Biển Cỏ Miền Tây & Hình Bóng Củ

sơn nam

Cấm bắt rùa

Từ Thủ Dầu Một, rừng miền Đông đến trấn nhậm tại đồn kiểm lâm ở rạch Thứ Sáu, hai năm rồi nhưng thầy đội Bình vẫn chưa hiểu rõ khu rừng tràm dưới quyền kiểm soát của mình bắt đầu từ đâu và chấm dứt ở đâu. Ranh giới không rõ rệt như vậy, nghĩ cũng khó làm việc.

Theo bản đồ thì bốn phía rừng giáp ranh với đất công điền và đất của ông Tây Mu Ri, các khoảnh đất này đều bỏ hoang, tràm mọc từng cụm dày bịt, giống như “lô” rừng cấm của chánh phủ Pháp! Thầy đội Bình suy nghĩ:

- Ranh giới ở đâu cũng được. Giữa rừng tràm của nhà nước và đất tư nhân, cần gì ranh. Việc đó can hệ tới mấy ông họa đồ, mấy ông hương chức làng và ông Mu Ri. Mình làm tài khôn, e đụng chạm tới mấy ổng. Thôi thì mình cứ xem vùng ranh giới đó như vô chủ. Rắn rít, chồn đèn, chuột, chim cúm núm và dân làng... ai muốn làm gì thì làm, tự do. Như vậy, mình được cảm tình với dân làng, với các loại chim muông cây cỏ, với âm binh, cô hồn các đảng. Mình còn trẻ, chưa kinh nghiệm, mới tốt nghiệp ra trường, nên ăn ở hiền lành một chút.

Nhưng tình thế không yên ổn và thời gian nào chịu trôi qua âm thầm từ đầu tháng đến cuối tháng như thầy mong ước. Mùa hạn năm ấy, trong vòng nửa tháng, ở vùng biên giới vô định nọ đã xảy ra nhiều biến cố rắc rối.

- Lửa cháy rừng! Lửa cháy rừng!

Đôi ba ngày thì rừng cháy một lần, khói cuồn cuộn đen kịt góc trời, đỏ ké như hoàng hôn đổ xuống và mãi đến canh ba, canh tư, ánh lửa mới chịu đổi ra màu vàng vọt khi màn sương buông nhẹ, mờ mờ. Sáng nay, mặt trời vừa mọc là lửa lại cháy nữa. Cùng với hai người lính kiểm lâm, thầy đội đích thân chạy băng ra vùng cỏ hoang, đến nơi cháy để lập vi bằng, báo cáo lên quan trên.

Rừng nổ lên, vang dội tiếng lốp bốp như pháo ngày tết. Khói tỏa cay mắt, che khuất trước mặt, phảng phất mùi gì như vị thuốc bắc.

- Cái gì lạ vậy? Cái gì vậy? - Thầy đội hỏi.

Một chú kiểm lâm đáp:

- Dạ, cây tươi mà cháy tức tưởi thì... nổ.

Thầy đội Bình nói gắt:

- Tôi làm kiểm lâm, bộ tôi dốt chuyện đó sao? Nhưng mà tại sao nổ liên tu bất tận, lạ quá. Hồi ở Thủ Dầu Một, Biên Hòa, rừng cháy hoài mà sao tôi không nghe như vậy?

- Dạ, ở đây là rừng tràm. Tràm có nhiều hột. Hễ gặp lửa là hột nổ nghe lốp bốp, rậm đám lắm.

Thầy đội lắc đầu:

- Trời lửa như vầy, cháy mãi, phá hoại bao nhiêu cây tươi. Nước cạn, làm sao chữa lửa được.

- Dạ thưa thầy, mọi năm cháy như vầy hoài, rồi tràm mọc lại, rừng cũng hoàn toàn là rừng.

Thầy đội lấy tay che mắt. Trong làn khói chưa tan, có bóng dáng đôi ba người chạy lăng xăng: sau lưng, họ mang vật gì khá to, giống như cái gùi.

