Bà chị thứ hai, nắm tay tôi dẫn đến trường học:
- Thưa thày xin cho em tôi nghỉ học.
- Ơ hay, nó học giỏi lắm, sao lại nghỉ, đổi trường hả?
- Không, thưa chúng cháu phải vê quê, ngoài Bắc; căn biệt thự dành cho bố cháu, nhà nước vừa thông báo sẽ đòi lại, không còn chỗ ở, mẹ cháu phải đưa các em về quê.
- Hiểu rồi, tôi cũng vừa đưa đám ông cụ. Chờ một chút, tôi vào tủ lây học bạ của em đem về cho nó.
Cuộc đàm thoại ngắn ngủi giữa chị tôi và ông thày giáo được khép lại sau khi chúng tôi chào thày ra về; tuổi thơ tôi trải qua không ít lần lận đận, khi thì đổi trường, đôỉ nhà, khi thì chạy Tây; về làng đâu hai hay 3 năm thì quân đội Pháp đến đóng đồn tại nhà thờ xứ tôi, đa số họ là người Phi châu, và có chừng một trung đội lính phụ lực; trưởng đốn là một sỹ quan người Pháp.
Bố tôi vừa mất do bi chấn thương ở ngực, do máy bay Mỹ ném bom sở làm của ông, nhà máy Trường Thi, tên chính thức là Sở Hoả Xa Đông Dương (Chemin de Fer de l’Inhdochine) thuộc thành phố Vinh, Nghệ an; ông bị một trái bom nổ gần chỗ nằm tránh bom, tiếng nổ và áp xuất của bom làm cho ông bị hôn mê mất mấy hôm, từ ngày đó, bố tôi lâm trọng bệnh, chẳng bao lâu thì mất; bố tôi làm việc ở đó từ thời Pháp cho đến khi quân Nhật chiến thắng quân đội Pháp ở Đông Dương, tiếp đến thời Việt Minh. Việt Minh, viếi tắt của Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội do Đảng Cộng Sản Đông Dương thành lập năm 1936 tại Nam Kinh, Trung Quốc; ngày 19 tháng tám, năm 1945; họ cướp chính quyền trong tay Thủ Tướng Trần Trọng Kim vừa được Nhật thất trận trước quân đồng minh vừa trao trả. Ông nhờ có trình độ văn hoá, thêm vào đó, làm việc siêng năng, chu toàn nhiệm vụ, hiệu quả tôt, nên được thăng chức rất nhanh; xuất thân của ông là một nhà tu, tính tình hoà nhã, được mọi người mến phục.
Mẹ tôi, được sinh ra ở thành phố Vinh, thỉnh thoảng, cùng chồng mới có dip về Bắc thăm họ hàng; lần này thì khác, đây là chuyến hồi cư vì căn nhà ở thành phố Vinh bị chính phủ đòi lại, sau khi bố tôi mất, không còn làm việc cho chính phủ nữa. Tuyến đường Vinh-Hà nội bị bom Mỹ cắt thành nhiều đoạn, cứ mỗi lần đến chỗ đường sắt bị cắt, chúng tôi lại phải chuyển tàu, cứ mỗi lần như thế mẹ tôi tay bồng, tay dắt con, vai đeo tay nải, có quãng đường dài phải đi bộ hàng cây số, và đi ban đêm, sợ bị máy bay Mỹ thả bom, thật vất và và nguy hiểm vô cùng; về đến Nam Định, chúng tôi còn phải đi bộ một quãng đường dài năm cây số mới đến nhà. Nhà, đúng ra là nhà do ông bà ngoại tôi dựng lên làm chỗ đi về khi ông còn làm việc ở Vinh; nơi ở chính thức của ông bà là thành phố Vinh, Nghệ an; đây cũng là nơi ông ba sinh ra ba người con: bác trai, mẹ tôi và người dì gái.
