Niềm Đau Dĩ Vãng

tường thúy

Đã hơn 38 năm rồi, nhưng hình ảnh của những ngày tháng xa xưa sống dưới chế độ hà khắc của Cộng sản không bao giờ phai mờ trong ký ức của tôi, nó như một nhát chém hằn sâu trong da thịt, dù ngày nay đó chỉ còn là một vết sẹo, nhưng là một vết sẹo không thể xoá mờ, nó luôn nhắc tôi nhớ về một niềm đau, một dĩ vãng buồn trong cuộc đời mình mà tôi gọi đó là Niềm Đau Dĩ Vãng, ngày đó……

Đứng trước cửa trường Lê Quang Định, đối diện Lăng Ông, anh nắm tay tôi giọng buồn buồn:

_ Anh đi mười ngày sẽ về, em đừng lo gì hết, cứ yên tâm mà dưỡng thai đi, nhớ chăm sóc hai con dùm anh và thỉnh thoảng ghé về thăm mẹ, nghe em.

Quay lại phía hai cậu con trai, anh ngồi xuống ôm hai đứa con vào lòng:

_ Hai đứa ở nhà phải ngoan nhe, không được đánh nhau, phải vâng lời mẹ, khi về bố sẽ mua quà cho nghe không?

Lời dặn dò cũa anh là mười ngày sẽ về đã kéo dài gần tám năm. Anh ra đi để lại cho tôi hai cậu con trai còn nhỏ, Huy năm tuổi, Hoàng bốn tuổi và một bào thai hai tháng trong bụng.

Những ngày tháng đầu tôi còn hy vọng anh sẽ sớm trở về, dù rằng lời hẹn mười ngày qua đã lâu, nhưng đến khi tôi được tin anh bị đưa ra miền Bắc, thì hy vọng ngày trở về của anh đã mất dần trong tôi, duy chỉ còn một điều rất mong manh, mà tôi còn giữ được cho mình, đó là sự sống còn của anh qua những lá thư nhạt nhẽo, mang đầy lời lẽ bài vở mà anh phải viết để gửi về cho tôi. Nhưng có còn hơn không, vì những lá thư này còn, tức là anh còn bình yên.

Trước khi sanh, tôi đã nhiều lần đi tìm anh ở Long Giao. Tại đây, một lần tôi đã gửi được quà cho anh, và một vài lần sau, giả dạng những người đi làm rẫy để tìm anh,nhưng không gặp, đã vậy còn bị rượt đuổi, bị dọa bắn vì dám đi vào tận chỗ các anh lao động.

Không có may mắn được gặp chồng như một vài người bạn, vì thế nỗi buồn nhớ anh, lo lắng cho anh lại càng như quay quắt, càng như vò xé trong tôi. Lòng nhớ thương chồng không thể giữ chân tôi ở thành phố, cuối năm1976, một lần nữa tôi trở lại Long Giao, nhưng anh đã không còn ở đây nữa, họ mang anh đi xa rồi, đã một lần xa, giờ lại càng xa hơn nữa, anh đã bị đưa ra miền Bắc. Tôi nghe chết điếng cả cõi lòng, giờ đây chỉ còn bốn mẹ con sống hủ hỉ với nhau để chờ ngày anh trở về. Ngày đó có hay không cho anh, cho các bạn anh, những người tù không bản án, không ngày hẹn về.

Sơn ơi, dù thế nào thì em và các con cũng sẽ chờ anh về, chờ anh dù chờ đến suốt cuộc đời.

Đầu tháng 12 năm 1975, tôi sanh một cháu gái. Có một đứa con gái đó là ước nguyện của anh, hẳn anh sẽ vui lắm khi biết tin này. Chỉ tội nghiệp con đã sinh ra không đúng thời, tuổi thơ của con chỉ toàn là nghèo đói, bất hạnh. Cơm không có mà ăn, chỉ ăn khoai lang thối, khoai mì sượng và nhất là ăn bobo, một thứ thức ăn cho súc vật bò, ngựa. Lúc con vừa được tròn một tuổi thì Saigon bị dịch ghẻ, một loại dịch do bọn CS mang từ miền Bắc vào.

