Khao Khát Yêu Đương

yukio mishima

Chương 1

Ngày hôm đó, Etsuko mua hai đôi tất bằng lông tái chế ở cửa hàng bách hóa Hankyu. Một đôi màu xanh đậm. Một đôi màu trà. Đều là những đôi tất đơn giản và không có hoa văn.

Dù đã đến Osaka nhưng sau khi mua xong đồ ở ga cuối Hankyu, Etsuko nghĩ nên ngay lập tức lên tàu điện trở về, không nán lại xem phim, đi ăn hay uống trà. Đối với Etsuko, không gì đáng ghét bằng đường phố đông đúc ồn ào.

Nếu muốn đi, chỉ cần xuống dưới cầu thang, đến ga ngầm Umeda 1 rồi từ đó đi đến Dotonbori và Shinsaibashi bằng tàu điện ngầm, cũng không có gì là phiền phức. Thêm nữa, băng qua ngã tư phía ngoài cửa hàng bách hóa chính là khu phố mang theo tất cả làn sóng đô thị, những lớp sóng phồn hoa đang tiến lại gần hơn. Bên đường, mấy cậu bé đánh giày cao to mời gọi khách.

Người sinh ra và lớn lên ở Tokyo như Etsuko rõ ràng không mấy hiểu về Osaka. Chỉ có một sự lo sợ vô cớ rằng, ẩn giấu nơi đô hội kia là gì? Là giới quý tộc, lũ lưu manh, chủ công xưởng, người môi giới chứng khoán, gái bán hoa, kẻ buôn thuốc phiện, nhân viên công ty, lũ lừa đảo, chủ ngân hàng, chính quyền địa phương, các ông nghị, người kể chuyện Gidayu 2 , những người phụ nữ làm vợ lẽ, những bà nội trợ chặt chẽ tiền bạc, kí giả, người kể chuyện cười ở kịch quán, gái quán bar, người đánh giày. Tất cả họ đều tồn tại ở đây. Nhưng thực ra nỗi lo sợ của Etsuko không phải là về nơi phồn hoa đầy ắp những loại người ấy, mà có lẽ đơn giản chính là cuộc sống. Cuộc sống thì vô hạn, đầy rác rưởi lênh đênh, dễ đổi thay, tràn lan bạo lực nhưng vì lẽ gì lại luôn như mặt biển tràn đầy một màu xanh trong sạch như thế?

Khi Etsuko đút hai đôi tất vào đáy chiếc túi mua hàng làm bằng vải hoa thì đột nhiên một tia chớp giáng xuống, cánh cửa sổ mở toang, nghe loáng thoáng tiếng các giá thủy tinh trong cửa hàng va đập xen lẫn tiếng sét rất rát.

Gió thổi đến làm đổ tấm biển nhỏ, miếng giấy ghi dòng chữ “bán sản phẩm đặc biệt” rũ xuống phất phơ. Nhân viên cửa hàng chạy vội ra đóng cửa sổ lại. Trong cửa hàng tối om. Vốn dĩ đèn điện được bật cả ngày nhưng trong tình trạng hiện tại, suy nghĩ nhanh chóng muốn tăng độ sáng của đèn hoàn toàn có thể hiểu được. Dẫu vậy, tuyệt nhiên không có một hạt mưa nào rơi xuống.

Etsuko luồn cánh tay vào quai chiếc giỏ bằng trúc. Quai giỏ cứ thế chà xát vào da từ cổ tay lên tận khuỷu tay 3 . Cô xoa hai lòng bàn tay vào má. Hai má trở nên nóng rõ rệt. Việc này vẫn thường xuyên xảy ra. Chẳng vì lý do gì, cũng không hẳn là bệnh tật, đôi má cứ như thể bất ngờ bị lửa thiêu. Bàn tay con gái vốn mềm yếu nay nổi lên những vết chai sần, cháy nắng. Như thể cứu vãn chút nữ tính còn lại, đôi bàn tay thô ráp cọ vào hai má ửng hồng. Điều này làm má Etsuko càng nóng hơn.

Bây giờ dường như việc gì cũng có thể làm được. Đi qua ngã tư đó rồi cứ thế đi bộ như đang bước trên một tấm ván nhảy cầu, cảm giác như có thể nhào lộn rồi rơi tõm vào trong trung tâm thành phố. Mắt của Etsuko nhìn như dán vào đám người hờ hững đi qua đống hàng hóa bày biện hỗn loạn giữa những gian hàng. Một cách vô thức, cô nhanh chóng đắm đuối vào mộng tưởng. Người phụ nữ lạc quan này khuyết thiếu bản năng tưởng tượng ra sự bất hạnh của phái nữ. Sự nhút nhát của cô cũng từ đó mà ra.

Điều gì mang đến dũng khí nhỉ? Tiếng sét hay là hai đôi tất mới mua? Etsuko rẽ đám đông, nhanh chóng bước xuống cầu thang. Cầu thang đông đúc. Xuống đến tầng hai rồi từ đó đến khoảng không gian rộng ở tầng một, gần với nơi bán vé tàu tuyến Hankyu.

Cô nhìn ra ngoài cửa, trong một, hai phút đột ngột một cơn mưa trút xuống như thác. Cơn mưa như thể cứ rơi mãi như vậy từ rất lâu rồi làm toàn bộ vỉa hè ướt nhẹp, bắn lên những giọt nước mãnh liệt.

Etsuko đến gần cửa ra. Lấy lại sự lạnh lùng thường có, cảm thấy rất yên tâm. Rồi như thoáng nhớ ra một điều khiến đầu choáng váng nhẹ. Cô không mang theo ô, không thể đi ra ngoài... Không phải là không thể đi, mà là thấy không cần phải đi nữa.

Đứng bên cạnh cửa ra, cô nhìn nơi những dãy cửa hàng liên tiếp nhau, những biển chỉ đường và tàu điện nội đô nhạt nhòa trong màn mưa. Chưa lao vào cơn mưa mà vạt áo đã ướt hết rồi. Nơi cửa ra rất đông người. Một người đàn ông đội túi xách lên đầu chạy đến. Một người phụ nữ mặc Âu phục trùm tóc bằng khăn. Tất cả đều chạy đến chỗ Etsuko cứ như thể cô chính là lý do khiến họ tập trung ồn ào như vậy. Chỉ một mình cô không ướt. Những người có vẻ như dân văn phòng xung quanh cô, ai nấy đều ướt như chuột lội. Họ buông những tiếng oán trách thời tiết, những lời bông đùa, rồi họ cho rằng việc đội mưa chạy đến ít nhiều không phải là lựa chọn đúng đắn. Rồi với khuôn mặt dường như không biết nói gì thêm, họ đành đồng loạt hướng về phía cơn mưa. Etsuko cùng với những gương mặt ướp nhẹp ấy cũng ngẩng đầu nhìn mưa. Cơn mưa từ nơi cao vô hạn trút xuống giống như muốn nhắm thẳng đến gương mặt họ, rơi một cách rất có quy tắc. Tiếng sấm đã đi xa. Âm thanh của cơn mưa làm thính giác tê dại, trái tim cũng tê dại. Thỉnh thoảng có tiếng còi ô tô làm đứt mạch suy nghĩ của cô. Một tiếng hét chói tai từ chiếc loa phát thanh của nhà ga. Nhưng âm thanh này cũng chẳng át nổi tiếng mưa.