Căn nhà gồm ba gian, một trái, đuợc dựng cột, kèo bằng gỗ lim, vách trát xi măng, trên lợp rạ; gian giưa đặt chiếc hòm cao cẳng, nơi đựng thóc thưở xưa, bây giờ hòm trống rỗng, chúng tôi hàng ngày leo lên, chui vào chơi đùa trong đó; gian còn lại, đặt chiếc giường nằm ngủ cũ kỹ; bên hông là chiếc cổng, cánh cổng cao nghễu nghện, cũng được làm bằng gỗ lim, chắc chắn và một dẫy nhà ngang, nơi đặt cối xay lúa, chầy giã gạo, nấu ăn, và chuồng nuôi lợn, nhà vệ sinh; nhà nằm bên con đường cái xuyên suốt xuống tận thành phố Nam Định; tất cả, lâu ngày không được tu sửa, đã xuống cấp thê thảm. Có một hôm, mẹ và chị lớn vắng nhà, một cơn dông, mưa rào, gió giật mạnh, căn nhà run rẩy, nghiêng ngả hết bên này sang bên kia, tiếng kèo cột bằng gỗ, vặn minh kêu răng rắc; mấy anh chị em ôm nhau gào khóc; chiều về, tôi bảo mẹ tôi dọn nhà lên ở chung với bác gái; bác gài là vợ của người anh bố tôi; bà cũng là goá phụ, ở một mình với người con gái, chồng chị đi xa, mất tích; căn nhà này là cûa ông nội tôi để lại.
- Con ơi, ở chung khó chịu lắm; ở đây mẹ đã khổ sở với bà dì, bà cứ luôn miệng đòi đuổi đi, mẹ tôi buồn rầu nói vây.
Bà dì, em gái bà ngoại, bà có tật ở chân, đi lại phải chống gậy; mỗi lần chúng tôi phá phách, bà cầm gậy đuổi đánh; tất nhiên, bà không đuổi kịp chúng tôi, bà chỉ còn cách mách mẹ tôi; mẹ tôi, bênh con, tất nhiên; vả lại, tội phá phách của chúng tôi không đáng bị trừng phạt bằng roi vọt, cùng lắm là bắt qùy. Thật ra, bà dì thường khó chịu với chúng tôi, nguyên nhân cũng về quyền lợi và sự chung đụng: bà bị mất tự do, và phải san sẻ một phần nhỏ lợi tức cho mẹ con chúng tôi, bởi căn nhà đó là của ông bà ngoại tôi, mà mẹ tôi là con gái, do đó chúng tôi ở đó là chính đáng. Nói vậy là theo truyền thống và pháp lý, bà không thể cấm chúng tôi ở đó.
Căn nhà trên Xóm Nhà Thờ thì bề thế kém căn nhà ở Xóm Cổng, của ông ngoại; tình trạng chung đụng với bác gái cũng đâu đấy tương tự; bác gái đầu sao cũng là ”người ngoài”, bà dì, ít nhiều còn có chung máu mủ; suy đi tính lại như vậy, nhưng mẹ tôi vẩn lên thương lượng chị dâu mình, cho mẹ con chúng tôi ở chung; bà chị dâu mẹ tôi cũng khó từ chối, đành phải bất đắc dĩ chấp nhận; ơ chúng bác gái được ít tháng, tình trạng chung đụng cãi vã, xem ra còn tồi tệ hơn. Một hôm, nhà có buồng chuối tiêu vừa chin, chúng tôi hái trôm ăn vài trái; về nhà, bác gái thấy buồng chuối mất mấy quả, bà rầy la chúng tôi thậm tệ. Bác nói: buồng chuối, tao để dành, tính bán đi lấy tiền đong gạo; ai có sống trong cảnh nghèo nàn như cảnh ngộ của chúng tôi, mới biết sự thèm thuồng từ bát cơm, đến con cá miếng thịt hay cục đường ra sao.