Một giọng nói đàn ông reo to:

- Được quá! Cháy như vầy coi được quá. Vái trời cho gió thổi lên, cháy thêm nữa.

Giọng đàn bà nhỏ nhẹ hơn:

- Bữa nay cháy khá hơn hôm qua, thấy mà mừng. Ờ! Cu đâu? Ếch đâu? Mỏi lưng chưa con? Hửi khói rồi sặc, rồi ho hả?

Mấy đứa con nít nói eo éo:

- Một con! Hai con! Bốn con! Một con tổ nái này nữa! Chạy đi đâu, mấy đứa lon con này nữa! Tao thộp đầu tụi bây! Tao nhốt tụi bây!

Thầy đội Bình ngơ ngác, hỏi chú lính:

- Họ làm gì vậy? Giống như đánh giặc...

- Dạ họ bắt rùa.

- Rùa ở đâu vậy?

- Dạ, rùa trời sanh trong rừng. Rùa vàng, rùa quạ, rùa hôi, rùa nắp, rùa sen đủ loại. Rừng cháy, rùa hoảng sợ chạy ra. Thầy muốn ăn không? Để tôi biểu họ đem lại cho thầy. (Nói lớn) Bà con ơi!

Một người trạc bốn mươi tuổi, bước ra từ đám khói mù mịt, lưng đen láng mướt mồ hôi:

- Chào thầy đội. Chào mấy chú. Nãy giờ... mấy ông tới mà tôi không dè. Mấy ông cảm phiền.

Thầy đội hỏi:

- Còn đám kia? Hò hét điều gì?

- Dạ, đó là vợ với hai đứa con tôi chớ ai đâu xa lạ. Góc rừng này tôi cất chòi ở “một mình ên! một cõi”. Hổm rày nghe danh thầy, tôi muốn tới thăm, ngặt chưa tìm được món gì xứng đáng. Sẵn đây, tôi biểu mấy đứa nhỏ xách ra cho thầy một xâu rùa vàng, mùa này trứng rùa béo lắm.

Thầy đội gật đầu:

- Được rồi! Cám ơn. Chú tên gì?

- Dạ, tôi là Trương văn Đặng, kêu là Bảy Đặng, vợ tôi là Trần thị Tám, gốc gác ở Bò Húc, Cần Thơ xuống đây lập nghiệp. Mấy năm rồi, nghèo quá, nói thiệt thầy thương giùm, tôi chưa đóng nổi giấy thuế thân. Tôi nghĩ: mình ở một chỗ không có đi đâu, vài bữa thì ra ngoài xóm, tới tiệm Chệt mua rượu uống cho ấm bụng, vậy thôi. Cần gì giấy tờ, thuế khóa.

- Thịt rùa ngon quá. Trứng béo quá!

Đó là lý do khiến thầy đội Bình trở lại vùng ranh giới mà tìm Bảy Đặng, người tặng rùa hôm trước. Thêm một nhiệm vụ bí mật khác: thầy muốn điều tra nguyên do cháy rừng. Mùa hạn; lửa cháy, lá khô, lan ra: ấy là trời xui đất khiến, nhờ vậy mà hồi xửa hồi xưa ông bà chúng ta được dịp ăn thịt nướng lần đầu tiên trong hang đá. Trường hợp cháy rừng này có khác. Biết đâu Bảy Đặng cố ý đốt rừng để bắt rùa nhậu chơi. Việc phá hoại tài sản nhà nước ấy cần ngừa trị gấp. Tại sao thế gian này lại còn có những phần tử ích kỷ. Hèn gì... dân Việt Nam chưa mở mặt với thế giới.

