Nhưng các bạn có thể vặn hỏi lại tôi: “chúng tôi yêu cầu bà nói chuyện về phụ nữ và văn học - chuyện đó dính dáng gì đến căn phòng riêng tây nào ở đây?” Tôi sẽ cố giải thích điều này cho các bạn rõ. Khi các bạn yêu cầu tôi phát biểu về phụ nữ và văn học, tôi ra ngồi bên bờ sông và bắt đầu suy nghiệm ý nghĩa những từ ngữ đó. Chúng có thể chỉ giản dị là một vài chú giải về Fanny Bumey [1] ; thêm vài điều nữa về Jane Austen [2] ; một đoạn tưởng mộ chị em nhà Brontë [3] và bức phác họa khu giáo đường Haworth nằm dưới tuyết; đôi ba điều minh triết nếu có thể về Mitford [4] - một ám chỉ đầy ngưỡng mộ đến George Eliot [5] ; đoạn nữa nhắc đến Gaskell [6] và ta có thể tự bảo thế là hoàn tất. Nhưng nếu nhìn kĩ hơn, những từ ngữ đó xem ra chẳng giản đơn như vậy. Nhan đề phụ nữ và văn học có thể có nghĩa là - và có thể chính các bạn muốn nó có ý nghĩa như thế - phụ nữ và cái gì là phụ nữ; hoặc phụ nữ và những sáng tác văn học do họ viết; hoặc phụ nữ và những sáng tác văn học viết về họ; hoặc, bằng cách nào đó, cả ba ý nghĩa trên pha trộn lẫn nhau và các bạn muốn tôi trình bày đề tài từ góc độ đó. Nhưng ngay khi tôi thử tìm hiểu vấn đề bằng con đường này, có vẻ là con đường thú vị nhất, tôi đã nhanh chóng nhận thấy nó vướng phải trở ngại khá nghiêm trọng. Tôi sẽ chẳng bao giờ đi đến kết luận. Tôi sẽ không thỏa mãn được yêu cầu, theo chỗ tôi hiểu, làm tròn bổn phận trước nhất của người thuyết giảng - đó là đem đến cho các bạn, sau giờ học, khối vàng ròng chân lí để tóm lược những gì trên trang vở của các bạn và đặt nó vĩnh viễn trên bệ lò sưởi. Tất cả những gì tôi có thể làm là gửi đến các bạn quan điểm của riêng mình dựa trên một điểm nhỏ - đó là nếu viết văn, người đàn bà phải có tiền và một căn phòng riêng; và như thế, các bạn sẽ thấy, vấn đề lớn nơi bản chất chân thực của người đàn bà và của văn học là không có đáp án. Tôi đã không chu toàn bổn phận tìm ra kết luận cho hai tra vấn đó - phụ nữ và sáng tác văn học, với tôi, vẫn là bế tắc. Nhưng để bổ khuyết vào thiếu sót này, tôi sẽ cố hết sức làm những gì tôi có thể để trình bày cho các bạn thấy do đâu tôi có ý nghĩ người đàn bà muốn viết văn phải có tiền và căn phòng riêng. Trước mặt các bạn, tôi sẽ triển khai triệt để, với vốn liếng khả năng của mình, hành trình tư tưởng mà từ đó ý nghĩ này kết tinh trong tôi. Có lẽ, nếu tôi phơi trần những ý tưởng, những định kiến đằng sau lời phát biểu, các bạn sẽ thấy chúng phần nào chi phối lên người phụ nữ và lên sáng tác văn học. Dù sao chăng nữa, khi vấn đề gây nhiều tranh cãi - và bất kì câu hỏi nào về phái tính đều thế - người ta chẳng thể nào hi vọng nói được hết sự thật. Người ta chỉ có thể trình bày quan điểm mà mình nắm giữ định hình như thế nào. Người ta chỉ có thể tạo cơ hội cho thính giả đi đến kết luận riêng của mình trong lúc tường tận quan sát những hạn chế, định kiến, phong cách đặc trưng của người nói chuyện. Sáng tác văn học ở đây như dung chứa sự thật nhiều hơn là dữ kiện. Do đó, tôi xin đưa ra đề nghị, trong lúc sử dụng tất cả sự tự do và phóng túng của kẻ viết tiểu thuyết, tôi sẽ kể các bạn nghe câu chuyện xảy ra hai ngày trước khi tôi đặt chân đến đây - còng mình bởi sức nặng của đề tài các bạn đặt lên vai tôi - tôi suy nghiệm và ứng xử với nó như thế nào trong cuộc sống thường nhật. Tôi không cần nói rằng những gì tôi sắp miêu tả đều không hề hiện hữu; Oxbridge [7] là một giả tưởng; Fernham cũng thế; “ tôi ” chỉ là định danh ước lệ dùng cho kẻ nào đó không có thật. Từ đôi môi tôi sẽ tuôn ra những lời ngoa ngôn, nhưng có thể cũng có sự thật đâu đó lẫn vào; chính các bạn phải là người biết tìm kiếm đâu là sự thật và tự quyết định có gì đáng lưu giữ lại không. Không làm được như thế, dĩ nhiên các bạn sẽ ném toàn bộ câu chuyện vào sọt rác và cho nó đi vào quên lãng.
Tôi ngồi đây (gọi tôi là Mary Be ton, Mary Seton, Mary Carmichael hay bất kì cái tên nào cũng được - nó chẳng phải là vấn đề hệ trọng) bên bờ sông cách đây một hai tuần gì đó, trong tiết trời tháng Mười êm ả, nhưng đầu óc lại rối mù. Cái sợi dây tròng cổ mà tôi nhắc đến, phụ nữ và sáng tác văn học, sự cần thiết phải đi đến kết luận cho đề tài gây không biết bao nhiêu định kiến và đam mê, ghì đầu tôi xuống chạm mặt đất. Bên phải, bên trái nơi tôi ngồi, mấy bụi cây chói vàng, thẫm đỏ, rực sắc màu, hình như cũng đang cháy với nhiệt lượng của lửa. Bờ sông bên kia, những cây liễu rũ đang khóc than, tóc ngang bờ vai buông lửng. Mặt sông phản chiếu bóng hình góc trời xanh, cây cầu bắc ngang, vòm cây cháy đỏ, và sau khi anh sinh viên chèo con thuyền lướt qua vũng bóng hình lung linh đó, nó đóng lại như thể chẳng hề có ai đi qua. Tại đây, người ta có thể ngồi hàng giờ đầu óc lan man những ý tưởng không đâu. Ý tưởng - gọi nó bằng cái tên cao cấp hơn là nó xứng đáng được nhận - bỗng sa xuống mặt nước. Nó đong đưa, phút này qua phút khác, lúc chỗ này lúc chỗ kia, lúc giữa vũng sắc hình lung linh phản chiếu, lúc nơi đám cỏ dại, lúc té nước hất tung lên, lúc chìm nghỉm, cho đến khi - các bạn biết kết quả của sự giằng co như thế sẽ ra sao rồi - một khối ý tưởng đột nhiên bùng vỡ: và rồi hãy thận trọng kéo nó lại, khẽ khàng trải nó ra? Hỡi ôi! Nằm trên thảm cỏ, ý tưởng này của tôi trông nhỏ bé, tầm thường xiết bao; một loại cá mà ngư dân thiện nghệ vứt trả xuống nước để nó có thể lớn lên và ngày nào đó bõ công nấu thành món ăn. Lúc này, tôi sẽ không quấy rầy các bạn với ý tưởng đó làm gì, mặc dù nếu cẩn thận nhìn kĩ, các bạn sẽ tự mình tìm thấy nó giữa những điều tôi sắp nói ra đây.