Ở đây, mẹ tôi cũng bớt đi cái áp lực phải lo chạy gạo từng bữa; nhờ chúng tôi đã vượt qua tuổi ấu thơ, và bà chị thứ hai của tôi cũng là người rất “tháo vát”; chị lần mò ở trong làng xóm tìm ra “nghề” kéo sợi, và chúng tôi bắt đầu tập làm. Kéo sợi là một quá trình đòi hỏi phải rất kiên nhẫn và chăm chỉ; chị tôi là người lo công việc đi lên các chợ phiên tìm mua những “con cúi”, danh từ ám chỉ những lọn bông gòn được bện lại thành con cúi chiều dài chừng một gang tay và lớn cỡ ngón chân cái.
Dụng cụ kéo sợi cũng có thể tự chế, dùng các vật liệu sãn có như tre làm khung, và mậy, ràng chúng thành chiếc guồng; duy mũi quay là bầng kim loại, thường lấy gọng ô làm ra; mỗi khi mũi quay bị “vậy”, nắn lại cũng khó; mũi quay là bộ phận cuộn sợi chỉ thành từng “búp” mà búp là lấy cọng rơm luồn vào mũi quay, cuộn sợi chỉ vừa se vào đó; trước khi đem ra chợ bán, phải guồng thành từng vòng mới bán ra được; mũi quay mà bị vậy, khó làm cho ngay thẳng trở lại nhu cũ; tôi nghĩ ra cách làm làm cho mũi quay trở lại bình thường; tôi đăt mũi quay lên một mặt bằng phẳng, dùng con dao bài đè lên nó, vê đi vê lại cho đến khi mũi quay ngay thẳng, mất chừng vài phút; dân làng từ cách đó “học” làm theo.
Quân đội Pháp thường từ Nhà đỏ (maison rouge), Nam Định, bắn moọc chê (mortier) về làng, khiến mẹ và em trai tôi bị thương nhẹ; đạn rơi xuống đầm nhà thờ, cá chết bởi áp lực nổ dưới nước, mấy ngày sau mới nổi lên; chị tôi vớt từng con cá chết, đã xông mùi, đem về, cả nbà ăn. Một buổi sáng sớm ra thăm bẫy chuột, tôi bẫy được một con chuột thật lớn, nặng gần nửa kilô gram; mẹ tôi đem thui sạch lớp lông, lột da đem xào với lá chanh và đồ gia vị gì đó tôi không biết; căn nhà vụt “rúng động” lên mùi thơm hành mỡ, chúng tôi, lâu lắm, ngày hôm đó mới có cơ hội được chút mỡ thoa bóng môi!
Nhìn đám cải cúc đứng rũ lá dưới nắng chiều, đang chờ cắt ngang, đem phối với gió sống, làm món canh: canh cải cúc giò sống, ăn vừa thơm mùi rău cúc, vừa ngọt, cái ngọt của thịt, tôi hình dung hình ảnh từng lá rau cúc xanh om ôm chằm viên giò trắng ngần, theo toán học gọi là tiếp cận (contiguous) epsilon mà không hề chung đụng giống như canh trứng, trứng quyện lấy cà chua. nhìn giống như loài chim cánh cụt, penguins, tên khoa học là Pygoscelis Papua, trên vùng tuyết trắng, tưởng tượng, phát thèm phát điên lên. Đoạn văn trên do tưởng tượng hình thành bởi cái thèm quá độ mà ra; nó lôi tôi về quá khứ, lúc gia đình còn khá giả thì bát canh cải cúc gần như hiện diện trong bữa ăn hàng ngày, tuy không thường xuyên cao lương, mỹ vị như măng miến, mọc trong bữa ăn hàng ngày, nhưng bát canh cá, canh thịt hay canh giò sống, khả năng tài chính gia đình đủ sức chịu nổi.