Đến chòi của Bảy Đặng, thầy đội trố mắt hồi lâu. Trong chòi, chú Bảy đã xây cái hồ to lớn, chứa chấp bao nhiêu là rùa. Đôi ba trăm con rùa đủ cỡ, đủ loại, đang cỡi đè lên nhau, chen lấn nghe lộp cộp. Con thì ngả ngửa, khoe cái yếm vàng lườm, bốn cẳng ngoe nguẩy bơi trong không khí. Con khác cố gắng quào vào vách hồ bằng sậy, lú cổ dài nhằng, miệng há rộng, thiếu răng giống như mỏ chim. Loại rùa nắp thì e thẹn, khép cái yếm lại, giấu kín đầu cổ vào trong mai, giống như món đồ ngon cất kỹ trong cái hộp bằng xương.

Tay bắt mặt mừng, chú Bảy Đặng gật đầu hoan hỉ khi nghe thầy đội Bình khen rằng:

- Thịt rùa ăn ngon hơn thịt gà. Mấy con rùa bữa hổm thiệt xứng đáng là... rùa!

Bảy Đặng nói vồn vã:

- Má bầy trẻ luộc thêm năm ba con nữa đi. Thầy đội chiếu cố tới nhà mình. Ếch đâu? Cu đâu? Kiếm rau ngổ rau răm về cho nhiều. Gần lung sen, rau mọc hoang cả đám. Nhớ không?

Thầy đội Bình hớp miếng rượu ngồi lên bộ vạt:

- Chú Bảy rành nghề bắt rùa quá!

- Đâu phải là nghề. Bất chợt vậy thôi. Rùa xứ này nhiều quá mạng, tôi không muốn bắt hết. Con nào quá nhỏ tôi liệng bỏ. Còn rùa quạ thì tôi lựa toàn là rùa cái, rùa quạ đực ốm nhom, nhốt chật chỗ. Xin lỗi, thầy đội quê ở xứ nào? Chắc xứ đó ít rùa lắm.

- Tôi ở Cần Đước, phía Chợ Lớn xa lắm, nhưng mà con cần đước hết rồi. Đó là hồi xưa, hồi đàng cựu. Bây giờ, lội đỏ con mắt cũng không kiếm ra một con cần đước nhỏ xíu.

Bảy Đặng nói:

- Ở đây, nhiều bữa tôi ăn rùa trừ cơm, ăn độn với cơm như người ăn khoai lang. Ăn thét rồi ngán quá. Rùa nướng, rùa rang, rùa nấu cháo, rùa xào lá cách lá lốt. Riết rồi ăn gan, ăn trứng, bỏ thịt.

- Nó đẻ đâu mà nhiều quá vậy?

- Dạ trời sanh. Mùa này, rùa tượng trứng non trong bụng. Đúng cữ, nó đào hang mà đẻ, trứng như trứng gà nhỏ, tròng đỏ lớn lắm. Nó khôn mà khéo, rùa cái chôn giấu trứng dưới đất.

Thầy đội suy nghĩ:

- Tôi không hiểu...

- Dạ, nó lựa chỗ cao ráo mà gởi trứng để khỏi bị ẩm ướt hôi thúi. Một chỗ chôn mười, hai mươi trứng không chừng. Tôi gặp vài lần, moi móc lên coi thử nhưng tới chừng sắp trở lại chỗ cũ thì không tài nào sắp gọn như nó được. Thế nào cũng dư đôi ba trứng. Tháng ba, trời gầm chuyển mưa. Đất nứt, mấy con rùa con phá vỏ bò ra, nhỏ cỡ ngón tay út con nít.

- Chú Bảy nói đúng. Hèn gì rùa chẳng sợ trời gầm. Người ta nói rùa cắn trời gầm không nhả. Tôi muốn kiếm vài con rùa nhỏ cho mấy đứa con chơi, ngặt sợ bị cắn.

- Không sao đâu thầy. Rủi bề gì, lấy cọng cỏ hay khúc chưn nhang thọc vô lỗ mũi rùa. Ngộp thở, nó há miệng ra tức thì. Nói mà nghe, chớ năm khi mười họa nó mới cắn một lần. Nó thuộc vào hàng tứ linh: long, lân, quy, phụng có căn tu lâu đời...