Etsuko tách khỏi đám người trú mưa, xếp vào hàng dài những người đang chờ mua vé. Ga Okamachi của tuyến Hankyu Takarazuka từ ga Umeda đi khoảng ba, bốn mươi phút là tới. Tàu tốc hành không dừng ở đây. Sau khi nạn dân chiến tranh từ Osaka tràn đến, rất nhiều nhà ở xã hội được xây dựng bên ngoài thị trấn nên dân số của thành phố Toyonaka tăng đáng kể. Nơi Etsuko sống là làng Maiden cũng nằm trong nội thị Toyonaka, thuộc Osaka. Hiểu trên một phương diện nào đó thì không phải là một vùng quê.

Tuy nói như thế nhưng muốn mua đồ một cách chu đáo hơn và rẻ hơn thì vẫn phải đi đến Osaka tốn hơn một giờ tàu. Ngày mai là tiết Thu phân, Etsuko rất muốn mua một quả bưởi đặt lên bàn thờ của người chồng Ryosuke. Bưởi là thứ quả anh rất yêu thích. Đáng tiếc, quầy bán hoa quả của cửa hàng bách hóa chẳng còn một quả bưởi nào. Thật tâm cô không muốn ra ngoài mua. Thế mà bị lương tâm lên án hay một sự thôi thúc ngấm ngầm nào đó mà cô lại đi vào nội đô rồi bị cơn mưa ngáng đường. Tất cả chỉ có thế. Hoàn toàn không có lý do nào khác nữa.

Etsuko lên chuyến tàu chậm đi về hướng Takarazuka. Từ ghế ngồi nhìn ra ngoài song cửa, cơn mưa vẫn chưa ngừng rơi. Người đứng trước mặt đang đọc một tờ báo buổi chiều, mùi mực in kéo cô ra khỏi cơn mộng. Như một kẻ đang làm việc trái lương tâm, cô lén nhìn xung quanh. Chẳng có chuyện gì cả.

Người lái tàu thổi lên một hồi còi run rẩy, tiếng con tàu nghiến vào đường ray nặng nề. Rồi cứ như thế, con tàu lại bắt đầu khởi hành, lặp đi lặp lại một cách đơn điệu. Ga nối ga. Con tàu uể oải tiến lên phía trước.

Mưa đã tạnh. Etsuko ngoái cổ nhìn, từ trong những đám mây phóng ra vô số tia sáng huy hoàng. Ánh sáng giống như cánh tay trắng muốt mệt mỏi đặt lên những tòa nhà xã hội ở ngoại ô Osaka.

Etsuko đi bộ giống như một bà bầu, cách đi khiến người ta cảm thấy như thể cô cố tình tỏ vẻ lười biếng. Tuy nhiên tự bản thân cô lại không ý thức được điều đó, vừa hay cũng chẳng có ai nhắc nhở, nên giống như miếng giấy bị một đứa nhóc nghịch ngợm lén lút dán lên cổ áo bạn bè, dáng đi đó thành hình ảnh đặc trưng của cô.

Từ trước ga Okamachi đi qua cổng đền Hachimangu rồi ra khỏi con phố giàu có giống như một đô thị thu nhỏ, cuối cùng đến một nơi thưa thớt nhà cửa. Cũng nhờ những bước chân uể oải của mình mà màu sắc hoàng hôn ôm trọn lấy Etsuko.

Khu nhà ở xã hội đã lên đèn. Một vùng dân cư vô vị với vô số những căn nhà hình thức giống nhau, nhỏ bé như nhau, sinh hoạt giống nhau, nghèo đói như nhau. Con đường đi qua nơi này dù là đường gần nhưng luôn bị Etsuko né tránh. Khi đi qua đó buộc phải liếc vào căn phòng của họ, có tủ trà, bàn trà, radio, chăn nệm. Có lúc đột ngột đập vào mắt cô là một bữa ăn nghèo nàn. Trong làn khói nóng nghi ngút của bữa ăn, cô cảm thấy cực kì tức giận. Trái tim của một người chỉ có khả năng thích nghi với hạnh phúc như cô, không thể nhìn nổi sự khốn cùng ấy, thứ lọt được vào mắt chỉ có thể là khung cảnh hạnh phúc mà thôi.

Con đường tối tăm, lũ côn trùng bắt đầu cất lên những tiếng rỉ rả. Đâu đó trong vũng nước phảng phất sắc chiều tàn. Hai bên là ruộng lúa có những cơn gió hiu hiu mang theo hơi ẩm. Trên ruộng dập dờn những làn sóng lúa nhấp nhô, những bông lúa đã gục đầu, không giống như vẻ rực rỡ vàng ươm khi ban ngày, ban đêm trông chúng giống như một tập hợp vô số những thực vật buồn bã.

Đi qua những con đường quanh co ảm đạm và vô nghĩa, vốn là đặc trưng chỉ có ở vùng quê, Etsuko đi vào con đường mòn ven suối. Vùng quanh đây toàn bộ đều thuộc làng Maiden. Nằm giữa con suối và đường mòn là một rừng trúc ken dày. Từ vùng này đến Nagaoka, sản vật nổi tiếng nhất chính là Trúc sào. Cuối rừng trúc hiện ra một cây cầu gỗ bắc qua con suối, chỗ đó chính là nơi bắt đầu con ngõ nhỏ. Etsuko đi qua cầu, đi qua trước nhà của người tá điền, ở giữa những cây phong và cây ăn quả, bao quanh bởi những cây trà cổ thụ, rẽ vào một khúc quanh co, bước lên một bậc đá. Nơi đó thấp thoáng một biệt thự, một nơi chẳng có gì nổi bật, lại có một người chủ có tinh thần tiết kiệm cao. Khi mở cánh cửa làm bằng gỗ rẻ tiền không mang lại chút nhã hứng nào sẽ đi vào bên trong nhà Sugimoto. Ở góc phòng, lũ trẻ con của cô em dâu Asako đang cười.