Làng tôi, suốt chiều dài, nằm kề cận con sông Châu giang, nguồn cung cấp nước tưới ruộng đồng cho những làng, xóm nằm hai bên bờ; đông thời còn là nơi cung cấp cá, tôm cho xóm làng dọc theo con sông; Châu giang là con sông đào, chiều dài vài chục cây số, thượng nguồn, trước đây gối đầu vào sông Hồng; lúc còn hợp lưu khi mùa nước lớn, nước sông Hồng dâng cao, đổ quá mạnh vào Châu giang, tạo nên sự cố, nước chảy xiết, soi mòn bờ, phía tả ngạn; nuớc sông Hồng đổ vào Châu Giang, nay bị ngăn chặn bởi con đập Vĩnh Trụ nhưng hạ nguồn của nó vẫn còn tiếp cận sông Hồng ở đầu tỉnh Nam Định. Mùa hè, lội sông tắm mát là thú vui của tuổi trẻ, dòng sông nước chảy hiền hoà, trong xanh mát lạnh; nhà tôi nghèo không có tiền mua cá, xuống sông tắm, đối với tôi, chẳng những giải nhiệt mùa hè nắng gay gắt mà còn lo kiếm bữa: mò trai về nấu canh, bổ xung cho thiếu chất dinh dưỡng.
Dân làng tôi, bảo rằng họ chất phác, từ ngữ này không diễn tả trọn vẹn về con người của họ; còn như nói họ là người “bán khai” thì có hơi quá đáng; tính nết của họ rất là vô chừng, dễ xiêu lòng trước lời ngon tiếng ngọt, và cũng thường đột ngột nổi loạn khi bị khích động; họ có những nét giống như tính tình của bọn kiêu binh thời chúa Trịnh. Làng tôi tuy không văn minh như ở tỉnh thành, vẫn có nhà xây bằng gạch lợp ngói, có người còn sở hữu cả ô-tô, nhiều làng khác không có; đường xá trong làng có nhiều đoạn chưa lót gạch, nhưng vẫn thoáng; cũng có trường học, lớp Ba trở xuống, và còn có cả “trường” dạy chư Nho do các ông Đồ tổ chức dạy chữ Hán, tóm lại, về sự giầu sang và tiện nghi, làng tôi được xếp vào hạng trung bình. Làng tôi là một làng nghề, thanh niên trong làng, phần đông làm thợ mộc hay thầu khoán, đi các nơi kiếm sống; nhờ vậy tuy ít đất đai canh tác nhưng không bết bát về vấn đế tài chính, kinh tế.
Một hôm, thời gian vào khoảng sáng sớm, trong làng có đam ma, mà người chết là bà dì họ bên ngoại, tôi cùng mấy đứa trẻ hàng xóm đi xem; mỗi khi trong làng có đám đông, bất luận là chuyện vui hay buồn, trẻ con, và ngay cả người lớn, cũng ùn ùn kéo đi xem. Tôi hai tay vạch hai người đang đánh thành một vòng tròn quanh phường bát âm, chui cái đầu nhìn bên trong xem sư gì đang diễn ra trong đó, bỗng có người vỗ nhẹ vào lưng; tôi lo sợ không biết mình đã làm gì và tưởng tượng hình phạt tỷ như bợp tai, đá đít sắp đến; tôi lo sợ, hai chân nhẹ đưa ra sau thụt lùi. Một người đàn ông cầm tay tôi giắt đi, miệng nhát gừng: “cầm cờ”! Tôi nghe không hiểu, lòng lo sợ nhưng không cưỡng lại sức mạnh kéo đi của ông ấy; tôi ngửa mặt nhìn thì ra là chú Thân; tay chú Thân chỉ cây cờ đang còn được dựng ở cổng: “chắu cầm cây cờ này đi đầu”.