Thịt rùa dọn ra trong cái vim lớn, xông hơi nghi ngút. Chú Bảy Đặng mời mọc:

- Ăn đi thầy. Rượu đây, uống thêm nữa đi thầy. Thịt rùa hiền lắm, không có phong.

Hai người uống một chén rượu, rồi hai chén.

- Nè, ăn gan rùa đi thầy, bổ lắm, “nên thuốc” lắm. Gan rùa gan anh hùng, nhỏ con mà lớn gan, sống dưới bầu trời mà không sợ... trời. Còn ruột non ruột già của nó thì sạch bong ăn luôn cũng không dơ.

Thầy đội đỏ hoe đôi mắt, mồ hôi tươm ra, tỏa mùi rượu nực nồng theo lỗ chân lông:

- Tầm bậy quá. Tây dạy tôi nhiều chuyện nhưng nó quên. Nó dạy nào cây trắc, cây gõ. Nó quên rằng hễ làm kiểm lâm ở U Minh thì phải biết ăn thịt rùa...

Bảy Đặng ngạc nhiên:

- Bên Tây không có rùa sao thầy?

- Ừ! Có chớ... Để nhớ coi...

Rùa với thỏ chạy đua. “Xem kìa xem tích xưa, thỏ với rùa hai chú chạy đua”. Đó là bài ca Bình bán vắn. Thỏ thua rùa. Rùa chạy về nhất vì thỏ ham chơi.

- Còn tích gì nữa không vậy thầy?

- Bên xứ mình, con rùa là thần Kim Qui... Trọng Thủy Mỵ Châu đó. Rùa là ông thần xây thành đắp lũy. Móng rùa là cái... máy, để vô cái ná lãy, kêu là cái nỏ thần thì... bá phát bá trúng. Lại còn bên Tàu, xưa kia rùa nổi trên sông Hoàng Hà, trên lưng vẽ hình bát quái, tức là bản đồ của càn khôn vũ trụ, vạn vật.

Bảy Đặng suy nghĩ rồi góp thêm một ý kiến:

- Hèn gì rùa có căn tu. Rùa sẵn sàng chịu đựng sự ép bức, khó nhọc. Lời thơ xưa nói rằng kiếp con rùa “trong đình đội hạc, trên chùa đội bia”, “qui hạc xưa nay ở một đình, cớ sao con trọng lại con khinh”.

Thầy đội Bình ngà ngà men rượu, nhướng mắt rồi vỗ trán gật đầu lia lịa:

- Bởi vậy kiếp của chú Bảy đây là... kiếp rùa, đội hạc đội bia riết rồi ốm nhách. Chú Bảy có sở làm. Từ rày về sau, hễ chỗ nào rừng hư hao vì... tai họa bất ngờ thì nhà nước sẵn sàng trồng tràm trở lại. Rừng này bị cháy hoài, chú kiếm cho tôi chừng một trăm lít hột tràm, tôi mua hai xu một lít. Chịu không? Phải trồng tràm con cho rừng tươi tốt trở lại như xưa kẻo quan trên rầy rà... Chịu không?

Thím Bảy từ nãy giờ lui cui vào bếp, bỗng bước ra nhìn chồng, cau mày, như nhắc nhở chuyện thực tế.

Chú Bảy giật mình:

- Dạ... không cần, rừng tràm bị cháy thì tự nhiên mọc trở lại. Hột rớt xuống đất, nhờ bị cháy nên nó nứt mầm mau lắm. Hột tràm hái về thầy muốn trồng thì cũng phải bỏ vô chảo mà rang cho nóng, nó mới chịu mọc.