Lũ trẻ đó vì cái gì mà cứ cười như thế?! Cô tuyệt nhiên không cho phép chúng cười kiểu thách thức, hỗn xược như vậy. Etsuko dùng dằng suy nghĩ đó trong đầu, cuối cùng chỉ đặt túi mua hàng lên bậc cửa.

Sugimoto Yakichi đến làng Maiden mua hơn ba mươi ba nghìn mét vuông đất vào năm Chiêu Hòa thứ 9 (1934), năm năm trước khi lão thôi việc ở công ty Thương thuyền Kansai.

Yakichi xuất thân là con trai của một tá điền ở ngoại ô Tokyo, tự làm thêm để trang trải học hành, sau khi tốt nghiệp đại học thì gia nhập công ty Thương thuyền Osaka - Kansai ở Dojima. Ổn định công việc liền đón vợ từ Tokyo xuống cùng sinh sống. Đem phần lớn tài sản đến Osaka, ba đứa con trai vẫn ăn học ở Tokyo. Năm Chiêu Hòa thứ 9 được thăng chức lên quản lý cao cấp, năm Chiêu Hòa thứ 13 trở thành giám đốc, năm tiếp theo chủ động từ chức rời khỏi công ty trong vinh quang.

Thỉnh thoảng trong lúc đi tảo mộ bạn cũ tại khu nghĩa trang thành phố tên là Hattori, vợ chồng Sugimoto dần say mê vùng đất hiền hòa với địa thế nhấp nhô này, hỏi ra mới biết là làng Maiden. Họ tìm thấy một mảnh đất tuyệt đẹp ở rừng cây cổ thụ, bên một con dốc được bao trùm bởi rừng hạt dẻ và rừng trúc. Năm Chiêu Hòa thứ 10 thì xây dựng biệt thự ở đây, đồng thời giao phó khu vườn cây ăn quả cho một nghệ nhân làm vườn nổi tiếng.

Tuy vậy, có chút trái với hi vọng của vợ và những đứa con trai nhà Sugimoto vẫn muốn biến biệt thự trở thành nơi ở thường xuyên, hưởng cuộc sống biệt trang nhàn tản, thì cả gia đình chỉ về đây vào mỗi cuối tuần bằng xe ô tô từ Osaka. Bởi vậy, nơi đây không khác gì một nơi tạm dừng chân chỉ để vui vẻ với ánh nắng và những cánh đồng. Trưởng nam nhà Sugimoto, Kensuke vốn là người không quan tâm đến những thú vui nghệ sĩ điền viên, trong lúc uể oải vì di chuyển nhiều đã lên tiếng phản đối hứng thú lành mạnh của cha mình. Từ tận đáy lòng anh ta rất coi thường điều đó nhưng kết cục thì lần nào cũng bị người cha gạt đi. Bất đắc dĩ, anh ta đành tham gia làm vườn với các em mình nữa.

Những gia đình giàu có ở Osaka, với tính keo kiệt bẩm sinh cùng với lối sinh hoạt theo kiểu kinh kỳ, đã trở thành mảnh đất tốt lành cho triết lý bi quan phát triển rực rỡ. Điều đó thể hiện ở việc không ít người xây những biệt thự không phải ở những bãi biển nổi tiếng hay khu suối nước nóng mà ở vùng núi, trên những mảnh đất vừa ít tốn tiền vừa không phải nhờ vả quan hệ cũng dễ dàng có được.

Sau khi Sugimoto Yakichi nghỉ việc thì cả gia đình chuyển hẳn về ở làng Maiden. Cái tên Maiden có lẽ mang nghĩa là “ruộng lúa”. Lợi dụng sự trù phú của vùng đất buồn tẻ vốn bị nước biển bao trùm thời viễn cổ này, nhà Sugimoto bắt đầu trồng cây ăn quả và rau củ trên hơn ba mươi ba nghìn mét vuông đất của mình. Với nhân lực là một hộ tá điền và ba người làm vườn cùng sự trợ giúp của một nghệ nhân làm vườn nghiệp dư, sau một vài năm những quả đào của nhà Sugimoto trở thành sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường.

Sugimoto Yakichi đã từng có cái nhìn hững hờ với chiến tranh nhưng sau đó quan điểm này thay đổi một cách kì lạ. Bọn thị dân không biết lo xa nên khi chiến tranh kết thúc phải dùng đồ cấp phát miễn phí một cách dè sẻn hoặc phải mua gạo lậu với giá cao. Lão tiên đoán được điều đó nên mới có thể ung dung với cuộc sống tự cấp tự túc ở thôn trang này. Muốn vậy chẳng còn cách nào khác là phải nghỉ việc ở công ty. Nếu quy tất cả về thành tích của việc nhìn xa trông rộng thì lão cũng nghỉ việc công ty bằng chính suy nghĩ nhìn xa trông rộng này. Nhìn vẻ mặt của lão thì dường như mọi sự mệt mỏi hay đau khổ của một doanh nhân hết thời, giống như sự đau khổ và mệt mỏi của một kẻ tù tội, đều đã bị lão vất lại đằng sau. Rồi lão tìm thấy niềm vui từ việc nói xấu những người chẳng có oán thù gì đặc biệt với mình. Lão phỉ báng quân đội. Những lời phỉ báng đó càng dữ dội hơn sau khi bà vợ lão vì viêm phổi cấp tính mà sử dụng thuốc do một người bạn ở Bộ Tư lệnh quân sự Osaka giới thiệu, là loại thuốc mới được một trường quân y điều chế. Hiệu quả chẳng thấy đâu, người thì chết.

Lão tự tay cắt cỏ, tự tay cày bừa, dòng máu nông dân trong người lại cuộn chảy. Hứng thú ruộng vườn trở thành một cảm xúc mãnh liệt. Không bị vợ nhìn, không bị xã hội giám sát, giờ đây ngay cả hỉ mũi cũng dám. Từ tận sâu trong cơ thể già nua ấy thường xuyên bị áo ghi lê, dây xích vàng đeo áo và dây đeo quần bức bách nên khi cốt cách nông dân được đánh thức, từ phía dưới khuôn mặt lúc nào cũng nghiêm cẩn lộ ra khuôn mặt của một tá điền. Nếu nhìn vào khuôn mặt ấy sẽ thấy ánh mắt sắc lẻm và đôi lông mày giận dữ, đáng sợ hơn cả một con quỷ nhưng thực tế thì đó cũng chỉ là kiểu khuôn mặt của một ông lão nông dân mà thôi.