Tuy bé nhỏ tầm thường nhưng nó vẫn ẩn chứa bản chất kì bí của riêng mình - giữ lại trong đầu, ngay tức khắc nó trở nên vô cùng khích động, và trọng đại nữa; trong khi nó vụt tới vụt lui, chớp chỗ này lóe chỗ kia, không biết bao nhiêu ý nghĩ cứ thế tuôn tràn náo động khiến tôi chẳng thể ngồi yên. Thế là, tôi thấy mình băng đi thật nhanh qua bãi cỏ. Bỗng nhiên, có bóng người đàn ông xuất hiện chặn đứng trước mặt tôi. Thoạt tiên, tôi chưa nhận ra cử chỉ khoát tay của con người kì dị mặc áo khoác đuôi tôm và sơ mi lịch sự dành cho các bữa tiệc ấy là nhắm vào mình. Gương mặt ông ta lộ vẻ hoảng hốt và tức giận ghê gớm. Bản năng chứ không phải lí lẽ đã giúp tôi hiểu ra; ông ta là giám thị trong trường; còn tôi là đàn bà. Đây là thảm cỏ xanh, đằng kia là lối đi. Chỉ có các giảng sư và học giả mới được phép giẫm chân lên thảm cỏ; còn lối đi trải sỏi là dành cho tôi. Những ý tưởng đó chạy vụt qua trí óc tôi. Ngay khi tôi đổi hướng bước về phía lối đi, hai cánh tay ông giám thị cũng thư thả buông xuống, sắc mặt trở lại bình thường, và mặc dù đi bộ trên cỏ êm ái hơn đá sỏi, tôi thấy chẳng việc gì phải làm to chuyện. Lời kiện cáo duy nhất tôi có thể đem ra chống đối các vị giảng sư và học giả của trường đại học là để bảo vệ thảm cỏ của họ, một chuyện không thay đổi suốt ba trăm năm nay, họ đã khiến con cá nhỏ của tôi lặn mất tăm.
Giờ đây, tôi không thể nào nhớ nổi ý tưởng gì đã khiến tôi cả gan vi phạm điều cấm kị trong khuôn viên trường như thế. Lòng bình an như đám mây hạ thế từ thiên đàng, bởi nếu có lòng bình an ở nơi nào đó thì chắc nó phải ngự trị nơi khoảng sân tứ giác của Oxbridge một buổi sáng tháng Mười đẹp trời. Tản bộ xuyên qua những học viện, những dinh thự cổ xưa, cái xù xì của thực tại dường như bay biến; thân thể như được bao phủ bởi cái tủ kính kì diệu không âm thanh nào xuyên qua nổi, và tâm trí không bị nhiễu loạn bởi bất kì sự tác động nào của thực tại (ngoại trừ người ta lại vi phạm giẫm chân lên bãi cỏ), tự do an định với bất kì suy nghiệm nào hài hòa với thời khắc lúc đó. Tình cờ, vài mảnh vụn trong trí nhớ về vài bài tiểu luận cũ nào đó viết về chuyến trở lại thăm Oxbridge trong kì nghỉ hè dài hạn khiến tôi chạnh nhớ đến Charles Lamb [8] - Saint Charles, Thackery [9] nói, đặt lá thư của Lamb lên trán. Thật thế, trong số những người đã mất (ý nghĩ nào đến với tôi, tôi sẽ chia sẻ với các bạn), Lamb là một trong những người đồng điệu nhất; người mà người ta có thể hỏi, “Hãy cho tôi biết cách nào ông viết được những tiểu luận đó?” Bởi tôi cho là tiểu luận của ông còn vượt trội hơn cả của Max Beerbohm [10] với tất cả sự toàn bích, nhờ cái chớp nhoáng hoang dại của tưởng tượng, nhờ thiên tài như ánh chớp hiển lộ ngay giữa các tác phẩm, để lại tì vết và sự bất toàn, nhưng lại lấp lánh chất thơ. Thế rồi, cách đây chừng trăm năm, Lamb đã về Oxbridge. Chắc chắn ông có viết một tiểu luận - tôi quên mất nhan đề bài viết - về bản thảo một bài thơ của Milton [11] mà ông tận mắt trông thấy ngay tại nơi đây. Có lẽ đó là bài Lycidas [12] , và Lamb viết ông đã bị sốc như thế nào khi nghĩ có thể nào mỗi từ trong bài thơ, bất kì từ nào, có khả năng là một từ khác hay không. Ý tưởng Milton biến hóa từ ngữ trong bài thơ, với ông, giống như hành động phạm thượng. Điều này khiến tôi nhớ tôi cũng hay giải khuây với bài Lycidas bằng cách đoán từ nào có thể bị Milton sửa đổi và tại sao. Rồi tôi nhớ thêm điều nữa là chính bản thảo bài thơ đó, bản Lamb tận mắt nhìn thấy, nằm cách đây chỉ vài trăm thước, người ta có thể đi theo bước chân của Lamb băng ngang khoảng sân tứ giác để vào cái thư viện danh tiếng nơi tàng trữ bảo vật quý giá đó. Hơn nữa, tôi cũng nhớ thêm, trong lúc tôi chuẩn bị thực hiện kế hoạch này, cũng chính tại thư viện này lưu trữ bản thảo tác phẩm Esmond [13] của Thackery. Giới phê bình thường nói Esmond là tiểu thuyết toàn bích nhất của Thackery. Nhưng sự mô phỏng văn phong, bắt chước văn phong thế kỷ XVIII, chính là trở ngại của tác phẩm, tôi nhớ như vậy; ngoại trừ trường hợp văn phong thể kỷ XVIII là tự nhiên với Thackery - một dữ kiện người ta có thể minh chứng bằng cách xem xét bản thảo và tận mắt nhìn thấy những sửa chữa đó giúp ích cho văn phong hay ý nghĩa. Nhưng rồi người ta lại phải quy định cái gì là văn phong, cái gì là ý nghĩa, một câu hỏi mà - nhưng tôi đã đến sát cửa thư viện rồi. Chắc tôi có mở cửa, bởi ngay lập tức xuất hiện, như một thiên thần bảo hộ chặn đường với cái áo choàng đen phất phới chứ không phải đôi cánh trắng, người đàn ông lịch sự, mái tóc bạc trắng từ tốn cất giọng trầm trầm bảo tôi, trong lúc vẫy tôi lại, là phụ nữ chỉ được phép đặt chân vào thư viện khi nào có giảng sư đại học đi kèm hoặc trong tay có thư giới thiệu.