- Ừ, ừ... Vậy thì khỏi trồng. Nhưng chú Bảy lấy gì mà sống? Trồng cây cho nhà nước, đó là nhiệm vụ, làm ra tiền. Chú Bảy chê à! Vậy thì làm sao có bạc xài. Chẳng lẽ ăn thịt rùa trừ cơm hoài sao? Con người ăn cơm, thiếu cơm thì ốm nhom ốm nhách.

- Uống rượu say, nói chuyện lung tung, làm hại nhà cửa. Ba nó thấy chưa?

Tàn buổi tiệc rùa, chú Bảy Đặng bị vợ cằn nhằn tới lui. Chú hối hận vô cùng vì một vài câu nói lơ đễnh, thốt ra lúc ăn nhậu với thầy đội Bình.

“Buổi tiệc đó thiệt là hữu ích”. Thầy đội Bình nghĩ như vậy. Nó giúp thầy tìm được vài tia sáng trong vấn đề cháy rừng.

Đúng là vậy, Bảy Đặng là tay bợm nhậu, chuyên nghề đốt rừng để bắt rùa, ném đá giấu tay! Bằng cớ là từ buổi tiệc ấy về sau, ít khi nào Bảy Đặng tới đồn kiểm lâm thăm viếng thầy như đã hứa. Chú Bảy bơi xuồng ngang đồn kiểm lâm, gởi lên vài con rùa rồi hối hả tách bến, đến tiệm tạp hóa, tại xóm đình.

Trời sa mưa.

Muỗi mòng sinh sôi nảy nở gấp mười lần, so với mùa hạn. Thầy đội không buồn đến vùng biên giới mà tuần tra nữa vì hiểm họa cháy rừng đã giảm bớt, nhờ thời tiết.

Thầy bơi xuồng đến xóm đình, ghé tiệm Xìn Phóc mà uống giải sầu, mua pin đèn, thuốc hút. Tình cờ, thầy nghe chệt Xìn Phóc thốt lời tâm sự:

- Bảy Đặng kỳ cục quá, cất chòi ở trong rừng, làm vua một cõi, ít chịu giao thiệp. Thầy đội biết thằng cha đó không?

Thầy đội gật đầu nghe tiếp:

- Nó mua chịu gạo của tôi từ mấy tháng rồi mà chưa trả tiền. Nó hứa đem yếm rùa ra bán cho tôi để trừ nợ. Yếm rùa gởi về bên Tàu, quý lắm. Người ta nấu thuốc cao, thuốc bổ gân cốt... Hôm qua, nó đem yếm rùa cho tôi. Nó mua thêm nào là nhang, đèn cầy, một cây dao, hai cây búa... đủ thứ. Nó mua thêm một con gà. Nghèo mà xài sang. Rốt cuộc, nợ chồng chất...

Thầy đội sửng sốt. Phải chăng Bảy Đặng là tay đầu trộm đuôi cướp, tay gian đạo sĩ trá hình. Anh ta muốn sống một cõi riêng biệt để giữ bí mật mọi hành động bất chánh. Việc bắt rùa là bình phong để che mắt thế gian. Rủi bề gì, thầy chịu trách nhiệm lớn.

Sáng sớm, thầy đích thân bơi chiếc xuồng nhỏ, mặc áo bà ba như bọn đốn củi lậu, đội nón lá che khuất nửa mặt. Nhưng dưới chiếc chiếu rách lót trong lòng xuồng, thầy giấu kín một cây súng, ngừa khi bất trắc.

Gặp thằng Cu đứng trước sân một mình, thầy hỏi khẽ:

- Ủa! Ba má đâu hết rồi?

Thằng bé nhìn vào trong chòi:

- Cúng cơm ông nội, bà nội đó!

Trên bộ vạt, một con gà nằm ngóng mỏ, hai cánh chéo lại. Đôi ba ngọn đèn cầy cháy leo heo. Mớ nhang ngút khói, bay cuồn cuộn. Thầy đội Bình hỏi lần nữa:

- Ba má đâu? Thằng anh mày đâu?