*

Có thể nói từ khi sinh tới nay, bây giờ Yakichi mới được làm chủ đất. Giờ đây, lão sở hữu đầy đủ nhà đất ruộng vườn. Trước kia, trong con mắt của lão, nông trang này cũng chỉ là một nơi để xây nhà, thế mà bây giờ, lão mới nhìn ra nơi đây chính là đất đai sinh lợi. Khi bản năng lý giải khái niệm sở hữu dưới hình thức đất đai quay lại thì cũng là lúc lão xác định được suy nghĩ rằng đang chạm cả đôi tay lẫn trái tim vào sự nghiệp của đời mình. Bằng suy nghĩ của một tên nhà giàu mới phất, lão nguyền rủa cha ông mình khi họ chẳng sở hữu một mét vuông đất nào. Từ tâm lý gần giống như muốn báo thù, lão già Yakichi liền xây một ngôi mộ tổ tiên rất to trong chùa Bodai ở quê nhà. Thế mà một cách đầy bất ngờ, ngay lập tức lão đưa mộ Ryosuke - con trai thứ hai của lão vào đấy. Nếu thế thì chẳng phải nên xây ở nghĩa trang Hattori ngay cạnh làng Maiden là tốt nhất hay sao?

Lũ con trai chẳng mấy khi xuống Osaka chơi cũng không thể lý giải được sự thay đổi này của cha mình. Đối với trưởng nam Kensuke, thứ nam Ryosuke, con út Yusuke, hình ảnh người cha trong lòng họ ít nhiều có sự khác biệt, hình ảnh ấy vốn được dạy dỗ bởi chính người mẹ hiện giờ đã khuất núi của họ. Bà mẹ nhiều khuyết điểm ấy xuất thân trong một gia đình trung lưu ở Tokyo chỉ cho phép chồng mình học phong thái, lễ nghĩa của giới thượng lưu. Cho đến lúc chết, bà vẫn không chấp nhận việc chồng dùng tay hỉ mũi trước mặt người khác, móc gỉ mũi cũng bị cấm chỉ. Húp đồ ăn xì xụp và chép miệng bị cấm. Khạc đờm vào tro tàn trong lò than cũng bị cấm. Bà luôn nghĩ, nếu bao dung cho những hành vi như vậy thì sẽ sinh ra vô số tật xấu được ngụy biện là phóng khoáng.

Sự thay đổi của Yakichi trong mắt của những đứa con trai mang một sự thống khổ, ngu ngốc nào đó, là một sự thay đổi hoàn toàn vá víu, lộn xộn. Bộ dạng cao ngạo khi còn là nhân viên cao cấp của công ty Thương thuyền Kansai có vẻ đã quay trở lại, nhưng sự linh hoạt mang tính công việc đã mất hẳn, lão trở nên cực kì độc đoán. Điều này hoàn toàn giống như tiếng hét giận dữ của người nông dân khi đuổi theo bọn trộm rau.

Trong phòng tiếp khách rộng hai mươi chiếu có đặt một bức tượng bán thân của Yakichi, một bức chân dung sơn dầu được một danh họa nổi tiếng Kansai chấp bút treo trên tường. Tất cả đều lấy mẫu từ tấm ảnh của lão trong cuốn kỉ yếu dày bịch kỉ niệm 50 năm thành lập công ty cổ phần X. Đại Nhật Bản. Ngay trang đầu tiên trong cuốn sách đó, ảnh chân dung các đại giám đốc công ty được sắp xếp đều đặn.

Cảm giác vá víu lộn xộn mà đám con trai của Yakichi cảm thấy, chính là tư thế tạo dáng của bức tượng bán thân có vẻ ngoan cố một cách thừa thãi, sự khoa trương mang đầy tính xã giao vờ vịt đã ăn sâu bén rễ vào đầu óc của lão già nhà quê này. Những lời phỉ báng quân đội phát ra từ sự kiêu ngạo đầy mùi bùn đất trưởng giả của lão được lý giải thành sự chân thành của lòng yêu nước. Bởi thế lão được các thôn dân thêm tôn trọng bội phần.

Không thể chịu nổi cha mình như vậy, nhưng mỉa mai thay, trưởng nam Kensuke chính là người đầu tiên trở về ăn nhờ ở đậu lão Yakichi. Anh ta sống vô công rồi nghề, do bị hen suyễn mà được đặc cách miễn nghĩa vụ quân sự, nhưng biết mình nhiều khả năng không được miễn trưng dụng 4 liền vội vàng nhờ mối quan hệ của cha, xin trưng dụng về bưu điện làng Maiden. Sau khi cùng vợ chuyển nhà về làng, mâu thuẫn thỉnh thoảng lại xảy ra, Kensuke thường xuyên cự cãi sự độc đoán của người cha ngạo mạn. Về điểm đó anh ta phát huy trọn vẹn thiên tính thích giễu cợt của mình.

Khi chiến tranh bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, ba người làm vườn phải ra trận chẳng còn lại ai. Gia đình của một trong ba người đó ở Hiroshima đã cử người em trai mới tốt nghiệp tiểu học đến làm thế vị trí của anh mình ở nhà Sugimoto. Tên người em là Saburo. Cậu nghe theo lời mẹ trở thành một tín đồ Thiên Lý giáo, trong đại lễ tháng Tư và tháng Mười gặp lại mẹ ở trại huấn luyện của giáo hội Thiên Lý, cậu phải mặc một chiếc áo có in dòng chữ trắng “Thiên Lý giáo” ở trên lưng rồi hành hương đến “Thánh đường.”

...Etsuko đặt túi mua hàng lên bậc cửa, vừa nhìn chút nắng hoàng hôn lọt vào trong căn phòng vừa cố gắng để những người bên trong nghe thấy tiếng động. Thế nhưng lũ trẻ vẫn tiếp tục cười mà không hề dừng lại. Tiếng cười đó nghe giống hệt như tiếng khóc. Tiếng cười ấy làm rung động không gian tối tăm tịch mịch trong phòng. Asako đang nấu cơm cũng không dừng tay. Cô ta là vợ của cậu em út Yusuke, người vẫn ở Siberia chưa về. Vợ chồng Yusuke dẫn theo mấy đứa con đến ở đây từ mùa xuân năm Chiêu Hòa thứ 23, sau khi chồng mất thì Etsuko được Yakichi gọi về vào đúng một năm trước đó.

Etsuko đi về căn phòng rộng sáu chiếu của mình thì đột nhiên nhìn thấy bóng đèn ở cửa sổ nhỏ phía trên cửa lớn vẫn đang sáng. Cô nhớ là mình không hề quên tắt đèn.

Cửa kéo đang mở. Bên kia bàn, Yakichi say sưa đọc một cái gì đó, lão có vẻ sợ hãi, quay lại nhìn về phía con dâu. Thấy màu đỏ của bìa cuốn sách lộ ra dưới tay lão, Etsuko hiểu ngay ra là lão đang đọc nhật kí của mình.