Việc bị một người đàn bà nguyền rủa là chuyện hoàn toàn không đáng quan tâm đối với một thư viện danh tiếng. Đường bệ và trầm tĩnh, với tất cả những bảo vật quý giá nằm yên ổn an toàn trong ngực áo, nó tự mãn ngủ yên, và với riêng tôi, nó sẽ ngủ như thế đến muôn đời. Sẽ không bao giờ tôi đánh thức dậy tiếng vọng đó, sẽ không bao giờ tôi đòi hỏi từ nó sự tiếp đãi ân cần lịch sự, tôi thề như vậy trong lúc giận dữ bước xuống bậc cấp tòa nhà. Còn cả tiếng đồng hồ nữa mới đến giờ ăn trưa, và ta phải làm gì bây giờ? Tản bộ trên đồng cỏ? Ra ngồi bên bờ sông? Dĩ nhiên, hôm đó là buổi sáng mùa thu thật dễ chịu; những chiếc lá đỏ xao xác dưới chân; và chẳng khó khăn nếu ta cứ thả bộ hay ra ngồi bên bờ sông. Nhưng có tiếng nhạc đâu đây văng vẳng rót vào tai tôi. Hình như có buổi thánh lễ hay liên hoan nào đấy đang diễn ra. Tiếng đại phong cầm cao nhã vọng ra lúc tôi bước ngang cửa giáo đường. Thậm chí nỗi bi ai của Thiên Chúa trong không gian trầm tịnh đó nghe chẳng bi ai chút nào mà chỉ là sự hồi tưởng về nỗi bi ai; thậm chí tiếng rên rỉ của chiếc đại phong cầm cổ xưa giữa cảnh sắc thanh bình nghe như tiếng nước vỗ vào bờ. Và dù được phép tôi cũng chẳng thèm đặt chân vào đó làm gì, bởi lần này, có lẽ người cầm trượng sẽ chặn tôi lại, bắt tôi trình chứng minh thư rửa tội, hay thư giới thiệu của viện trưởng trước khi cho tôi vào. Nhưng bề ngoài những tòa dinh thự hoành tráng này đẹp đẽ chẳng kém gì bên trong. Hơn nữa, chỉ cần nhìn những giáo dân đi ra đi vào, xúm xít trước cửa giáo đường như đàn ong bu quanh tổ cũng đủ khiến tôi thú vị. Người đội mũ, người mặc áo dài; có người quấn khăn lông thú trên vai; có người ngồi xe đẩy; những người khác, dù chưa quá tuổi trung niên, nhưng đã hom hem, lọm khọm đến nỗi người ta phải liên tưởng đến loài tôm cua khổng lồ khó nhọc bò trên cát trong bể nuôi. Trong lúc đứng dựa lưng vào tường, tôi nghĩ đúng là ngôi trường này xem chừng là nơi tàng trữ những bảo vật quý hiếm mà sẽ bị mai một ngay tức khắc nếu thực sự bị bỏ rơi lăn lóc trên mặt đường phố Strand. Những câu chuyện xưa cũ về các vị viện trưởng và giáo sư khả kính bỗng hiện về trong tâm trí tôi, nhưng trước khi tôi thu hết can đảm để huýt sáo - chuyện ông giáo sư già vừa nghe tiếng còi huýt đã vội vã thúc ngựa phi nước đại - đám đông dự thánh lễ đã biến vào trong giáo đường. Bên ngoài giáo đường vẫn thế. Như các bạn biết đấy, mái tròn và tháp chuông nhìn cao ngất ngưởng, như con thuyền du hành vô định trên mặt biển, sáng rực giữa trời đêm và dù đứng từ xa nhiều dặm, cách mấy ngọn đồi, bạn vẫn trông thấy nó. Tôi đoán chừng có thời mảnh đất vuông vức này với thảm cỏ mượt mà, dinh thự đồ sộ, và chính ngôi giáo đường nữa, chỉ là bãi đầm lầy, nơi cỏ hoang rập rờn dợn sóng và lợn lòi ủi bới rễ cây. Tôi nghĩ phải có hàng đoàn xe bò, ngựa tải đá từ những miền đất xa xôi đến đây, và với sức lao động vô tận, những tảng đá xám, mà tôi hiện đang đứng dưới chân, được kéo lên từng tảng một, tảng này trên tảng kia, và rồi thợ sơn đem kính đến lắp ráp trang hoàng cửa sổ, còn thợ nề thì bận túi bụi cả thế kỷ trên nóc ngôi nhà với nhựa trám và xi măng, bay và thuổng lỉnh kỉnh trong tay. Mỗi thứ Bảy đều có người trút từ túi da đựng tiền những đồng tiền vàng và tiền bạc vào lòng bàn tay già nua để chắc hẳn tối đó họ uống bia và vui chơi thỏa thích. Một núi tiền vàng tiền bạc, tôi nghĩ vậy, không ngớt đổ vào khoảng sân này để đem về không biết bao nhiêu tảng đá cho những người thợ nề ra sức thi công, đập phá, đào xới, tháo rút. Nhưng đó là kỉ nguyên của lòng tin, tiền bạc đổ như nước vào đây để đào móng cho thật sâu, dựng lên tòa nhà, và sau khi tòa nhà đã thành hình, tiền bạc vẫn không ngừng đổ vào từ két của các ông hoàng bà chúa, từ các nhà quý tộc lớn để đảm bảo nơi đây thánh ca luôn vang lên và không bao giờ thiếu học giả đứng trên bục giảng đường. Người ta hiến đất, nộp thuế. Và khi kỉ nguyên của lòng tin trôi qua, nối tiếp bởi kỉ nguyên của duy lí, dòng suối vàng bạc này vẫn không suy suyển chút nào giúp người ta có tiền trợ cấp các chương trình khảo cứu, các lớp giảng huấn; nó chỉ khác ở chỗ những đồng tiền vàng tiền bạc này không đến từ két của các bậc vua chúa như trước đây mà từ túi tiền của các nhà buôn, các nhà sản xuất, các doanh nhân công kĩ nghệ giàu có; họ để lại trong di chúc phần gia sản không nhỏ tặng cho ngôi trường đại học nơi thuở xưa họ đã là sinh viên học hành thành đạt, họ nhớ ơn ngôi trường cũ của họ. Bởi thế mới có thư viện và phòng thí nghiệm, mới có đài thiên văn, mới có những dụng cụ học tập quý giá đắt tiền đặt trong tủ kính nơi nhiều thế kỷ trước cỏ hoang rập rờn dợn sóng và lợn lòi ủi bới rễ cây. Tất nhiên, trong lúc tôi dạo bước quanh sân thư viện, cái nền đúc bằng vàng bằng bạc chắc phải đủ chiều sâu và vững vàng, kiên cố; mặt đường trải ra vững chắc bao phủ lên cỏ hoang. Người đi tấp nập từ cầu thang này sang cầu thang kia với những cái mâm trên đầu. Cửa sổ rực rỡ những chậu hoa hoè. Từ phòng trong, tiếng nhạc từ máy hát phát ra. Chẳng thể nào không ngừng lại định tâm suy tưởng - dòng suy tưởng về cái gì đó đột nhiên bị cắt ngang. Chuông đồng hồ bỗng điểm. Đã đến giờ người ta đi tìm chỗ ăn trưa.
Có một điều lạ lùng là các tiểu thuyết gia thường khiến chúng ta phải tin rằng những bữa tiệc trưa khó quên vì có phát ngôn nào đó thật hóm hỉnh, dí dỏm hoặc có người làm việc gì đó thật thông minh, xuất chúng. Họ rất hiếm khi dành ra dăm ba chữ miêu tả những gì nằm trên bàn ăn. Một trong những quy ước của nhà văn là không được nói về súp, về cá hồi hay vịt con, như thể súp, cá hồi và vịt con chẳng có gì hệ trọng, như thể không bao giờ có người uống rượu hay hút xì gà. Ở đây, tuy thế, tôi sẽ mạn phép bất chấp quy ước này và kể cho các bạn nghe về bữa tiệc trưa. Nó bắt đầu bằng món cá bơn đặt trong cái đĩa sâu, trên đó người đầu bếp của trường phết một lớp kem thật trắng, ngoài ra nó còn được điểm xuyết đây đó bằng những đốm màu nâu trông như những đốm trên sườn con hươu. Sau món cá đến món chim đa đa, nhưng nếu bạn nghĩ trên mặt đĩa chỉ là hai con chim màu nâu trụi lủi thì bạn đoán sai rồi. Chim đa đa có nhiều cách khác nhau nấu với những món đi kèm gồm nước xốt cay và xà lách ngọt; khoai tây xắt mỏng như đồng tiền nhưng không quá cứng; rau cải bên dưới xếp thành hình nụ hồng nhưng trông đầy đặn hơn. Và ngay sau khi đĩa chim đa đa nướng được người hầu bàn lẳng lặng dọn đi, người hầu bàn ở đây chính là ông giám thị chứ không ai khác, và thay vào đó đặt trước mặt mọi người, khăn ăn vẫn thắt trên cổ, là món ngọt tráng miệng mà vị đường ngọt trào lên như con sóng. Gọi nó là bánh put-đinh hay liên tưởng nó đến bột gạo hoặc bột năng là sự xúc phạm nặng nề. Trong lúc đó, rượu vàng rượu đỏ cứ vơi rồi lại đầy hết li này sang li khác. Và bởi thế, le lói tia sáng, từ sống lưng, nơi tâm hồn ngự trị, không phải cái bóng đèn điện nhỏ bé chúng ta thường gọi là sự tinh anh tắt mờ trên đôi môi chúng ta, mà là ánh sáng nằm ở bên dưới, sâu sắc, tinh tế; nó là ánh lửa vàng đậm đầy ấm áp của sự giao tiếp chừng mực. Không việc gì phải vội vã. Cũng chẳng cần phải tỏ ra linh lợi. Không cần đóng vai trò kẻ khác. Tất cả chúng đang cùng Vandyck chắp cánh bay lên thiên đàng - nói cách khác, cuộc sống dường như tươi đẹp, ngọt ngào biết bao, tầm thường thay những chuyện lo buồn, bực dọc, cao cả thay tình bằng hữu và tình đồng loại. Đốt một điếu thuốc lá ngon, người ta ngả người trên cái ghế nệm êm ái bên cửa sổ.