Chú Thân phụ trách phàn đầu của đám ma, chú cố ý giúp tôi một bữa ăn mà chú biết tôi rất thiếu thốn. Tôi hoàn toàn không biết gì về bữa ăn hay công xá trả cho những đứa trẻ cầm cờ nhưng chú Thân thì biết, do đó chú “ban ân” cho tôi. Trẻ con hiện diện trong đám ma không thiếu, nhưng chú cố tìm tôi, cho tôi một cơ hội. Chú Thân, tôi quen gọi thế, họ hàng giữa chú và tôi ra sao, tôi không rõ; có điều chắc chắn, chú nguyên là nhân viên của bố tôi; tôi sơ ý, không nhận ra lòng tốt và sự ưu ái, chú dành cho tôi, tôi dẫy nẩy: không chú, không chú! Chú ra lệnh - cầm đi, sẽ có bữa chén no bụng; nghe nói có bữa ăn, tôi ngoan ngoãn vâng lời! Bữa ăn hôm đó, tôi mới bỏ miếng thịt mỡ vào miệng, no trôi nhanh vào cổ họng, như củi lụt dưới dòng nuớc sông Hồng, chỉ thoáng rồi mất tăm hơi; ra về, tôi được trả công, còn được chia phần: một đĩa xôi và bốn năm miếng thịt mỡ; gia đình tôi, lâu lắm mới có cái hạnh phúc này, chia nhau ăn ngon lành.
Tôi đi học trường làng, luôn bị các học trò cùng lớp lớn hơn bắt nạt; mỗi khi đi học, ra khỏi cổng nhà, nhìn trước sau, không thấy ai, tôi chạy ù một mạch đến trường, chui vôi vào lớp ngồi một mình chờ đến giờ học; giờ ra chơi, tôi cũng ru rú ngồi trong lớp, trong khi bọn trẻ khác vui đùa thỏa thích ngoài sân chơi; chị tôi thường phải dẫn tôi đến trường; một hôm trời mưa, nhà tôi không có áo tơi, mẹ tôi lội xuống đầm sen hái lá sen bọc lên mình tôi cho đỡ ướt; khi tôi đến trường, lá sen rách tơi tả, bị bọn học trò lớn xúm nhau lột hết phần còn lại, giễu cợt, tôi không dám phản ứng, vừa sợ, vừa rét, tôi đứng co cụm người không nhúc nhích; một hôm khác trong giờ luận văn, thày giáo ra đề tả con mèo, tôi được thày chấm điểm nhất lớp; bài luận tôi sở dĩ đưọc chấm nhất vì tôi biết áp dụng cách tả một con vật từ kiến thức học được khi còn học được lúc học trường Tây; thày tôi dậy: muốn ta một con vật trước tiền là hình dáng, màu lông, đặc tính, loại thức ăn, và có thể so sánh con vật này với con vật kia; tôi tả con mèo có hình dáng giống con cọp nhưng bé hơn, thích ăn chuột và thường ngủ ngày; âu đó, niềm vui chưa thấy, chỉ thấy đại họa, bọn học trò lớn xúm nhau chọc ghẹo tôi; có đứa ác tính dùng ngón tay trỏ hợp với ngón tay giữa, kẹp vào vùng thịt non cánh tay tôi, đau điếng nhưng không dám mach thày. Áo quần tôi rách tả tơi, mảnh còn mảnh mất lòi da lòi thịt, được anh rể cho một thước vải xanh; tôi lấy may đợc chiếc quần soọc, và một thước vải trắng dùng để may áo; tôi mặc đi học thay cho bộ quấn áo đã rách, bọn học trò trông thấy lại càng ngứa mắt, súm nhau ăn hiếp tôi thậm tệ, Thám thấy bất bình, đứng ra can thiệp; có Thám, tôi như được bảo vệ.