Đủ loại ghẻ, ghẻ tàu, ghẻ mủ, lây lan rất nhanh, vì không có thuốc chữa nên nghe lời những người miền Bắc chỉ cách chữa bằng các loại lá cây như lá kiến cò, loại cây có bông như con cò trắng, lá khế, lá ổi. Ghẻ thì không hết mà còn bị nhiễm trùng gây sốt cao.Tôi cuống quýt bế con đến bệnh viện. Tại đây, một cô y tá đã bảo tôi:

_ Chị đem con về đi, ở đây không chữa vì chị đi không đúng tuyến.

_ Đúng tuyến là làm sao? Con tôi bịnh, tôi đưa đến bệnh viện nhờ các cô, các thầy chữa, sao lại đuổi tôi về. Đây là nhà thương mà, nhà thương không chữa bệnh chứ chữa cái gì mà chị đuổi tôi?

_ Đã bảo đem con về, không đúng tuyến làm sao mà chữa?

Cô y tá gắt lên. Nóng ruột vì con cứ thiêm thiếp trên tay, phần vì thái độ bất lịch sự của cô y tá, chẳng nể nang gì cả, tôi hét lên:

_ Chữa bệnh là nhờ thuốc, nhờ thầy đâu phải vì nhờ tuyến tiếc gì, nhà thương gì mà ác vậy, thế mà cũng nhận lương y như từ mẫu à, con tôi thập tử, nhất sinh nên mới phải nhờ mấy người, sao mấy người vô lương tâm quá vậy. Cho tôi gặp thủ trưởng cũa mấy người, coi mấy người làm ăn như thế này sao?

Vừa la tôi vừa xông đại vào bên trong. Thấy ồn ào, một vị bác sĩ đang khám bệnh tại một phòng gần đó đi ra. Bà đến bên tôi, đặt tay lên đầu đứa bé rồi quay lại bảo cô y tá nhận bệnh:

_ Cho nhập viện ngay, cháu bé này sốt cao lắm, không chần chờ được.

Tôi vừa cám ơn bà vừa xin lỗi về việc đã làm ồn ào bệnh viện, nhưng bà cười nói:

_ Không có gì đâu, nếu là tôi, tôi cũng sẽ làm như vậy thôi.

Anh đi rồi, tôi vẫn thỉnh thoảng xuống Định Quán thăm mẹ anh. Mẹ buồn lắm vì anh thì bị bắt đưa đi cải tạo, còn hai chú Hải và Hùng thì bị vào Thanh Niên xung phong, lao động ở Đồng Hiệp, Gia Căn. Phường nói là đi vài tháng, nhưng không biết bao giờ mới về. Khi đất nước chiến tranh thì gia đình còn đoàn tụ, bây giờ mang tiếng hòa bình rồi thì mẹ xa con, vợ lìa chồng, anh em tan tác mỗi người mỗi nơi.

Một hôm Phụng, cô bạn thân, ghé vào nhà:

_ Mẹ đâu bé Hoàng?

_ Tao đây, mới đi thủy lợi ở Tân Quý Đông về, mệt quá tháng này bị bắt đi tới hai lần lận, làm vợ mấy ông “Ngụy” là bị đầy cho chết luôn. Mày đến có việc gì thế?

_ Thì thăm mẹ con mày, nhân tiện báo tin ở toà Đô Chánh cũ ra thông báo ai muốn bảo lãnh cho chồng đang học tập được thả về thì lên trên đó nộp đơn, nhưng nhớ đem ra phường thị thực chữ ký đó.

Chị Uyên, chị họ tôi, ngồi đọc báo gần đấy, nghe thấy vậy chị cười bảo hai đứa tôi:

_ Sao khờ thế, mấy cô tin được họ à, mấy cô tài sức gì mà bảo lãnh nổi chồng, họ thiếu giấy bán ve chai nên xúi bậy các cô làm đơn cho họ có giấy để cân ký đó thôi.

_ Thế chị không tin à, nếu nhỡ thật thì sao?