Nếu nhờ may mắn người ta có cái gạt tàn nằm sẵn gần đấy, nếu không, bởi không biết phải làm gì khác hơn trong trường hợp này, người ta đành gạt tàn thuốc ra ngoài cửa sổ, và nếu sự việc khác đi một tí, người ta đã không trông thấy con mèo cụt đuôi ngoài kia. Hình ảnh con vật cụt đuôi bước những bước khẽ khàng băng ngang khoảng sân tứ giác thật bất ngờ soi sáng tiềm thức, làm thức dậy những cảm xúc mới trong tôi. Như thể có người xua tan bóng tối. Có lẽ, sự cầm cố vững chắc đã bắt đầu lung lay. Trong lúc tôi quan sát chú mèo Manx ngập ngừng đứng lại giữa bãi cỏ, như thể chú đang tra vấn vũ trụ này, tôi chợt nghĩ có cái gì đó thiêu thiếu, khang khác. Thế nhưng cái gì thiếu sót, cái gì khác lạ ở đây? Tôi tự hỏi như vậy trong lúc bên tai tiếng người nói chuyện vẫn râm ran. Và để trả lời câu hỏi đó, tôi phải tách dòng suy tưởng ra khỏi gian phòng, ngược về quá khứ, trước chiến tranh nữa, và vẽ ra trước mắt mình hình tượng bữa ăn trưa khác tại gian phòng cách đây không bao lâu; tuy không lâu nhưng rất khác. Mọi thứ đều khác. Trong lúc đó, cuộc trò chuyện vẫn diễn ra giữa các vị khách, đa phần là người trẻ, nữ cũng như nam; câu chuyện cứ thế trôi chảy, đồng điệu, thoải mái, thú vị. Và trong lúc họ nói chuyện, tôi đặt khung cảnh đó lên nền cảnh khác, để chúng đối xứng nhau và tôi nhận ra không có gì nghi ngờ rằng cả hai có nguồn cội chung, cái này là hậu duệ, là sự kế thừa chính thống của cái kia. Chẳng có gì thay đổi, chẳng có gì khác biệt, ngoại trừ - ở đấy tôi lắng nghe với cả hai tai, không phải những gì đang thốt ra từ miệng mọi người, mà là tiếng thì thầm bảng lảng từ đằng sau vọng ra. Vâng, đúng là nó - sự thay đổi nằm ở đấy. Trước chiến tranh, tại bữa tiệc như vậy, nội dung câu chuyện giữa những người có mặt lúc đó cũng y như bây giờ, khác chăng là thanh âm của giọng nói, bởi ở thời đó, giọng nói của người ta như được đệm bởi âm thanh vo ve nào đó, không mạch lạc rõ ràng mà nghe như tiếng nhạc, nó gây khích động và khiến ý nghĩa của ngôn từ như đổi khác. Có cách nào chuyển những âm thanh vo ve đó sang chữ nghĩa được không? Có lẽ là được với sự giúp đỡ của nhà thơ. Cạnh tôi là cuốn sách và tôi thờ ơ giở đến chỗ có bài thơ của Tennyson. Tôi nghe Tennyson cất lên tiếng hát:
Lăn xuống giọt nước mắt tuyệt mĩ
Từ cổng hoa nồng nàn .
Nàng đang đến, con chim bồ câu, người yêu dấu của ta;
Nàng đang đến, cuộc đời ta, định mệnh của ta;
Đóa hồng đỏ thắm kêu lên, ”Nàng đến gần lắm, nàng đến gần lắm rồi”;
Và đóa hồng trắng khóc than, “Nàng đến quá muộn”;
Đóa phi yến lắng tai, “Tôi nghe tôi nghe”;
Và đóa huệ thì thào, “Tôi chờ.”
Có phải đó là những gì đàn ông và cả đàn bà nữa thì thào trong những bữa tiệc trưa thời trước chiến tranh?
Lòng tôi như con chim đang hót
Tổ nó trên máng nước ;
Lòng tôi như cây táo
Với những quá to trĩu cành ;
Lòng tôi như con sò ngũ sắc
Dầm mình trong biển lặng
Lòng tôi vui sướng hơn tất cả
Bởi người tình đang đến với tôi.
Có phải đó là những gì đàn bà thì thào trong những bữa tiệc trưa thời trước chiến tranh?
Có gì đó khôi hài trong lúc nghĩ người ta thì thào những điều như thế tại những bữa tiệc trưa thời trước chiến tranh khiến tôi bật cười, và tôi chỉ vào con mèo Manx để giải thích tiếng cười của mình, con mèo trông hơi kì cục, một con vật đáng thương, cụt đuôi, ngập ngừng giữa thảm cỏ. Nó như thế ngay từ lúc lọt lòng mẹ hay do tai nạn nào? Giống mèo cụt đuôi, mặc dù nghe nói sống trên đảo Man, nhưng hiếm hoi lắm chứ không như người ta nghĩ. Một con vật kì dị, lạ lùng hơn là xinh đẹp. Lạ thay, chỉ cái đuôi thôi mà tạo ra sự khác thường đến thế - bạn biết người ta nói gì rồi trong lúc bữa tiệc trưa kết thúc và họ đi tìm mũ áo, tản mác ra về.
Bữa tiệc này, nhờ lòng hiếu khách của chủ nhân, kéo dài đến xế chiều mới tan. Một ngày tháng Mười đẹp trời đang dần tàn, lá vàng rơi rụng phủ đầy đại lộ tôi ngang qua. Hết cánh cổng này sang cánh cổng khác hình như đang nhẹ nhàng khép lại sau lưng tôi. Không biết bao nhiêu ông giám thị đang tra thìa vào ổ khóa; ngôi nhà chứa đựng bảo vật đang được cẩn thận bảo vệ cho một đêm khác. Từ đại lộ bước ra, người ta gặp con đường khác - tôi quên khuấy tên đường - nó dẫn bạn đến khuôn viên trường Fernham nếu bạn rẽ đúng đường. Nhưng còn nhiều thời gian lắm. Bảy rưỡi mới là giờ ăn tối. Người ta có thể bỏ bữa tối sau bữa trưa như bữa vừa rồi. Thật lạ lùng, những câu thơ rời rạc vẫn lởn vởn trong tâm trí tôi, thúc đôi chân tôi bước đều dọc theo con lộ. Những từ
- Lăn xuống giọt nước mắt tuyệt mĩ
Từ cổng hoa nồng nàn.