Thám lớn hơn tôi ba, bốn tuổi; Thám rất “du côn”, không sợ ai; đứa nào “rỡn mặt” liền bị Thám nện cho tơi bời, nhưng Thám lại yêu mến tôi, thường bênh tôi mỗi khi tôi bị bắt nạt. Một hôm, Thám đến nhà rủ tôi đi chơi, hai đứa vọt chậy ra rạng cây vải, trồng dọc theo con đê đầu làng; tiếng ve inh òi, giọng đều đều vang vọng, hoà tấu khúc nhạc nghe xa vắng làm sao ấy; nghe ve sầu thi nhau “gọi hè”, con nọ chưa dứt, con kia đã tiếp nối, cứ thế, tạo lên một khúc nhạc buồn trầm lắng. Lần theo tiếng ve, hai đứa đi vào làng lúc nào không hay; mồ hôi nhễ nhại, tiện đang gần đầm nước, Thám, luôn là người lãnh đạo, bảo tôi đi tắm, thế là chúng tôi vào nhà người quen gần đó xin được mỗi đứa một cây chuối (đã ăn quả), lệ khệ vác lao xuống đầm, cởi quần áo vội, nhẩy ùm xuống ôm lấy cây chuối bơi ra giữa đầm (hồ), tâm hồn thơ thới; chúng tôi cứ thế ngâm mình trong làn nước mát lãnh cả tiếng đồng hồ. Lạ thay, nằm ôm cây chuối tư thế “cưỡi”, chân đạp nước, tay bơi sải, sự cọ sát vào thân cây chuối, tôi bỗng phát giác cảm giác là lạ; tôi giấu kín chuyện này để một mình tự biết.
Về làng chưa đầy ba năm thì quân đội Pháp đến đóng đồn tại nhà thờ làng tôi; đa số binh lính trong quân đội Pháp đóng ở nhà thờ, là người Phi châu, và có chừng một trung đội lính phụ lực, trưởng đốn là một sĩ quan người Pháp; họ thường vào làng chặt tre về làm hàng rào.
Môt hôm họ vào nhà tôi, tính chặt mấy cây tre, bên bờ ao, chống đất lở, tôi ra xin: đừng chặt tre nhà tôi, các ông chặt đi, bụi tre sẽ chết thì vườn nhà tôi sẽ bị xụp lở xuống ao; vả lại bụi tre còn làm giậu chắn gió lúc trời lạnh; tôi dùng tiếng Pháp nói với họ, tiếng Pháp của tôi học từ thời học chung với học trò người Pháp, thêm vào đó còn được cha tôi kèm, rất chuẩn, giọng Pháp, rất lễ độ; ngườp Pháp nghe thấy một thằng bé nhà quê mà nói giống như Tây, lấy làm lạ, ngỏ ý muốn tôi làm thông ngôn cho họ; tôi trả lời, tôi cần phải hỏi mẹ tôi, ông, hôm sau đến nhé! về mặt chinh thức đồn Pháp đã có một người thông ngôn; ông này được sinh ra ở làng bên cạnh; ông học tiếng Pháp khoảng chương trình độ brevet premieur supérieur; phát âm và ngữ vựng không được chuẩn, và không nghe quen tiếng Pháp nên câu đươc, câu không; ông chỉ được dùng chính thức cho những khi họp hành, khi có chức sắc địa phương, hoặc binh lính người Vệt Nam; kỳ dư, ông trưởng đồn thường dẫn tôi theo khi đi vào làng, tìm hiểu dân tình. Lính Pháp vào làng chặt tre, chỗ nào có tre là họ chặt, bất luận tre của kẻ giầu, ngươi nghèo; rất nhiều lần, tôi phải xin họ chừa những bụi tre quan trọng hay của dân nghèo; dân chúng trong làng, một đồn mười, tôi được nổi tiếng người có lòng thương dân; những lời này tôi nghe được từ mẹ tôi.
Làng tôi khi quân đi Pháp chưa đến đóng đồn, nói một cách khác: chưa “Tề”; mỗi khi quân Pháp hành quân qua làng, người nào người nấy phải “chạy Tây” bán sống, bán chết; những cô gài trẻ hay các bà còn trẻ, rất sợ bị Tây hiếp; nhà nào có con bị Tây hiếp, thường bị dân làng đàm tiếu; chị tôi nghe đâu cũng bị Tây hiếp; nhưng dân làng đồn lên, nghe được, mẹ tôi cũng ngượng ngùng; trong nhà chỉ “rỉ tai” nhau, khi chị tôi không có mặt, và nếu có nghe thấy, chị tôi không phủ nhận,và cũng không đính chính. Bà dì và chúng tôi phải qùy lạy quân đội Pháp rối rít: “lạy quan lớn, xin tha cho chúng con”. Quân Pháp vào nhà, nhìn thấy ảnh tuợng Công giáo trên bàn thờ, bớt đập phá; nhưng con gà mái đẻ duy nhất nhà tôi, họ cũng bắt mất; con gà là tài sản của gia đình; lâu lâu đem trứng bán đi lấy tiền đong gạo; mất con gà, mất đi nguồn tài chính, nhà tôi bị rơi vào tình trạng hụt hẫng tài chính, khốn đốn vô cùng.