“Con đã về rồi ạ.”

Etsuko nói bằng một âm điệu rất vui vẻ, dường như không quan tâm đến sự việc trước mắt nhưng thật ra khi chỉ có một mình, khuôn mặt cô giống như biến thành người khác. Động tác vẫn nhanh nhẹn như một cô con gái trong nhà. Người phụ nữ góa bụa này thường được khen là một người thành thực.

“Về rồi à? Muộn thế.” Yakichi chưa thể nói ra một cách thành thật rằng: “Sớm thế.”

“Đói bụng lắm rồi. Tay chân buồn bực chẳng có gì làm, mượn cuốn sách của con đọc.”

Lão đưa cuốn sách ra cho Etsuko xem, không biết lúc nào cuốn nhật kí đã biến thành cuốn tiểu thuyết. Đó là cuốn tiểu thuyết dịch được Kensuke cho mượn.

“Cái này với ta thật là khó, ta chẳng hiểu sách này viết gì cả.”

Lão mặc một chiếc quần cộc làm ruộng kiểu cũ, khoác ngoài chiếc áo sơ mi trắng kiểu nhà binh là chiếc áo ghi lê cũ. Bộ dạng này của Yakichi bao năm rồi không thay đổi nhiều. Bộ dạng khiêm nhường đến độ bỉ ổi này so với hình ảnh của lão trong thời gian chiến tranh, một hình ảnh mà Etsuko không biết, thì sự biến hóa quả là khó tin. Thêm nữa, thân thể suy yếu, ánh mắt vô lực, đôi môi có vẻ hợm hĩnh hơi mở ra một chút, khi nói chuyện thường nhễu nước bọt màu trắng, tích ở hai bên mép trông giống như một con ngựa.

“Chẳng còn quả bưởi nào ạ. Con đã tìm đến bỏng mắt mà cũng không có quả nào.”

“Thế à? Tiếc nhỉ?”

Etsuko ngồi xuống chiếu, tay lồng vào đai lưng. Đi bộ khiến thân thể nóng bừng bên trong chiếc đai như thể căn phòng đang giam hãm nhiệt độ. Cô cảm thấy ngực mình ướt đẫm mồ hôi. Mồ hôi vừa nhiều vừa lạnh toát giống như mồ hôi vẫn rịn ra lúc ngủ. Mùi mồ hôi vừa tỏa ra không gian xung quanh trôi nổi, bồng bềnh vừa khiến bản thân cảm thấy ớn lạnh.

Cô cảm thấy khó chịu như bị trói chặt. Khi cô ngồi xuống, cơ thể vô ý trở nên ngả ngớn. Bộ dạng trong một khoảnh khắc ấy, đối với người không quen biết, khó mà không để lại trong đầu họ một chút hiểu lầm. Yakichi bao nhiêu lần đã hiểu lầm điều đó thành gạ gẫm, nhưng rồi lão cũng hiểu, hành động đó của cô chỉ là vô thức do quá mệt mỏi mà thôi. Những lúc ấy, lão cũng phải tự kìm chế rất nhiều.

Cô ngả người, tháo tất. Trong tất dính bùn. Mặt sau tất ngả sang màu đen nhạt. Yakichi không tìm được lời nói nào thích hợp bèn cứ lấy việc đang xảy ra trước mắt mà nói.

“Tất bẩn quá rồi.”

“Vâng, đường sá tệ quá ạ.”

“Mưa lớn thế cơ mà. Phía Osaka chắc cũng mưa nhỉ?”

“Vâng, lúc con mua đồ ở Hankyu thì trời đổ mưa.”

Etsuko một lần nữa lại nổi lên ý nghĩ ấy. Tiếng mưa lớn đến nỗi như thể muốn làm tai điếc đặc, bầu trời đầy mây đen bị phong kín giống như thể cả thế giới đang chìm trong một không gian đầy mưa rơi.

Cô im lặng. Căn phòng của cô chỉ có thế này thôi. Trước mắt Yakichi, không ngại ngùng cứ thế mà thay đồ. Bởi vì điện không đủ mạnh nên đèn trong phòng rất tối. Trong lúc Yakichi im lặng, Etsuko cũng hành động trong im lặng. Tiếng rít khi cởi dải đai áo bằng lụa giống như tiếng kêu của một sinh vật sống.

Yakichi không chịu được sự im lặng này mãi. Sự im lặng này khiến lão cảm thấy Etsuko đang trách móc mình, bèn nhắc cô ăn cơm, sau đó quay trở lại căn phòng cách đó một dãy hành lang.

Etsuko vừa buộc chiếc đai áo Nagoya 5 vừa đi đến cạnh bàn. Một tay vòng ra phía sau ấn vào đai áo, một tay lật từng trang giấy trong cuốn nhật kí một cách đầy khinh bỉ. Trên môi nở một nụ cười bí hiểm.

“Bố à, chắc bố không biết đây chỉ là đồ giả thôi. Cuốn nhật kí này ai mà biết là đồ giả chứ nhỉ. Con người ta có thể làm giả cả trái tim mình bằng một vài mánh khóe, chắc không ai tưởng tượng ra được.”

Cô lật đúng đến trang của ngày hôm qua, cúi mặt xuống trang giấy đọc chăm chú.

Thứ Tư ngày 21 tháng Chín

Hôm nay là một ngày trôi qua trong vô sự. Một chút khó thở vì cái nóng còn sót lại cũng không có. Trong vườn tiếng côn trùng rỉ rả. Buổi sáng đến nơi cấp phát đồ dùng trong thôn để lấy một ít tương miso. Có đứa trẻ con ở đó bị viêm phổi, cuối cùng thì thuốc penicillin cũng đến kịp để cứu nó. Tuy là chuyện nhà người ta, nhưng tôi cũng thở phào nhẹ nhõm.

Ở quê như thế này, ai cũng cần một trái tim đơn thuần. Dường như tôi đã học được nhiều điều để trưởng thành hơn. Không có gì chán chường. Cũng không cảm thấy buồn tẻ. Thực sự là không buồn tẻ một chút nào. Đến lúc nông nhàn, cảm giác nghỉ xả hơi như một nông dân thật tốt. Sống trong sự bao bọc của bố, tôi cảm thấy như quay lại những năm tháng mười lăm, mười sáu tuổi.