Nàng đang đến con chim bồ câu, người yêu dấu của ta
- hát lên trong huyết mạch của tôi lúc tôi bước nhanh về phía Headingley. Thế rồi, chuyển sang một nhịp điệu khác, tôi lại hát, nơi dòng sông bỗng chảy xiết bởi cái đập nước:
Lòng tôi như con chim hót vang
Tổ nó trên máng nước;
Lòng tôi như cây táo…
Quả là những thi sĩ tuyệt vời, tôi kêu to như người ta kêu trong bóng đêm, ôi những thi sĩ tuyệt vời.
Có chút ganh tị, tôi chạnh nghĩ cho thời đại của chúng ta, mặc dù sự so sánh có phần điên rồ và phi lí nhưng trong trí tôi vẫn không ngừng dòng suy tưởng, tôi thắc mắc người ta có thể nào chỉ ra hai thi sĩ đương đại có tầm cỡ lớn lao như Tennyson [14] và Christina Rossetti [15] thuở trước được không. Hiển nhiên là không thể, tôi nghĩ như thế khi so sánh, trong lúc nhìn dòng nước sủi bọt trắng xóa. Thi ca gây say mê với những cái không còn bởi nó ca ngợi niềm cảm xúc người ta từng có (tại những bữa tiệc trưa trước chiến tranh chẳng hạn), do đó người ta phản ứng một cách dễ dàng, tự nhiên, không băn khoăn kiểm điểm lại cảm xúc đó hay so sánh nó với cái mình hiện có. Nhưng ở thời điểm hiện tại, cái cảm xúc mà các thi sĩ đương thời biểu hiện đang hình thành và xé toạc chúng ta ra. Lúc đầu, chẳng ai nhận ra nó cả; thường bởi lí do người ta sợ hãi nó; người ta tinh tế quan sát nó và so sánh nó, vừa ganh tị vừa nghi ngờ, với cảm xúc xưa cũ họ có trước đây. Do đó, thi ca hiện đại trở nên trúc trắc; và chính sự trúc trắc này đã khiến người ta chẳng thể nào nhớ nổi hai câu thơ liên tục của bất kì thi sĩ hiện đại nào. Bởi lí do này - trí nhớ tôi như tan biến - luận cứ yếu ớt vì thiếu dữ kiện. Thế nhưng, tôi tiếp tục biện luận, trong lúc chân vẫn bước đều về phía Headingley, tại sao người ta không thì thào qua hơi thở tại những bữa tiệc trưa nữa? Tại sao Alfred ngừng hát
Nàng đang đến con chim bồ câu người yêu dấu của ta…
Tại sao Christina ngừng đáp lời?
Lòng tôi vui sướng hơn tất cả
Bởi người tình đang đến với tôi?
Hay là chúng ta cứ việc đổ lỗi cho chiến tranh? Khi những họng súng khạc lửa - hôm tháng Tám năm 1914, phải chăng khuôn mặt đàn ông đàn bà bỗng trở nên trần trụi trong mắt nhau đến nỗi sự lãng mạn bị kết liễu? Sốc lắm chứ (nhất là với người phụ nữ nặng ảo tưởng về giáo dục và vân vân) khi thấy mặt các nhà lãnh tụ của chúng ta dưới ánh hoả pháo. Trông họ đến là xấu xí - người Đức, người Anh, người Pháp - đến là ngu xuẩn. Người ta có quyền đổ lỗi lên bất cứ cái gì, bất cứ ai, nhưng cái ảo giác gây cảm hứng cho Tennyson và Christina Rossetti say sưa cất tiếng hát cho người yêu sắp đến bên họ ngày hôm nay thật khan hiếm so với thuở trước. Người ta chỉ cần đọc, nhìn, lắng nghe, ghi nhớ. Nhưng tại sao lại bảo là “đổ lỗi”? Nếu đó là ảo tưởng thì tại sao không ca ngợi điều tai ương, cho dù nó là gì đi nữa, tại sao lại triệt tiêu ảo tưởng và đặt chân lí vào vị trí của nó? Bởi chân lí… những chấm chấm đánh dấu chỗ tôi chưa điền vào, trong lúc mải mê kiếm tìm chân lí, tôi quên khúc quành dẫn đến Fernham. Vâng, hẳn thế rồi, cái gì là chân lí và cái gì là ảo tưởng, tôi tự hỏi. Thí dụ, sự thật về những ngôi nhà này là gì, mơ màng và mĩ miều với cửa sổ sơn đỏ trong bóng tối, nhưng trơ trẽn, đỏ ối, dơ bẩn, bừa bãi bánh kẹo và dây giày lúc chín giờ sáng? Và rặng liễu, dòng sông, những khu vườn nối dài đến dòng sông, lúc này lờ mờ trong hơi sương bao phủ, nhưng trong ánh mặt trời, chúng trở nên lộ rõ màu vàng màu đỏ - đâu là sự thật, đâu là ảo tưởng về chúng? Tôi không để các bạn phải quay cuồng nghiêng ngả với những ý nghĩ này của tôi, bởi chẳng có kết luận nào trên chặng đường dẫn đến Headingley, và tôi yêu cầu các bạn hãy giả định là tôi nhanh chóng nhận ra mình nhầm đường và trở lại con đường cũ đến Fernham.
Như tôi nói, đó là một ngày tháng mười, tôi quả không dám phụ sự lưu tâm của các bạn và gây tổn thương đến danh nghĩa tốt đẹp của tiểu thuyết hư cấu bằng cách đổi mùa trong năm, miêu tả hoa huệ trong vườn hoặc cây nghệ, hoa tuy-líp và những cây cỏ mùa xuân khác. Tiểu thuyết phải bám vào hiện thực, sự vật càng thật tiểu thuyết càng hay - chúng ta được dạy bảo như thế. Bởi thế, lúc này vẫn là mùa thu, lá vàng vẫn chiêng chao rơi rụng, và nếu bạn thấy lá rơi có phần nhanh hơn thì bởi bây giờ trời đã tối (chính xác là bảy giờ hai mươi ba) và làn gió nhẹ (chính xác từ phía tây nam) thổi về. Nhưng dù thế, vẫn có cái gì đó bất thường đang xảy ra:
Lòng tôi như con chim đang hót
Tổ nó trên máng nước;
Lòng tôi như cây táo khích động;
Với những quả to trĩu cành
Có lẽ, ngôn từ của Christina Rossetti phần nào khởi nguồn từ một trí tưởng tượng khác thường - dĩ nhiên, đây chỉ là những điều tưởng tượng hão huyền - những bông huệ đong đưa trên tường khu vườn, những con bướm ma chập chờn nhẹ lướt từ chỗ này sang chỗ kia, và bụi phấn hoa phảng phất trong không gian. Ngọn gió thổi từ phía nào tôi không rõ nhưng nó cuốn lên những chiếc lá nửa vàng nửa xanh khiến không gian như có những ánh bạc lấp lánh. Đó là thời khắc giữa những khoảng ánh sáng khi màu sắc nổi trội một cách dữ dội, màu tím và màu vàng cháy bùng trên kính cửa sổ như nhịp đập đầy khích động của con tim; khi, bởi lí do nào đó, cái đẹp của thế giới hiển lộ ra ngoài nhưng chẳng bao lâu lại tan biến (đấy là lúc tôi đẩy cánh cổng vào khu vườn bởi cổng không khóa và chẳng có ông giám thị nào quanh đó), cái đẹp sắp tan biến của thế giới có hai lưỡi sắc, một lưỡi là tiếng cười, lưỡi kia là sự khổ não, nó cứa quả tim ra làm đôi. Khu vườn Fernham hiện ra trước mắt tôi trong buổi chiều mùa xuân chạng vạng, hoang dã và rộng mở, giữa bãi cỏ rậm, rải rác những khóm thủy tiên và dạ hương trổ lên ngẫu nhiên, trông chúng không còn ở độ rực rỡ nhất, lả lơi theo làn gió như muốn bật lên cả rễ. Cửa sổ tòa nhà cong cong như cửa sổ con tàu, nằm giữa những bức tường gạch đỏ cao rộng, đổi từ màu chanh sang màu bạc dưới ánh sáng của những đám mây xuân, bay lượn trên trời. Có người đang nằm võng, không biết là ai, nhưng dưới luồng sáng này trông như ảo ảnh, một nửa phải đoán, một nửa kia rõ ràng, nó chạy ù qua bãi cỏ - không ai chặn bà ấy lại à? - thế rồi, từ trên thềm nhà, như thể từ bên trong ló ra chỉ để hít thở không khí, chỉ để liếc nhìn khu vườn, một bóng người lưng khòm khòm, phong cách hơn người nhưng vẫn có vẻ khiêm tốn, vầng trán rộng và bộ áo nhàu nhĩ trên người - chẳng lẽ bà là nhà học giả danh tiếng, chẳng lẽ bà chính là J— H—? Cảnh Sắc tuy lờ mờ nhưng dữ dội, như thể tấm khăn choàng mà bóng tối trùm lên khu vườn đột nhiên bị ánh sao hay lưỡi gươm xé toạc làm hai mảnh - vết cắt sâu khoảng không của hiện thực kinh hoàng nào đó đang nhảy ra từ lồng ngực của mùa xuân. Bởi tuổi trẻ…