_ Tin họ? Bảo lãnh chồng à? Làm gì có chuyện dễ dàng vậy, nếu bảo lãnh được đã chẳng có chuyện biểu tình đòi chồng ở trên Saigon tuần trước.

_ Biểu tình? Có thiệt không? Ai biểu tình?

_ Thì vợ mấy ông tù học tập như tụi mình chứ ai. Chị thì không thấy nhưng bác Năm xích lô ở trong xóm kể cho nghe. Bác còn nói lúc bị tụi công an xịt nước cống để giải tán, mấy bà đã thủ sẵn hình bác để nhờ che chở nên tụi nó không dám xịt nữa. Đúng là những nữ lưu thời loạn, xả thân vì chồng. Thật tiếc quá mình không được tham dự.

_ Thế có ai bị bắt không? Tôi lo lắng hỏi

_ Chị không rõ vì chỉ nghe kể thôi. Đã nói chị mà biết có biểu tình thì thế nào chị cũng rủ mấy cô đi cho đông để ủng hộ gà nhà rồi.

Phụng nhắc lại vụ nộp đơn:

_ Nhưng dù sao cũng nên nộp, một tờ giấy chả đáng là bao, còn nếu không nộp, có gì lại ân hận, cẩn tắc vô áy náy mà chị.

_ Các cô thích thì cứ nộp, chị thì chả thừa hơi làm chuyện ruồi bu, CS mà tin được thì mặt trời mọc hướng Tây rồi.

Đúng như lời chị Uyên nói, những tờ đơn của chúng tôi đã ra đi mà không có hồi âm,và sau đó chả nghe ai nhắc tới những tờ đơn này cả.

Từ khi anh bị đưa ra Bắc, nay thì ở Phong Quang, mai lại Yên Bái, lâu lâu tôi mới nhận được một lá thư kèm theo phiếu gửi quà, thế là mấy mẹ con lại ríu rít làm thức ăn để gửi ra cho anh, chủ yếu chỉ là đồ khô và đồ mặn có thể để dành lâu mà ăn dần như mắm ruôc, nước mắm chưng khô, tôm khô, bún khô, gạo ….mà thôi. Mỗi lần như vậy là các con tôi mừng lắm vì được vét cái nồi mắm ruốc còn dư lại. Nhiều khi tôi hay ngồi suy nghĩ vẩn vơ là phải chi hồi đó anh cũng biết tham nhũng, ăn hối lộ kiếm chút đỉnh cho vợ con thì giờ đây con mình đâu phải vét nồi như vậy. Sau này khi bé Tí Dung được bốn tuổi, mỗi lần nhìn thấy gói bánh ngọt trong túi quà gửi đi cho bố, cô bé hay tới gần sờ lên gói bánh hỏi mẹ:

_ Mẹ gửi bánh cho bố hả mẹ, chừng nào bố mới về, bố về bố cho Tí Dung ăn chung với bố, há mẹ há.

Cổ họng tôi như bị tắc nghẹn lại, chỉ còn biết ôm con vào lòng:

_ Tí Dung của mẹ ngoan lắm, chiều nay đi chợ về mẹ sẽ mua cho con với mấy anh một ổ bánh mì thịt thật to, con thích không?

Cô bé gật đầu:

_ Dạ thích.

Cũng như mọi hôm, sáng sớm tôi phải đạp xe xuống Gò vấp, lấy chiếu về để sau buổi tan chợ sẽ may, cho sáng hôm sau có hàng mang nộp, vừa về đến, đẩy xe vào nhà, thì thấy bé Hoàng chạy ra:

_ Mẹ ơi, anh Huy bị bịnh.

Tôi hốt hoảng, buông cho cái xe đổ, mặc cho đồ đạc rơi trên sân, chạy vội vào buồng:

_ Sao con đau làm sao, lâu chưa? Hoàng, con có qua bên ông ngoại kêu mấy dì qua không?

Hà Anh, cô em chồng là bác sĩ nội khoa của bệnh viện Nguyễn Tri Phương, bước vào sau lưng tôi, lên tiếng:

_ Em lên thăm mấy cháu, thấy Huy bị sốt, em đã khám và cho cháu uống thuốc rồi, nhưng chị nên đưa cháu đi bệnh viện là hơn, cháu bị sốt nặng quá, để ở nhà mình không có đủ thuốc đâu.