Sống trên đời này, chỉ cần một trái tim đơn thuần và một tâm hồn mộc mạc là đủ. Ngoài ra thì chẳng cần gì khác nữa. Trong cuộc đời, để rèn luyện cơ thể thì cần phải lao động, cuộc sống thành thị giống như một cái ao tù, lòng dạ nhiều toan tính tù túng giống như cái ao ấy sẽ hủy hoại từng thứ một trong tâm hồn ta. Tay của tôi cũng nổi chai sạn rồi. Bố lúc nào cũng khen ngợi tôi, nói đây mới chính là đôi tay của con người. Tôi không còn tức giận và u sầu nữa. Đến mức những bất hạnh đã từng làm khổ tôi, cả việc chồng đã chết, những ngày này, chẳng còn làm khổ tôi được nữa. Những ngày mùa thu thật yên bình, cảm giác của tôi trở nên rộng rãi hơn, muốn hướng về tất cả bằng một trái tim biết ơn.

Về việc của S, người phụ nữ đó cũng có cảnh ngộ giống như tôi, nên tự nhiên trở thành bầu bạn. Người đó cũng mất chồng. Tôi có nhiều đồng cảm với người phụ nữ bất hạnh đó. Bởi vì S là một góa phụ mang trái tim đẹp đẽ, đơn thuần, chắc chắn trước sau gì cũng tái giá. Từ lâu rồi mong gặp gỡ, thong thả nói chuyện thế mà ngay cả ở Tokyo cũng như ở đây mãi mà vẫn chưa có cơ hội nào. Gửi cho tôi một lá thư cũng được, thế mà...

“Chữ cái đầu tiên giống nhau nhưng chỉ cần thay đổi giới tính sang phụ nữ thì không ai biết được. Cái tên bắt đầu bằng S quá phổ biến. Không có chứng cứ thì không việc gì phải sợ hãi. Cuốn nhật kí này đối với tôi cũng chỉ là đồ giả mà thôi, nhưng thành thực mà nói phàm là con người không thể nào trở nên giả dối hoàn toàn được...”

Khi viết ra những điều giả dối ấy, cô lần theo sự thành thật trong lòng mình, một lần nữa thử viết lại.

“Khi vừa viết lại thì nhận ra điều đó cũng không hẳn là thật lòng.”

Vừa biện bạch vừa viết lại.

Thứ Tư ngày 21 tháng Chín

Một ngày khổ sở. Tại sao lại có một ngày như thế này, chính bản thân tôi cũng cảm thấy thật kì quặc. Buổi sáng đến nơi cấp phát đồ dùng trong thôn để lấy tương miso. Có đứa trẻ ở đó bị viêm phổi, cuối cùng thì thuốc penicillin cũng đến kịp, có vẻ nó đã được cứu. Thật đáng tiếc! Giá mà đứa con của con mụ nói xấu sau lưng tôi chết đi thì tôi cũng được an ủi đôi phần.

Cuộc sống ở quê cần một trái tim đơn thuần. Thế mà những người trong nhà Sugimoto, bằng trái tim yếu đuối, hủ lậu, dễ bị tổn thương, chọn cuộc sống thôn dã từng ngày trôi qua một cách khổ sở. Tôi yêu những trái tim đơn thuần. Không có gì trong thế giới này đẹp như những linh hồn đơn thuần trú trong những cơ thể đơn thuần. Nhưng đứng trước vực sâu ngăn cách giữa trái tim mình và những trái tim ấy thì có thể làm gì được nhỉ? Khó khăn khổ sở không biết để đâu cho hết tới mức như nỗ lực đẽo gọt đồng xu đến khi mặt sau và mặt trước trở nên giống nhau. Phương pháp đơn giản nhất là đục một cái lỗ. Đó chính là tự sát.

Tôi thường quyết tâm đến thật gần họ giống như đánh cược bản thân. Đối tượng bỏ chạy. Họ chạy đến đâu cũng là bên phía vô hạn. Và cứ thế, tôi chỉ còn lại một mình trong sự chán chường.

Ngón tay của tôi đã chai sạn. Thật là một trò hề đần độn.

Những suy nghĩ bất cẩn này là một tín niệm của Etsuko. Để chân trần mà đi bộ thì chân sẽ bị xước. Để đi bộ thì cần có giày. Để sống tiếp thì cần có sự lầm tưởng rằng tất cả mọi thứ đều có thể. Etsuko vừa lật những trang giấy một cách hờ hững vừa lẩm bẩm trong lòng.

Dù thế thì tôi cũng hạnh phúc. Tôi thật sự hạnh phúc. Bất kỳ ai cũng không thể phủ định điều đó. Trước tiên là vì họ không có chứng cứ gì để phủ nhận hạnh phúc của tôi.

Cô lật trang giấy mờ tối về phía trước. Tiếp theo là đến một trang giấy trắng. Lại tiếp tục. Và đến cuối cùng, cuốn nhật kí đầy phúc lành của một năm kết thúc.

*

Bữa ăn của nhà Sugimoto có một thói quen kì lạ. Vợ chồng Kensuke sống ở tầng hai, một phần tầng dưới là của Asako và lũ trẻ, phần còn lại của Yakichi và Etsuko. Phòng của người giúp việc có Saburo và Miyo ở. Mỗi bữa nấu cơm, Miyo phải chia ra nấu bốn phần ăn, món ăn phụ cũng là bốn phần khác nhau. Bốn bữa ăn riêng biệt. Thói quen kì lạ này sinh ra từ sự ích kỉ của Yakichi, mỗi tháng lão cấp cho hai gia đình kia một ít tiền sinh hoạt phí, mặc cho họ tự xoay xở trong phạm vi món tiền đó. Lão nghĩ rằng mình không việc gì phải ăn phần ăn tiết kiệm giống như bọn họ. Từ sau khi Ryosuke chết, lão gọi Etsuko vốn đang không nơi nương tựa đến ở cùng chẳng qua chỉ là muốn cô sẽ trở thành người nấu ăn cho cả gia đình. Động cơ đơn giản chỉ có thế.

Hoa quả và rau củ thu hoạch xong, đồ ngon nhất Yakichi dành cho bản thân, còn lại sẽ chia cho các gia đình khác. Trong các loại hạt dẻ, loại hạt nhỏ là ngon nhất, chỉ mình lão được nhặt. Các gia đình khác không thể động vào. Riêng Etsuko được lão chia cho một ít.

Khi cho Etsuko nhận đặc quyền lớn như thế, bên trong con người Yakichi, bao nhiêu âm mưu đen tối đều hoạt động. Quyền nhận được những hạt dẻ ngon nhất, nho ngon nhất, hồng Fuyu ngon nhất, dâu tây ngon nhất, những quả đào trắng ngon nhất, vậy thì đổi lại Etsuko phải trả cho lão như thế nào mới xứng đáng đây?!