Chị thứ ba, mở hòm (rương) lúc nào, lấy ra mấy bộ quần áo xưa đưa cho mỗi người một bộ, và đưa cho tôi một bộ đồ Tây cũ của tôi, đây, mỗi người lấy mặc vào, nay là ngày Mồng Một Tết, cất bộ quần áo rách đi, mặc nó sẽ xúi quẩy suốt năm. Tôi run run đón lấy bộ đồ Tây, đứng ở góc nhà, chỗ tối, cởi bỏ quần áo cũ, mặc nó vào; phần tôi có thêm chiều cao và chiều ngang, phải kéo mãi bộ đồ Tây mới miễn cưỡng bó sát mình, nhìn hơi cũn cỡn. Tôi lên tiếng hỏi bâng quơ, giọng “kẻ cả”:
- Ai thấy đôi sandales ở đâu không?
Chị tôi, thêm một lần nữa, lần mò, moi móc từ chiêc hòm sơn đã bạc màu, lôi ra cho tôi đôi sandales; tôi nông chân vào mãi mới lọt vào; tội nghiệp đôi sandales, lớp da trên của nó, bị kéo căng ra, nhăn nhó, nhìn rất thiểu não; đôi bàn chân tôi, đi chân đất lâu ngày, không còn thon, mịn như ngày trước mà đã bi chai cứng.
Tết năm đó, chị cả của tôi đem cho mẹ một tấm bánh chưng vài khoanh giò thủ; gia đình được ăn một cái tết “linh đình”. Cũng người chị cả, một hôm về thăm nhà, trên đường gần đến nhà, chị nhìn thấy em gái, người chị thư ba của tôi, đang mút từng gốc mía người ta chặt bỏ đi, chị hét lên: “Mày biếm nhục gia đình, đói cho sạch, rách cho thơm, cớ sao mày lại đoảng thế!”; chị cả tôi, nhà chồng không giầu có nhưng cũng không đến nỗi phải thèm ăn, thèm uống như các em, bà nhìn cảnh em gái bệ rạc cùng cực, chịu không nổi; ai có ở trong hoàn cảnh chúng tôi mới biết thế nào là đói; nhìn con cá, miếng thịt, miếng mỡ, hay cục đường, thèm muốn chết.
Tôi, con trai lớn nhất, được gọi là “anh trưởng”, và là người “quyền huynh thế phụ”, mọi người trong nhà, kể cả mẹ, hết sức “nể”; tôi mặt lúc nào cũng nghiêm, ăn nói chững chạc đâu vào đây, không bông đùa; các em tôi, hai trai và một gái, đứa nào nhìn tôi cũng bằng cặp mắt kính trọng, khép nép; còn bốn bà chị, trừ bà đã lấy chồng, thì một điều “cậu Trưởng” hai điều cậu em chứ không “mày tao” như cách xưng hô của gia đình khác.
Là đứa con trai ra đời sau bốn bà chị, bố rất quý tôi và đối xử với tôi có phần thiên vị, một mức nuông chiều, khác với các con khác; tôi, bẩm sinh, tính ngoan, hiền, thông minh, học hành chăm chỉ; những thứ này gia tăng lòng yêu thương của mọi người trong nhà dành cho tôi; cha mất đi, quyền huynh thế phụ, quan niệm cô hủ này gia tăng vai vế của tôi trong gia đình; danh từ “Anh Trưởng, do bố tôi lúc còn sống đặt cho tôi.