Tô súp của tôi đây rồi. Nơi ăn tối là một đại sảnh. Thật ra đó là buổi tối tháng mười chứ không phải mùa xuân. Mọi người tụ họp trong đại sảnh ăn bữa tối. Các món ăn đã sẵn sàng. Đây là món súp. Nó chỉ là nước thịt hầm. Chẳng có gì để quấy lên. Nước súp trong đến nỗi người ta có thể nhìn rõ đáy tô để xem có hình vẽ nào dưới đó không. Nhưng cái tô cũng trơn tru như món súp, chẳng có hình vẽ nào dưới đáy. Kế đến là thịt bò ăn với rau cải xanh và khoai tây - ba món hay ăn ở nhà, khiến người ta liên tưởng đến những tảng thịt mông bày bán ngoài khu chợ lầy lội, những bẹ rau cải cong cong rìa lá vàng ủng mà người ta mặc cả, mua được với giá hời, và những người đàn bà tay xách giỏ dây đi chợ vào sáng thứ hai. Không có lí do nào phải phàn nàn về chuyện ăn uống hằng ngày của con người khi nguồn hàng không thiếu và những người thợ mỏ chắc hẳn đang ngồi dùng bữa. Tiếp theo là mận khô và bánh sữa. Và nếu có người nào than phiền mận khô - ngay cả khi được bánh sữa đỡ cho - không phải là rau trái ngon ngọt (nó không phải là hoa quả) và xơ cứng như trái tim kẻ bủn xỉn, tươm ra chất nước lỏng như máu kẻ bủn xỉn suốt tám mươi năm không hề biết mùi rượu cùng sự ấm áp là gì, cũng chưa hề biết giúp đỡ người nghèo khó, thì người ấy nên nhớ là có những người mà ngay cả quả mận khô cũng được lòng từ thiện của họ ban ơn. Kế đó là bánh quy và phô mai, đến đây bình nước được chuyền tay liên tục, bởi bánh quy rất khô, và đây là loại bánh quy thứ thật. Xong. Bữa ăn chấm dứt. Mọi người ai nấy lạo xạo xô ghế đứng dậy; cửa ra vào vung viêng và chẳng bao lâu gian đại sảnh sạch sẽ, không còn dấu vết món ăn nào, hiển nhiên đã sẵn sàng cho bữa sáng ngày mai. Dưới hành lang và trên cầu thang, những người Anh trẻ tuổi chân bước mạnh và miệng hát vang. Và một người khách, một người lạ nơi đây (bởi ở Fernham tôi cũng chẳng có thẩm quyền gì hơn khi ở Trinity hay Somerville hay Girton hay Newnham hay Christchurch) phải nói như thế nào, “Bữa ăn tối thật chẳng ngon miệng tí nào”, hoặc là (lúc này tôi đã ngồi với Mary Seton trong căn phòng riêng của cô) “Bọn mình ăn riêng trên này không được sao?”. Nói như thế hẳn tôi phải là kẻ tọc mạch, thích soi mói bí mật kinh tế của ngôi nhà, bởi dưới mắt kẻ lạ, nó như mang khuôn mặt tươi vui và hùng dũng. Không, chẳng đời nào người ta có thể nói như thế. Và quả nhiên, câu chuyện có chiều buồn chán, kém thú vị. Cơ thể con người, tim, óc, thể xác, trí tuệ, tất cả hòa quyện vào nhau thành một khối, chẳng phần nào tách biệt riêng rẽ được và chúng sẽ như thế cả triệu năm nữa, bởi vậy, bữa tối vô cùng quan trọng khi nó định đoạt câu chuyện sau bữa ăn sẽ thú vị hay buồn chán. Người ta chẳng thể nào nghĩ suy cho sâu sắc, yêu đương cho nồng nàn, thậm chí ngủ cho ngon giấc nếu không có bữa ăn ngon. Ngọn đèn nơi sống lưng không lóe sáng nổi với thịt bò và mận khô. Có lẽ, tất cả chúng ta đều lên thiên đường, và hi vọng Vandyck sẽ đón chúng ta ở ngã rẽ sắp đến - đó là trạng thái lờ mờ, đờ đẫn trong đầu óc, kết quả của một ngày làm việc do thịt bò và mận khô đem lại. Nhưng may mắn thay, trong phòng bạn tôi, giảng viên khoa học trong trường, có cái tủ đựng li tách và cô lôi ra chai rượu khổ dẹp cùng mấy cái li nhỏ - (lẽ ra chúng tôi phải bắt đầu bằng cá bơn và chim đa đa mới đúng) - để chúng tôi có thể sửa chữa lại phần nào những đổ vỡ của cuộc sống trong ngày. Chẳng bao lâu, chúng tôi đã rôm rả thoải mái trao đổi với nhau những câu chuyện tò mò và thú vị chỉ xuất hiện trong đầu trong dịp bạn bè gặp lại và vắng mặt người đang bị nhắc đến - cô nào đó đi lấy chồng, còn cô khác thì chưa; người này nghĩ thế này, người nọ thế kia; người này trở nên thông tuệ khác thường, người khác, thật kinh ngạc, biến thành kẻ xấu - với tất cả những suy xét về bản chất con người cùng tính cách của thế giới lạ lùng chúng ta đang sống, một thế giới từ thuở ban đầu cứ thế tuần tự tiến lên mãi. Tuy nhiên, trong lúc trao đổi với bạn tôi những mẩu chuyện này, tôi bỗng thấy ngượng mặt khi nhận ra tâm trí bị một dòng suy tưởng riêng của mình chi phối và nó cứ phăng phăng một mình dấn tới trước chứ không chịu nghe lời tôi. Người ta có thể nói về xứ Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha, về sách vở, về cuộc đua ngựa, nhưng cái thật sự muốn nói không phải là những điều trên mà là cảnh tượng những người thợ nề lao động trên mái ngói cao cách đây năm thế kỷ. Vua chúa và những nhà quý tộc đem từng bao lớn tiền bạc gia sản đổ xuống lòng đất. Cảnh tượng này cứ thế hiện ra vô cùng sinh động trong trí óc tôi và đặt cạnh là hình ảnh những con bò ốm yếu, khu chợ lầy lội, rau cải héo úa và quả tim rạc rài của những ông già hom hem - hai bức tranh này, như thế đấy, hoàn toàn tách biệt, chẳng dính líu gì với nhau và thật vô lí, không ngừng nhập vào rồi giằng xé lẫn nhau, khiến tôi hoàn toàn phó mặc, chúng không để tôi yên và tôi chẳng có cách nào thoát khỏi chúng. Cách hay nhất, trừ phi câu chuyện có cơ bị phá vỡ, là phơi bày những điều quay quắt đó trong tâm trí tôi ra ngoài không khí, và lúc đó, biết đâu nhờ may mắn nó sẽ tan rã và vỡ thành mảnh vụn như cái đầu vị vua đã chết khi người ta mở nắp quan tài ông trong lâu đài Windsor. Thế rồi, thật ngắn gọn, tôi kể cho Seton nghe về những người thợ nề suốt chừng ấy năm tháng lao động trên nóc tòa giáo đường, về những ông hoàng bà chúa, những tay quý tộc vác từng bao vàng, bao bạc trên lưng mà họ xúc đất để đồ xuống; rồi sau đó, những tay tài phiệt lớn của thời đại chúng ta đến đặt xuống chi phiếu và trái phiếu ngay nơi mà tôi đồ rằng những người khác trước họ đặt xuống không biết bao nhiêu nén bạc, thỏi vàng. Tất cả những thứ đó nằm dưới chân ngôi trường đại học dưới kia, tôi bảo bạn tôi thế; nhưng tại ngôi trường này, nơi chúng ta đang ngồi, cái gì nằm dưới chân bức tường gạch đỏ uy nghi và đám cỏ hoang xơ xác trong vườn? Có sức mạnh gì ẩn chứa đằng sau những bát đĩa sứ đơn sơ thô lậu mà chúng ta không thể phủ nhận, và (đến đây tôi buột miệng nói trước khi biết mình hớ) đằng sau thịt bò, bánh sữa và mận khô?