Etsuko đến, đặc quyền đó nhanh chóng trở thành mục tiêu cho hai gia đình kia ghen ghét, đố kị. Lòng đố kị, ghen ghét đẻ ra những suy đoán ác ý. Và những lời nói xấu rất có lý ấy gây ra một loại ám thị, có vẻ chi phối hành động của Yakichi. Thế mà kết quả sự việc lại chứng minh một cách rất thuyết phục những suy đoán đó, khiến ngay cả chính những người đã từng suy đoán cũng khó mà tin được.

Người đàn bà có chồng chết chưa đầy một năm, chưa gì mà đã ngã vào tay bố chồng ư? Người phụ nữ vẫn còn trẻ như thế, tái hôn cũng phải suy nghĩ kĩ càng, tại sao chỉ vì nông nổi mà làm ra hành động giống như chôn vùi nửa đời còn lại của mình như vậy nhỉ? Ngã vào tay một lão già đã sắp hết đời như thế?! Người phụ nữ không nơi nương tựa làm tất cả vì miếng ăn không phải là việc phổ biến gần đây hay sao?

Do những lời ong tiếng ve ấy mà xung quanh Etsuko, một hàng rào đầy sự tò mò được dựng lên. Etsuko ở bên trong hàng rào ấy, chán chường, ủ rũ, giống như một con chim không biết bay, cả ngày vừa đi đi lại lại bằng bộ dạng thảm thương vừa phớt lờ con mắt người khác nhìn mình.

Kensuke và vợ, Chieko ăn tối ở tầng hai. Chieko kết hôn do đồng cảm với người chồng theo chủ nghĩa thuận theo tự nhiên, họ cùng suy nghĩ rằng kết hôn là con đường tự tại cho bản thân được tự nhiên định sẵn, nên dù Kensuke là người cực kì vô dụng, Chieko cũng chưa từng cảm thấy vỡ mộng về cuộc sống hôn nhân của mình. Thanh niên và thiếu nữ luống tuổi yêu văn chương kết hôn bằng tín niệm: hành động ngu xuẩn nhất trong cuộc đời này chính là kết hôn. Vì vậy mà cho đến bây giờ, hai người này vẫn hay ngồi ở cửa sổ tầng hai ngâm nga thơ của Baudelaire.

“Bố cũng thật đáng thương, đến tuổi này rồi mà trong lòng không ngừng gieo xuống hạt giống phiền não,” Kensuke nói. “Vừa nãy, anh đứng trước phòng của Etsuko, rõ ràng là vắng nhà thế mà đèn lại sáng. Anh thử rón rén bước vào xem sao, thế nào mà thấy bố đang chăm chú đọc trộm nhật kí của Etsuko, đến mức anh đứng ngay phía sau mà cũng không nhận ra. Bởi vì anh lên tiếng nên bố giật mình bật dậy. Sau đó bố lại làm bộ mặt nghiêm túc, lườm anh một cái. Nói đến bộ mặt đáng sợ, khuôn mặt lúc nổi giận của bố thực là đáng sợ, anh nhớ hồi nhỏ đã từng nhìn thấy. Bởi vậy mà bố đã nói như thế này với anh: ‘Nếu việc này mà đến tai Etsuko thì vợ chồng mày cũng cuốn gói ra khỏi nhà này cho tao.’”

“Bố lo lắng điều gì mà đến mức phải xem trộm nhật kí của Etsuko nhỉ?”

“Anh cảm thấy gần đây không hiểu tại sao tinh thần của Etsuko có chút không ổn định. Có lẽ bố cho rằng Etsuko đã phải lòng Saburo hay sao ấy, anh để ý thấy thế. Người phụ nữ khôn ngoan như thế, không thể để nhật kí hớ hênh vậy được?”

“Saburo cái gì chứ, em không thể tin được việc đấy đâu. Nhưng mà em lúc nào cũng kính phục sự thấu hiểu của anh nên cứ để việc đó ở đấy xem xét thêm đã. Etsuko cũng là người mập mờ, việc muốn nói thì nói, việc muốn làm thì làm, dù sao chúng ta cũng ủng hộ, ngay cả người đó cũng trở nên thoải mái.”

“Không như em nói thì mới thú vị đấy, chẳng phải từ sau khi Etsuko đến bố cũng trở nên mất hết ý chí hay sao?”

“Không phải thế, tâm trạng bố không tốt kể từ sau cải cách ruộng đất 6 .”

“Nói thế cũng đúng. Vì bố là con trai nhà tá điền, từ sau khi nhận ra mình đang sở hữu đất đai thì trở nên kiêu căng như một anh lính quèn được thăng chức hạ sĩ quan. Bằng sự kiêu hãnh ấy, bố khoe khoang giáo huấn mọi người rằng việc sở hữu đất đai cũng khó khăn như việc ba mươi mấy năm làm ở công ty vận tải đường thủy đã thăng lên đến chức giám đốc như thế nào. Lấy việc phải đổ mồ hôi sôi nước mắt để trang trí cho quá trình đó cũng là một cách tiêu khiển của bố nhỉ? Lúc chiến tranh, tinh thần của bố rất tốt, nói chuyện phiếm về Tojo 7 cứ như nói về chuyện của một người bạn cũ trong công ty vậy. Một nhân viên bưu điện như anh luôn cung kính lắng nghe điều đó. Chà, bố không phải là người chủ đất luôn vắng mặt trên mảnh đất của mình nhưng việc cái tay tá điền Okura đó trở thành chủ đất vì mua được miếng đất giá rẻ bèo là một cú sốc lớn với bố. Câu nói: Nếu thế thì bố không phải làm việc quần quật trong sáu mươi năm làm gì, từ đó trở thành câu cửa miệng của bố. Chẳng hiểu sao một lũ chủ đất đến đông như kiến, lẽ sống của bố giống như mất sạch ấy nhỉ 8 . Trong lúc bố cực kì buồn bã, cảm giác thật kinh khủng khi cho rằng mình là vật hi sinh cho thời thế. Trong lúc tinh thần chán nản như thế thì nghe được lệnh bắt tội phạm chiến tranh dẫn giải về Sugamo,nhìn bố trẻ ra bao nhiêu.”

“Nói gì thì nói, Etsuko cũng hầu như không biết sự độc đoán của bố, vậy lại vui vẻ. Cô ta lúc thì cực kì ủ dột, lúc thì cực kì rạng rỡ, là người có cảm xúc khá lộn xộn. Ngoài chuyện của Saburo thì việc chưa hết tang chồng đã thành tình nhân của bố chồng, nghĩ thế nào cũng không thể hiểu nổi.”

“Không phải thế đâu, chỉ là một người phụ nữ yếu đuối, đơn thuần một cách bất ngờ. Người phụ nữ giống như cây liễu không thể bay ngược gió, giữ gìn sự đoan chính của mình một cách thiếu thận trọng, không hiểu từ bao giờ đã nhầm lẫn đối tượng. Bị thổi bay trong cơn gió đầy bụi bặm, nhận nhầm người đàn ông khác là chồng mình.”