_Vậy chị nhờ em trông nhà dùm, chị đưa cháu đi ngay bây giờ.

Tôi vội vã thay quần áo cho con, chạy ra kêu xích lô vì bấy giờ xe taxi không còn. Ngồi trên xe ôm con mà ruột nóng như cào, thằng bé bị sốt cao, mặt đỏ dừ, hơi thở nặng nề, nằm thiêm thiếp trong lòng tôi. Chiếc xe đi như rùa bò, tôi quay lại nói với bác xích lô, giọng như muốn khóc:

_ Anh ơi, đạp lẹ dùm tôi một chút đi, cháu nó nóng quá nè.

_ Tôi biết, tôi cũng đang ráng đây chị.

Thấy thằng bé người nóng như lửa, thỉnh thoảng lại rên nhè nhẹ, tôi sợ quá ôm chặt con vào lòng mà nước mắt cứ rỏ ròng ròng:

_ Huy ơi, con đừng có sao nhe con, đừng làm mẹ sợ, ráng lên một chút nữa thôi, tới gặp cậu Dũng, cậu Dũng sẽ chữa cho con, mẹ thương con lắm, ráng nhe con.

Tới bệnh viện Chợ Quán, khoa Nhi nằm ở lầu năm, thang máy lúc này chỉ dành cho các cán bộ và trường hợp khẩn cấp, dân không được dùng, do đó tôi phải cõng con lên một mình. Đến tầng thứ ba thì tôi quá mệt, không thể tiếp tục được nữa, tôi đành đặt con ngồi dựa vào một bậc cầu thang, rồi đứng lên thở hồng hộc. Chợt tôi nghe tiếng con yếu đuối:

_ Mẹ ơi, con mệt quá!

Tôi không còn hồn vía nào cả, bao nhiêu mệt nhọc như biến đi đâu hết, tôi cuống quýt ôm lấy con:

_ Con ơi, mẹ đây, con đừng bị làm sao nghe con, mẹ cõng con lên ngay bây giờ, ráng nghe con, ráng lên Huy ơi!

Kê lưng vào cõng con lên, thằng bé tám tuổi lúc này nặng như một hòn đá tảng.“ Không thể ngừng lại được đâu, phải cố gắng, phải cho con tôi gặp được Dũng ngay bây giờ, con không thể bị gì đâu con.” Tôi tự nhủ thầm và lúc này bước chân tôi thoăn thắt như chưa từng mệt bao giờ.

Cuối cùng tôi đã lên tới nơi và gặp được Dũng, em tôi, hiện đang là bác sĩ trưởng khoa Nhi của bệnh viện Chợ Quán.Dũng đã đưa ngay con tôi vào phòng săn sóc đặc biệt. Để con lại cho Dũng lo, tôi trở về nhà thì Hoàng và Tí Dung ra đón ở cửa:

_ Mẹ ơi, anh Huy đâu hả mẹ?

Tôi cúi xuống bế Tí Dung lên:

_ Anh Huy ở bệnh viện, có cậu Dũng lo rồi. Cô Anh đâu?

_ Cô Anh đang nấu cơm. Mẹ ơi, sáng nay cô Cúc phạt anh Huy quỳ gối đó mẹ.

_ Tại sao anh Huy bị quỳ gối, nói cho mẹ biết.

_ Tại cô Cúc nói anh Huy mặc quần vá đi học.

Rồi con kể đầu đuôi câu chuyện cho tôi nghe. Cơn giận từ đâu chợt ào đến, tôi đặt Tí Dung xuống, lấy xe đạp thẳng đến trường. Vừa đi, vửa nghĩ mà tức:“ Cái con mẹ Cúc này, ai mà chả biết, mụ cậy có cha là dân “ ba mươi” làm ở phường, được lên làm cô giáo chủ nhiệm, làm phách với đồng nghiệp. Đụng tới ai tôi mặc kệ nhưng đụng đến con tôi thì không xong với tôi.