Ừ, Mary Seton lên tiếng, vào quãng năm 1860 - Ồ, nhưng mà chị biết chuyện đó rồi, cô bảo tôi, tôi kể ra đây lần nữa thì chán chết được. Nhưng rồi cô vẫn kể. Đi thuê phòng. Ủy ban họp hành liên miên. Viết địa chỉ lên phong bì. Rồi soạn thảo thông tri. Rồi lại họp hành; lại đọc thư; ai cũng hứa hẹn đủ điều; nhưng sự thật thì ông - một xu cũng không cho. Tờ Thứ bảy điểm báo còn có những bài báo với lời lẽ hết sức thô lỗ. Cách nào cho chúng tôi quyên tiền để trang trải các phí tổn của nhà trường? Hay chúng tôi sẽ phải đứng bán hàng từ thiện? Phải chăng chúng tôi không tìm được cô gái đẹp nào để ngồi nơi hàng ghế đầu? Hãy đọc lại những gì John Stuart Mill viết về vấn đề này. Có ai thuyết phục được biên tập viên của báo - in cho chúng tôi lá thư không? Chúng tôi có thể lấy chữ kí của Lady không? Lady - đã đi khỏi thành phố. Sáu mươi năm trước, tôi đồ rằng chuyện diễn tiến như thế, và công sức mọi người đổ ra không biết bao nhiêu mà kể, tốn không biết bao nhiêu thì giờ liên hệ trong chuyện này. Và sau thời gian dài vất vả cộng với những khó khăn cùng cực, họ quyên được tổng cộng ba mươi nghìn bảng [16] . Bởi thế, hiển nhiên trên bàn chúng tôi không có rượu và chim đa da, cũng chẳng có kẻ hầu người hạ đội trên đầu cái dĩa thiếc, cô nói tiếp. Chúng tôi không có ghế dài, không có phòng riêng. “Những tiện nghi,” cô bảo, trích dẫn từ cuốn sách khác, “còn phải chờ mới có” [17] .
Những phụ nữ đó, năm này qua năm khác, quyên được hai nghìn bảng đã là chuyện cực kì khó khăn, nói gì là ba mươi nghìn, ngẫm nghĩ đến đấy chúng tôi bỗng thốt lên lời khinh miệt sự nghèo nàn đáng trách của phái nữ. Những bà mẹ của chúng tôi làm gì mà chẳng thấy họ để lại gia tài nào cho chúng tôi? Họ lo trang điểm tỉ mỉ khuôn mặt? Hay đi ngắm các cửa hiệu bán hàng? Đi khoe thân hình dưới nắng biển Monte Carlo? Trên bệ lò sưởi có vài khung ảnh. Mẹ của Mary - nếu quả đấy là ảnh của bà - có thể là kẻ vô tích sự trong lúc rỗi rãi (bà có mười ba người con với ông chồng mục sư), nhưng nếu bà quả là người như thế thì gương mặt bà chẳng hề có dấu vết gì chứng tỏ bà từng sống cuộc đời tươi vui, phóng dật. Trông bà thật giản dị, chất phác; một bà lão với chiếc khăn choàng buộc lại bởi cái kẹp ngũ sắc lớn; bà ngồi trong ghế mây, khuyến khích con chó xù nhìn vào ống kính máy ảnh với vẻ mặt thích thú, nhưng là sự thích thú ngấm ngầm của người biết chắc con chó sẽ cong đuôi chạy mất khi bóng đèn chớp lóe lên. Phải chi bà là doanh nhân; phải chi bà là chủ nhân cơ xưởng chế tạo tơ nhân tạo hoặc nhà tài phiệt của thị trường chứng khoán; phải chi bà để lại hai hay ba trăm nghìn bảng cho Trường Fernham thì tối hôm nay, chúng tôi đã thoải mái ngồi đàm đạo và đề tài chúng tôi đem ra thảo luận có thể là khảo cổ học, thực vật học, nhân chủng học, vật lí học, bản chất của nguyên tử, toán học, thiên văn học, thuyết tương đối, địa lí học. Phải chi bà Seton và mẹ của bà và mẹ của mẹ bà học được cái nghệ thuật kiếm tiền vĩ đại và để lại tài sản cho con gái, cháu gái, giống như những người cha, người ông bỏ của cải ra thành lập những học bổng, những giải thưởng khuyến học dùng trong việc giúp đỡ cho sự nghiệp cho con trai, cháu trai họ, thì rất có thể, chúng tôi đã khoan khoái ngồi riêng biệt ở đây với một con chim nướng và một chai rượu; chúng tôi có thể mong đợi với niềm tin không hề thái quá về suốt quãng đời tương lai đẹp đẽ, vui tươi và danh giá nhờ nương tựa vào một cái nghề không bao giờ thiếu tiền tài trợ. Rất có thể chúng tôi sẽ đi thám hiểm hoặc viết lách; thơ thẩn ở khắp những danh lam thắng cảnh trên mặt địa cầu; ngồi suy tưởng trên bậc thang lâu đài Parthenon, hoặc đi làm lúc mười giờ và bốn giờ rưỡi đã thong thả về nhà ngồi viết một bài thơ ngăn ngắn. Tuy thế, nếu bà Seton và các bà mẹ khác như bà đều trở thành doanh nhân vào tuổi mười lăm cả thì - và đây là trở ngại của luận cứ - đã chẳng có Mary. Tôi hỏi Mary nghĩ gì về điều đó? Giữa những bức màn cửa là đêm tháng Mười yên ắng và đẹp đẽ với đôi ba ngôi sao vắt vẻo giữa lùm cây vàng óng. Liệu cô đã sẵn sàng từ bỏ phần đời cô và những kỉ niệm (về gia đình tuy đông đúc nhưng hạnh phúc) chơi đùa cũng như cãi cọ nhau dưới mái nhà quê hương Scotland đất lành, trái ngọt, bánh ngon của cô để ngôi trường Fernham này chỉ cần ngoắng ngòi bút một cái là có ngay ngân khoản trên dưới năm mươi nghìn bảng? Bởi tài trợ trường ốc học đường có nghĩa là gia đình sẽ bị bỏ bê. Gây dựng gia sản và đẻ mười ba đứa con - là việc không ai có thể chịu đựng nổi. Hãy nhìn vào thực tế, chúng tôi bảo nhau thế. Trước hết, phải mất chín tháng trời đứa bé mới ra đời. Rồi đứa bé sinh ra. Rồi phải mất ba bốn tháng đút cho bé ăn. Đút cho bé xong dĩ nhiên lại mất cả năm năm chơi đùa với bé. Dường như, bạn chẳng thể nào để trẻ con chạy đùa tứ tung ngoài đường