Kensuke là người theo chủ nghĩa hoài nghi không có mối liên hệ nào với thuyết bất khả tri, luôn tự mãn với những lời giải thích ra vẻ cực kì hiểu đời của mình.

Ba gia đình trải qua buổi tối một cách lạnh nhạt. Asako vướng bận lũ con, phải nằm cạnh để dỗ con ngủ sớm nên cũng ngủ luôn.

Vợ chồng Kensuke ở tầng hai không xuống dưới. Từ khung cửa kính ở tầng hai có thể nhìn thấy phía xa xa, nơi những con dốc thoải rải rác ánh đèn từ khu nhà ở xã hội. Từ chỗ đó là ruộng lúa nhìn như một vùng biển mênh mông tối om, những ánh đèn nhìn như ánh sáng của một thị trấn bên bờ hòn đảo, sự thịnh vượng uy nghi của thị trấn đó dường như đã thành vĩnh cửu. Trong thị trấn, một nghi thức tôn giáo diễn ra trong tĩnh lặng. Những người bất động như đang nhập định dưới ánh đèn, trong lúc im lặng, bằng sự cẩn trọng, điềm tĩnh, cách giết người tốn rất nhiều thời gian ấy cứ từ từ diễn ra. Dù biết rõ rằng cuộc sống ở đó còn đơn điệu hơn, nghèo nàn hơn ở đây, thế mà mỗi khi nhìn vào nơi có ánh đèn của khu nhà ở xã hội, trong lòng Etsuko chưa bao giờ chán ghét. Chỗ ánh sáng dày đặc giống như những bầy côn trùng xúm xít bên khúc gỗ mục, khe khẽ nghỉ ngơi.

Thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng còi tàu tuyến Hankyu văng vẳng gần xa trong buổi đêm thôn dã. Lúc này, những con tàu giống như lũ chim đêm vì lý do nào đó được phóng sinh quá nhiều, với thân hình mảnh dẻ cất tiếng kêu hung bạo phi về tổ của mình bằng tốc độ phi thường. Tiếng còi tàu rung động màn đêm. Giật mình vì âm thanh đó, ngẩng lên nhìn bầu trời, le lói một ánh chớp xa xăm mơ hồ quét màu xanh lên một góc trời đêm rồi biến mất. Mùa này thời tiết lúc nào cũng thế.

Từ lúc ăn cơm xong cho đến khi đi ngủ, không ai đến chỗ của Etsuko và Yakichi chơi. Trước đây để giết thời gian, Kensuke thỉnh thoảng đến nói chuyện phiếm, Asako cũng hay dẫn lũ con đến. Những lúc như thế, mọi người tập trung lại cùng nhau trải qua một buổi tối náo nhiệt. Nhưng dần dần Yakichi trở nên khó chịu ra mặt nên không ai đến nữa. Yakichi không muốn bất cứ người nào cản trở khoảng thời gian ở cùng Etsuko.

Tuy nói thế nhưng trong những lúc ấy cũng không hẳn là làm gì. Thỉnh thoảng chơi cờ vây cả tối. Etsuko biết chơi cờ vây cũng là do Yakichi dạy. Ngoài việc này, Yakichi chẳng biết trò nào khác để có thể ba hoa dạy dỗ cho một phụ nữ trẻ tuổi. Đêm nay hai người cũng ngồi bên bàn cờ.

Vì thích cảm giác quân cờ bằng đá nặng nề vướng vào móng tay nên Etsuko đảo tay liên tục trong bát đựng cờ, mắt như bị nhập hồn, nhìn chằm chằm lên bàn cờ. Nhìn qua thì có vẻ như đang tập trung với một hứng thú kì lạ nhưng thực ra cô đang nhìn vào những chỗ giao nhau rất chính xác của các đường kẻ đen và bị sự chính xác vô nghĩa ấy làm cho say đắm. Yakichi cũng nghi ngờ rằng: Liệu Etsuko có phải thật sự say mê cờ vây đến vậy không? Trước mặt lão không ngại ngùng gì, đắm chìm trong sự yêu thích ấy, khuôn miệng mỏng khẽ mở, xanh xao đến mức có thể nhìn thấy cả hàm răng trắng sáng.

Quân cờ đá của cô đặt lên bàn cờ liền phát ra âm thanh giống hệt tiếng đập vào một con chó săn đang trong thế tấn công dữ dội. Những lúc đó, Yakichi cảm thấy có chút nghi ngờ, vừa lén nhìn gương mặt con dâu vừa nhẹ nhàng làm ra vẻ hòa hoãn như một cử chỉ dạy dỗ.

“Khí thế lớn nhỉ, giống hệt như trận quyết đấu của Miyamoto Musashi với Sasaki Kojiro 9 ở đảo Ganryo.”

Hành lang sau lưng Etsuko có tiếng bước chân nặng nề. Không nhẹ nhàng như tiếng bước chân của phụ nữ, cũng không trầm đục như tiếng bước chân của đàn ông trung niên, mỗi bước chân đều mang theo sức nặng của sự trẻ trung và nồng nhiệt. Tiếng cót két khi bước chân dẫm lên sàn cầu thang cứ như tiếng rên rỉ, đôi khi giống tiếng la hét.

Ngón tay đang chuẩn bị hạ cờ của Etsuko dừng lại. Nói đúng ra ngón tay của cô khó khăn lắm mới được quân cờ níu lại. Cô buộc phải đặt trọn ngón tay đang run rẩy cứ như không phải của mình lên quân cờ, nhờ đó mà che đậy được suy nghĩ. Việc đặt quân cờ xuống không khó khăn, khó khăn chính là không thể để bố chồng nghi ngờ những suy nghĩ không thích hợp này.

Từ vách ngăn, Saburo trong tư thế quỳ gối, chỉ ló gương mặt vào nói với Etsuko.

“Chúc cô ngủ ngon ạ.”

“A...”

Yakichi cúi đầu lảng tránh, vừa đặt quân cờ xuống vừa trả lời. Etsuko nhìn đôi bàn tay vừa thô ráp, gân guốc, vừa già cỗi vừa xấu xí ấy. Cô không trả lời Saburo. Saburo cũng không quay lại nhìn cô, cứ thế đóng cửa lại. Tiếng bước chân đi về phía gian phòng ngủ ba chiếu ở hướng tây đối diện với phòng của Miyo.

Chương 1

Tiến >>


Nguồn: TVE 4U
Được bạn: Mot Sach đưa lên
vào ngày: 13 tháng 1 năm 2025