Nó nói như sợ sệt:

- Ngoài rừng, ngoài kia đó?

Đôi mắt thầy đội dán vào kẽ vách: Vách lá, rách te tua, trống trải quá. Ngoài rừng, bên kia vách là cả một vùng trời nước trong sáng. Nước mưa nổi lên, lai láng, phản chiếu ánh nắng mai và soi rõ bóng dáng một đợt mây trắng, bao nhiêu thân tràm đã ngã xuống, rũ rượi. Góc rừng ở ranh giới đã hóa ra thửa ruộng. Chú Bảy Đặng và vợ đang lui cui cầm búa đốn mấy gốc tràm còn sót lại, mấy gốc tràm đã bị cháy từ hôm trước!

Thằng Ếch thì ở truồng, cầm dao cạy mớ rễ cây.

Vài con cò trắng bước tới lui, mò cá.

Giọng chú Bảy Đặng nói to rõ:

- Đất mềm quá, nhiều phân. Gieo mạ xuống là “hít vô” liền. Lúa giống khỏi bị nạn cá ăn. Cò bắt cá giùm mình, phải không... bà chủ điền?

Thím Bảy cười tủm tỉm:

- Mấy năm rồi, mình đốt mà rừng không chịu cháy sạch. Năm nay, cháy rừng nhiều, chẳng sợ thầy đội kiểm lâm rầy la. Mình đâu có phá rừng của nhà nước để làm ruộng. Đây là cây khô, cây chết cháy: mình dọn cho sạch để cấy lúa mà thôi! Mừng quá. Trăm nghề, không gì bằng nghề nông. Cúng ông bà, ăn lễ thượng điền luôn thể, nhờ đất nước phò hộ.

Chú Bảy nói:

- Ai mà không biết như vậy. Hồi ở Bò Húc, Cần Thơ, mình làm tá điền. Bây giờ, miếng đất nhỏ nhưng là của mình làm chủ. Không lẽ thầy đội Bình bắt bớ, quở phạt mình. Thầy tới đây làm việc chừng một hai năm rồi đi nơi khác. Thầy gây ác cảm với vợ chồng mình làm gì?

Trong khi đó thằng Ếch ngưng tay, chạy lại gần cha mà nói:

- Vô nhà ăn thịt gà nghe ba! Ở trỏng không chừng thằng Cu nó ăn trước rồi. Thịt gà chắc ngon hơn thịt rùa đó. Mai mốt, nuôi gà nghe ba!

Thầy đội thở dài cười thầm, nghĩ tới việc đốt rừng nhà nước để chiếm hữu đất ruộng! Rõ ràng vợ chồng Bảy Đặng xâm lấn theo kế hoạch định sẵn từ trước.

Làm thế nào để tranh cản, giải thích.

Dung túng Bảy Đặng chăng? Hợp với lòng nhân đạo đó. Nhưng e có ngày thầy đội bị cách chức. Thầy chợt hiểu vì sao Bảy Đặng không nhận lời kiếm hột tràm đem về trồng vào những chỗ bị cháy.

Thầy nghĩ ra một kế. Rồi thầy về, gấp rút. Chiều hôm ấy, một người lính kiểm lâm bơi xuồng tới chòi Bảy Đặng, mang theo một tấm bảng, dựng ngay ranh của khu rừng với ba chữ to: “Cấm bắt rùa”.

Vợ chồng Bảy Đặng lắc đầu, nói với người lính kiểm lâm:

-... Tụi tôi hiểu rồi. Không biết chữ nghĩa nhưng hiểu rồi. Cám ơn thầy đội quá chừng. Đốt rừng bao nhiêu đó đủ rồi.

Cấm bắt rùa

Tiến >>

Đánh máy: Ct.Ly
Nguồn: NXB Trè - VNthuquan.net - Thư viện Online
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 30 tháng 1 năm 2018