Tới nơi, tôi đi thẳng tới phòng hiệu trưởng, các thầy cô còn đang giải lao sau buổi họp.Tôi gõ cửa, cô Ánh hiệu trưởng, cũng là người cùng cư xá, thấy tôi chị chạy ra niềm nở:

_ Đi đâu đây, chị Hạnh.

_ Mình có việc muốn kiếm cô Cúc, nhờ chị giúp dùm _ Rồi, vào đây, cô Cúc ơi có khách.

Vừa trông thấy mặt Cúc, cơn giận nổi lên, tôi vào đề ngay:

_ Sáng nay có phải cô đã phạt cháu Huy quỳ gối ở lớp không, thưa cô. Xin cô cho biết cháu đã phạm lỗi gì?

_ Vì nó không làm bài kiểm.

_ Có thật không, tôi cười khẩy, sao cô là cô giáo mà lại nói dối thế, không phải cô phạt cháu chỉ vì cháu mặc quần vá đi học sao? Chúng tôi không hiểu nhà trường có quy định nào cấm học sinh không được mặc quần áo vá đến trường không. Nếu có sao không thấy thông báo. Còn nữa, cô nói cháu không chịu làm bài kiểm là không đúng, vì khi cháu lên nộp bài cô đã la cháu: “Huy, ai cho trò mặc quần vá tới trường, ra kia quỳ cho tôi.” Tôi nói có đúng không? Cô đã có thành kiến xấu với con tôi vì cô nói nó nghèo. Cô đã sai rồi, nó nghèo nhưng nó là một học sinh giỏi, chăm, ngoan. Tôi có thể khẳng định điều này, năm nào con tôi cũng là học sinh tiên tiến của lớp, các thầy cô dạy cháu ở những năm trước có thể chứng minh cho cháu, có phải không thưa các thầy, các cô? Sáng nay cháu bị bịnh, nhưng cũng ráng đi học vì không muốn mất điểm học tập và hơn nữa cháu rất sợ cô đấy cô Cúc.

Bây giờ cháu đang nằm ở bệnh viện, nhưng điều tôi muốn nói ở đây, là mong cô Cúc nên thương những học sinh nghèo, những học sinh mặc quần áo vá, miễn là sạch sẽ thì thôi, vì nghèo không phải là một cái tội đâu cô Cúc ạ. Hãy nghĩ xem nếu mai này cô cũng nghèo như chúng tôi, có lẽ lúc ấy cô cũng sẽ thấm thía những lời tôi nói hôm nay.”

Đối với hạng người này tôi thấy mình không cần phải khách sáo, nể mặt, nên tôi làm một hơi. Cúc tái mặt, cô ngồi im không trả lời câu nào. Trong khi các thầy cô khác còn xì xầm bàn tán thì cô Ánh đã đứng lên vỗ vai tôi:

_ Câu chuyện xảy ra tụi em không được rõ, thôi chị cũng đừng giận, có gì tụi em sẽ giải quyết, cháu bây giờ ra sao rồi, đã đỡ chưa?

Các thầy cô khác cũng hỏi thăm về Huy, tôi cám ơn mọi người. Tuần sau khi con đi học lại, vì muốn con không bị rắc rối thêm, tôi đã sai con mang tới nhà, biếu cô Cúc một hộp bánh lớn để cám ơn cô đã không lôi cái quần vá ra nói nữa.

Ngày trước, lúc còn con gái, sống dưới sự đùm bọc của bố mẹ, lấy chồng, nhờ chồng, nay thời thế đổi thay, đã đẩy tôi vào tình trạng bối rối, không biết phải làm gì để nuôi con đây. Thôi thì làm những việc gì mình có thể làm, thế là tôi gia nhập vào tổ hợp may, nhận hàng về để tối may, sáng đi giao hàng, còn ban ngày thì theo bạn bè ra chợ mua đi, bán lại quần áo cũ. Bây giờ vì việc này xảy ra, tôi nghĩ phải làm sao để kiếm thêm tiền lo cho các con chu đáo hơn hầu tránh cho các con mình những phiền phức vô lý như vậy. Những gì trong nhà có thể bán ra tiền thì đã bán từ lâu rồi, kể từ ngày bị cho nghỉ việc vì là vợ của sĩ quan chế độ cũ. Bây giờ chỉ còn cách là tới lò bánh của bà Sáu, lấy bánh giò về sáng đi bỏ mối các nơi trước khi ra chợ. Cứ bán được mười cái thì lời hai cái, nên một ngày ít nhất tôi

cũng phải bỏ mối được 100 cái trở lên. Thấy mẹ vất vả, một hôm Huy bảo tôi:

_ Mẹ ơi, mẹ đưa con mười cái, con đem đến trường bán đi mẹ

_ Làm sao con biết bán?

_ Con biết mà, bạn con thằng Thành đó, ba nó là thiếu tá đi học tập giống như bố, nó cũng bán khoai lang vậy, rồi cô giáo Hiền nữa, cổ cũng bán kẹo cho học sinh đó, có sao đâu. Mẹ tin con đi, con bán được mà.

Mới đầu tôi không chịu, sau thấy con nài nỉ quá, tôi xiêu lòng. Đưa giỏ bánh cho con mang đi, tôi đứng ở cửa nhìn theo hai anh em, vừa cắp cặp, vừa xách giỏ bánh, hớn hở đến trường. Tôi nghe nhói đau trong lòng, những giọt nước mắt ứa ra từ bao giờ không biết, con cái của một đại úy mà như vậy sao? Nếu cha các con không bị đi tù thì tuổi thơ của các con đâu phải khổ sở như thế này.

Sáng hôm đó tôi cứ thắc thỏm không yên, không thể tập trung để làm được gì hết, cứ nghĩ đến con mà thương. Tới giờ ra chơi, tôi vội từ chợ quay về, đạp xe đến trường.Thấy Hoàng đứng ở trong sân, tôi gọi con, Hoàng chạy ra tíu tít khoe với mẹ:

_ Mẹ ơi, con và anh Huy bán được tám cái rồi, chỉ còn hai cái nữa là hết mẹ ạ.

Tôi nghe thấy xốn xang trong lòng, cặp mắt chợt cay cay, tôi cầm tay Hoàng theo con vào trường. Huy ngồi cạnh cô giáo Hiền, con đang luí húi đếm tiền, cái giỏ bánh bên cạnh đã trống rỗng, ngửng đầu lên chợt nhìn thấy mẹ, thằng bé nhẩy xuống bục, hớn hở chạy lại đưa tiền cho tôi, con khoe;

_ Mẹ ơi, con bán hết rồi đó mẹ thấy không, mai mẹ đưa bánh cho con bán nữa nghe mẹ.

Nước mắt đã thực sự trào ra không dấu diếm, tôi ngồi thụp xuống ôm các con vào lòng:

_ Cám ơn con, nhưng sẽ không còn lần nào nữa đâu, tuổi của các con không phải là tuổi để lo cơm áo. Mẹ muốn các con của mẹ phải hồn nhiên, phải ngây thơ, vui đùa như các bạn con kia kìa. Huy ơi, Hoàng ơi, mẹ có lỗi với các con, mẹ thật bất lực quá.

Ba năm rồi bốn năm trôi qua trong mỏi mòn thương nhớ, tôi vẫn chưa một lần được thăm anh. Cuộc sống tinh thần thì luôn luôn bị phường, khóm hạch hỏi, khó dễ vì chồng là sĩ quan Tâm Lý Chiến, họ quan niệm là một bài viết tuyên truyền còn tai hại gấp ngàn lần những cây súng nữa, cho nên các anh đã bị coi là những nhân vật “cực kỳ phản động, cực kỳ nguy hiểm” cho chế độ, vì thế vợ con những người này lại càng cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn. Còn về đời sống vật chất thì nghèo vẫn hoàn nghèo, khổ vẫn cứ khổ.

_ Mấy mẹ con đang làm gì thế?

_ Làm cô Tấm, bác Uyên ơi.