Bố tôi rất thương tôi, và ông cũng rất nghiêm khắc; khi tôi còn nhỏ, đang học lớp élémentaires, ông đã đặt hết hy vọng vào thằng con trai trưởng; có lần ông nói với tôi, ông sẽ cho tôi sang Pháp học ở trường Sorbonne, một trường rất nổi tiếng của Pháp thời bấy giờ; ông thường dạy tôi cách nói tiếng Pháp thật chuẩn, và còn cắt nghĩa văn phạm; có lẽ, ước mơ của ông, được sang Pháp học, nhưng trình độ của ông không tới, nên việc xuất ngoại sang Pháp của bố tôi, xem ra, không thành; ông kỳ vọng tôi sẽ thay ông làm việc đó.
Thuở đó, ông già tôi thường có hai, ba cách xưng hô đối với tôi; có lúc ông gọi tôi bằng “con”, lúc thì “thằng” và đôi khi thì “anh trưởng”. Khi tình cha con thăng hoa, ông già gọi tôi bằng con hay mày; tôi rất sợ mỗi khi ông kêu tôi bằng “anh trưởng”; “gọi Anh Trưởng vào đây cho tôi!” Tôi vừa đi vừa run rẩy, tai tôi bùng nhùng câu lệnh truyền của bố. Ông già tôi tuy rất yêu thương tôi, nhưng tôi vẫn không sao có được tình “bằng hữu” mà lối cư xử của ông là phụ tử trên dưới phân minh.
Để anh chị em tôi, được mọi người “tôn xưng” cô và cậu, là do cha, me tôi, nhờ ơn phúc gia đình, qua việc ông cưới mẹ tôi làm vợ và cũng có chút danh vọng. Ông xuất thân không phải vọng tộc, thế gia; ông cụ thân sinh của bố tôi là Xã (hàm) trong làng; ở tỉnh thành, chức ấy chẳng ai sợ “oai” và thế giá cũng chẳng đáng bao nhiêu, so với ông ngoại tôi. Bố tôi lúc còn nhỏ, đi tu với một linh mục mà khi ngài còn là “Thày” được ông nội bao bọc tiền bạc để học hành; khi trở thành linh mục, để trả ơn ông “cố”, ngài - đem bố tôi đến xứ đạo do ngài cai quản, nuôi ăn học. Mẹ tôi là một “tiểu thư” đương thời.
Chiến tranh, và cái chết của cha tôi ảnh hưởng rất sâu rộng thời niên thiếu đời tôi; nó tác động mãnh liệt đến sự đầm ấm, sự an vui, và học hành của tôi như một cơn bão tàn phá môi trường vô cùng khốc liệt, khiến gia đình tôi rơi vào hoàn cành nghiệt ngã; gia đình nhờ tôi đi làm “thông ngôn” cho Pháp, đã giải toả được bế tắc kinh tế, tài chánh; tuổi thơ tôi, sở dĩ có nhiều chao đảo, c ũng vì chiến tranh, và bố tôi chết sớm cũng đóng góp hết sức mạnh mẽ vào hoàn cảnh của chúng tôi.
Xuyên suốt thời thơ ấu của tôi, trải nghiệm không ít lần bị vùi dập bởi sóng gió: chiến tranh, tản cư, và mất bố; tưởng như cứ thế kéo dài xuốt cuộc đời, nhưng cuộc dọn nhà về thành phố Nam Định đã làm thay đổi, hồi phục lại quyền làm người và nếp sống tuy không như thời bố tôi còn sống, nhưng dễ thở hơn; tôi sống ở thành phố Nam Định cho đến năm 1954 di cư vào miền Nam, nơi chắp cánh cho tôi vươn lên xuyên qua những ngày thanh bình, tự do và nền văn hóa khai phóng, un đúc tôi thành một con người biết tự trọng, trách nhiệm, và thương yêu, biến cố của tuổi thơ tôi đi qua như một giấc chim bao.
Trần Anh Tống
Nguồn: Banvannghe.com
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 16 tháng 11 năm 2020