sá. Những người thấy cảnh trẻ con chơi đùa loạn xạ ở Nga nói rằng trông nó chẳng đẹp mắt tí nào. Người ta cũng bảo con người có nên người hay không là ở thời gian từ một đến năm tuổi. Tôi bảo Mary, nếu bà Seton là người làm ra tiền thì những kỉ niệm vui chơi hay cãi cọ nào đọng lại trong chị? Chị nhớ gì về Scotland, xứ sở của không khí trong lành, các loại bánh ngon và biết bao điều khác? Nhưng thật vô ích khi hỏi những câu hỏi này, bởi chị sẽ chẳng bao giờ hiện hữu trên cõi đời. Hơn nữa, cũng vô ích không kém khi hỏi chuyện gì có thể xảy ra nếu bà Seton, mẹ của bà và mẹ của mẹ bà trước đó tích luỹ một gia sản khổng lồ và đem đặt ra dưới nền trường học, thư viện. Vô ích thôi bởi, thứ nhất, kiếm tiền là cái gì gần như bất khả đối với họ; thứ hai, cứ cho là họ có thể thì luật lệ thời đó không cho phép họ có quyền giữ riêng đồng tiền do chính tay họ làm ra. Chỉ bốn mươi tám năm vừa qua, bà Seton mới có quyền giữ một xu trong túi tiền của chính mình. Ở những thế kỷ trước, tiền bà làm ra là tài sản của người chồng - và có lẽ lí do này đã khiến bà Seton và những bà mẹ của bà chẳng hề bén mảng đến sàn giao dịch thị trường chứng khoán bao giờ. Họ có thể thốt lên rằng mỗi đồng xu tôi làm ra đều bị lấy đi và do chồng tôi định đoạt việc tùy nghi tiêu dùng - có lẽ để thành lập học bổng hoặc tài trợ chương trình giáo dục nào đó cho Trường Balliol hay Trường King, bởi thế, chuyện kiếm tiền, ngay cả nếu tôi có khả năng làm điều đó, chẳng phải là vấn đề khiến tôi bận tâm. Tốt hơn là tôi để việc đó cho chồng tôi làm.
Dù sao đi nữa, dù bà lão trong ảnh đang nhìn con chó xù là người đáng khiển trách hay không, điều chắc chắn, không nghi ngờ chút nào, là bởi lí do nào đó các bà mẹ chúng tôi đã vô cùng vụng về trong việc quản lí tiền nong… Một xu cũng không có dành cho các “tiện nghi”; cho rượu và chim đa đa; cho thảm cỏ và giám thị; cho sách vở và xì gà; cho thư viện và những cuộc vui. Dù cố gắng đến cùng cực, họ chỉ có thể dựng lên những bức tường trơ trụi từ đất đen.
Cứ thế, chúng tôi đứng trò chuyện nơi cửa sổ, mắt nhìn xuống, như hàng nghìn hàng vạn người nhìn mỗi đêm, những mái tròn và tháp cao của cái thành phố danh tiếng dưới kia. Cảnh tượng thật đẹp dẽ, vô cùng bí ẩn trong đêm thu trăng sáng. Bức tường đá cổ toát ra màu sáng trắng và vẻ đường bệ. Người ta có thể nghĩ về không biết bao nhiêu sách vở tích luỹ dưới đấy; và chân dung những giám mục, chức sắc treo trên tường; cửa kính sơn màu chiếu xuống mặt đường những hình tròn và hình lưỡi liềm lạ mắt; bia đá khắc những câu tưởng nhớ, ghi ơn, đề tặng; bồn phun nước trên thảm cỏ xanh; những gian phòng yên ắng trông ra khoảng sân tứ giác cũng yên ắng. Và (cho tôi xin lỗi ở đây) tôi cũng không quên nghĩ nốt về cái ghế bành êm ái trong gian phòng trải thảm đẹp mắt, cùng điếu thuốc và li rượu ngọt lịm: những thứ thanh lịch, phong nhã, sang trọng, kết quả của sự giàu có xa xỉ, của đặc quyền, của sự ban phát rộng rãi. Hiển nhiên, các bà mẹ chúng tôi đã không để lại cho chúng tôi bất kì thứ gì có thể so sánh với những điều này - những bà mẹ vấp phải biết bao khó khăn quyên góp ba mươi nghìn bảng, những bà mẹ đẻ đến mười ba đứa con cho các ông mục sư nhà thờ Thánh Andrew.
Thế rồi, tôi quay về nhà trọ, và trong lúc một mình đi bộ xuyên qua những con đường tối tăm, lòng tôi lại dấy lên điều này điều kia, như người ta nghĩ về những chuyện xảy ra sau ngày làm việc. Tôi nghĩ tại sao bà Seton không có tiền để lại cho chúng tôi; và cái nghèo ảnh hưởng gì đến trí tuệ; còn ảnh hưởng của sự giàu có thì như thế nào; tôi cũng nghĩ đến những ông lão kì quặc với khăn lông thú vắt trên vai tôi gặp lúc sáng; tôi nhớ nếu như có người huýt còi thì một người trong số họ sẽ vụt bỏ chạy như thế nào; tôi nhớ tiếng đại phong cầm ồn ã từ trong giáo đường vọng ra và cánh cửa thư viện đóng chặt; tôi nghĩ thật buồn nếu bị cấm cửa như thế, nhưng có lẽ còn buồn hơn nếu bị nhốt bên trong; và, trong lúc lan man suy nghĩ đến sự yên ổn, giàu có của một giới phái bên cạnh sự thiếu thốn, bất an của giới phái kia, đến ảnh hưởng của truyền thống, phi truyền thống lên tâm thức nhà văn, tôi chợt nghĩ đã đến lúc phải cuộn tròn lớp da rúm ró của ngày trời với tất cả những lí lẽ cùng ấn tượng, cái giận dữ lẫn cái nực cười, và ném tất cả vào bờ dậu. Nghìn ngôi sao nhấp nháy trên nền trời xanh bao la. Vẻ như, người ta thật đơn độc trước một xã hôi bí hiểm khôn dò. Mọi người ai nấy đều say ngủ - nằm sấp mặt, thẳng thượt, câm nín. Chẳng thấy ai sôi động nơi đường sá Oxbridge. Thậm chí, cánh cửa khách sạn bật mở khi bàn tay vô hình vừa chạm vào - và anh nhân viên khách sạn soi đèn cho tôi vào giường ngủ cũng chẳng thấy đâu, đêm đã khuya lắm rồi.
Chương một
Tiến >>
Nguồn: TVE 4U
Được bạn: Mot Sach đưa lên
vào ngày: 31 tháng 10 năm 2024