_ À, khá nhỉ, cái thằng này cũng biết tiếu lâm cơ đấy, giỏi. Ráng nhặt gạo cho sạch đi con, nhà nước sẽ cho mẹ con con đi thăm hoàng tử trong tù. Trời ơi, gạo gì mà ghê quá vậy nè Hạnh, gì mà toàn mọt với lại sạn không vầy nè. Tháng này chị hên lắm, mua được bao gạo chỉ có sạn mà không bị mọt. Lần trước mua về phải đổ ra chiếu phơi nắng cho mọt đi hết, nhìn mọt đi từng đàn mà nổi da gà. Phơi như vậy mà đến khi cất vào khạp, mở ra mọt vẫn còn bay lên ào ào, thấy mà ghê. Này Hạnh, cho chị mượn cái áo treillis, sáng mai chị đi thăm anh ấy.

_ Chị sướng thật, được thăm anh ấy hoài. Hôm qua Phụng cũng mới đi thăm chồng nó ở Tây Ninh về xong, chỉ có em lâu rồi, chả được biết mặt ngang, mũi dọc anh ấy bây giờ ra sao cả.

Chị về rồi, tôi còn ngồi thừ người ra trước khay gạo, đột nhiên tôi đứng dậy bỏ đi nhanh vào buồng. Nước mắt đã trào ra đầy trên má, tôi ngồi phịch xuống đất gục mặt vào đầu gối:

_ Sơn ơi, đã bốn năm rồi, bốn năm em xa cách anh không một lần gặp mặt. Sao niềm hạnh phúc của mọi người lại là niềm đau trong em hả anh? Sao em lại nhớ anh như thế này, anh ơi!

Những giọt nước mắt cứ trào ra không ngừng.Chợt một vòng tay nhỏ xíu quàng lấy cổ tôi, tôi ngửng đầu lên, Tí Dung đó, Huy, Hoàng đó.

_ Mẹ “hóc” hả mẹ?

_ Mẹ đừng khóc nữa.

_ Mẹ nhớ Bố mà!

Tôi giang tay ra ôm các con vào lòng: “Sơn ơi, mẹ con em nhớ anh lắm”

Và rồi cái ước vọng nhỏ nhoi của tôi là được gặp lại anh, đã thành sự thật. Vào cuối tháng 11 năm 1979, tôi nhận được giấy đi thăm nuôi anh tại Hà Nam Ninh. Qua bao thủ tục giấy tờ, rồi bao khó khăn, vất vả để vượt được một chặng đường dài từ Nam ra Bắc, rồi từ Hà Nội tới Phủ Lý, từ Phủ Lý tới Ba Sao, Nam Hà. Cuối cùng tôi đã đến được chỗ họ giam giữ các anh.

Bây giờ là mùa Đông, những cơn gió mùa Đông miền Bắc lạnh căm căm, đang từng đợt, từng đợt ùa về, bao trùm vùng thung lũng đá vôi. Những ngọn núi đá vôi như những bức tường kiên cố, vây nhốt các anh, giam cầm các anh, nhưng oái oăm thay, đó cũng chính là nơi đã cho tôi cái niềm vui được gặp lại anh, được nhìn thấy lại người chồng yêu dấu ngày nào, một người chồng mà tôi luôn nhớ mãi, từ nụ cười quyến rũ đến khóe mắt đa tình, giọng nói trầm ấm.Sơn ơi, một hạnh phúc mà em chờ đợi, mong mỏi đã gần năm năm nay rồi.

Và kìa anh đã đến, Sơn của em đó ư? Tôi lao ra như một mũi tên, ôm chầm lấy anh. Những dòng nước mắt được dịp làm thấm ướt áo anh, và rồi với vòng tay nồng ấm ngày nào anh dìu tôi vào “nhà khách”. Tiếng nói của người nữ quản giáo đã tách rời hai đứa tôi:

_ Các anh ngồi một bên, người nhà một bên, tất cả chỉ có 30 phút gặp mặt thôi, rõ chưa?

