sống đã thay đổi bao nhiêu triều đại buồn phiền với vinh quang và nhục nhã.
Anh bạn cười cười như chế nhạo, mình sắp bộ cuộc, còn ông Vạng, ông bảo: – Tồi, Tồi. Mình chỉ còn một cách nói với ông. Nếu không tồi thì tôi chẳng bao giờ ra đây cả. Nhưng có lẽ nên tồi. Ông Vạng nhăn mặt: – Tôi có thằng con như anh tôi cầm chân vứt xuống biển – Tôi muốn có người đối xử với tôi như vậy, nhưng không có, nếu có người như thế tôi đã không tồi. — Thế anh không thề tự quăng mình xuống biển được à.
o O o
Chương 1
Tiến >>
Nguồn: TVE-4U
Được bạn: Mọt Sách đưa lên
vào ngày: 3 tháng 4 năm 2024