Lúc này dù đang giữa những cơn gió lạnh cắt da của một mùa Đông giá rét, dù chỉ với một thời gian quá ngắn ngủi, 30 phút để gần nhau, nhưng 30 phút ấy cũng đủ làm ấm lòng nhau sau những tháng năm cách biệt. Chúng tôi ngồi xuống, anh nắm bàn tay tôi thật chặt. Tôi nhìn anh, anh đã già đi nhiều, tiều tụy đi nhiều, tuy vậy anh vẫn không mất đi cái vẻ hào hoa của ngày nào khi anh còn khoác bộ quân phục trên người, cặp mắt vẫn sáng quắc, vẫn đa tình, nụ cười vẫn quyến rũ như xưa. Tôi ngồi đấy, nhìn anh, nghe anh nói, nước mắt viền mi.

Thời gian trôi qua thật mau, 30 phút đã hết rồi, đã đến lúc chúng tôi phải xa nhau, anh phải quay vào trại, để tiếp tục những ngày tháng tủi buồn trong gông cùm quỷ dữ. Lợi dụng lúc lộn xộn, anh ôm tôi thật chặt trong vòng tay, sau đó quay lưng đi nhanh theo những chiếc xe cải tiến chở hàng thăm nuôi, không nhìn lại. Tôi chới với nhìn theo anh: Sơn ơi, em biết mà, anh đang khóc phải không anh?

Bên thềm “nhà khách” cũng như những chị em khác, tôi đứng đó với những dòng nước mắt chảy dài, thẫn thờ nhìn theo từng bước, từng bước bóng chồng, xa dần rồi khuất hẳn. Anh ơi, anh có biết không, anh có biết em buồn lắm không, còn nỗi buồn nào buồn hơn nỗi buồn chia ly, chồng một nơi, vợ một nẻo không hả anh? Sơn ơi, em nhớ anh lắm, em yêu anh lắm, anh ơi!!!!

Chúng mình, hai đứa đã gặp nhau

Rồi lại chia tay, lại hẹn sầu

Em về, mang mảnh hồn tê tái

Anh ở, coi thường kiếp khổ đau

Sau này, lại một lần nữa tôi lặn lội ra Bắc thăm anh, thì đến cuối năm 1980, các anh được di chuyển vào Nam, ở tại Z30D, Hàm Tân. Niềm hy vọng anh được tha về đã lớn dần trong tôi. Rồi những chuyến thăm nuôi đã bớt vất vả hơn những lần ra Bắc. Các con đã được nhìn thấy mặt Bố. Tôi không chỉ thấy cay mắt khi nhìn anh ôm các con vào lòng, mà tôi còn thấy được sự cảm động của anh, khi anh ôm con vào lòng, đưa bàn tay run run vuốt má Tí Dung, đứa con gái mà anh hằng ao ước, ra đời trong khi anh còn ở miền Bắc, anh đã nhìn tôi bằng cặp mắt biết ơn:

_ Cám ơn em đã thay anh lo cho các con…Hạnh ơi, cho đến nay chỉ có một điều ân hận duy nhất trong đời của anh là anh đã làm lãng phí tuổi xuân của em, đã mất thời gian chăm nom, săn sóc tuổi thơ của các con, và kề cận bên tuổi già của mẹ. Anh hứa, anh về, anh sẽ đền bù tất cả.

Bây giờ, tôi đã không còn gì để mà mơ ước cả, vì tôi đã có một hạnh phúc trọn vẹn, tôi đã có anh, có các con bên cạnh, những báu vật trân quý nhất trên đời, không gì có thể thay thế được. Tuy vậy, cái niềm đau dĩ vãng vẫn luôn là nỗi đau không rời trong tim mà suốt đời tôi sẽ không quên, không bao giờ có thể quên được. Nỗi đau của những ngày tháng đã qua, những ngày tháng tranh đấu với cuộc sống để bảo vệ những đứa con thơ vô tội, những ngày tháng mang nặng những bước chân buồn lang thang tìm chồng trên những nẻo mòn, đường tắt của quê hương mình. Vâng, tôi sẽ ghi nhớ mãi như một kỷ niệm xót xa trong đời.

Tường Thúy

Tucson - AZ – 2003


Nguồn: https://vbmdhk.org/
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 20 tháng 5 năm 2024